Ngộ trong hành trình tìm Tự Do

Ngộ trong hành trình tìm Tự Do

NHIỀU NGƯỜI CHƯA CHẾT VÌ BỆNH NHƯNG CÓ THỂ NGỘ ĐỘC VÌ THUỐC !

Một Hoàng Tử, ngay từ bé được Vua Cha vời vào Cung người Thày rất giỏi dạy cho chữ nghĩa và các kiến thức, mong sao cho Chàng giỏi giang mà đầy đủ tư cách của người được kế vị Ngôi báu để trị xã tắc, kinh bang tế thế sau này…

Trong khi giảng, đàm đạo, người Thày luôn ngợi ca và nói với Chàng về hai chữ Tự Do…dường như là giá trị cao quý nhất của Con người và Nhân loại, rằng : các ông Vua được hậu thế gọi là tuyệt vời và các Chính thể được xem là tiến bộ là phải làm sao đem cho Dân được hai chữ Tự Do đó… Ông Thày bảo : Tự Do là nhận thức tự nhiên, là cái Quyền đương nhiên và bình đẳng mà mỗi người được là chính họ, được khẳng định bản thân trên con đường đi đến cái hay nhất, phát huy tiềm năng hữu ích nhất trong mỗi người mà phụng sự xã hội theo cách mà họ chọn…

Hoàng tử vốn thông minh và nhạy cảm ! Chàng không hề cảm thấy được điều đó đối với mình. Một hôm chàng hỏi : Thưa Thày, việc Thày ở trong Cung dạy con mỗi ngày như thế này, vương phải bao nhiêu điều cấm kị, những khái niệm phải tránh phạm húy… thời gian mỗi ngày không còn bao nhiêu cho những điều Thày hằng tha thiết, và như Thày thấy đến ngay Vua Cha cũng có bao nhiêu điều không thể được tự theo ý mình…nhưng rồi ai cũng thấy cái Lý Do Khác lớn hơn nhiều để biết và học cách chấp nhận và tuân thủ…Họ như khôn ngoan hơn vì thế ?! Vậy thì có cái ‘Tự Do’ như Thày nói chăng ? Nhưng con cần phải tự tìm hiểu khái niệm Thày nói bằng cách bắt đầu từ chính mình : từ mai con lên đường tìm hai chữ Tự Do ! Thày có đi cùng con được không ?

Người Thày giật mình, nói : ta không thể ! Và lo lắng ra sức can gián Chàng bằng muôn lý do…đồng thời thưa bẩm việc đó với Đức Vua. Vua nhiều ngày thuyết phục cũng không lay chuyển được Chàng nên nói : đó là cách mà con ta chọn để trưởng thành theo cách của một bản lĩnh khác thường, để tự hiểu những điều mà ý chí chỉ ra đời từ đó…Còn Thày truyền chữ cho con ta mà cố ngăn cản hành trình của tư tưởng thì khác gì làm con ta ngộ độc chữ ! Nếu ta ngăn cản thì các ngươi gọi ta là độc tài…! Nếu những người Dân đen nghe những lời ngươi nói mà ai cũng vùng lên đòi hỏi, đi tìm theo cái cách nghĩ, từ cái trình độ sống của họ thì xã tắc phỏng sẽ như thế nào ? Thật may là người nghe về thứ Tự Do ngươi thuyết giảng đó là con trai ta vậy ! Rồi trầm ngâm, Ngài quyết : nếu Tự Do ta chưa được đến như ngươi nói thì chí ít cũng để cho con trai ta được trải nghiệm về Tự Do vậy !

Hoàng Tử một mình lên đường…

Qua những trang thôn, bao nhiêu nô lệ được Chàng ngỏ ý chuộc tiền để trả lại Tự Do cho họ…nhưng không có ít người cung kính thưa lại : hỡi Người Cao Quý ! VÌ ở quê muôn điều không sống nổi, nên chúng con phải tự đi bán mình thôi ! Tuy là thân nô lệ nhưng hàng ngày được chủ cho làm cho ăn, cho sự an toàn. Chúng con ngoài sức lao động và sự tận tụy để làm ra được củ khoai hạt thóc, cũng không có gì khác để có thể đi đâu, làm được gì với hai chữ Tự Do đó. Ngoài thôn trang này tệ nạn và kẻ cướp cũng không thiếu, không khéo ra ngoài lại sa vào bẫy của chúng mà bị đọa đầy vào sự bất lương mà nơi ở cuối cùng của nó là nhà tù hay giá treo cổ, nếu không thì cũng bị đòn roi của những kẻ xem hạt máu của người là thuốc bổ hàng ngày của chúng..

