Giá trị cốt lõi

Giá trị cốt lõi

LOÀI NÀO KHẢ NĂNG ẤY. GEN NÀO GIỐNG ẤY !
Chúng ta biết Con Hổ, con Trâu…con Chuột…Cây Bao Báp, dây leo, Hoa Xương Rồng…kiếm sống bằng những năng lực riêng có của chúng. Trong quá trình đó và truyền đời, chúng tạo ra, di truyền và nhân bản cái gọi là ‘năng lực cốt lõi’ của mình. Cái đó là đặc hiệu, riêng biệt, có giá trị với chúng, với Loài nhằm bảo tồn, duy trì và phát triển. Nhưng được gọi là ‘giá trị cốt lõi’ khi cái năng lực cốt lõi đó không những tác dụng tích cực với cá thể chúng mà còn đóng góp cho sự cân bằng, phát triển của Cộng đồng, của loài khác…Càng nhiều, càng có ý nghĩa tạo ra nhiều giá trị gia tăng thì GTCL đó càng là giá trị tuyệt vời. Bởi vậy GTCL được gọi là Gene của Cá thể, Loài, tổ chức hay xã hội.

Chúng ta chỉ có thể gọi giới Động vật có ‘Năng lực cốt lõi’ chứ khó có thể dùng thuật ngữ ‘giá trị cốt lõi’ cho chúng, vì khái niệm này được dùng cho những Cá thể sống, nhóm Cộng đồng, những tổ chức mang tính Xã hội. Nhưng rõ ràng các Cá thể, tổ chức, cộng đồng, xã hội nhất định, đó và vẫn còn lại trong chính nó là ‘tính Loài’ như Sinh vật.

Tản mạn dạo quanh vài điều tiệm cận đến cách hiểu về khái niệm GTCL, từ giá trị thực của vài người nào đó trong quan hệ, nghề nghiệp, lao động, thành tựu… của họ:
– Một ông nhà văn, đi đâu cũng nói đến trong ông ấy đậm đặc ‘chất thằng lính’ ! Hỏi nó là gì ? Làm nên giá trị gì của chính ông, sức ảnh hưởng lan tỏa như thế nào với cộng đồng ? Có được nhân bản, tiếp nối, phát triển trong con ông hay ai đó không ? Ông ấy chịu
– Một ông nghiên cứu triết học, tự nhận mình là số 1 Châu Á ! Nếu nói mình là số 4,5,6…chả sao, nhưng nhận là số 1 thì phải chứng minh GTCL làm thành cái số 1 đó là gì ? Và phải được Cộng đồng thừa nhận ?!
– Một tay trí thức trẻ nói leo lẻo với vài ông chuyên gia nước ngoài cùng trong nhóm : Chiều Hà Nội mùa Thu có cái riêng biệt không ở đâu Thế giới có được, khiến người ta nao lòng…Tưởng như thế mình hay, nhưng anh ta không trả lời được điều mình nói là gì

Nên bản thân ngôn ngữ của một ai đó có thể không lột tả được hết cái gọi là ‘GTCL’ của mình hay của sự vật …Phải là cái điều tự nó chứng tỏ, phổ quát và đi đến thừa nhận mặc nhiên về giá trị của chính nó : ví như Hoa Hồng toàn Thế Giới thừa nhận là đẹp và gắn với biểu tượng rất cao là Tình Yêu, thì nó phải chứa đựng được trong mình những GTCL có vẻ đẹp , quý liên quan đến Tình Yêu. Thanh thép gọi nó là ‘cốt cách của những công trình’ chấp nhận được và hay, nhưng không thể gán nó với ý niệm hài hòa với thiên nhiên. Nghĩa là giá trị của nó chỉ phù hợp với một số trường hợp, phạm vi nhất định. Có tên tuổi được cố gán gọi là Thánh mà chả siêu để học, là Thần mà chả thiêng để thờ…là bởi thiếu cái GTCL, hoặc chưa đến mức điển hình để có thể gọi, là coi như vậy…nên khiên cưỡng

