Bàn về văn hóa ứng xử của người Việt Nam
Cuốn sách gồm nhiều bài viết của Ths. Nguyễn Tất Thịnh (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia) về những tác động mang tính hệ luỵ của văn hoá ứng xử của người Việt Nam, đó là những sự việc được tác giả quan sát và cảm nhận từ những sự việc xảy ra xung quanh mình.
Thưa cùng bạn đọc!
Chúng ta đã từng gặp nhiều lời nói giả, nghĩ giả, làm giả, lãi giả, sống giả… thêm một lần giả nữa của tôi thì không để làm gì. Chúng ta sẽ cần một lần thật, không phải cần gì ghê gớm mà chỉ cần một lần chịu đứng trước tấm gương. Tấm gương bản thân nó không xấu không đẹp mà chỉ có người soi vào đó như thế nào mà thôi. Cái gương không có chính kiến mà chỉ có các góc độ mà người ta soi vào Chúng ta có xấu bao nhiêu cũng không sợ mà chỉ sợ không còn ý muốn soi gương nữa, không còn muốn làm đẹp nữa mà thôi.
Tôi quan niệm Hèn là gì: Không dám đấu tranh. Không dám nói sự thật. Không dám nhận trách nhiệm. Không dám khẳng định bản thân.
Nguyễn Tất Thịnh
– Chuyên gia tư vấn Doanh nghiệp
– Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia
Cùng một tác giả:
1. Nghề giám đốc, NXB Chính trị quốc gia, 2002 (sắp đăng tại chungta.com)
2. Bàn về văn hóa ứng xử của người Việt Nam, NXB Phụ nữ, 2006 (sắp đăng tại chungta.com)
Sắp ra mắt:
3. Hành trình về Tâm linh bản ngã
Trong cuốn sách này, tôi xin đảm bảo rằng những điều được viết ra là sự thật. Vấn đề không ở chỗ những sự thật ấy có phổ biến hay không mà ở chỗ nó đã tác động vào chúng ta như thế nào. Tuy nhiên trong cuốn sách này, những tên người, địa điểm của chuyện không cụ thể, nhưng tôi gắn vào những sự thật quan sát được hàng ngày, xung quanh tôi. Và tôi đoán chắc với độc giả, khi đọc sẽ thấy nó đã từng xảy ra đâu đó, ở mình, ở người. Trong các câu chuyện rất nhiều là sự lắp ghép những sự việc với ý đồ điển hình hóa một vấn đề xã hội, một tính cách, một lối sống cá nhân khiến độc giả nhận dạng rõ hơn. những điều có thể vốn dĩ là li ti trong cuộc sống hàng ngày. Có thể ai đó không thích những sự thật ấy, nhưng tôi nghiệm ra thái độ sợ sự thật có thể là vì đã dối trá quen rồi, hơn là sự thật đó đúng đối với họ. Chỉ khi nào sự giả dối mất đi chừng đó lý tưởng mới nảy sinh.
Sẽ có độc giả hỏi rằng: Cái tốt trong xã hội có bao nhiêu như thế mà những câu chuyện của tôi chủ yếu lại tìm kiếm, xoáy vào cái xấu như thế này? Tôi nghĩ: Đối với sự phát triển, nói vẻ cái xấu cũng cần như nói về cái tốt vậy. Nhưng nói về sự thật phản diện khó khăn hơn nhiều, như một cái xấu, điểm yếu nằm trong xã hội, trong mỗi con người mà không ai muốn khoe ra, không muốn nhìn thấy hay thừa nhận. Nhưng nếu nó gây ra một sự tức giận thì cũng là điều tốt, vì có nghĩa là chúng ta ghét nó, xác định cho mình một thái độ đối lập. Viết về nó tôi đã xác định là sẽ có người chỉ trích tôi nữa, trong khi thực ra tôi muốn có thêm nhiều người khác yêu quý mình. Bởi vậy tôi cũng xen cài những câu chuyện cảm động để thoả mãn cái tinh thần hướng thiện của bạn đọc.
