Dòng thời gian sống & và năng lực cảm nhận !
có ba tầng về năng lực cảm nhận tự thân của một con người
– Tầng Môt : cảm nhận giác quan về sự vật hiện tượng bên ngoài: Thông qua Ngũ Giác thông thường mà nhận ra cái gì mặn ngọt, to nhỏ, gồ ghề trơn nhẵn, xanh đỏ, thơm nồng…
– Tầng Hai : cảm nhận về không gian : thông qua hệ thần kinh trung ương, được cài đặt sẵn ở não bộ. Là cao hơn rồi, ví dụ như xa gần, rộng hẹp tròn méo…cho đến nhận ra cảnh quan, sự cân đối hài hòa, tính phù hợp trong xây dựng qui hoạch môi trường sống…
– Tầng Ba : cảm nhận về Thời gian : nhận ra dòng trôi của thời gian trong ngày, tuần, tháng, năm…cho đến phân biệt được Mùa cùng sự nhanh chậm của nó….
Trong bài này tôi đặc biệt muốn nói về năng lực cảm nhận thời gian ! ( không tính đến việc người đó phải dựa vào công cụ là đồng hồ )
Năng lực này khó định vị là nằm ở đâu, bộ phận nào trong con người. Nó mang tính tương đối và khác biệt cao độ.
Một đứa trẻ không thích đến trường học lắm, nhưng chiều về thấy thời gian trôi nhanh, khi nó được chơi cả ngày lại thấy ngày đó mãi không hết
Hai người khác nhau, cùng giới, cùng tuổi, lại cảm thấy thời gian trôi khác nhau trong cùng một ngày
Cùng một người khi trẻ thấy thời gian trôi chậm, khi ở tuổi trung niên thấy thời gian vùn vụt đi không phanh hãm, rồi lại thấy dài lê thê khi đang nằm trên giường bệnh ở tuổi ngoài 80
Có không ít người căn giờ được cực kì chính xác khi họ làm công việc chuyên môn của họ, ví như khi đi giảng, nhưng mất khả năng đó trong những việc khác còn lại
Có người lạ đến mức : khi trẻ khỏe, chịu không ước lượng được thời gian, nhưng làm gì cũng chính xác giờ giấc, bây giờ trung niên, lại có khả năng căn giờ chính xác từng phút ( muốn ngử dậy lúc nào được lúc ấy ) nhưng làm gì cũng không chính xác giờ nữa
Có khi cái bụng của một người là ‘cái đồng hồ chính xác’ báo hiệu đến khoản thời gian ăn thích hợp và quen thuộc hàng ngày, nhưng đầu họ lại không thể nhớ đúng bữa trước đó họ đã ăn vào lúc nào
Có người nhớ, hình dung chi tiết sâu sắc với khoảng thời gian quá khứ tận hồi tuổi thơ ấu, dù lúc ấy cuộc sống của họ chẳng có sự kiện gì ấn tượng. Nhưng họ rất kém hình dung về khoảng thời gian quá khứ rất gần hiện tại của họ, cho dù đã trải qua nhiều sự kiện thú vị hoặc tưởng như khó quên
Có người phân tích tương lai dài khác đúng, nung nấu, dự tính cho việc thực hiện mưu cầu của mình sẽ hoàn thành đúng hạn trong khoảng thời gian dài trong tương lai tới , thậm chí vài năm, trong đó họ đã cố gắng đạt được từng mục tiêu giai đoạn chính xác về thời gian tiến độ. Nhưng chính họ không thể dự đoán được tương lai rất ngắn
Rõ ràng, với nhiều người họ cảm nhận tốt và sử dụng những khoảng thời gian dài rất hiệu quả, nhưng mất năng lực cảm nhận những khoảng thời gian rất ngắn. Họ dẫn dắt bản thân tốt trong khoảng thời gian dài, nhưng bất lực kiểm soát bản thân trong khoản thời gian rất ngắn ấy
Thực ra tốc độ dòng thời gian trôi đi trong không gian sống của chúng ta là luôn như nhau mà thôi, nhưng dẫn đến các cảm giác và cảm nhận khác nhau là do tâm thế và tinh thần của mỗi người khác nhau trong những hoàn cảnh và tác động khác nhau từ môi trường bên ngoài vào bên trong họ. Nhưng đường dẫn ‘cái tác động đó’ là đường nào ? Theo cách gì ? Rõ ràng không theo cách của tầng Một cảm nhận bởi Ngũ Giác hoặc tầng Hai là hệ thần kinh trung ương ! Rõ ràng thảo mộc hay các sinh vật khác sinh ra lớn lên rồi chết đi trong dòng thời gian với qui luật tuần hoàn của Tự nhiên ( dù chúng đều có hai Tầng cảm nhận trên giống Con người ), Có thể ở sinh vật có hệ thần kinh trung ương có những cảm nhận về thời gian nhất định, nhưng hiển nhiên là không hề có cái năng lực cảm nhận dòng thời gian như chúng ta và phức tạp như Con người !