Qua một thành phố nhỏ…nghe được người ta nói về một nhà tư tưởng đang bị tù tội, Chàng đến thăm. Hóa ra ông ấy bị kết tội phỉ báng Tạo Hóa chỉ vì ông ấy giao giảng : Thượng Đế không có thật ! Chỉ có con người tạo ra Thế Giới theo cách hành động và cách nghĩ của họ vì lợi ích mà thôi ! Chàng quá kinh ngạc vì thấy : chẳng ai có thể có bằng chứng gì về sự Đúng Sai, điều nhà Tư tưởng kia nói cũng chẳng gây ra bệnh dịch, chiến tranh hay loạn lạc, hay làm tổn hại đến ai cả..thế mà bị tù đầy khốn khổ ! Chàng quyết định dùng ảnh hưởng để trả lại Tự Do cho ông ấy ! Nhưng trước đó vào thăm, Chàng hỏi ý nguyện, thì nhà Tư Tưởng trầm mặc thành thật trả lời : cứ để cho ông ấy bị tù như hiện nay, vì như thế ông ấy mới thực đáng được gọi là nhà Tư Tưởng. Nếu ra tù được Tự Do nên người ta sẽ trông đợi ông ấy phải chứng minh điều đã nói, thì không biết phải giải thích như thế nào về nguyên nhân gì gây ra bệnh dịch, chiến tranh hay loạn lạc…nếu không phải là Thượng Đế !? Chẳng nhẽ lại đổ cho Vua Quan, cho nền cai trị ư ? Thế thì tội tử hình chứ chẳng đùa được nữa rồi !

Chàng đi qua một trại lính gần biên thùy, chứng kiến tận mắt nhiều ngày sự sẵn sàng chiến đấu, cách sinh hoạt, quản lý nội bộ của họ. Những trừng phạt quá nghiêm khắc của cấp trên với cấp dưới, những mệnh lệnh nghe có nhiều điều thật vô lý bề dưới vẫn phải tuyệt đối tuân thủ, những con người mà sức vóc và sự tuấn tú của họ phải nhiều năm nuôi dưỡng, khổ luyện mới tạo nên được, thế mà có khi chỉ trong khoảnh khắc ngã gục vì đòi hỏi của những nhiệm vụ mà bình thường Chàng không hiểu nổi tại sao phải thực hiện nó…Chàng trò chuyện với một đám sĩ quan, hỏi họ rằng có muốn được Tự Do không ? Họ trợn mắt hỏi lại : cái đó thực ra để làm gì ? Nếu có nó thì có còn là quân đội nữa không, và chúng tôi sẽ biết chỉ huy ai, nghe theo ai ? Một sĩ quan vẻ từng trải nhất cười đáp đầy ngụ ý : chúng tôi sẽ còn được một ít cái đó nếu không bàn đến nó !

Chàng vượt qua biên giới, ở nước đó qua tuyên truyền là mảnh đất đầy Tự Do và Chính quyền muốn phát tán nó đi khắp nơi thậm chí bằng những cuộc chinh phạt, những sự nghiệp khai hóa…Chàng hỏi Dân chúng về Tự Do ? Ai cũng nói : Hiến pháp viết rằng họ là Một là Riêng là Quý, nên họ được bầu cử…nhưng cho cái Thứ gì đó đứng trên tất thảy kia…chưa kể họ than vãn lầy đất về quan tham ô lại đầy các xó xỉnh làm cuộc sống bức bối bực bội bí bách suốt tháng ngày. Nhiều bậc được xem là lão làng, các tri thức tinh hoa quán nước, quan chức to nhỏ về hưu còn nói họ từng được đến một mảnh đất thuộc địa của một quốc gia khác…người dân ở đó còn sống khá hơn, còn có Tự Do thực hơn chúng tôi…Ôi làm người ở xứ này khó lắm ! Và họ than thở : thôi, dẫu sao vