Ngẫm nghĩ về Tín ngưỡng của nhiều người Việt hiện nay
Tín ngưỡng thực dụng
Khu tôi ở có cả nhà giàu và nhà bình thường. Tôi là người có tín ngưỡng nhưng quan niệm Phật tại tâm, nên cũng ít đi chùa chiền miếu mạo. Vợ tôi bảo: – Mấy nhà nghèo như mình thường hay thắp hương tại gia ngày rằm, đầu tháng chứ như nhà anh chị Y kia giàu có luôn luôn đến cầu tạ ờ các chùa chiền, nhiều khi xa lắm, tận bên Trung Quốc nữa cơ đấy.
Một lần gần Tết, cũng nhân chút việc phải nhờ, vợ chồng tôi sang thăm anh chị. Câu chuyện hồi kết xoay sang cúng bái, lễ tết. Chị Y nói: – Từ đầu năm đến giờ tôi đi có hơn chục đền chùa cầu khấn nên gia đình mới được như thế này cô chú ạ. Chả bù năm trước tôi đi cũng nhiều mà chả thấy ăn thua gì. Tôi chả tin gì mẫy cái nơi lem nhem, những người bình dân hay đồn đại ấy. Thánh Thần thì tôi nghĩ cũng có đai có đẳng, phân cấp ủy quyền như Chính phủ thôi cô chú ạ, có phải chỗ nào mình cũng đáng đến đâu, đến cũng được việc đâu. Chồng chị ngả người trên ghế xôpha da nhả khói lên trần chậm rãi: Bà thì cầu Thánh Thần, bất quá mấy mâm lễ còm, đồ giả với mớ tiền giấy, còn tôi phải phụng dưỡng Quí nhân, người thật việc thật, toàn bằng đồ thật cả đấy bà ạ, chẳng thể xem thường được. Thế mà đã bằng ai đâu.
Vợ tôi cười vui kể: Đầu ngõ nhà mình, đêm đến nhà nhà ra đổ rác trộm đến là ô uế, vận động mãi không nghe, tự bỏ tiền dọn đi thì tuần sau lại lù lù đống mới. Thế là em thuê mấy thanh niên chợ người đêm xuống xây vội cái am nhỏ, để cái bàn thờ, rồi em xì sụp khấn bái vài tối… Từ đó trở đi hai bác thấy đấy chả ai đổ rác ra đó nữa. Tất cả chúng tôi cùng cười…- Ô thế mà tôi cứ tưởng… Chi Y thốt lên rồi ngừng bặt. Vừa hay cô bé giúp việc cho anh chị bước vào lễ phép nói : – Thưa bà con vừa đi chợ mua đồ lễ về để thắp hương, còn lẻ mấy ngàn, thấy một cụ ăn xin tàn tật ngoài chợ, thấy thương quá con biếu cụ ấy rồi ạ.
Chị Y quắc mắt lên gắt: – Gớm nhỉ, lấy tiền của tôi bố thí cho người. Ai mà tin được ma ăn cỗ.
– Thưa bà, xin bà trừ vào lương của con ạ – Cô bé nhỏ nhẹ.
– Không phải dạy tôi, mày còn như thế còn bị trừ nhiều con ạ.
Vợ chồng tôi chào ra về và tôi cứ băn khoăn về những món đồ cũng lễ của người đời trong những đền chùa quanh năm nghi ngút khói hương. Những làn khói, hương rất thiêng, bay lên như dấu hỏi, rồi tan biến hư vô, còn sự đời đang lắng cặn, quanh đây, đắng ngắt.
Văn hóa hội hè và những giá trị
Đầu Xuân mấy người bạn rủ tôi hãy theo tinh thần của các cụ: Tháng Giêng là tháng ăn chơi, Tháng Hai cờ bạc Tháng Ba hội hè… làm một cuộc hành trình đến những danh lam nổi tiếng đất Bắc. Xem truyền hình đầu năm lại được nghe sự ca ngợi của mấy bác Phó giáo sư tiến sĩ Khoa học xã hội nhân văn: có lẽ trên thế giới này không nơi nào có những lễ hội đầu Xuân phong phú sắc màu văn hóa, những câu chúc Tết hay ho như ở Việt Nam… nghe phấn chấn quá, vì quả thực tôi cũng được đi không ít lắm một số nơi trên thế giới nhưng cái sự kì diệu trong nước thì cũng chưa trải nghiệm được bao nhiêu.
