Về những câu hỏi đặt ra với Thủ tướng VN ở diễn đàn Shangri – la
CÁCH TRẢ LỜI PHẢN ÁNH VỀ BẠN
Ông Thủ tướng VN đã trả lời ba câu hỏi ở diễn đàn này, mọi công dân đều có cách nghĩ của mình . Tôi không có ý bình luận gì về điều đã xảy ra, chỉ suy nghĩ về những câu hỏi của các đối tác đã đặt ra cho ông ấy, đặt mình ở vị trí người có đi giảng dạy về cách nghị sự, đàm phán mà thử chia sẻ cách trả lời khác theo quan điểm : đúng với vấn đề thực tiễn như nó đang thế, vị trí của một Thủ tướng đại diện quốc gia như Việt Nam cần phải thể hiện, và kĩ thuật trả lời
Câu hỏi 1 ( Ts Chritian Le Miere, nghiên cứu viên cao cấp về Hải quân và an ninh quốc tế, Viện nghiên cứu chiến lược Quốc tế IISS ) : trong bài phát biểu của Ngài, nhiều lần nhắc đến tầm quan trọng của Luật pháp quốc tế ở Biển Nam Trung Hoa ( Biển Đông ) và tất cả các nước cần tôn trọng. Điều này có nghĩa Việt Nam đồng ý với Philipine kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế đối với tranh chấp chủ quyền ở bãi cạn Scraborough ? Ngài có muốn thấy thêm nhiều nước nên sử dụng trọng tài quốc tế như là công cụ và cách hành xử hòa bình ?
Phân tích câu hỏi : là câu hỏi trực diện, mong muốn VN bộc lộ trực tiếp quan điểm chính trị quốc tế về một tình huống tranh chấp cụ thể trên Biển Đông, và cách cũng như diễn tiến của nó sẽ ảh hưởng quan trong đến các vấn đề còn lại giữa các nước. VN luôn nói cần giải quyết theo luật pháp quốc tế. Ủng hộ Philipine thì Vn cũng khó nếu Philipine thắng kiện ( vì Philipine cũng là một nước tranh chấp Trường Sa với VN ), nói thẳng ra thì có thể động chạm tới Trung quốc là nước VN chưa có sức mạnh đối sách hữu hiệu. Nói không ủng hộ thì càng không được ! Nhưng nếu vòng vo, né tránh thì sức mạnh thông điệp mà VN từng đưa ra trong vấn đề biển Đông sẽ suy yếu trong quan sát đánh giá của bao nhiêu nước trong diễn đàn này ( cần tận dụng triệt để để bày tỏ ý chí quốc gia trong quan hệ chính trị quốc tế )
Trả lời ( lựa chọn nguyên tắc ngoại giao, nhưng nhất quán với những gì mà VN từng tuyên bố, nhấn mạnh tư thế quan trọng của Asean khiến các thành viên cùng có trách nhiệm ) : Trọng tài quốc tế được thành lập theo Công ước quốc tế về luật biển năm 1982. Chúng tôi tôn trọng Công ước này và luôn kêu gọi, mong muốn các bên tranh chấp giải quyết nguy cơ xung đột bằng biện pháp hòa bình trong khuôn khổ luật pháp đó. Mỗi quốc gia đều có quyền lựa chọn cách thức cho mình. Như chúng ta biết chúng ta có cả cộng đồng Asean, và việc gì không phải ra tòa bao giờ cũng hơn ( cười tươi một tí đi ) !
Câu hỏi 2 ( nữ Thiếu tướng Yao Yunzhu, giám đốc trung tâm quan hệ quốc phifng Trung Mĩ, Học viện quân sự Trung Quốc ) : Cảm ơn Thử tướng về bài phát biểu khai sáng. Tôi có câu hỏi cụ thể cho Ngài : Trong bài phát biểu Ngài có đề cập đến thách thức an ninh khu vực Châu Á, Thái Bình Dương, trong đó có đề cập đến tự do hàng hải đâu đó bị vị phạm, gây gián đoạn, ảnh hưởng luồng lưu chuyển thương mại quốc tế, trong đó có sự vi phạm của một số cường quốc vi phạm luật quốc tế. Vậy ngài có thể chỉ ra ví dụ cụ thể về điều đó ?
