Tùy bút về sự Thay đổi
THAY ĐỔI ! THAY ĐỔI SỚM ! THAY ĐỔI DỰA TRÊN SỰ THẬT !
Toàn bộ sự tồn tại của Thế giới này là thể hiện ở quá trình liên tục chuyển động, cốt lõi là sự thay đổi về lượng lẫn chất ! Trong đó sự thay đổi tự thân, nội lực là chính yếu để sự vật tự khẳng định và thích nghi, tiến hóa. Từ ‘phản động’ cả nghĩa đen và nghĩa bóng là nói về một sự vật không chịu thay đổi, hoặc diễn tiến ngược chiều với xu thế tiến hóa, hội nhập nên tất yếu tự suy vong hay bị đào thải.
Putin tuyên bố trước công chúng : nếu tôi được bầu vào cương vị Tổng thống liên bang Nga nhiệm kỳ thứ ba, tôi sẽ thay đổi như Đất nước chúng ta đang phát triển đòi hỏi, như cộng đồng văn minh quốc tế sẽ đòi hỏi…Trước đó, cả Tổng thống Mỹ Obama, tân Tổng thống Pháp cũng tuyên bố cương lĩnh rành mạch và cam kết hết mình về sự thay đổi với tư cách và cương vị cao nhất của những đất nước được thừa nhận là hiện đại, năng động, tiến bộ và văn minh trên Hành tinh này
Một đứa trẻ đi học hàng ngày, chúng vượt qua những thử thách và sức ép… cũng đang tự thay đổi đi đến sự giỏi giang và hữu ích hơn. Cái cây cành hoa hàng ngày cũng gồng mình lên trước sự khắc nghiệt của thời tiết mà thay đổi để có thể phô ra được hương sắc của chính nó. Vậy ai có thể tuyên bố khước từ sự thay đổi hay cố tình làm ngược lại đây ? Trong khi những kẻ tội phạm kinh khủng nhất nếu còn được sống, dù trong ngục tù, cũng phải cố gắng từng cơ hội nhỏ: chứng tỏ sự thay đổi của nó khiến những người lương thiện có thể an tâm rằng nó chí ít nó không còn nguy hiểm và báo hại xã hội như trước nó vẫn từng
Hàng vạn doanh nhân hôm nay đang nhận thức mạnh mẽ và sâu sắc mang tính ‘to be or not to be’ rằng : thay đổi hay là chết : những cung cách kinh doanh, nhưng phương thức quản trị, những tập quán tổ chức… để tìm thấy con đường sáng bền vững, ích nước lợi nhà trong đạo làm giàu. Quy mô kinh doanh lớn hơn, dòng tiền nhiều hơn, nhịp sống nhanh hơn, nhân sự đông hơn… thì các Doanh nhân biết rằng thay đổi chậm hơn là bị đào thải…
Bản thân việc con cái lớn khôn hơn từng ngày khiến bố mẹ phải thay đổi, nếu bố mẹ thay đổi sớm, thông thái thì đường đời của con cái sẽ hanh thông, ít chông gai và rủi ro hơn…Chính mỗi người lớn không thể trẻ khỏe mãi, họ phải đi về sự trưởng thành, cha mẹ họ cũng già yếu hơn…tất thảy đòi hỏi họ phải thay đổi. Tôi cho rằng : đến 20 tuổi người ta học có tri thức cơ bản, đến 30 tuổi học cách làm việc, đến 40 tuổi học cách phát triển trong xã hội, đến 50 tuổi mới thực hiểu là học cách thay đổi trong gốc rễ Nhân sinh quan để An Hòa, để từng cá nhân là một giá trị sống hữu ích cho đời
Thời kỳ khủng hoảng hệ thống các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của Thế kỷ trước, các nước như Hungari, Tiệp Khắc, Đông Đức…họ đã thay đổi, lột xác xã hội, cải hóa về tư tưởng…Cho đến hôm nay cả Thế giới mừng cho Myanmar đang tự thay đổi về chính trị, xã hội và kinh tế….đó là những bài học tuyệt vời cho nhiều nước còn lại. Tôi cho rằng bất kỳ xã hội nào mà tự thay đổi được : văn hóa xã hội, thể chế chính trị, phương thức quản lý đất nước theo hướng mở, tiếp cận được chuẩn mực văn minh tiến bộ thì thật vĩ đại, cho dù nó từng có những quá khứ sai lầm. Liên Xô và Trung Quốc trước kia, xa hơn nữa là nước Đức phát xít, nước Nhật Quân phiệt…họ đã thay đổi ngoạn mục…để hôm nay đều là cường quốc đáng ngưỡng mộ.
