Hành trình đến Tương Lai…

Hành trình đến Tương Lai…

ĐI ĐẾN TƯƠNG LAI TƯƠI SÁNG LÀ CÁCH ĐI CỦA CON NGƯỜI VĂN MINH
Hành trình đời sống con người là về Tương lai ! Đúng rồi ! Nhưng không ít người tuổi mới gần trung niên trở lên, theo cách tôi gọi là ‘đi giật lùi về tương lai ‘ ! Nghĩa là : lưng hướng về tương lai, được bước nào hay bước ấy. Mặt quay về quá khứ nước mắt lã chã buồn thương, lấy quá khứ làm chuẩn, đem theo quan niệm cũ, nuối tiếc cảnh ngày xưa, hoài niệm chút công quả thời thanh niên…càng già mắt càng viễn nên nhìn càng xa, nhớ càng sâu những giai đoạn thơ bé…Trong khi đoạn đường phải bước tiếp như thế nào thì không hay, chỉ tự đắc rằng đến hiện tại mà chưa ngã, gom được chút hư danh, nhặt được vài điều may mắn, thủ túi được cục lương khô…. Người với cách đi như thế hay thích nghỉ giữa chừng, muốn bịt tai không nghe điều ai đó cảnh báo về ngày mai, khó chịu về sự thay đổi, cực ghét đứa không đề cao mình… bởi chính cách đi giật lùi thế không thấy ai hơn mình cả, chỉ toàn thấy kẻ đi sau mình mà thôi … Kinh nghiệm chủ nghĩa, nhìn quanh quẩn gần những bước chân vừa mới qua : chuồn chuồn bay thấp thì mưa… nhiều tuổi rồi mà vẫn sướt mướt : ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa , miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương… Mê đắm cái cảnh nghỉ ngơi được ngủ trưa dưới bụi tre trong tiếng bà ru… chuyện hay nhất thì luôn có câu : các cụ ngày xưa á…với dăm cái tích hư hư cấu cấu…kể mãi! Thành tựu cuộc đời lớn nhất kiểu ông TĐKvới tập thơ ‘từ góc sân nhà em’ ! Chỉ thế và dừng lại khi mới 13 tuổi ! Ngồi hàn huyên với nhau, gần như không có chuyện hay gì về dự định tương lai, mà ngặt nghẹo trong bia rượu … rặt là ngày xưa họ nhà tao á, ngày xưa bố mẹ tao á, ngày xưa tao á….ngày xưa cái đứa í á…. Chính vì thế mà ông nói tự ông say, bà nói bà tự sướng…không kiểm định được, nhưng um tí tỏi… Bọn trẻ con quanh quẩn sống bên cái không khí ấy của người lớn vì thế chả cần nghĩ đến ngày mai….Xưa thì chỉ chơi với con quay cái khăng, nay thì thu mình vào 1 góc chát chít với ai vừa đã quen, với điều vừa mới thấy…bất quá tối về gật gà mở cái bài tập thày cô cho từ ban sáng cố làm cho hết cái việc phải nhẽ trong ngày !
Ngay cả nhiều người có trách nhiệm dẫn dắt nhiều người khác đến ngày mai, lớn hơn là những ‘ông kễnh cộp’ có sứ mệnh kiến tạo tương lai cho cả cộng đồng… thực ra họ cũng chứa đầy ‘tâm hồn và cách thức’ như trên… để rồi hiện tại mỗi ngày chỉ là sa vào giải những bài toán, vấn đề do quá khứ của ai đó để lại hay của chính họ gây ra, lưu cữu …được gọi mĩ miều là dự án, chương trình tái cơ cấu, đổi mới này nọ….với năng lực ‘kèm nhèm bói toán’ , cố đội cái mũ quá khứ, bán tháo cái giá trị còn lại của hiện tại, ăn vay qua đêm tiền của Tương lai! Mà giả dụ, trong số họ ai có cố quay mặt về con đường phía trước chăng nữa thì do cả thân thể họ với quán tính, thói quen, ràng buộc, hậu quả, lại đìu ríu bao kẻ khác đang theo lề lối quá khứ….nên cũng chỉ hời hợt được một lúc mà thôi chỉ để thấy : đại để là, dường như thế, phải chăng hư, có thể rằng… Cái sự ngao đây du đó chỉ thực là cố thỏa mãn hưởng thụ cá nhân cái con người quá khứ nghèo hèn của họ ! Cái đầu thông minh được học cao của nhiều người họ thực mới dừng ở chẻ chữ, tưởng tượng, suy đoán với cái ‘thuyết nhất mẹ nhì Giời’ của chính họ thôi …thế mà đi hoạch định những bài toán tương lai xã hội phức tạp bởi chứa đựng quá nhiều thông số phi tuyến, yếu tố khác mà họ chưa bao giờ thực biết thấu tỏ, có gốc có ngọn …