Tôi biết rằng nhiều điều tôi viết ra có thể sẽ gây ra sự tức giận, hay nỗi đau nào cho ai đó. Nhưng bạn ạ, hãy tức giận di để bạn biết rằng trái tim bạn vẫn đang đập với những trăn trở. Hãy đau đi nhưng với nỗi đau của quốc sĩ. Độc giả có thể không đồng tình với nhiều điều tôi viết, nhưng điều quan trọng là chúng ta cùng suy nghĩ về những điều đó, với niềm tin chắc chắn rằng chúng ta lương thiện và ái quốc. Tức giận nhưng phải nhân ái. Đau nhưng phải cầu thị. Tôi ý thức sâu sắc rằng: Núi lửa là lửa của chính trong lòng nó chứ không phải thứ lửa rơm bùng lên bởi sự mồi từ bên ngoài được một lúc rồi tắt ngay. Nhưng có sự thật rằng, núi lửa từng gây ra thảm hơn trước khi tạo ra bình nguyên, núi non…
Từng dòng chữ tôi cũng muốn bạn đọc liên tưởng đến những gì có thể, tự đặt ra những câu hỏi với xã hội, con người, cuộc sống xung quanh mình. Bởi quan niệm, hành vi, phong cách, tư duy của mỗi người đều là sản phẩm tất yếu của xã hội chúng ta đang sống trong đó, và con người nào thì xã hội ấy. Những trăn trở, những câu hỏi, muôn thuở là sự khởi đầu của những thay đổi cho dù rất nhỏ. Nhưng nếu những câu hỏi hướng ra bên ngoài nhiều khi làm người ta đứng trước sự bế tắc thì những, câu hỏi hướng vào bên trong mình khiến mỗi người thấy được sụ phản tỉnh, động lực thay đổi.
Tôi cũng muốn nói rõ với độc giả: Những gì viết trong cuốn sách này là ý nghĩ, quan sát. Cảm nhận và đúc kết, chiêm nghiệm của chính tôi. Nó không dựa vào các cứ liệu và trích dẫn xác thực nào cả.
Những trích dẫn, sưu tầm điển tích, cứ liệu có thể cần thiết trong một dạng thức khác. Tôi cũng dùng một số ít bài viết hoặc tư liệu của người khác khai thác được từ những nguồn khác nhau (được ghi là tham khảo)
Tên cho một câu chuyện chỉ là cách gọi tương đối về một trong những hàm ý, bạn đọc sẽ gọi tên ra cho nó theo cảm nhận của riêng mình.
Tôi viết cuốn sách này với cách nhìn xuyên suốt của văn hóa xã hội. Để trở thành gì thì vấn đề cốt lõi là đẳng cấp văn hóa, để hội nhập vấn đề xuyên suốt cũng là văn hóa. Cuối cùng là mong muốn sự phản tỉnh văn hóa, như luống đất đã được lật luống, trồng trên đó cây gì tùy thuộc vào mỗi người. Có nhiều thứ để trồng lắm, nhưng đó phải là những thứ tốt lành nuôi dưỡng chúng ta và thúc đẩy chúng ta phát triển.
Sách hay, trước hết vì tác giả viết về những điều có thực. Viết về những điều có thực là rất khó. Mà cái khó nhất lại nằm ở động cơ viết sách. Viết về những điều có thực khác với viết cốt để có tên đứng trên mặt báo hoặc trên giá sách. Và khi nói đến động cơ viết sách của Nguyễn Tất Thịnh, ta cũng vừa nói đến khía cạnh đạo đức song cũng lại thấy cái động cơ mang tính đạo đức ấy gắn bó chặt chẽ với năng lực nắm bắt cái thực. Qua 4 phần của cuốn sách độc giả sẽ dễ dàng nhận thấy điều này
Phần 1: Một thoáng suy nghĩ về tập tính văn hoá người Việt Nam hôm nay thức dạy để soi mình đi! Ta là ai? Tác giả đã đề cập đến định mệnh và giá trị con người, với đôi lời bàn về Lực – Tâm – Trí – Tài – Quyền – Thế – Đạo…ta thấy tác giả đã chứng minh và khẳng định một điều “…con người đã sáng tạo nên những giá trị không sẵn có trong vũ trụ. Hạnh phúc suy cho cùng là quà tặng mà con người tự thưởng cho những gian nan, truân chuyên của sự nghiệp làm người…”; “Lực – Tâm – Trí – Tài – Quyền – Thế – Đạo là những khái niệm đo lường năng lực của con người trong nhân gian, ý nghĩa này mang tính xã hội chứ không mang nghĩa tự nhiên. Văn hoá là dòng nhựa sống của con người, của các xã hội trong “nhân gian” đó. Văn hoá thổi vào Lực – Tâm – Trí – Tài – Quyền – Thế – Đạo một thứ gọi là “đạo” để mỗi thứ ấy có thể liên kết nhau, kết dính như một nam châm khổng lồ những yếu tố nhân văn, nhân tính, nhân ái, nhân hoà, nhân bản còn tiềm ẩn trong mỗi người…“.