Một người từng sai từng xấu, hễ còn khả năng phản tỉnh và thay đổi, thì bản thân việc đó của họ vẫn xứng đáng là điều còn lại hữu ích cho chính họ và cho nhiều người khác. Đó chính là khả năng hướng tới Tương lai tươi sáng, hơn là quá khứ từng có sai lầm của họ. Đặc tính sống của con người là mắc sai lầm, nhưng năng lực phản tỉnh là cứu cánh, và nỗ lực sửa sai là ý chí quý giá của con người. Tôi khâm phục khả năng sửa sai của Toyota : nhận lỗi và rút về hơn 3 triệu chiếc oto trên toàn cầu vì khiếm khuyết kĩ thuật chân ga ! Chúng ta biết kẻ xấu mà cố tình không nhận sai, không thể sửa sai, lại cố tình hù dọa người khác bằng tiếp tục càn quấy thì chỗ giành cho nó là giá treo cổ
Kinh Do Thái có câu : sự Dữ của kẻ Dữ sẽ rời bỏ nó vào cái ngày nó rời bỏ sự Dữ. Điều Tốt của người tốt không cứu được họ vào cái ngày họ rời bỏ điều Tốt. Thấy chí lý vô cùng !
Tôi đi công tác Miền nam, vào buổi chiều gọi một bác xe ôm quen mặt chở đi một đoạn đường. Xuống tôi trả bác 40 ngàn tiền công và trân trọng đưa nốt bác ấy 60 ngàn để gọi là uống tí bia hơi cuối ngày làm vui ( vì tôi biết bác ta vốn thế ). Bác ấy cảm ơn cầm lấy và nói hồ hởi : sẽ mua sách cho thằng con. Tôi hỏi lại : sao không uống bia ? Bác ta trả lời: trước kia thì thế, từ ngày thằng nhỏ nỗ lực thi được điểm cao vào đại học thành phố, tự thấy mình phải thay đổi tốt hơn để xứng đáng và tham gia chút ít với công học tập của con…Tôi cảm động đem mẩu chuyện đó hỏi một quan chức : liệu các anh có thể như bác xe ôm đó không, khi chứng kiến nhân dân mình đã hy sinh cho đất nước để đi qua được mấy cuộc chiến á liệt và đang nỗ lực cần lao làm ăn gian khổ vì sự phồn vinh của xã hội ?
Trung Quốc, Nhật Bản, Philipine, Viêt nam nữa đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng về chính trị ngoại giao! Những nhà quản trị đất nước chẳng lẽ không thay đổi cách nghĩ, cách ứng xử, cách hành động mới, tích cực hơn để giải quyết nó với những vấn đề hàng ngàn năm không cũ : lòng yêu nước, chủ quyền ? Không ai tin là họ không thay đổi ! Và sự thay đổi ở đây không ở chỗ ra vẻ hay buộc phải chấp nhận thay đổi mà là chủ động tìm được cách thức mạnh hơn, xa hơn, hiệu quả hơn, toàn diện hơn, văn minh hơn so với những cách thức trước đây !
