Đãi muôn hạt cát tìm Vàng

Đãi muôn hạt cát tìm Vàng

ĐÃI CHƯA THẤY VÀNG, MỚI HIỂU ĐẤT CŨNG LÀ VÀNG!

Tôi hàng ngày vẫn chịu khó quan sát đời sống để tìm được những điều hay. Kẻ đãi Vàng thường vì nghèo mà lặn lội nơi rừng sâu núi thẳm, sự chịu đựng gian khó của họ thật đáng quý, tôi nghĩ đó cũng chính là Vàng rồi. Nhưng tại sao ‘chất Vàng’ đó là vô giá trị khi chưa tìm thấy được ‘Vàng Thật’ ? Bởi chưa hiểu được triết lý ‘đãi Vàng chưa thấy thì hãy biến đất thành Vàng đi’ ! Nếu không, tìm được Vàng Thật rồi, không khéo lại khiến một số họ tha hóa…mà mất đi đức tính hay quý ban đầu ? Rồi tôi cũng hiểu : Vàng Thật chính là công quả được thị trường trả giá. Sau đó phụ thuộc vào cách mỗi người sử dụng, chuyển hóa giá trị thị trường của Vàng Thật thành giá trị sống xã hội của mình như thế nào mà thôi….
Thành thực, nhiều khi đãi mãi bao nhiêu điều nhìn thấy mà không thấy vài điều hay….Nếu là người đãi Vàng thì như thế coi như trắng tay sau muôn vất vả ! Còn tôi quay vào bàn làm việc viết về những chuyện mà tôi đã gặp, và tin là ở đâu đó đang còn có thật, theo triết luận ‘cái gì không thực thì không hiện hữu ngay cả trong trí tưởng tượng’. Ít nhất tự thấy thực ở chỗ : chuyện viết ra đi vào tình cảm, con tim của chính mình, chế ngự một phần điều xấu có thể xảy ra, nếu thôi nghĩ đến điều tốt… Tôi viết tiếp chuỗi ‘những câu chuyện cảm động’ của mình…..

Anh làm công tác điều tra xã hội học. Anh cho rằng, hãy đặt ra một chủ đề nào đó rồi chịu khó đi tìm những hiện tượng xã hội về nó, thế nào cũng có, và cho người ta biết được rất nhiều điều …

Một lần…

Anh tìm đến một gia đình có hai mẹ con ở một khu nhà nghèo nàn nằm ở rìa khu công nghiệp, giành cho những công nhân nghèo thuê ở. Người ta chỉ giới thiệu đơn giản đó là một bà mẹ có đứa con trai vừa đỗ thủ khoa đại học thành phố.

Bước đến cửa ngôi nhà nhỏ cấp bốn, cất tiếng chào hỏi, một người phụ nữ ngoài 40, xạm gầy, ăn mặc tuềnh toàng bước ra đón vào. Chị có vẻ rất không quen xử sự với sự thăm viếng kiểu như thế này nên điệu bộ thật lúng túng, nhưng đầy khiêm nhường.

Anh xởi lởi : chồng chị đâu ạ ? Chị cúi mặt chăm chú rót nước sôi ở phích vào ấm trà khẽ trả lời : dạ không biết, 19 năm về trước anh ta biết cái thai trong bụng nhiều phần sẽ dị tật nên bỏ đi biệt tích. Bấy lâu anh không tìm, không hỏi, rồi thấy cũng ổn thôi ạ
Anh thấy như mình vô tình chạm vào điều không vui, nên cố vồn vã hỏi : Chị à, cháu trai nhà mình đang ở đâu rồi ? Chị chỉ vào bên trong, sau tấm vải rộng cũ kĩ làm ri đô ngăn non nửa bên góc cuối nhà: Dạ, nó ngồi trong đó ạ. Chị ngồi bên ngoài bên chiếc bàn nước bé xỉn màu, anh xin phép bước vào, vén tấm vải thấy một cậu ‘thanh niên’ bị ‘đao’ gầy gò bé nhỏ ngồi như co lại trên chiếc đệm bông trước cái máy tính cũ kĩ kềnh càng.

