Bàn về Đúng / Sai và Thắng / Thua
……..
Đó là những khái niệm tương đối, trong từng hoàn cảnh, đối tượng, văn hoá, phương thức, trong không gian / thời gian xã hội khác nhau.
Ở một số Nước đi bên phải đường là Đúng, ở nhiều Nước còn lại thì đi bên trái đường! Ở Bắc Triều Tiên không yêu ông Un đã đắc tội nghiêm trọng, nghe đài phương Tây là hoạ. Còn ở Mĩ xin cứ tự nhiên không ai kết luận Đúng / Sai và chẳng Thắng / Thua gì xảy ra cả . Đảng cs coi Tư bản là tự Thua mà giãy chết còn tư tưởng Mac Lê ắt Thắng thế trên toàn cầu. Rõ là chẳng Đúng, nhưng phê nó là sợ Sai.
Phương Tây nam nữ thanh niên thụ thân trước hôn nhân chẳng Sai, ở xứ Ta trước đây ai dám thế bị coi vô phúc! Xã hội theo đạo Hồi, lấy 4 vợ vẫn là Đúng, không lấy vợ cũng chẳng Sai! Nhưng Vua xưa kia ở Nước nào cũng vậy: không lấy vợ lại là nguy! Nhiều ý muốn thay đổi, thậm chí cải hoá tập quán muôn dân thấy Đúng, nhưng có khi Thua thế lực Vương gia….
Mong muốn phát triển kinh tế là Đúng, nhưng phá rừng nguyên sinh, cố đem cây cao su về trồng bạt ngàn vào đó là đại Sai, nhưng cách đó có thể chấp nhận được ở một số vùng rừng tái sinh Tây Nguyên. Trước kia làm kinh tế thị trường bị coi là Sai, nay thế là Đúng nhưng không cẩn thận Thua trắng lưng
Người đi xe máy đằng sau va vào người đi trước, dù đang đi Đúng, nhưng xảy ra thế là Sai, người đi trước ( giả sử cũng Đúng ) không mặc nhiên đã Thắng. Cách xử sự chửi bới cuồng nộ của người đằng trước không cẩn thận rất sai mà gây ẩu đả. Anh công an đưa hai người về đồn là Đúng, nhưng vì điều gì để họ tố mình Sai thế là bị kỷ luật
Trung Quốc ỷ kinh tế quốc phòng mạnh thực hiện mọi cách ‘liếm’ hết biển Đông, hẳn nhiên họ phải cố tìm dựa vào lý ‘Đúng’ nào đó để hô hoán rằng ‘có bằng chứng không thể chối cãi’ nhưng họ đã bộc lộ rất nhiều điểm Sai , nên không thể giúp họ Thắng cho được ! Các Nước nhỏ còn lại cố gắng không Sai để tránh Thua.
Trong giới làm ăn nhiều khi vì Đúng mà Thua, kẻ làm Sai được nhiều mà thành Thắng trong nhiều việc còn lại. Có kẻ xấu thao túng cái Sai của người khác để mưu Thắng cho nó. Giả sử những cái Sai phải bị tử hình thì Nhà nước không hề vui với cái Thắng của mình trong việc đó
Có Nước, trẻ con đi học phải làm bài Đúng với điều được dạy và đáp án của thày cô ( nên phần lớn khá giỏi ) mà lớn lên mắc đầy cái Sai trong ứng xử, làm việc, thái độ sống, phương pháp quản trị… Một kẻ trung niên được truyền thông gọi là ‘quý ông’ dừng xe đái bậy giữa ban ngày trên đường Thủ đô, mà công an và dư luận không biết xử lý cái Đúng Sai như thế nào, chắc là văn hiến và văn minh Thủ đô Thua, nhưng ai Thắng ở đây?
Bà Thủ tướng Đức Mekel rộng tâm mở lối cho người tị nạn được vào cư trú tại Đức ( khó ai phê phán được là Sai ) , nhưng hành xử của nhiều kẻ Sai trong giao thừa Bolonhơ khiến bà dễ bị Thua trong nhiệm kỳ tới, nhưng không hẳn cộng đồng đang tị nạn ắt phải Thua. Stalin từng ban bố những mệnh lệnh tàn khốc cực Sai về tính nhân đạo ở Liên Xô khi chiến tranh nhưng giành được Thắng vĩ đại Phatxit
……
Ví dụ nhiều vô kể….
Triết lý của kẻ ghê gớm ( ví như kẻ xâm lược / maphia / cường hào ) là : đã mưu cầu Thắng cần gì đến Đúng / Sai. Thua làm giặc
. Những người thấp cổ bé họng, trí đoản năng hèn thường bị theo lẽ Đúng / Sai của kẻ mạnh mà sa vào cuộc Thắng / Thua của nó
Nên, các Trí Giả khuyên:
. Đúng phải là cốt lõi / xuyên suốt / nhất quán của Lẽ Phải : được thừa nhận ở mọi nơi mọi lúc, nhân bản được, lan toả được, trọng tài cho Thắng / Thua thậm chí hoá giải được Thắng / Thua
. Sai là quay lưng thậm chí xung đột với Đúng. Đừng tiếp tục! Nếu đã Sai không nên cố từ nó giành Thắng, tìm đến từng điều Đúng để dừng và giảm Sai, đỡ bị Thua đau đớn sau này
Nhưng vẫn trong cái vỏ của 4 khái niệm được cơi nới rộng ra mà thôi!
….
Hơn thế….