Phần 2: Văn hoá ứng xử – chuyện đời thường gồm 67 bài viết ngắn của tác giả, trong đó một số bài viết như: Nỗi niềm tự do; Ý nghĩa của tri thức; Bi hài của triết lý; Sự bế tắc của “giá trị”; Tâm lý đám đông; Hình ảnh của sự giàu có; Tâm hồn không yên ổn…là những khám phá mang lại nhiều bất ngờ cho độc giả. Cái thực mà Nguyễn Tất Thịnh bắt gặp hàng ngày cũng là cái thực của thời hiện đại hóa mà dân tộc ta phải đương đầu. Song có nhiều người đi ngang qua cái thực mà không thể nhìn thấy, cũng chẳng nói lên được cái thực, giống như hòn đá lăn qua không bám rêu, lạo xạo dưới chân người chẳng nói lên được điều gì. Từng dòng chữ là chủ ý của tác giả muốn bạn đọc liên tưởng đến những gì có thể, tự đặt ra câu hỏi đối với xã hội, con người và cuộc sống xung quanh mình.
Phần 3: Văn hoá giao tiếp trong kinh doanh gồm 5 bài viết mang đậm tính triết lý về những giá trị và bản chất của văn hoá. Đó chính là những điều căn bản, đồng thời là đỉnh kết cục của bất cứ một quá trình, một sự nghiệp, một công cuộc nào. Mỗi cá nhân hay một tổ chức có thể tạo ra và khẳng định được giá trị của mình có sự tiến bộ, có ưu trội và có thể cộng hưởng mạnh mẽ hay không chính là sự thành công của cá nhân hay tổ chức đó. Những giá trị của văn hoá đặc biệt trong kinh doanh là một tín hiệu hướng người ta đến nhân sinh quan tuyệt đối, không xung đột và hướng thiện, làm giàu có thêm cuộc sống vật chất và tinh thần bởi ý nghĩa xã hội của sự giàu có.
Phần 4: Văn hoá ứng xử – tản mạn cùng bạn đọc gồm 14 bài viết. Trong phần này tác giả đặc biệt chú ý phân tích những nhược điểm, mâu thuẫn, thói xấu điển hình trong tập tính của người Việt Nam và chia sẻ những suy nghĩ của tác giả về những điều đó…, những điều viết ra là những đúc kết, chiêm nghiệm của chính tác giả. Bởi hơn ai hết tác giả muốn chia sẻ, muốn kêu gọi sự đồng tình của độc giả, muốn họ cùng suy nghĩ về những điều trăn trở đó vì quan niệm, hành vi, phong cách, tư duy của mỗi người đều là sản phẩm tất yếu của xã hội mà chúng ta đang sống trong đó, mỗi người là một hạt nhân sống động chi phối các hành vi và tạo nên khái niệm mang tính trừu tượng về thói quen ứng xử trong xã hội đó.
Điều kiện tiên quyết của một cuốn sách hay là nó nói đến chuyện thực của con người, của nhân dân, của dân tộc, của nhân loại, nhưng còn phải có một điều kiện nữa thì sách mới thành sách hay: đó là cách xử lý vấn đề. Trong cuốn sách Bàn về văn hoá ứng xử của người Việt Nam của Nguyễn Tất Thịnh ta thấy một phong cách mới trong việc thực chứng các vấn đề xã hội, đó là cách tác giả nhìn xuyên suốt vấn đề theo sự vận động thực tế của văn hoá, xoáy sâu vào những mặt trái trong thói quen ứng xử, đối diện với những vấn đề ấy để tìm ra nguyên nhân trả lời cho các câu hỏi khiến cho độc giả thấy được sự phản tỉnh và tạo ra động lực để thay đổi.
Đọc để biết, để hiểu và định hướng lại cho những thói quen để nó trở nên tốt hơn đó là mong muốn của tác giả, cũng giống như đoạn cuối trong mục thưa cùng bạn đọc tác giả đã viết “như luống đất đã được lật luống, trồng trên đó là gì tuỳ thuộc vào mỗi người. Có nhiều thứ để trồng lắm, nhưng đó phải là những thứ tốt lành nuôi dưỡng chúng ta và thúc đẩy chúng ta phát triển”.
Kính chào tác giả!
Tôi đang cần có cuốn sách ” Bàn về văn hóa ứng xử của người Việt Nam” của tác giả Nguyễn Tất Thịnh. Vậy tôi hãy đến đâu để đọc được cuốn sách này? Vì hiện nay tại một số nhà sách không thấy có mặt một cuốn sách này như thế này.
Cảm ơn tác giả