Chiến tranh – Hệ quả & hệ lụy

Chiến tranh – Hệ quả & hệ lụy

Xã hội loài người liên miên trong thế kỉ nào cũng có ít nhất vài cuộc Chiến tranh với bên trong hay bên ngoài, qui mô lớn hay nhỏ… như là một định mệnh của xã hội Loài người vậy!

Tôi nghiền ngẫm những ý tứ trong quan điểm của Napoleon Bonaparte : Những gì của Thực tiễn nếu chưa giải quyết được thì phải nhờ đến Giáo dục, Giáo dục chưa giải quyết được phải nhờ đến Tôn Giáo. Tôn Giáo không giải quyết được phải nhờ đến Chiến tranh!

Ở những Dân tộc hay Xã hội nào mà Học vấn thấp, hay chưa hiện hữu Tôn Giáo Chính thống…dễ hiểu là Chiến tranh thường là lựa chọn đầu tiên và rất tự nhiên của họ…Dân tộc A nếu mạnh hay hiếu chiến với Dân tộc khác. Hoặc Dân tộc B nếu ‘nhược tiểu’ hay tự gây ra những xung đột trong Nội bộ, cách sống không đáng tôn trọng với Dân tộc khác…và dần đến mức khiến kẻ ngoài xốn con mắt, mượn vào cớ đó đập cho nó một trận, hay tìm cách thôn tính…Ngoài hai thể loại Dân tộc nói trên, dù thế nào, trong cái chuỗi quan điểm như trên của Napoleon, thì Giới Lãnh đạo của Chính Quyền cũng luôn chịu trách nhiệm đầu tiên, và triệt để đến mọi thời điểm mai sau của Lịch sử về những cuộc Chiến tranh của Dân tộc mình…

Thực ra Con người luôn khát vọng Hòa bình để giải quyết tốt mọi việc của mình với nhau. Nhưng dường như là bi kịch là nếu bằng cách Hòa bình mà không giải quyết được phải đi đến cách của Chiến tranh ! Nguyên Tổng Thống Nga V. Putin nói : Muốn Hòa bình phải chuẩn bị kĩ cho Chiến tranh ! Và các Chính khách hàng đầu của các Quốc gia ( xưa đến nay ) luôn phải là người có khả năng làm Tổng tư lệnh Quân đội ! Đúng vậy ! Triết lý của các Võ sĩ Giang hồ : Hãy luôn đeo kiếm bên người dẫu không để đánh ai. Triết lý của Võ đạo : Hãy giã từ Vũ khí khi đã sử dụng rất giỏi nhiều thứ như vũ khí, hãy khiến cho đối thủ không dám chọn sự gây chiến làm lựa chọn hàng đầu, mà tuân theo cái Đạo của Ta!

Nhưng sự thật là cách mà mỗi Dân tộc tiến hành chiến tranh (dù chủ động hay bị động, dù tự vệ hay xâm lược ) lại ảnh hưởng rất lớn đến Xã hội của họ trong Thời bình, không chỉ ở những di căn, người chết hay các công trình bị hủy hoại… mà Chiến tranh để lại, cốt yếu là ở chỗ quan niệm đạo đức, phương thức tổ chức hoạt động, quản lí xã hội, cách thức xử thế và các quan hệ xã hội…bị ảnh hưởng từ nó như Hệ Quả hay Hệ lụy !

Ví dụ từ chiến tranh mà hình thành nên những Hệ quả tích cực (gặt hái được chủ yếu từ phía bên Mạnh ) :

– Nền Khoa học công nghệ được huy động ở mức tinh hoa và đỉnh cao nhất cho chiến tranh. Khi Hòa bình những thành tựu kĩ thuật đó sẽ được chuyển giao từng phần vào sản xuất, kinh tế

– Cách thức tổ chức chặt chẽ, qui củ, chính thống, chuẩn mực từng đội ngũ tinh nhuệ và kỉ luật hiệp tác Quân binh chủng là kinh nghiệm cực kì tốt cho tổ chức và quản lý xã hội thời bình

– Phẩm chất, ý chỉ, bản lĩnh con người được tôi luyện thử thách trong Chiến tranh khiến họ trở thành những con người có uy tín và kiên cường có thể dẫn dắt được nhưng người khác trong sự nghiệp kiến quốc

– Sự chiến thắng củng cố Quốc Trị và uy tín Quốc tế. Nhưng nếu thất bại sẽ biết rút ra những bài học về sám hối, về phản tỉnh và mạnh mẽ hơn trên con đường đi tìm phương thức sống chung ngay với cả kẻ khác ý thức hệ và yếu hơn mình

Ngược lại, ví dụ Chiến tranh để lại những Hệ lụy tiêu cực ( hậu quả lớn thuộc bên ‘Nhược tiểu’ ):

– Vì phải phải chiến đấu, nhưng do tính chất là bên ‘Nhược tiểu’ nên buộc và có khuynh hướng sử dụng những chiêu thức, cách thức, phương thức phi chính thống, phi qui ước, vô kế hoạch, tệ hại hơn nữa là quan điểm ‘Mục tiêu biên minh cho phương pháp’ được chấp nhận