Để thoát khỏi cái nghĩa tương đối của Đúng / Sai và Thắng / Thua nêu trên thì người ta phải đi đến được, sở hữu được, thực hành được những khái niệm có giá trị phổ quát toàn thể. Vì thế xưa kia Trang Tử nói hành động chẳng nên theo cái lẽ Đúng / Sai của kẻ khác, đừng sa vào cái mưu Thắng / Thua của kẻ khác. Học trò hoang mang hỏi lại Thày: vậy rốt cuộc nên thế nào? Trang Tử kế tục Đạo Đức Kinh của Lão Tử mà rằng : chỉ có Đạo Đức mới hanh thông, an lành, phúc quả!
Đạo là học hỏi phát hiện ra được trong Tạo hoá…các Quy luật ( Huệ Năng là vậy ) : có lực hướng tâm thì cũng có lực ly tâm, khi nào nước dập được lửa và khi nào làm lửa to hơn….nhiều chân như Rết hay không chân như Rắn đều di chuyển được. Thắng / Thua theo nghĩa vận hành Đúng / Sai theo Quy luật mà thôi: hoặc được Quy luật ủng hộ ( Trời độ trì ), hoặc bị Quy luật dập vùi ( Trời không dung ) .
Đức là con người sáng tạo nghĩ ra Quy tắc ( Trí Năng là vậy ) vận hành như thế nào, có phương pháp ứng dụng nổi được các Quy luật không, liệu hành xử được tự nhiên như nhiên như Rắn thoăn thoắt mà không cần nghĩ, Rết chẳng mưu cầu phải thêm chân. Chiếc thuyền giấy gấp chỉ nổi lào phào trong ao phẳng lặng, nhưng con tàu sắt lớn lướt nhanh trên sông lại vượt qua được cả biển khơi gió bão….đều hanh thông …
Đúng / Sai theo Đạo Đức. Được thế khỏi cần Thắng / Thua…. Sẽ không còn cái vỏ tương đối của nó nữa!
….
Từ đó, mọi người – các chính khách, nhà quản lý, những trí thức, mỗi người dân tự vấn :
. Ta làm điều gì ở đây, lúc này cho là Đúng thì trong hoàn cảnh khác, không thời gian khác, với đối tượng khác còn Đúng nữa không? Có lâu bền không? Không làm ai phải Sai hay bị Thua chứ ? Có làm tăng giá trị của Ta không
. Ta được Thắng ai, bởi điều gì, có phải dựa trên cái Sai nào không ? Trong đó chính Ta có bị tự Thua mình điều gì không? Kẻ Thua có để ta yên sau này không? Sau đó ta có phải ‘chiến những trận’ ghê hơn không ?
Chỉ sợ Nó Sai mà chẳng Ai Đúng
Tuy rằng có Đúng mà vẫn bị Thua
Đạo Đức lên ngôi chẳng còn Thua Thắng
Đúng Sai vô chấp bỏ lại Thắng Thua
NGƯỜI CÓ TẦM CỠ THOÁT RA, VƯỢT LÊN ĐƯỠC TÍNH TƯƠNG ĐỐI CỦA 4 KHÁI NIỆM TRÊN LÀ THÁNH NHÂN! NHƯNG AI CŨNG MUỐN HỌC, MUỐN BÁI, MUỐN CẦU THÁNH NHÂN VÌ THẾ
Bài viết của Thày Thịnh được Cố Bs Nhân tử Nguyễn Văn Thọ đúc kết như sau:
1. Người đời thấy ĐẸP biết khen,
Thế là cái XẤU đã chen vào rồi.
Điều HAY đã rõ khúc nhôi,
Thời đà dang DỞ lôi thôi sinh dần.
Mới hay: KHÔNG CÓ chuyển vần,
DỄ sinh ra KHÓ, VẮN nhân thành DÀI.
THẤP CAO tùy ngó NGƯỢC XUÔI,
Tiếng ca, TRẦM BỔNG, dòng đời TRƯỚC SAU.
2. Thánh nhân khinh khoát tầng cao,
Vô vi, thầm lặng, tiêu hao dạy đời.
3. Kìa xem muôn vật thảnh thơi,
Im lìm sinh hoạt, một lời cũng không.
Ngày đêm làm chẳng kể công,
Công thành phơi phới, tuyệt không bận lòng.
4. Không nấn ná lúc thành công,
Cho nên tồn tại mãi cùng thiên thu./.
…..
Lão Tử cho ta thấy một cái nhìn bao quát về thế giới tương đối biến thiên, đầy mâu thuẫn, và cho rằng những mâu thuẫn ấy đều là tương đối, giả tạo đối với một nhà đạo học.
Theo Lão tử trong cái hay có cái dở, trong cái dở lại có cái hay. Vả lại, «Thiện ác cũng chẳng khác nhau là bao nhiêu.»
Tại sao vậy? Bởi vì vạn vật ảo hóa biến thiên. Nếu ta tách mọi sự ra khỏi vòng biến dịch, ta sẽ thấy xấu tốt khác nhau. Nhưng nếu ta lồng mọi sự vào vòng biến chuyển, ta sẽ thấy thiện cũng như ác, đẹp cũng như xấu, không có gì là cố định.
Héraclite cũng đã viết: «Trong chu kỳ biến hóa, sống chết đắp đổi nhau. Tiên tục, tục tiên; tục sống thời tiên chết, tục chết thời tiên sống.» «Sống hay chết, thức hay ngủ, trẻ hay già chỉ là một, vì sự biến hóa, cái này sẽ thành cái kia, cái kia sẽ thành cái nọ. [… ] Nhất tán thời thành vạn, vạn tụ thời thành nhất.» Kinh nghiệm cũng cho chúng ta thấy rằng: Sự thiện ác theo đà thời gian, theo trào lưu lịch sử cũng đã luôn luôn thay đổi bộ mặt.
…..
(Nguồn nhantu.net).