Bình Thơ ‘Muối & Nước’
BIỂN MÊNH MÔNG, CHỨA ĐỰNG MUỐI & NƯỚC, RỬA ĐI CHO ĐỜI BỚT KHỔ ?
Một bài thơ súc tích,
hàm chứa tính nhân văn cao cả
Thơ về muối và nước
Ở đời lấy muối làm ngon
Lấy nước làm sạch, lấy con làm giàu
Đi qua núi khổ vực sầu
Muối pha nước rửa thương đau nhân tình
Trái đất giọt lệ nhân sinh
Đi trong vũ trụ một mình cô đơn
Triệu năm biển mặn vẫn còn
Triệu năm sóng vỗ chẳng mòn thời gian
Thành sông nước tạo giang san
Từ muôn tầng đá muối tan vào đời
Vạn sinh linh, vạn kiếp người
Nước cùng muối kết luân hồi địa thiên
Buông đi bao nỗi ưu phiền
“Tham sân si” bỏ, đứng lên hát cười
Thấu tình vị muối tinh khôi
Thấm ơn nước ngọt, trong tôi mãi còn
Xin người lấy muối làm ngon
Lấy nước làm sạch, lấy con làm giàu
Nếu đời gây chút thương đau
Biển kia tẩy rửa cho nhau lại lành.
Tác giả: NGUYỄN TẤT THỊNH
Không cần diễn giải dài dòng, ngay câu thơ đầu tiên, tác giả đã làm người đọc phải chú ý suy ngẫn ngay, suy ngẫm về cái sự “lạ” ở đời, về sự “trái khoáy”, ngược đời:
Ở đời lấy muối làm ngon
Tại sao “ở đời” lại phải “lấy muối làm ngon”? Tại sao tác giả lại đặt vấn đề “lấy muối làm ngon”? Câu thơ này muốn nói điều gì đây?
Trong bản thân câu thơ đã hàm chứa cái ý muối không ngon rồi, nên “ở đời” mới phải “lấy muối làm ngon”. Tính triết lý của câu thơ là ở chỗ “ngược đời” đó, nhưng xét kỹ ra lại rất hợp lý, hợp tình.
Tập hợp từ “lấy muối làm ngon” là nghĩa đen. Muối không ngon, đúng quá rồi! Ai đã từng ăn cơm với muối, ăn cơm với rau luộc chấm muối, thì hẳn đều thấm thía điều này. Muối không ngon, nhưng không thể thiếu được trong cuộc sống. Nó là gia vị trong mọi món ăn, nếu thiếu muối, thì dù có là “sơn hào, hải vị” gì gì đi nữa, thì cũng trở thành nhạt nhẽo, vô vị. Nếu cơ thể con người thiếu muối, cũng không hoạt động được, không tồn tại được.
Cái chất “muối” gia vị trong cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, con người vươn lên từ nghèo khổ, làm cho cuộc sống đáng nhớ và có ý nghĩa hơn. Cái chất “muối” chua cay, mặn nhạt của những cuộc tình đau khổ, dằn vặt, dang dở… làm cho con người biết quý giá, trân trọng những cái gì có được, giành được bằng mồ hôi và nước mắt.
“Ở đời lấy muối làm ngon” hàm chứa một triết lý sâu sắc về sự ứng xử của con người trong những hoàn cảnh khó khăn, một sự động viên, khích lệ con người sống sao cho phù hợp với hoàn cảnh, mới là cách sống tích cực, đáng trân trọng.
Lấy nước làm sạch, lấy con làm giàu
Ngay từ khi còn nhỏ, ai mà chả được các bà mẹ dạy câu “lấy nước làm sạch”. Nước có nước bẩn, nước sạch. Nước sạch thì quý quá rồi. Nhưng nước dù bẩn một chút, vẫn có thể rửa sạch những cái bẩn hơn, vẫn còn có ích. Câu thơ còn hàm chứa nội dung“Lấy nước” để “làm sạch”, để “rửa” những vết nhơ, những nhơ nhớp, những sai lầm nhất thời của cuộc đời.
“Lấy con làm giàu” đã từng nghe nói đến, nhưng không phải ai cũng hiểu một cách thấu đáo, tường tận. Cái “giàu” ở đây chắc chắn không phải là giàu tiền, giàu của, cũng không phải có con để cậy nhờ, điều đó cũng có, nhưng ý đó không nằm trong trường hợp này. Ngoài việc có con là đòi hỏi, là nhu cầu về tình cảm, mà mục đích ở đây cao cả hơn nhiều. “Lấy con làm giàu”, cái “giàu” ở đây là làm “giàu” cho một thế hệ tương lai, là tạo ra một thế hệ tương lai đông đúc, mạnh mẽ, có tài năng, là giữ được sự nối tiếp, sự phát triển của dòng họ, sự trường tồn của dòng họ. Đó là nhiệm vụ, nghĩa vụ của mỗi người với dòng họ mình. Nói rộng ra, đó là cách duy nhất để loài người, cũng như các loài khác, tồn tại lâu dài và phát triển, là truyền giống sang các thế hệ kế tiếp. Cuộc sống con người là hữu hạn, nhưng loài người trường tồn được là theo cách đơn giản và kỳ diệu này. Ông cha ta không phải vô tình, mà chủ ý “khắc họa” điều này lên thạp đồng để “dạy” con cháu làm cái nghĩa vụ thiêng liêng của mình.
