Cuộn dây kì diệu
Một giáo sư nghèo sống trong căn nhà nhỏ đơn sơ ở khu phố bình dân. Người vợ sức khỏe yếu phải ở nhà nội trợ, một đứa con gái đang học đại học ngoại thương. Cố gắng lắm ông cũng duy trì được cho gia đình nhỏ một cuộc sống thanh đạm. Đồ đạc quý trong nhà có cái xe máy tàm tạm lúc thì bố đi, lúc thì nhường cho con khi cần picnic với chúng bạn… Đi ra khỏi cái ngõ ngoằn nghoèo, đầy bên vỉa hè chật hẹp hàng hóa bày bán kiểu tự cung tự cấp, thông dần ra đường cái lớn gần đó có một công viên rộng và vài cái tiệm ăn uống, những người dân trung lưu ở nơi khác hay đến vui chơi và lu bù…
Vợ ốm yếu và cũng cam phận ở nhà thì cũng chẳng biết gì nhiều mà so đo đòi hỏi. Nhưng đứa con gái vốn ngoan ngoãn, học giỏi thì cũng thỉnh thoảng chợt buồn, chạnh lòng hỏi : Bố ơi sao bố là giáo sư mà nhà mình mãi nghèo thế, từ khi con bé đến giờ …? Ông vốn hiền, chẳng nói lại gì, nhưng thầm so đó và nghĩ : quả thật ngay trong trường mình bao nhiêu người chưa là giáo sư, là phó giáo sư, trẻ già trai gái họ đi giảng mấy cái môn kĩ năng sống tùm lum, kinh tế chính trị Mac Lê, Vai trò chủ đạo của Doanh nghiệp Nhà nước… giảng như chơi vậy mà tươm tất lắm! Còn mình miệt mài nghiên cứu, khổ công giảng dạy cái môn thiên văn, lỗ đen, hố trắng, sao lùn, vụ nổ lớn…là gì như thế nào…có lẽ nghèo do bởi môn đó nó chả quan trọng gì, không ai quan tâm, học mà đau đầu nát óc trong khi cuộc sống đã dày vò tâm hồn họ đã quá đủ. ừ ! ông biết tại sao mình nghèo rồi !
Còn hơn tháng nữa đến Tết. Ấy thế mà kẻ trộm không có Tim đã cuỗm mất cái xe máy quý giá đó khi nó được dựng tạm trước cửa nhà. Ông giáo sư cứ vô tư nghĩ rằng thời buổi này còn khối cái quý hơn xe máy nhà mình, với lại nghe nói bọn trộm xuất thân nhà nghèo cùng cực nên biết thông cảm với ông, hơn nữa dựa tạm ngoài tí ăn cơm trưa thôi thì có sao, bà con hàng xóm sát sạt hỏi han nhau suốt, tuy không dặn thì họ cũng biết đó là xe máy của ông sẽ đưa mắt ngó ngàng giùm. Thế mà nó đã mất! Tài thật ! Khốn nạn thật ! Ông thốt lên câu đó chả biết nhằm vào ai !
Đầu chiều ông mang cái bộ mặt khó hiểu về cảm xúc lên báo công an khu phố. Các anh ấy biết gia cảnh, con người ông chi li lắm nên cũng lễ độ nghe qua cho phải phép. Anh công an rót mời ông uống nước chè trong cái ấm tiếp dân, ra cái chén nhờn nhợt, và nói bằng giọng đầy kinh nghiệm nhưng triết trung phải trải đời lắm may ra mới hiểu: ôi giời, thời buổi này trộm cắp đầy ra đấy không nhận ra nổi, khó tìm ra lắm, trừ khi giết người chứ chỉ hại người thì có ngay trong nhà mình cũng phải chịu thôi ! Em đây này, cũng mất khối thứ hơn xe máy nhà thày mà chả phải do trộm cắp gì đâu, bị hại bao nhiêu lần ghê lắm mà cực vô hình cơ !