Qua những câu hỏi thăm thông thường, anh hỏi cháu : hàng ngày cháu có vui không ? Động tác và cử động muốn nói của cậu có vẻ khó khăn lắm, nhưng anh cảm thấy biểu hiện rạng rỡ trên khuôn mặt cậu lại thật tự nhiên, và tuy trong dạng bệnh tật mà đầy chất ngây thơ đáng mến. Cậu đáp : cháu vui chứ, không vui sao được ạ. Thế niềm vui của cháu là gì, ở đâu ? Dạ, là mẹ cháu, là sự học tập của cháu bác ạ.
Trò chuyện đôi hồi, thấy cháu như đã hơi mệt, anh tặng cháu chút quà, rồi cầm cuốn sổ tay mang theo đề nghị : cháu có thể ghi cho bác vài dòng vào đây được không ? Cậu ‘thanh niên’ : dạ được ạ, bác đưa đây cho cháu. Rồi cậu chìa bàn chân nhỏ trắng của người vốn bệnh tật, như thật mệm mại, quặp lấy cuốn sổ anh đưa ra, để nhẹ lên tấm bảng gỗ đặc bệt trước mặt, rồi lại dùng ngón chân quắp lấy chiếc bút trong ống, viết gần phút xong đưa lại. Anh đón lấy đọc : kính chúc bác thật nhiều sức khỏe, niềm vui và sự thành công trong cuộc sống ! Anh cảm động trào dâng nghĩ : một cậu bé như thế mà có thể chúc anh những điều như thế. Tối ngắm nghĩa dòng chữ đó, không dấu được ngạc nhiên khẽ hỏi : cháu ơi, làm sao cháu có thể viết đẹp đến thế này ? Cậu hiểu ý, cười khó khăn nhưng thật đáng mến: dạ có gì đâu ạ, cháu thích viết và tìm được sự cân bằng khi viết. Mỗi khi viết cháu như tập thể dục cả bên trong lẫn bên ngoài…

Trước khi đứng lên chuẩn bị bước ra, anh còn hỏi thêm : Cháu có thể nói bác giúp thêm được chút gì cho cháu không ? Dạ, cháu cảm ơn bác lắm ạ, cháu thấy mình cũng còn may lắm đấy, ở lớp cháu còn có nhiều bạn hay bị bệnh vặt suốt ngày ốm, còn cháu á, quanh năm chả sao cả. Anh vẫn cảm được trên khuôn mặt của cậu tỏ vẻ được sự mãn nguyện thật là thương. Thế cháu mong ước gì nào ? Dạ, cháu mong cháu học giỏi, có việc gì làm để giúp đỡ thêm mẹ cháu ạ.

Anh quay ra ‘phòng’ ngoài đôi hồi hỏi thăm mẹ cháu. Anh hỏi : hàng ngày chị sống như thế nào ? Chị trầm ngâm tâm sự đơn mạc : ôi, anh ạ, cứ lao động thôi, nó sẽ tự bảo cho mình biết phải nên như thế nào. Với lại có cháu là niềm vui sống nhất. Nó đã thế mà mình lại không nỗ lực hay sao, nó được thế mình kém hơn nó được hay sao. Mẹ con tôi thương yêu nhau như không khí và nước uống, mới thấy đó là dinh dưỡng, là năng lượng anh ạ. Chị ước mong lớn nhất điều gì ? Như hoàn cảnh này thì nhiều khi cũng chả dám tự hỏi rằng mình ước mong này nọ ngoài mình và nó ra đâu, chỉ mong hai mẹ con luôn khỏe, đừng có rủi ro gì nữa. Là vì gần đây có bà cô em chồng biết tin cháu ở đây, gọi là đi ngang qua tiện đến chơi thăm nom người đàn bà là tôi, chí ít cũng có một thời gian ngắn ngủi làm vợ anh trai cô ấy. Nhưng trò chuyện cô ấy cố gắng làm cho hai mẹ con tôi hiểu là không có dính líu họ hàng gì với gia đình người ta cả. Bởi sâu xa anh cô ấy là con trưởng có thể được kế thừa đất cát tổ tiên, hình như lấy vợ mới đã lâu nhưng chẳng có con gì sau này, nên sợ thằng bé sẽ là một nguy cơ phải chia chác. Nói thẳng ra là người ta không muốn thừa nhận thằng bé là huyết thống của anh kia. Tôi chìa cho xem giấy khai sinh của nó : không mang họ nhà ấy để cô ta thoải mái. Lạ kỳ, chuyện đó thằng bé nhà tôi nghe và cảm nhận được, bị buồn mất khá lâu. Người tàn tật, họ cố mọi điều để khắc phục khiếm khuyết của bản thân, nhưng tình cảm như pha lê, mong manh dễ vỡ, phải tránh được những chuyện rủi ro tình cảm từ người khác gây ra mới giúp họ duy trì tiếp được năng lực sống . Rủi ro như thế có thể đánh sụp cả tôi nữa anh ạ.

