LIỆU CÓ NÊN ‘LUẬT ĐẶC KHU KINH TẾ’ ?

Nguyễn Tất Thịnh

CUỘC SỐNG TỐT ĐẸP LÀ MỌI NGƯỜI ĐƯỢC BÌNH ĐẲNG VÀ BÌNH THƯỜNG
Hỏi :
Ông nghĩ gì về chủ trương của Nhà nước VN xây dựng 3 ĐKKTTrả lời :
Trong một thể chế chính trị kinh tế xã hội thực sự có ý nghĩa công bằng và bền vững thì Nhà nước cần đối xử bình đẳng và đi đến ứng xử bình thường hoá với mọi thực thể kinh tế và khu vực địa lý. Thực tế tồn tại lúc này nơi kia những đặc thù ( …. ) mà Nhà nước cân nhắc cần có những chính sách ưu tiên, hoặc đặc biệt nào đó. Tuy nhiên chuyện như thế cũng cần có những tiêu chí thích đáng, khu trú trong những điều kiện xác định , và chỉ nên tạm thời ở không gian xã hội hạn chế, với khoảng thời gian ngắn thôi. Nếu không thì lại dẫn đến thiên lệch, gây ra những hiện tượng đầu cơ chính sách, làm sự đầu tư bị cực đoan hoá về các ngành nghề và nguồn lực giữa các địa phương.

Ngay thời điểm này thôi chúng ta đã thấy ‘chưa dọn được chỗ mời Đại Bàng đến mà chim quạ đã ào ào bới chiếm ổ’ . Các chuyên gia và truyền thông đã cảnh báo về thực trạng ‘băm nát Phú Quốc’ . Điều đó cho thấy tầm vóc tư duy và trình độ quản lý Nhà nước chưa được chuẩn bị ngang tầm một công trình hay cơ hội mới và kiến tạo ĐKKT ở quy mô 3 địa phương ( Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc ) ! Nó dường như đã có dấu hiệu bị vỡ nhỏ trên đề án quy hoạch bởi thứ kinh nghiệm quản lý kiểu cũ, trình độ thấp trước đó đến nay của cơ quan Nhà nước.

Trong ‘thế giới phẳng’ và hội nhập kinh tế toàn cầu sâu rộng như thời hiện đại thì mô hình ĐKKT dường như là sản phẩm lưỡng tính : giữa tư duy kinh tế chính trị của thời xưa còn lại và đổi mới hơn để dấn thân thêm chút vào cơ chế thị trường ( nửa muốn bớt chút di căn bao cấp, nửa dò dẫm mở cửa từng phần ).

Đồng thời công nghệ 4.0 ( rồi chắc đến 2050 là 5.0 ) thì yếu tố thời gian sử dụng đất đai không còn là yếu tố chủ chốt, lợi thế cơ bản khiến các Doanh nghiệp cố phải tìm cách kéo dài ! Dễ tìm thấy nhiều Doanh nghiệp phải thuê trụ sở vài năm ở các tầng của toà nhà cao ốc làm ăn hiệu quả có lãi hơn nhiều Doanh nghiệp ( nhất là DNNN được nhận ưu đãi lớn ) có đất rộng trong thời gian rất dài!

Các tỉnh thành của VN đều có những khu chế xuất hay khu công nghiệp ( với nhiều ưu tiên ưu đãi … ) nhưng đa phần còn dư thừa khá nhiều. Nguyên nhân không phải do thời hạn thuê mặt bằng đất đai, mà do ‘trên trải thảm dưới rải đinh’ từ hệ thống quản lý Nhà nước ( trực tiếp và gián tiếp ) gây ra !

Các Doanh nhân nước ngoài họ không ngại đầu tư lớn vài Thái Nguyên ( Samsung Hàn Quốc ) hay Quảng Ngãi ( Vsip Singapore ) khi môi trường đầu tư ở đó có cải thiện hơn thông thoáng hơn về thể chế ( là chính yếu nhất ) chứ không phải là do những ưu đãi đặc biệt gì, hoặc địa phương đó đã phát triển hạ tầng, kinh tế cao hay chưa.

Điều nền tảng nhất, có giá trị phổ cập nhất, bền vững nhất là Nhà nước VN cần đột phá tư duy chính trị lên tầm mới để quản trị Nhà nước dân chủ, văn minh, tiến bộ trong phạm vi toàn bộ Đất nước, với mọi thành phần kinh tế !