Cuối cùng anh công an cũng thương tình cho ông giáo sư một giải pháp : thôi, quên cái xe máy cũ đó đi, sẽ có xe khác được chưa ? Ôi, gì cơ ! Các anh cho tôi xe mới à ? Ông thảng thốt trợn mắt nhổm người lên hỏi – Nhà nước mình tốt thế ! Không ! anh công an đáp. Em thay mặt chính quyền công nông binh trí, tạo cơ hội cho thày thôi. Đến Trời Phật vạn năng cũng chỉ cho được đến thế. Đi vào phòng gọi là kho, một lúc bước ra phủi bụi quèn quẹt, anh cần trên tay cuộc dây thừng to dài và nói : đây, thày cầm về, bắt đầu từ mai chịu khó ra gần công viên và mấy cái tiệm ăn bên đường đây, quây cái dây này vào thành một đám rộng trăm rưởi mét. Nhớ là chỉ được thế thôi đấy nhé, còn phần người khác. Tôi làm gì được với cái dây này hở anh ? Ông giáo sư buồn rầu hỏi. Ơ cái thày này hỏi đến là hồn nhiên. Mà bọn trẻ bây giờ nó cũng chả hỏi thế, có tí mảnh ghép thôi mà chúng làm ra khối hình đẹp đấy. Thày dùng cuộn dây này chăng thành khu trông giữ xe máy xe đạp thày hiểu chửa ? Quyền sử dụng dây đến rằm giêng em thu hồi, thày nghe chưa ! Cũng được đấy. Em cá với thày sau Tết thày chả muốn đi dạy nữa không biết chừng. Thôi thày về đi cho em còn tiếp dân khác. Họ nhiều chuyện lắm, mà dây còn có dễ chứ đất trống đồi trọc càng ngày càng hiếm. Làm chính quyền như bọn em vì dân mà vắt óc sáng kiến của mình để sáng kẹo cho dân đấy. Dân mình làm sao ý thày ạ. Học lắm vào ! Anh nói một tràng câu như thế từ đáy lòng rồi chủ động đứng lên bắt tay như kết thúc cái cuộc gặp này.
Ông cũng đã kịp hiểu giải pháp, chào lễ độ rồi về viết đơn xin nghỉ phép, cuối năm nên cũng được cấp trên dễ dàng chấp thuận, với lại thực ra là giáo sư nhưng ông cũng chả quan trọng gì với những điều họ cần làm vào dịp trước Tết. Ông nghe theo sự chỉ bảo của anh công an tốt bụng. Thật may, ngày khởi sự trông xe bắt đầu hôm thứ bảy…Và như Trời Phật đất mình thương người nghèo nên chuyên phù cho những việc dễ, cho những người lâm cảnh cơ nhỡ sự nghiệp, phải từ bỏ cái việc khoa học đang làm mà thực thà tìm kiếm lòng thương mới được. Ngày đầu tiên, còn hơi e ngại, với cũng tiếc thời gian, ông mang theo quyển sách dày cộp đi đọc thế mà tối về đếm thấy thu cũng bộn tiền, chả thấy vất vả gì. Kinh ngạc ! Với tâm cảm hào hứng đó, ngày sau ông bỏ sách ở nhà để chuyên cần hơn, đứng từ vòng ngoài của cái dây chăng thành vòng đon đả mời khách, xăng xái giúp họ đưa xe dựng chân chống vào bãi. Tiền nhiều hơn đáng kể…cứ thế cứ thế….say lắm ! Ông nhẩm tính cứ đà này thì gần Tết sẽ cho vợ và con gái một hatric bất ngờ. Vui như chưa bao giờ, mỗi ngày là một niềm vui, đặc biệt tối về thì khỏi phải nói. Con gái ông biết chuyện nhưng chắc xấu hổ với việc trông xe của bố nên lầm lũi ăn cơm tối, chả buồn hỏi. Nó thấy cái mặt ông vui hơn hớn khó hiểu mà hơi thầm ghét bố.