Đi qua núi khổ vực sầu
Muối pha nước rửa thương đau nhân tình
Con người trải qua bao đau khổ chất chứa thành “núi khổ”, trải qua bao sầu muộn lắng sâu như “vực”. Từ nghĩa đen, muối pha nước rửa vết thương, muối có khả năng sát trùng, tác giả nói một cách hình tượng, “rửa” ở đây là “rửa” vết “thương đau nhân tình”, gột rửa những vết đau thế thái nhân tình. Ai rửa? Những người đã gây ra nỗi đau thế thái nhân tình phải tự mình gột rửa, chuộc lại lỗi lầm, dù có xót đau cũng phải nghiến răng gắng chịu, để cho lương tâm thanh thản. Đó là cách tốt nhất để lấy lại thăng bằng. Còn những người “bị” nỗi “đau nhân tình” cũng có thể tự “rửa”, tự giải tỏa nỗi “đau” bằng cách gạt nó ra khỏi tâm tư tình cảm của mình để sống cho thanh thản.
Trái đất giọt lệ nhân sinh
Lang thang vũ trụ một mình cô đơn
Hình tượng trái đất hai phần ba là nước, như một giọt lệ trôi trong vũ trụ. Hình tượng rất độc đáo. Tại sao lại là “giọt lệ”, mà không phải là giọt ngọc? Giọt lệ này là “giọt lệ nhân sinh”. Nước mắt của loài người đã chảy thành sông, thành biển. Tượng trưng cho nỗi đau khôn cùng nơi trần thế: chết chóc, đau thương, tan cửa nát nhà, gia đình ly tán, nghèo đói, bệnh tật… Nguyên nhân của nỗi đau là chiến tranh, là tranh giành quyền lợi, tranh giành quyền lực, địa vị. Một căn bệnh trầm kha từ thời thượng cổ cho đến ngày nay, đó là nguyên nhân của mọi nỗi đau không cùng mà nhân loại phải gánh chịu. Trái đất có cô đơn không? Trái đất tất nhiên là không cô đơn, vì trong vũ trụ có rất nhiều hành tinh giống như trái đất. Nhưng loài người sống trên trái đất thì có thể là duy nhất, là cô đơn trong vũ trụ bao la lạnh lẽo và đầy bất trắc này.
Triệu năm biển mặn vẫn còn
Triệu năm sóng vỗ chẳng mòn thời gian
Đá cứng đấy, nhưng sóng vỗ đá vẫn mòn. Thời gian thì lại khác, thời gian vẫn trôi đi, chẩy đi không ngừng nghỉ, không có gì giữ lại được. Con người thì vẫn cứ cuốn theo thời gian, chạy theo thời gian, cứ phải tiến lên phía trước, không còn cách nào khác. Thời gian quý hơn tiền bạc. Triệu năm trôi qua, nhưng “thời gian không mòn”, vì thời gian thì không thể thay đổi được.
Thành sông nước tạo giang san
Từ muôn tầng đá muối tan vào đời
Vạn sinh linh, vạn kiếp người
Nước cùng muối kết luân hồi địa thiên
Đến khổ thơ này, tác giả giải thích sự hình thành của giang sơn, đất nước, sự hình thành của nước và muối biển, sự luân hồi của nước qua quá trình bốc hơi, ngưng tụ từ trời, từ đất, tạo thành sông ngòi, tạo ra biển cả, cũng như sự luân hồi kế tiếp của các sinh linh, sự luân hồi kế tiếp của các thế hệ con người, sự gắn bó mật thiết giữa muối, nước và con người trong cuộc sống.
Buông đi bao nỗi ưu phiền
“Tham sân si” bỏ, đứng lên hát cười
Thấu tình vì muối tinh khôi
Thấm ơn nước ngọt, trong tôi mãi còn
Khổ thơ này tác giả nói rõ quan điểm của mình, làm thế nào và làm gì để cho tâm hồn thư thái, vui vẻ. Tác giả cũng nói lên lòng biết ơn sâu sắc của mình đối với đất nước, con người đã nuôi nấng mình khôn lớn thành người. Câu thơ thấm đẫm mối tình gắn bó, trong sáng, thủy chung giữa nước, muối và con người.
Câu thơ đầu tiên, tác giả đưa ra một triết lý “Ở đời lấy muối làm ngon”. Trong khổ thơ cuối cùng, tác giả nhắc lại, nhưng ý thơ đã đổi khác “Xin người lấy muối làm ngon” lại là lời cầu xin, kêu gọi mọi người hưởng ứng quan điểm của tác giả:
Xin người lấy muối làm ngon
Lấy nước làm sạch, lấy con làm giàu
Hai câu kết của bài thơ:
Nếu đời gây chút thương đau
Biển kia tẩy rửa cho nhau lại lành
Là một câu thơ có tính nhân văn cao cả, không trách móc, không oán giận, không để bụng, dù vết thương lòng do nguyên nhân gì đi nữa, ta bỏ qua cho nhau, tâm hồn ta sẽ thanh thản, và vết thương lòng sẽ mau lành lại. Thông điệp và tính nhân văn của câu thơ muốn gửi tới là ta nên rộng lượng, rộng lòng tha thứ.
Không mấy khi bắt gặp một bài thơ lục bát, lời thơ nhuần nhuyễn, mà có tính triết lý sâu sắc, và có nhiều ẩn ý như vậy. Bài thơ đáng để chúng ta bỏ chút thời gian để suy ngẫm.
26 tháng Chạp năm Nhâm Thìn
Lê Thanh Long