Nước Nga, Mỹ và Nhật Bản từng rất tự tin trong công nghệ hạt nhân, và sức mạnh kĩ thuật, kinh tế, khả năng tổ chức khoa học cao độ của họ…nhưng cũng đã phản tỉnh mà thay đổi lại ý hướng về cách sử dụng và mục đích sử dụng năng lượng hạt nhân, không chỉ là an toàn hơn cho chính họ mà là giảm rủi ro cho cộng đồng quốc tế…không chỉ đạt những con số phát triển lớn lao mà là phải đảm bảo quyền sống an toàn của từng con người cụ thể. Tính vĩ đại trong sự thay đổi là thế ! Iran. Bắc Hàn, Cuba cũng có những lý do mạnh mẽ và tự thấy sự chính đáng của riêng mình về những gì họ đã theo đuổi và hành động, nhưng hôm nay tất cả cũng đã đi đến sự nhận thức thay đổi. Điều đó cũng giống như các quan chức Quảng Ninh khi nhìn Hạ Long không còn là cảnh đẹp, tài sản của riêng tỉnh mình nên muốn sao cũng được, mà là Di sản thiên nhiên của toàn Thế giới đang được gửi gắm ở địa phương của mình thì sự thay đổi quan niệm, đối xử, trách nhiệm xã hội mới đạt đến một tầm quản trị mới cao hơn, nhân văn hơn được !
Nhìn lại bức tranh kinh tế xã hội của Việt Nam trong những năm gần đây…không cần nói thêm, tất cả những người có tri thức bình thường đều hiểu về căn nguyên của nó, tưởng định được hậu quả của nó, nhìn ra những vấn đề của nó. Không riêng gì Việt Nam, mọi quốc gia, mọi nền kinh tế đều có những căn bệnh riêng, những lúc suy yếu, những cơn sốt của nó….Với Việt nam : nguồn lực, tài nguyên, nhân khí Đất nước dồi dào, ý nguyện tốt đẹp luôn luôn có…và chúng ta cần sự thay đổi trong mỗi người có trách nhiệm, ở mọi quy mô, tham gia vào thay đổi hiệu quả với ba điều tôi viết ở trên : Văn hóa xã hội, thể chế chính trị, phương thức quản trị ! Văn minh hơn về xã hội ! Hiệu quả hơn về kinh tế ! Dân chủ hơn về đời sống ! Hội nhập hơn về bang giao. Nhưng không có gì tốt hơn là diễn ra từ chính bên trong, từ nội lực, với toàn bộ tinh thần trách nhiệm và yêu nước. Tôi cho rằng, quá trình thay đổi đó cần kết hợp tốt Bốn lực lượng xã hội : ( Giới quản lý xã hội + Giới Doanh nhân + Giới Trí thức + Đoàn thể nhân dân ), với khẩu hiệu mới : Dân tộc đoàn kết, Đất nước phồn vinh, Quốc gia hùng cường ! Thay cho những khẩu hiệu hay khái niệm cũ. Tôi tin rằng ngay ở Cuba bây giờ khẩu hiệu ngày xưa : ‘Chủ nghĩa xã hội hay là chết’ cũng đã được chuyển thành : ‘thay đổi hay là chết’ từ trong nhận thức và hành động của mọi giới
Chuyện : Một kẻ xấu chơi lại bơi kém, nhưng huênh hoang thế nào mà bị rơi xuống nước, ì oạp làm dáng được một lúc cũng kiệt, và dần bị cuốn vào chỗ nước hút sâu. Đã phải uống vài ngụm nước đục, bắt đầu hoảng, hắn nhìn thấy một ông lão râu bạc ngồi câu cá trên bờ, đạp đạp nước, hướng tới ông ấy, vốn tính quen trí trá, cố lấy giọng oai oách : này ông kia tung dây câu ra đây cho tôi mắc cá vào cho…Ông lão không đáp…ưng ực..vài ngụm nước to nữa…hắn đã sặc, chân tay giãy mạnh, kêu lên : cá dưới chân tôi đây rồi to lắm, tung dây câu ra đây tôi mắc cá vào cho…nhanh lên…Ông lão chậm rãi, thủng thẳng : ta là người câu cá chuyên nghiệp, ta biết ở chỗ anh không có cá, nên vì sự thật đó ta sẽ không làm trò ngu ngốc như anh nói đâu. Anh hãy nói sự thật của anh thì ta mới biết nên như thế nào…Lúc này hắn như hiểu ra nếu không nói lên sự thật về hắn thì…ằng ặc…nước tiếp tục ngập vào mồm miệng hắn….