Tiếng lòng với việc xét xử chị Ba Sương
Tôi và nhiều người bạn theo dõi vụ án xét xử chị Ba Sương, thổn thức về một số phận bi kịch đã giáng xuống cuối đời của một Con Người đáng kính, tôi hằng ngưỡng mộ như một sự tiêu biểu hiếm có về lòng yêu nước, yêu người, yêu lao động….Sự thổn thức không phải với sự trắng tay của Chị lúc cuối đời thân tàn cô độc – bởi vốn dĩ Chị cùng người Cha thân yêu đã xả thân không mưu cầu lợi ích, mà về nỗi niềm Nhân thế đến mức dường như không có chỗ dựa để một chút có thể bảo vệ, biện hộ cho hàng chục năm quên mình vì ích chung như Cha Con Chị đã từng !
Tôi lòng bảo dạ hãy đừng bức xúc, cố gắng nghĩ về một khía cạnh hữu lý nhất của quá trình này như để tìm thấy tâm lý an bình của một công dân trước hành xử của một Nhà nước của Dân, do Dân, vì Dân…nhưng ngồn ngộn trong tôi bao câu hỏi, không phải với những điều mà chị Ba Sương bị qui kết là ‘có tội’ , mà ở cái căn nguyên xã hội nào mà một con người tuyệt vời như Chị ( vâng : tuyệt vời – dù thế nào thì tôi nghĩ tính từ đó hoàn toàn xứng đáng với Chị )…Đã có bao nhiêu câu hỏi đặt ra với Lương Tri : có sự kết cục nào khác, không dám nói là hạnh phúc, mà tối thiểu là có thể có sự yên ổn hơn không cho một người Anh Hùng, một tấm gương và nhân cách lao động như Chị ? Có con đường nào không cho những nỗ lực làm giàu vị Cộng đồng mà ít hiểm nguy hơn không ? Dẫu biết trên đời khó tìm được sự Công bằng tuyệt đối, nhưng có thể còn cơ hội nào làm cho người ta không thất vọng về Công Lý mà day dứt lương tâm hay không ?
Nhiều người thật thiện chí thử liệt kê và kể lại về những thành quả to lớn mà Cha Con Chị đã lao tâm khổ tứ cống hiến được cho đất nước 30 năm qua… có lẽ cả xã hội đã nhìn thấy, được hưởng lợi gián tiếp hay trực tiếp – điều này là xác thực và sống động với tất cả những ai đã trải qua thời kì tem phiếu đến khi xóa bỏ sổ gạo….bị ám ảnh bởi cái đói thiếu gạo nó day dứt tâm can như thế nào…..Nếu đem Mô hình Nông Trường Sông Hậu so với mô hình trước thời Cha Con Chị khởi nghiệp một chút ít thời gian thôi : Đại Hợp Tác Xã Quỳnh Lưu …thì người ta thấy hơn sự vĩ đại trong sự thành công mang tính nghiệp đó – với cá nhân Cha Con Chị, cũng như với Xã hội…mà những tấm Huân chương Anh Hùng Lao Động của Quốc gia và Danh hiệu ‘Người Phụ nữ tiêu biểu’ Quốc tế giành cho Chị …cũng mới chỉ là một sự ghi nhận khiêm nhường.
Nông Trường Sông Hậu mà Cha Con Chị khởi nghiệp, dựng xây nằm trong một Cơ chế kinh tế của Nhà nước từ khi còn mò mẫm ‘làm đâu nghĩ đấy / sai đâu sửa đấy…’ liên tục cho đến nay đã có và phải cần thêm bao nhiêu điểu cần chỉnh sửa cho phù hợp hơn với thực tiễn Doanh nghiệp và cuộc sống …Điều đó tự nói lên rằng ‘lố hổng’ / ‘khiếm khuyết’ / ‘bất cập’ của Cơ chế là luôn có, từng được bao nhiêu Chính Khách, nhà quản lý và Doanh nhân đề cập…Chị Ngọc Sương dẫn dắt Nông trường đi trong Cơ chế đó, làm sao mà đúng mọi nhẽ được khi bản thân những điều tạo ra Cơ chế đó là không hoàn hảo ?! Cơ chế là cách thức thực hiện của một tổ chức trong cuộc sống hiện thực, nên bản thân nó dù thế nào cũng ‘phi tuyến’ như các quan hệ cuộc sống vậy. Vì những lẽ đó chúng ta có quyền đòi hỏi về sự xét xử phải được tính đến tính mục đích Thiện, mục đích phát triển mà Chị đã đóng góp cho Xã hội.
………………….
Tôi nghĩ mãi đến mức sợ hãi mà chảy mô hôi ướt đầm sống lưng….Tôi nhớ đến một câu nói đầy nỗi niềm u ẩn của một Doanh nhân lớn, được xem là thành đạt, tôi từng gặp : chưa bao giờ Kinh doanh dễ phạm tội và Doanh nhân dễ bị vào tù như bây giờ ! Tôi nhớ đến lời một người bạn đang ở Ukraina kinh doanh nhiều lúc tiền đầy túi lắm, nhưng vô cùng khốn khổ vì thường xuyên bị không ít quan chức nước sở tại ăn hiếp, thậm chí bị họ cướp đoạt bằng nhiều thủ đoạn trắng trợn và ngang ngược, nhân danh Chính quyền…Bạn bè chúng tôi khuyên nên về nước mà làm ăn. Anh ta thở dài mà nói : Không về đâu , vì dù sao ở bên đó nước họ tuy rất dễ mất tiền nhưng kiếm được tiền cũng dễ, và tuy thế ở đó tớ đã thấy có người Việt Nam nào bị vào tù đâu !
