Hiểu về sự kiện Liên Xô năm 1991 qua những câu hỏi
Sắp được 20 năm sự kiện Liên Xô sụp đổ. Dù bình luận gì, không thể phủ nhận Liên Xô – một quốc gia vĩ đại với rất nhiều những sự kiện và kì tích lừng lẫy địa cầu ! Và chỉ trên một phương diện thuần túy tình cảm : đó là đất nước với nền khoa học ưu việt đã đào tạo cho Việt Nam hàng chục ngàn các nhà khoa học, kĩ sư, nhà quản lí các cấp…Hơn nữa văn hóa Nga đã thấm vào bao nhiêu người Việt mà kích thích phát triển cho văn hóa Việt hiện đại.
Giống như Vạn lý Trường Thành dù có được xây dựng nên từ ý chí tàn bạo và hàng chục vạn cốt khô thì sự vĩ đại là hiển nhiên và đáng tự hào. Tìm hiểu về sự sụp đổ của Liên Xô để thấy ý tưởng ban đầu là tốt đẹp, nhưng kết cục của nó khiến ta nghĩ về một xã hội hoàn thiện và tiến bộ hơn. Ngay cả khi nguồn gốc tạo ra Vạn Lý Trường Thành có tồi tệ đi chăng nữa nhưng ý nghĩ phủ định lịch sử là vô giá trị, cho dù sự tiến bộ xã hội và công nghệ đã giúp con người lên được Vũ Trụ.
Tôi cho rằng nếu như Liên Xô vẫn là một một thể chế đa quốc gia nhưng thay đổi như mô hình liên bang kiểu Mỹ cộng với một chút gì đó như xã hội dân sinh kiểu Bắc Âu thì tuyệt vời ?! Nhưng than ôi…dường như cái định mệnh của nước lớn trong Thế giới quá phức tạp về lòng tin và lợi ích này thì không thể không giành ngân sách lớn cho Quân sự, hơn nữa phải can dự và gánh những sứ mệnh và mưu tính Toàn Cầu, bởi vậy nó tự bị đè bẹp bởi sức nặng của chính mình. Tôi than tiếc mà nói thế thôi, chứ Thể chế của một Xã hội không phải là phép cộng các Thể chế khác nó, mà rất nhiều khi nó không hề là sự lựa chọn tự giác của một xã hội, nhưng rõ ràng tính chất của nó được sinh ra bởi trình độ xã hội mà nó sẽ cai trị
Mệnh đề : Như chúng ta từng được học về Chủ Nghĩa XH khoa học, và hiểu rõ rằng :
– Trong chế độ xã hội của những nước Cộng sản không một thế lực nào bên ngoài đủ nguồn lực, luận thuyết, sức mạnh, công cụ có thể làm nó sụp đổ, hơn nữa chế độ đó thuộc hệ thống tự cô lập, sự ảnh hưởng tương tác tiềm năng nhất là thông tin cũng khó xảy ra
– Giới lãnh đạo tối cao, tự coi là ưu tú nhất không những của Quốc gia mà còn của Nhân loại, thể hiện cực điểm của ý chí chính trị, sẵn sàng sử dụng quyền lực và các cách thức mạnh nhất để củng cố chế độ và đập tan mọi sự phản kháng
– Không thể hình thành được và tồn tại nổi một lực lượng nội địa nào để trở thành một tổ chức chính thống hòng đáng coi là đối trọng hay đối thủ trong sự chuyên chính rất mạnh do đó không có thể có ai bên trong làm xây sát được chế độ
– Mọi nguồn lực và tiềm năng của đất nước được quản lí tập trung cao độ để có thể được chính quyền huy động và sử dụng bằng những sắc lệnh chính trị hiệu lực và nhanh chóng hơn tất cả những hình thức khác, để hiện thực mọi chủ trương đường lối
– Trong khuôn khổ cơ chế đa số tập quyền thuộc Bộ Chính Trị, nên không thế một cá nhân đơn phương ra được quyết định chiến lược, kể cả là Tổng Bí Thư. Hơn nữa có mạng lưới Chi bộ sâu rộng lãnh đạo chính quyền cấp tương đương
Và những câu hỏi : ( Bạn thử chọn chỉ 1 đáp án trong những dòng chữ đỏ trong từng câu dưới đây )
– Sự sụp đổ của Liên Xô xảy ra, đã là một tất yếu, vậy nguyên nhân chính là : Sự hư hỏng của Hệ thống / Do tiến hành cải tổ / Các nước tư bản phá hoại ?
– Căn nguyên chính sinh ra vấn nạn của hệ thống xã hội Liên xô là : Tính kế hoạch quan liêu bao cấp / Các qui luật của thị trường không diên ra được / Thiếu dân chủ trong đời sống xã hội / Nhân tài không này nở và được trọng dụng ?
– Nếu có thể tránh sụp đổ thì : Củng cố hệ thống như lý thuyết vốn có của nó / Cải tổ hệ thống bởi lý thuyết mới / Mở của tìm sự trợ giúp từ đâu đó ?
– Sự sụp đổ đã dẫn đến : Nước Nga tồi tệ hơn / Thế giới rơi vào loạn lạc / Nhân loại lầm than hơn ?
– Nếu Liên Xô không sụp đổ mà rất mạnh thì : Nhiều nước đang là Tư bản chọn con đường CNXH / Thế giới đi đến Đại Đồng / Nhân dân được hưởng theo nhu cầu ?
– Sau sự sụp đổ của Liên Xô, nhìn tổng quan Bạn thấy Xã hội tốt lên hay xấu đi về : Đời sống kinh tế / Những quyền Dân sinh / Cơ hội phát triển con người ?
– Bạn đã biết về các nước XHCN và G7 thì theo Bạn : hệ thống XHCN hay mô hình Tư Bản kiểu G7 có sức sống / Nên hoàn thiện nền kinh tế Kế hoạch hóa XHCN hay xây dựng nền kinh tế thị trường văn minh hơn ?
– Bạn cho rằng từ ‘CNXH’ bây giờ là một : Thuật ngữ chính trị quá khứ / Con đường tất yếu của các XH / Cần thay đổi khái niệm / Không quan tâm ?
– Di sản hữu ích nhất mà Liên Xô để lại là : Hạ tầng tot trong các lĩnh vực / Bài học kinh nghiệm cho các nước XHCN còn lại / Học thuyết Mác Lênin càng được mài sắc / Tiềm lực quân sự và vị thế cho nước Nga bây giờ ?
Cuối cùng Bạn hiểu tại sao lại nảy sinh từ ý tưởng cải tổ kinh tế của Lênin ( 1924 ), đi đến quan điểm cải tổ tính chất phe trục của Khơrutshov ( 1956 ), rồi cuối cùng là sự thực buộc cải tổ mang tính Thể chế xã hội của M. Gorbachev ( 1986 ) dù thời điểm ủ chúng cách nhau mỗi quãng là cả 30 năm?
Nhưng dù sao Việt Nam luôn là Việt Nam ! Một nước này không phải là tập hợp những kinh nghiệm của nước khác !