Chỉ hơn một tuần sau, ông nhanh chóng trở thành người trông xe rất chuyên nghiệp và có văn hóa ứng xử cao…đến mức khiến nhiều người trông xe ngỡ ngàng : ô hóa ra cái việc trông xe cũng cần có trình độ, ô gửi cái xe cũng được hưởng cái cảm giác lâng lâng tự cường vì được niềm nở lịch sự. Anh công an thầm tự hào vì mình làm được việc tốt, hơn nữa đã tạo ra một người trông xe văn hóa có lẽ nhất Thành phố ! Điển hình lắm ! Điển hình đây chứ đâu !!! Nhưng sức ông vốn hết trai trẻ, không tốt lắm rồi. Nửa tháng thì thấy oải, dù cái ham thích tiền càng tăng lên…giải pháp của ông là cứ ngồi một chỗ thôi…chả sao ! Với lại người cần gửi xe thì đông như kiến cỏ thế lo gì…Rồi ông tiết kiệm cả lời nói chào hỏi đon đả…Có lần một tay xách mé, ông thầm nghĩ : cái loại mày đi cái xe cà tàng này đến gửi thì hà tất có bao nhiêu tiền mà đòi hỏi, hạnh họe thế, đấy là chưa kể tao còn cả kho tri thức trong bụng đây mà còn chưa thế nữa là… Thấm thoắt đến sát Tết. Ông mang toàn bộ số tiền kiếm được ra tổng kết : Trời Phật ơi có thể mua được vài cái xe như đã mất. Thánh thật ! Đội ơn Bồ tát ! Như chủ định ông mua về cho con gái chiếc xe máy mới loại tốt, tân thời, và vài món đồ Tết rôm rả tươm tất hơn hẳn mọi năm…Ôi đoạn dây kì diệu ! Lúc này cả nhà đều thốt lên vui khôn xiết như vậy. Đứa con gái thương yêu bố quá, nó nắm chặt cái dây thừng quý hóa ngắm nghía như là báu vật hay như là thứ có thể đưa và bảo tàng : mình học đại học ngoại thương mà không ai dạy, chả thể tưởng tượng được có cách kiếm tiền giản dị mà hiệu quả như thế bao giờ ! Ông giáo sư không quên sắm một túi quà tốt để tặng cho anh công an. Đến trụ sở anh công an đon đả tươi cười ra đón và hỏi : thày ổn chứ ? Dạ tôi kiếm được anh ạ. Không em hỏi sức khỏe thày cơ, sau hơn 1 tháng làm cái việc vất vả chưa từng ý ? Ôi trên cả ổn anh ạ.Hết năm có chút gọi là biết ơn anh. Ôi thày chu đáo quá, giá chúng ta có nhiều chỗ để sử dụng những cuộn dây đó và biết chia sẻ thương nhau mới thực sự là quý thày nhỉ. Anh công an vui vẻ nhận và xởi lởi chân tình. Sau tuần nước chè mới đặc sánh rót ra từ cái ấm mới đẹp, anh hạ giọng nghiêm ngắn : em nhắc thầy sau Rằm giêng cho em thu hồi lại đoạn dây ý đấy nhé.
Ông nghe mà lòng chưng hửng. Thời gian sao nỡ lấy đi của mình niềm vui và cơ hội nhanh thế. Ôi cái đoạn dây thừng, cái mảnh đất hơn trăm mét sao thân thiết thế… Nghĩ đến cảnh sau đó không còn được trông xe nữa, lại quay về với cái công việc và cảnh cũ ở trường thấy ngán ngẩm quá. Anh công an an ủi : thế là ổn rồi, phúc bất trùng lai và họa cũng có thể chỉ là đơn chí thôi. Hê hê… Thày thôi ko giữ xe em cũng buồn, vì cả nước mình mới có một trường hợp điển hình như thế này, tiếc lắm chứ. Em mà có quyền đã kí quyết định chuyển việc cho thày và còn đưa lên báo trung ương để khách bốn phương thấy mảnh đất của chúng ta ngàn năm văn vật còn thể hiện ở văn hóa giữ xe nữa chứ. Độc đáo và quý thật. Nhưng Tết đến rồi thày vui cho kỹ vào và đâu có đó ý mà. Chả có gì mãi được thày ạ.
Tết năm đó nhà ông ăn mặn nhiều hơn ăn chay so vơi mọi năm…nhưng ông thấy mọi thứ cứ nhạn nhạt, thà chay là chay như các năm trước còn có vị. ông mân mê gắn bó với cái cuộn dây thừng quá, thậm chí để gần đầu giường như sợ nó biến mất, chỉ đáng vài chục ngàn mà ở nó sao lắm niềm vui nỗi buồn, quấn giăng nhiều nhân sinh quan đến lạ !
Cái cuộn dây thừng kỳ lạ !