Phân tích câu hỏi : người hỏi là sĩ quan cao cấp quân đội Trung Hoa, là nước có mưu đồ lớn và gây ra các vấn đề chủ yếu, phức tạp về tranh chấp với các nước có lợi ích ở Biển Đông và Thái Bình Dương. Câu hỏi cụ thể, có ‘giọng thách thức, và đo lường thái độ mạnh đến đâu của chính quyền VN ’. Câu hỏi có đẩy vấn đề cao hơn điều thực đang diễn ra ở Biển Đông ( nghĩa là cũng chưa có gây ra điều gì đáng kể đến tự do lưu chuyển thương mại quốc tế, ngoài những tranh chấp nhỏ song phương ở vài nơi gọi là trong đường ‘lưỡi bò’ mà TQ vạch ra ) nhằm gián tiếp phủ nhận kết luận của Thủ tướng VN
Trả lời ( mềm mỏng, dí dủm, nếu có thể nêu ra bằng chứng và liên quan nước thứ ba thì quá tốt ! Tình hình chưa phải đến mức nêu tên một nước cụ thể ở diễn đàn như thế này nhưng phải đủ rõ ràng, cần giữ thể diện cho nước khác và tạo được khả năng dễ nói chuyện sau này với các bên, nhưng cần phải bộc lộ rõ chính kiến, hướng đến sự ủng hộ của nhiều bên ): Như bạn biết, nếu không có điều như tôi nói thì chắc là không cần đến một diễn đàn quốc tế nghiêm túc và qui mô như thế này để đặt ra vấn đề và thảo luận về nó ! Nhưng rõ ràng là trong các quan hệ quốc tế, chỉ cần có lo lắng, mất lòng tin, đặc biệt của các nước còn lại vào các cường quốc là sự gián đoạn đó đã xảy ra trong các quyết định giao thương. Cách mà các cường quốc nếu nói chưa đi đôi với hành động thì rõ ràng đã là một ảnh hưởng rất lớn đến các lựa chọn bình thường của các nước khác rồi. Sự tuyên bố của một quốc gia chỉ dựa vào sức mạnh của mình khi không đồng thuận với luật pháp quốc tế thì bạn gọi đó là gì ? Liệu điều đó có gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế không ?
Câu hỏi 3 ( Ts Lee Chung Min, đại học Yonsei, Hàn Quốc ): Ngài Thử tướng đã đề cập đến ‘lòng tin chiến lược’ tơi 30- 40 lần. Câu hỏi của tôi rất đơn giản vậy ngài tin tưởng Hoa kỳ như thế nào, khi so với Trung Quốc ? Đứng ở quan điểm của Việt Nam ?
Phân tích câu hỏi : cũng là câu hỏi trực tiếp ( phong cách hỏi của các nhà hoạt động quốc tế, nhất là họ thuộc truyền thông, hoặc cơ quan nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ… ) lên quan đến thông điệp chính của Thủ tướng VN, và đo lường tính cụ thể của khái niệm này với VN là một nước bị ảnh hưởng mạnh nhất của vấn đề Biển Đông, rõ ràng cần đến sự trợ giúp của Mĩ
Trả lời : ( nên chân thành, không cần quanh co, mang nội dung xây dựng, nên chuyển nội hàm ‘lòng tin’ sang nước lớn. Có thể biến câu trả lời thành một cơ hội để VN trong cách quan sát quốc tế như là ‘cầu nối hay xúc tác ‘ cho hai nước Trung Quốc và Mĩ ): Với Mĩ từ lâu nay chúng tôi đã tích cực cùng chính phủ họ xây dựng lòng tin, và rất vui mừng vì có hiệu quả và ngày càng tăng trên nhiêu phương diện. Với Trung Quốc chúng tôi có bề dày hiểu biết, có thể có một số kinh nghiệm từ đó chia sẻ được với các nước khác ngay cả trong sự hiệp tác và minh bạch về quốc phòng trên cơ sở cam kết có trách nhiệm và cam kết quốc tế về tuyên bố ứng xử chính trị. Trung quốc và Mĩ rõ ràng là hai cường quốc lớn nhất trong diễn đàn này và trong sự hiện diện của họ ở Biển đông và Thái Bình Dương, vì thế chính chúng ta cần hai nước này hãy tạo lòng tin mạnh mẽ về điều đó, dù thiện chí lòng tin đã có sẵn, và tương lai của các quốc gia rất cần đến lòng tin như thế. Tôi đã tin bạn, nhưng đến lượt bạn, với tư cách quan trọng của mình phải chứng tỏ mình hơn cả lòng tin ban đầu của chúng tôi !
Tôi viết như trên để chia sẻ ví dụ thực tiễn về cách trả lời trong bài giảng của mình. Hơn thế, chỉ là cách giải trí