Vì vậy, ‘giá trị cốt lõi’ là ‘năng lực cốt lõi’ mang tính Gene của Loài ( của Cá thể, nhóm người, tổ chức, Dân tộc nhất định ) đã đạt đến trình độ sống cạnh tranh và tương tác với cộng đồng và xã hội khác nó, được thừa nhận như là điều cơ bản , chủ yếu nhất, xuyên suốt trong quá trình tiến hóa. 5 thuộc tính của GTCL : ( Chính yếu / Phổ quát / Thời gian / Bản sắc / Nhân Bản ) -> hướng tới ý niệm Chân Thiện Mỹ

Bởi vậy tôi muốn triển khai trên cơ sở 3 định đề dưới đây, liên quan đến GTCL :
– Cái gì không có giá trị phổ quát là cái dị mọ, có thể trong thời gian dài, nhưng sẽ bị thoái hóa từ bên trong và bị đào thải bởi tiến hóa bên ngoài, chính nó còn chưa có ‘năng lực cốt lõi’

– Thứ năng lực sống của Cá thể hay Loài cho dù đã thành’năng lực cốt lõi’ mà không chuyển hóa thành ‘Giá trị cốt lõi’ thì dần tuyệt chủng, trước hết là biến thể lệch lạc về Văn hóa

– Từ ‘Năng lực cốt lõi’ mang tính Loài phải đi đến đóng góp tích cực vào sự phát triển, văn minh chung của Cộng đồng khác thì mới được gọi là ‘giá trị cốt lõi’ với trình độ được thừa nhận

Dưới đây tôi viết lại bài thơ ‘Cây tre’ của nhà Thơ Nguyễn Duy …như một điển hình, để chúng ta cùng hiểu về ‘Năng lực cốt lõi’ chuyển hóa thành ‘giá trị cốt lõi’ của người Việt Nam, Cộng đồng người Việt, cùng ngẫm nghĩ tầm ảnh hưởng, tác dụng tích cực của nó đến phạm vi, mưc độ nào về ( không gian/ thời gian ) & ( tương sinh / tương khắc ) & (Văn hóa / văn minh ) trong chính nội bộ và với các Loài / cộng đồng sống khác

Tre xanh, xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa.. đã có bờ Tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành, Tre ơi
ở đâu Tre cũng xanh tuơi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu
Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ mầu ít, chắt dồn lâu hóa nhiều
Rễ siêng ko ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Vư ơn mình trong gió Tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh ko đứng khuất mình bóng râm
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu Tre gần nhau thêm
Thương nhau Tre chẳng ở riêng
Lũy thành Làng xóm lập nên công Đời
Chẳng may thân gẵy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho Măng
Loài Tre đâu chịu mọc cong
Bé mà mà khí phách như chông quật cường
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc Tre nhường cho con
Măng non, là búp măng non
Đã mang dáng thẳng thân tròn của Tre
Năm qua đi, tháng qua đi
Tre già măng mọc có gì lạ đâu
Mai sau, cho đến mai sau
Đất lành xanh mãi bởi màu Tre xanh

Với bài thơ rất hay này, có thể tóm tắt về ‘giá trị cốt lõi’ của Cây Tre – như là ‘Giá trị cốt lõi’ / Gene gốc của người Việt Nam, Cộng đồng Việt:

– Tương thân tương ái cùng Loài, cùng cảnh ngộ
– Đề cao tính quần tụ nhóm, quần thể cùng chất, Loài quanh ao, sông, hồ ở đồng bằng
– Hy sinh nhường nhịn cho con cái chính mình
– Bé thì như Măng, lớn tí thì cứ nghiêng ngả, kẽo cà kẽo kẹt
– Văn hóa đùm bọc, văn minh Làng xã. Kẻ ngoại di khó xen sống
– Bão tố, khí hậu khắc nghiệt, đất cằn không thành vấn đề, rễ của nó mới là vấn đề
– Sản phẩm làm ra từ Tre : cái tăm cái đũa, cái mành, cái chõng, cái sáo, chông…

Để bổ trợ và phát triển, xem thêm : ‘Giá trị cốt lõi & năng lực của các Quốc gia’ tôi đã viết dưới đây :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.