Người nào mà trong ngày họ không rơi vào cảm giác dài ngắn khác nhau về thời gian, có khả năng căn giờ chính xác cho mọi chuyện, dự liệu việc nào việc ấy của bản thân đúng vào thời điểm và khoản thời gian định trước, cảm xúc về sáng trưa chiều tối rõ rệt ấy là người có hệ thần kinh tốt ? Hay là ‘có cái gì tốt’ trong con người họ mà ta chưa gọi đúng tên ? Dù gì thì họ đã đúng là một thực thể sống tin cậy phản ánh đúng thời gian như dòng thời gian vốn thế, và họ đã có thể thực hành nhịp sống làm việc của mình chính xác trong dòng thời gian đó. Tôi đã được gặp những người đó. Chả biết thế nào, nhưng một ấn tượng mạnh, một cảm nhận rõ ràng là họ rất thăng về lối sống, rất đằm chín trong cư xử, rất trọng bản thân, rất biết nên làm việc gì…Ở họ khó thấy những chữ ‘phải’ / ‘đua’ / ‘thèm’ / ‘cố’ / ‘chán’ / ‘hứng’ / ‘vội’ / ‘khẩn’ / ‘thúc’ / …tưởng qua là ‘bình chân như vại’ mà họ thực là mẫn cảm và tinh tế trong cảm nhận, cảm xúc với đời sống quanh mình
Để kết và mở rộng cảm nghĩ về bài này , Tôi nhớ về câu chuyện Đức Đạt Lai Lạt Ma khi được mời đến đối thoại với các sinh viên một trường Đại học ở Mĩ. Có một người nêu câu hỏi : Thưa Ngài, muốn hỏi một câu mong Ngài không cho đó là nhạy cảm hay thất lễ, phạm húy…rằng Ngài có tình dục không ? Ngài cảm nghĩ về điều đó như thế nào ? Đức Lạt Ma trả lời từ tốn, rõ ràng : Nếu một câu hỏi như vậy khiến tôi bối rối, đỏ mặt, né tránh, bực mình, hay không thể thả lời thì Tôi có còn là Con Người Tôi nữa hay không ? Xin trả lời rằng tôi chưa bao giờ có hành động tình dục nhưng tôi có cảm nhận đầy đủ về nó. Nhân Tôi nói thêm có người có hành động ấy mà không có cảm nhận tốt. Có người nhìn thấy Cây mà không có cảm nhận về Cây, có người nghe rõ tiếng Nhạc mà không cảm nhận được về Nhạc…Một cái va chạm nhẹ với người yếu, vào trẻ con gây ra đau, nhưng với người lực sĩ và không lồ, anh ta có thể không cảm thấy mà bỏ qua. Có người phải rọi đèn lên mới thấy được không gian quanh mình, có người nhắm mắt lại trong đêm tối cũng cảm nhận được…Cũng như vậy có người cảm nhận được về Đấng Tạo Hóa và có người không vậy. Gần giống thế là có người con cảm nhận được tình yêu và nỗi đau của người mẹ khi sinh ra họ, lại có nhiều người không thể cảm nhận nổi điều thiêng liêng đó….
Ngài lại tiếp : Có người hỏi tôi những món ăn, đồ uống mà chúng tôi kiêng dùng, phải chăng do chúng tôi sợ hay những thứ đó vào trong cơ thể chúng tôi sẽ gây hại ? Xin thưa rằng không! Vài chai rượu mạnh của các bạn mà làm Tôi say đổ đến mất mình được ư ? Một chút vi khuẩn trong đồ ăn, hay chất đạm trong thịt mà làm chúng tôi bị bệnh mà chết ư ? Hay gần gũi một cô gái trẻ đẹp mà có thể khiến chúng tôi sa đọa ? Một cái ác khiến tôi không sống nổi sao ? Không ! Tất cả cái mà các bạn gọi là kiêng khem ấy…với chúng tôi…chính là để chúng tôi luôn tinh sạch mà cảm nhận được chính xác muôn điều li ti trong mình và trong Đời sống. Đó là bí quyết để dẫn dắt được mình trong mọi điều, chứ không phải là dẫn dắt được mọi điều !