Một chân lý giản dị : Muốn đi đến tương lai với tư cách con người văn minh, lại làm việc lớn xã hội nữa thì phải hiện thực được tri thức : ‘nhìn cây thấy rừng, nhìn rừng thấy cây…trong quy luật chung, lớn lao của môi trường’ ! Hình dung được , cảm nhận được tương lai phía trước trên con đường vô cùng đa dạng có vách cao và vực thẳm…. Chúng ta hãy xem chiếc ô tô chở khách lao nhanh về phía trước….Nó cần là chiếc xe tốt ( chi phí thấp, tin cậy cao, không mang theo nặng vấn đề xấu của quá khứ ), được hỗ trợ bằng phương thức quan sát đánh giá bên ngoài như VOV giao thông, của GPS … vừa đủ rộng, vừa chi tiết về con đường nó sẽ đi và đến….Nhu cầu biết rõ tương lai giống như vậy ! Và người lái xe phải chuyên chú, không thể mơ ngủ , say sưa nhâm nhi cái quá khứ vừa lăn qua. Người lái xe phải học hành chuẩn mực ! Càng đúng thế nếu ô tô càng hiện đại và đoàn khách càng đông, rất quan trọng với dự định tương lai của chính họ sẽ phải làm tiếp, sau bến xe họ sẽ xuống… Vậy thử hỏi những người đang lái chiếc xe của tổ chức, của xã hội có được như thế không ? Hay là chính họ chỉ mới hư học ‘kiểu trường làng’, chữ tác xiên chữ tộ, truyền tay nhau cách lái xe ‘công nông cởi truồng’ , chuyên chở gạch và chở gà vịt lậu, thói quen luồn lách đi ngang về tắt, tình cảm anh em con cô con bác chín bỏ làm mười, lối làm ăn đến đâu biết đến đó, sống được chăng hay chớ….túng tiền đói bụng vặt đèn tháo phanh ra bán ăn trên đường….
Để đi đến tương lai phải là sự gột xác, sửa tâm, nâng tầm, khai trí, mở tình…về Nhân sinh quan để hướng tới ánh sáng của Thế giới quan tươi đẹp… Nên phải cắt / loại / bỏ 5 M
– MURA : Không thể bằng một hệ thống tồi với từng cá thể chứa đầy những nhược điểm, điều lãng phí, cái gây hư hao, tổn thất nội lực…cho được
– MULI :không thể đến viễn cảnh tươi sáng, bằng an, hạnh phúc, thành đạt nếu lối sống, hành động, làm việc, cư xử sai quy luật thì toàn là những nghịch lý , vô đạo
– MUDA: mọi sự phải trong sự tiên liệu được để thanh thoát nhẹ mình và hệ thống trôi chảy thuận lợi, nếu không sẽ xảy ra những điều bất ổn, bất trắc, bất lường
– MUEI : những điều bất minh, môi trường tăm tối, mọi sự tù mù, bất định trong các quan hệ, đối xử và việc làm ….chẳng xác tín được điều gì chỉ thêm rối loạn
– MUGI : chân kiến mà bị ám muội, đội trên đầu những giáo lý xiết chặt như vòng kim cô, vướng vào những giáo điều cực đoan, theo đuổi những ảo ảnh….thì sẽ ghét nhau tương tàn…
Vì thế tôi ngẫm nghĩ :
– Không đi đến tương lai tươi sáng sẽ gật gù góc tối hút thuốc phiện gậm nhấm quá khứ
– Không có được cách thức phát triển sẽ sa vào cách hủ bại kinh khiếp hơn ngày xưa
– Không biết được ngày mai ra sao thì hôm nay không biết nên làm gì có ý nghĩa
– Không thể nhìn thẳng và xa về phía trước thì tụm lại bầy đàn cãi nhau tranh khôn
– Không làm ra được giá trị gì thực cho đời sau thì ăn mày quá khứ, ăn cắp đồ thờ
Còn một hệ quả đáng suy nghĩ của người không thể hành trình đến tương lai bằng chân giá trị, có thành quả thực cống hiến cho xã hội mai sau, nên cái đích phấn đấu cuộc đời là sổ hưu và thích bảo tồn thứ văn hóa ‘sống lâu lên lão làng, chết muốn làm ma làng ’ để dựa vào đó mong tiếp tồn tại. Văn hóa đó là : có người khi sống thì chả ra sao về già nghiễm nhiên được cháu con kính trọng. Có người hay ho nhưng khi sống chả được coi trọng, thế mà lúc đã chết rồi được bày đặt thờ cúng, cải mộ, đơm đặt thêm nhiễu điều gọi hồn vọng linh màu sắc mê hoặc lắm…. Thực ra là một cách sống mà người còn sống bị ám bởi quá khứ, rồi chính người đã chết lại ám tương lai của những người còn sống khác !

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.