– Quen với việc khi chưa có chiến thắng thực thì phải tạo ra ‘chiến thắng ảo hay biểu tượng tinh thần’ , điều này cần duy trì thường xuyên nên dẫn đến sự giả dối, trí trá, lừa mị…dần được xem như tín điều, là nhựa sống của tổ chức nhằm vượt qua những thời kì hiểm nghèo kéo dài

– Chiến tranh vốn coi nhẹ chi phí, nhưng vì yếu về Công nghệ nên đi đến việc buộc phải hi sinh nhân mạng ở qui mô lớn, nhiều khi phải dồn vét nguồn nhân lực ngay cả khi chưa đủ tuổi vị thành niên…Phải vượt qua ‘tính Nhân đạo với chính người Mình’ …để lại những hậu quả khủng khiếp về Nhân Sinh

– Trong Chiến tranh cần phải có quản lí tập trung, tuân thủ vô điều kiện ý chí của cấp trên. Nhưng khi Hòa bình, tập quán quyền lực đó vô cùng khó bỏ, chưa kể sinh ra tầng lớp hay cá nhân ‘Công Thần – địa vị’ nhâm nhi chiến quả, nguy hiểm hơn là họ tìm cách duy trì ‘ý niệm kẻ thù’ khó thay đổi ‘quan điểm chiến tranh’ trong thực tiễn Thời bình

Suy cho cùng, Mỗi Dân tộc trong Lịch sử của mình khó tránh khỏi những cuộc Chiến tranh. Nhưng cuộc Chiến tranh Chân chính, và thực sự còn có ý nghĩa, bao giờ sau khi kết thúc, những Giới Lãnh đạo chịu trách nhiệm tiến hành nó cũng phải trả lời cho Dân tộc, Nhân Dân mình, đối với Quốc Tế và với Quốc Nội, những câu hỏi lớn sau đây cũng như cách thực hiện nó:

  • Hòa giải giữa Dân tộc và các Quốc gia khác, giữa các tầng lớp Nhân Dân cùng Đât nước như thế nào để Hòa hợp? Dân Sinh được đền bù ?
  • Năng lực thực hành Quyền Tự Chủ, Tư Do, Tự Cường, Tư Quyết của Quốc gia sẽ đem đến cho Nhân dân niềm tự hào thiết thực như thế nào?
  • Thiết lập sự Thống nhất bên trong và khẳng định Độc lập với bên ngoài, bằng những phương thức Văn minh tiến bộ như thế nào?
  • Sức mạnh và Chân lý duy trì Hòa bình nhằm tới Ổn định và Phát triển Quốc gia ra sao để tránh Chiến tranh?

Chỉ có như vậy Xương máu của bao Người, bao Thế hệ mới Có Ích! Họ chết trong tinh thần hy sinh cao cả và Thánh thoát….!!!

Dù thế nào thì tôi cũng muốn nhấn mạnh : Chiến Tranh, tự nó không bao giờ đem đến ‘Điều Thắng’ cho bất cứ Ai là Hiền Dân cả! Nhưng nếu phải đối mặt với nguy cơ của nó, mỗi Dân tộc cần giải quyết những vấn đề của nó bằng Niềm tin của Chính Nghĩa, Sức Mạnh của các Dân tộc, Chuẩn mực của Văn minh, và với tinh thần Hòa bình cho Tương lai!

Bình luận (3)

  1. Chiến thắng càng oanh liệt biết bao nhiêu thì tổn thất càng lớn bấy nhiêu. Có những người mẹ, người vợ bên phe chiến thắng chờ mong những người chồng, người con trở về trong vinh quang. Ngược lại, những người vợ, người mẹ của những người bại trận lại đau khổ vì mất đi người thân.

    Hai người lính ở hai bên chiến tuyến, tuy chỉ vì mệnh lệnh mà phải bắn giết nhau. Đối mặt với nhau, tuy có thể cả hai đều không muốn giết nhau. Nhưng đều nghĩ rằng không giết đối thủ thì đối thủ giết mình. Đó là sự nghiệt ngã và vô nghĩa của chiến tranh.

  2. Đó là 1 câu trong 1 bài hát rất quên đối với mỗi nguời Việt Nam. Tôi không bàn thêm gì về bài hát đó, tôi chỉ muốn nói rằng: dù nhân loại khó có thể tránh khỏi chiến tranh bởi nó là một hiện tượng xã hôi, căn nguyên của nó là mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên. Nhưng sau khi chiến tranh qua đi dù là nuớc thắng trận hay bại trận thì nhân dân các nuớc đó cũng sẽ chịu nhiều đau khổ.

  3. Một bài viết hay, đưa ra nhiều vấn đề, nhiều ẩn ý làm chúng ta phải suy nghĩ.

    Thắng lợi trong chiến tranh nhiều khi là tiền đề của thất bại, do quá say mê chiến thắng mà không biết mìnhlà ai, do không được chuẩn bị kiến thức khi bước vào hòa bình, do muốn tiếp tục giải quyết các vấn đề trong nước và quốc tế bằng quán tính bạo lực.

    Cái kết cục cuối cùng người dân mong muốn sau chiến tranh là: Họ sẽ có được bao nhiêu quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

    Cảm ơn bạn Tất Thịnh và chungta.com. Tôi đề nghị Chúng ta tiếp tục chủ đề này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.