Chúng tôi đi chợ Viềng, cái Chợ ở Hà Nam mỗi năm chỉ mở phiên có một lần, người mua người bán ai cũng muốn có được điều may mắn nào đấy cho mình cả năm. Tôi chưa đi bao giờ nên rất háo hức. Xuất phát từ tối hôm trước, còn cách hơn chục cây số thì bị ùn tắc cả một đoàn người xe ken đặc, tiến thoái lưỡng nan, đến đi bộ cũng khó, có lẽ chỉ đám thanh niên giai gái là thích thú. Rồi sáng tinh mơ cũng len vào được đến nơi xen lẫn những tiếng chửi đổng, lu loa bị móc túi… Hàng quán dựng tạm tràn ngập vào lối đi, thịt Trâu, thịt ngựa, thịt bò pha lẫn nhau ai tinh phát hiện ra để không bị mua giả, hay ai bán dối mà người mua không biết thì năm ấy chắc may lắm. Rất nhiều cây cảnh, tò he, hàng Trung Quốc, quán ăn nhanh kiểu nông thôn pha thành thị Việt Nam… Điều may mắn mà mọi người mong đợi lại thông qua những hình thức mua bán như thế nên luôn mang màu sắc tiền bạc và chụp giật….Nhưng tấp nập, hoan hỉ lắm !…
Chúng tôi đi Chùa Hương, nơi mà các bậc tiền bối ca tụng là ‘Annam đệ nhất động’….Theo cách nói, quan niệm của người Việt Nam là ‘hành hương’ thì giông giống như điều răn của Thánh Alah với người Hồi giáo: trong đời mỗi người phải hành hương ít nhất một lần đến Thánh Địa Mecca. Đến nơi, mùi thịt rừng nướng đã tràn ngập ngay từ Đền Trình đến là hấp dẫn. Biển người trước người sau vào ra, chen vai thích cánh trước các cửa chùa mà bái vọng vào nhau. Từ trên cáp treo nhìn xuống bạt ngàn là những mái tôn của hàng quán ở mọi nơi xỉn màu thời gian thay cho cảnh quan của cảnh vật thiên nhiên, đền chùa…ở một số hang động nhân tạo thấy vài thanh niên bản địa ăn mặc kiểu nhà chùa cầm đèn pin lia vào những nhũ đá trên đỉnh hang mà dẫn giải với khách thập phương rằng hàng ngìn năm trước Thần Đại Bàng đã từng cư ngụ ở đây….Tôi cứ tự hỏi những điều ấy có phải là tín ngưỡng không nhỉ ???
Chúng tôi đến Đền Bà – hỏi han mãi về sự tích gốc rễ, tôi mới ngờ ngợ xưa kia lúc đang học lớp 9 đã từng đến đây lao động ‘Xã hội chủ nghĩa’, khi ấy nơi đây, dân làng với tình ‘Nghĩa tử là nghĩa tận’ thương xót một người đàn bà nghèo khổ chết tha phương cầu thực mà chôn cất đắp cho bà một nấm mộ đất giữa đồng. Ai ngờ linh hồn bà hôm nay đã khiến người ta ngưỡng mộ mà thành kính tôn thờ đến vậy, để tin rằng bà trên trời cao mà phù hộ độ trì cho đám chúng sinh đẫy đà đang đốt những bó hương to nghi ngút khói khẩn cầu cho những riêng tư ngồn ngộn của họ. Dân địa phương phát hiện thấy tiềm năng to lớn, nên đổ tiền vào xây Đền mới khang trang biến nơi đây thành ‘di sản văn hóa’ , nhiều năm nguồn thu chủ yếu của địa phương là từ đây. Những cảnh như vậy chúng tôi cũng gặp nơi Đền Bà Chúa Kho ở Hà Bắc, truyền kì về Bà thì nhiều sách báo đã nói, nghe thì thực là hay lắm… Nhưng người đời nay đã gán cho Bà những ý nghĩa mà họ đang ham hố, bon chen, đổi chác….Họ bảo Bà thiêng lắm bởi vậy người đến lễ bái ra khỏi cửa đền đã thấy tinh thần trên của họ thật là ngùn ngụt trên nét mặt.
Tôi đi về, chợt nhớ đến việc Thủ tướng Nhật Koizumi hàng năm đến viếng đền Yasukumi…với tinh thần tưởng niệm quá khứ, chiêm nghiệm về những giá trị ở đời để thành thực mong muốn, phấn đấu vì sự an bình cho đất nươc Nhật Bản và Nhân loại.
Nhiều người chúng ta đã từng nghe những điều chúng ta tự nói về mình : ‘Nhân dân chúng ta thông minh, cần cù, dũng cảm’ và ‘Không đâu trên thế giới này có những bà mẹ anh hùng đến thế’ và ‘Ba mươi sáu phố cổ của chúng ta hàm chứa những tầng di sản văn hóa vô giá…’ và ‘Những tư tưởng chúng ta đang theo đuổi là đỉnh cao của trí tuệ’….vv và vv…
Hãy tin là như thế, nhưng cái cách mà chúng ta hôm nay đang xử sự như thế đối với những giá trị mà chúng ta vốn tự đề cao như thế….thì liệu rằng chúng ta sẽ như thế nào đây? Tại sao chúng ta dựng nên và tin nhiều vào những giá trị ấy đến vậy mà vẫn rất nghèo, tối tăm và khổ sở đến vậy? Thật ghê gớm cho những ai nghĩ, tưởng tượng ra những truyền kì, những sự tích, những tín điều như thế…