Hỏi:
Ông nghĩ thế nào về phát biểu của Bộ trưởng Dũng ( Bộ KH& ĐT ) rằng ‘…. trong dự Luật ĐKKT không có từ nào ghi là Trung Quốc….’

Trả lời :
Với tư cách là Chính khách thì hẳn cần phải có tư duy địa chính trị ! Vì thế hiển nhiên là ‘yếu tố Trung Quốc’ không thể không suy tính đến ! Khi TQ là thực thể kinh tế chính trị , với thực tế từ xưa, nhất là đến nay, vươn vòi bạch tuộc đến mọi Châu lục, xâm nhập mọi Quốc gia bằng : di dân , sản phẩm, đầu tư, đầu cơ, hàng giả, đại bá…. nên các cơ quan Nhà nước, các đầu óc làm Luật và hoạch định chính sách Quốc gia phải tiên liệu, lường định đầy đủ và thấu đáo về mọi phương diện ( khi TQ vốn sát kề VN, đã có quá nhiều bài học cay đắng với chúng ta trong suốt chiều dài lịch sử ! ). Nên ông BT ấy phát ngôn thế là ‘cãi lý kiểu dân thường kẻ chợ’ chứ chưa có chất Chính khách! Trong khi muôn người dân VN đã
kêu lên trách nhiệm, tha thiết, khẩn cầu để cảnh báo cho Nhà nước về cái thời hạn ‘cho nước ngoài thuê đất 99 năm’ ( mà các ông ấy thường hô : dân biết, dân bàn, của dân, do dân, vì dân… )! Thế mà ông ấy nỡ gán vu vơ cái mũ ‘có kẻ phá hoại….’ ! Người dân nói về ai tư duy kiểu đó là ‘tỏ ra nguy hiểm’ !
Nhà nước VN nên rút kinh nghiệm bao nơi trên Thế giới ( và hãy điều tra thêm ở Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang… Hoàng Sa… ) về kiểu bành trướng TQ ( Chính quyền họ hùn hạp với dân Hoa ) thực hiện chiến lược vết dầu loang theo công thức ( lấn liên từng bước chiếm đoạt từng bộ phận….) : có được đất bằng mọi cách , đồng thời di dân như đàn kiến, liên kết người Hoa làm ăn các kiểu, gây ảnh hưởng kinh tế xã hội chính trị với Nước sở tại !!!

……..

….. Vừa rồi ông Thể ( Bộ trưởng Giao thông Vận tải ) nói vớt trước Quốc Hội :….. về sử dụng từ ‘Thu Giá’ chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm…. ‘. Ngay sau đó bà Ngân ( Chủ tịch QH ) tiếp lời : không phải nghiên cứu, trở lại dùng từ ‘Thu Phí’ là được rồi !!!

Là một công dân tôi nghĩ: KHÔNG CẦN PHẢI CÓ LUẬT ĐKKT LÀM GÌ! QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC NÊN LÀM CHO MỌI VIỆC TRỞ LẠI BÌNH THƯỜNG VÀ CỐ GẮNG BÌNH ĐẲNG !

Ps: trong khi trao đổi, có bạn bức xúc giãi bày : cứ để người nước ngoài vào đi, ngay cả người TQ vào nhiều cũng không tệ hơn cách người Việt sống và làm ăn với nhau : bon chen, chụp giật, vứt râc, bẻ hoa, rao đêm, chen lấn, xô bồ, tệ nạn…. Rồi nhìn rộng xem : nhà dân ở nông thôn sẽ thế nào nếu thiếu vật dụng TQ, bao nhiêu Doanh nghiệp Việt thế nào nếu thiếu TQ ??? Ai băm nát đô thị, xẻ ô chia lô ??? Ai khiến các công trình ODA ( không chỉ cua TQ ) bị đội vốn ???

Tôi trả lời : điều bạn nêu lên tuy rất cần người dân chúng ta suy nghĩ sâu sắc, nhưng đó thiên vè cảm xúc …. Còn hành động của Nhà nước phải giải bài toán vĩ mô địa kinh tế chính trị xã hội cho Quốc gia, cho cả thế kỉ nên cần lý trí tầm cỡ quốc tế và mang trong đó lương tri Đất nước. Nên nhớ : khi chúng ta với nhau khó tốt đẹp hơn thì lúc có kẻ ngoài xấu vào sẽ khiến chúng ta bị hại hơn nhiều ! Vậy luật pháp và chính sách phải đề phòng được những hậu quả không mong muốn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.