Tôi đã gặp nhiều người bỏ ruộng vườn vốn tươi tốt, nơi chỉ cần thả vó chơi chơi xuống sông kênh rạch là có ăn, nhưng lại phải dạt sang Campuchia đầy rủi ro, lang thang làm ăn vô cùng vất vả, chẳng hề dễ dàng gì cảnh bòn từng đồng nơi xứ người vốn không phải nơi quen thung thổ và cũng có nhiều sự kì thị, thậm chí tính mạng cũng nhiều khi bị đe dọa bởi một số người bản địa không tốt …Hỏi họ sao không về quê mà làm ăn….Trời ơi, nhìn họ, nghe họ nói không chỉ thấy sự thiểu não nhàu nhĩ mà có điều gì như u uất sâu thẳm trong tâm can, trong ánh mắt…họ không phải là người có học cao, có khả năng nhìn thấu vào bản chất cuộc sống xã hội để bảo vì lý do gì để mà trả lời được…Tại sao họ lại phải như họ đang bị từng ???
Tôi từng biết có chuyện : Một chị Phụ nữ vô cùng tần tảo vì gia đình, chồng con mà sơm khuya lam lũ kiếm nhặt từng đồng từ lao động đẫm mô hôi. Nhưng chồng chị lại lêu lổng rượu chè và bài bạc, hắn vô cùng gia trưởng, nhẫn tâm, lười biếng ăn trên ngồi chốc với những thành quả lao động của chị. Một lần người chồng thua bạc về đòi chị đưa tiền để chơi tiếp. Trong túi chỉ con dăm chục dành mua thuốc cho đứa con đang bệnh. Tay chồng hung hãn cộng thêm chút men rượu và vỗn chẳng thương gì chị đuổi chị quanh nhà hòng móc nốt những đòng tiền cuối cùng đó. Chị chạy, vớ được con dao nhọn dơ lên dọa dẫm bản năng : anh cứ cố lấy thì mẹ con tôi chỉ còn cách tự đâm cổ chết mà thôi ! Tay chồng hung tợn nhào vào lục túi, không may va vào chiếc ghế nhỏ nên trượt ngã lao ngực vào phía chị đang cầm con dao nhọn đó….Ôi ! trong khoản khắc lưỡi dao sụt ngập tim hắn ! Kết cục hắn chết và ra Tòa chị đã bị xử 10 năm tù giam vì tội đã làm chết chồng !
Khi xưa Khổng Tử cùng học trò đi khắp nơi truyền giảng Nho Giáo…Một chiều, đi ngang qua ngoài bìa ngôi làng nhỏ sơ xác, nơi ngoài đồng vắng có một phụ nữ quì khóc đau khổ trước một nấm đất to mới đắp. Hỏi chi ở đâu, cớ sao lại vậy ? Người phụ nữ nức nở : Tôi lang bạt từ xa tới đây sinh sống. Đây là mộ con tôi chết vì mới bị Hổ vồ. Lại trông thấy nấm đất to sát bên cạnh có cỏ mọc phủ đầy. Thày trò Khổng Tử lại hỏi. Người đó nước mắt lã chã : đó là mộ chồng tôi chết được gần một năm cũng bị Hổ vồ. Trời ơi, nơi đây nhiều Hổ dữ như vậy sao chị không về quê mà sinh sống ? Chị giơ tay lên Giời mà gào lên ai oán : Về ư? Quê tôi Quan lại còn dữ hơn Hổ Báo …
Tại sao người ta không dùng Rôbot được lập trình để thay Quan Tòa ? Vì có câu ‘Bộ Luật là Thẩm phán câm, , Thẩm phán là Bộ luật biết nói’, và dân chúng muốn được nghe thấy cách phán quyết thức tỉnh Lương Tri và đề cao Công Lý ! Bởi vậy một vụ xét xử luôn mang trong nó tính Xã hội theo nghĩa giúp cho mọi Công dân của nó cảm thấy rõ ràng và chắc chắn sự An Tâm, An Bình, An Sinh, An Hòa là thế ! Luật pháp kết tội được người, nhưng Công Lý nếu chưa cứu được thì cũng phải là thứ bảo hộ được cho sự Lương Thiện và những mục tiêu sống tốt lành
Đọc những dòng chữ Bà Nguyễn Thị Bình, Dương Trung Quốc, đặc biệt Tiến Sĩ Quang A gần đây viết về Chị …ghi nhận công tích hiển nhiên và đầy thấu hiểu và chia sẻ với Chị…Cảm thấy như có một tiếng thét từ đâu đó bị cố gìm nén lại…. Trong trái tim tôi máu như đông lại…. Tôi và các bạn hàng ngày chờ đợi những người Chị từng kính trọng mà chụp ảnh chung, đã từng trao Huân chương và bằng khen cho Chị, mong mỏi những người từng được xem là có những quan điểm, bài viết, tiếng nói nhân văn bác ái… xin hãy lên tiếng để chúng tôi cảm thấy yên tâm và thấy hiện hữu của điều được ca tụng là ‘Tấm lòng’….Luật Pháp Chí Tôn ! Và dù gì chăng nữa người dân muốn được thấy hiển hiện nơi Pháp Đình là một bên là Công Lý, một bên là Nhân Đạo. Hai điều đó hòa hợp được đấy thôi : Ngay cả một kẻ đã bị kết tội tử hình đi chăng nữa, thì người ta vẫn được quyền đối xử tốt, bằng những biện pháp tốt…điều cốt yếu là chính họ và xã hội được Tâm Phục Khẩu Phục !