Anh biếu chị món quà nhỏ, từ biệt hai mẹ con họ ra về. Chị cảm ơn và nói : hai mẹ con tôi cảm ơn anh, việc anh đến thăm nâng đỡ tinh thần cháu nhiều lắm. Thằng bé tuy suốt ngày ngồi một chỗ, nhưng nó cũng muốn được chia sẻ nhiều điều, với những con người ở xa, thật xa ngoài nơi nó đang ở. Ra khỏi khu nhà nghèo nàn, trở lại phía thành phố. Sắp tới có một cậu sinh viên như thế có mặt ở giảng đường đại học, không phải là đặt chân đến, mà bằng tinh thần, nghị lực, niềm sống hiện hữu, chứng tỏ, vươn lên….Chính anh lại có ý nghĩ cầu mong cho cháu được vạn sự hanh thông đi qua những khuyết tật của xã hội, ở đó có bao nhiêu điều có thể ngăn cản, đánh đổ cả những người lành lặn nhất về sức khỏe, làm hao tốn vô kể những đặc ân mà Tạo hóa ban tặng cho con người !!!???

Anh đến thăm mẹ con họ, nhưng họ đã cho anh bài học sống thật sinh động, chan chứa tình thương và nghị lực, và cách đối xử với những điều còn lại không như ý của cuộc sống !

Bình luận (1)

  1. Đọc những dòng chữ ở trên em rất cảm động. Trong người như lặng đi và thấm thía, Tự nhiên trong người toát thêm cho mình một nghị lực, một sự quyết tâm cao để tiếp tục đi trên con đường đầy gian nan. Một hoàn cảnh sống có thật nhưng cách viết và dẫn chuyện của thầy càng làm sinh động và quấn hút những trái tim. Em thiết nghĩ mình còn may mắn hơn nhiều những số phận kia nhưng trời đã trao cho ta trọng trách để ta có thể hiện thực hóa những điều đó nhanh hơn họ thì ta phải cố gắn nhiều hơn nữa dẫu biết rằng đã có lúc em nghĩ mình mệt mỏi, có khi đã cạn kiệt( dù ở tuổi 28 nhì vào đầy tuổi trẻ) khi phải chiến đấu một trận chiến không cân sức trong suốt 3 năm qua. Khi đến với PTI em không nghĩ mình đạt được hơn cả sự mong đợi như vậy.
    Một lần nữa em chúc thầy sức khỏe hạnh phúc. Em cũng gửi lời chúc toàn thể anh chị em CEO đang đi trên những con thuyền giữa biển nước mênh mông loáng thoáng vẫn chưa nhìn thấy bến bờ, có một sức khỏe, niềm tin và hy vọng một ngày không xa sẽ cập bến an toàn và hãy tin bến bờ không còn cách chúng ta xa đâu.
    “” Mưa sẽ tạnh gió bão ắt sẽ ngừng” mọi thứ có thể bị quấn trôi nhưng chỉ cần giữ được ta ở lại mọi vận sẽ trở về như xưa và còn tốt đẹp hơn.
    HIENDV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.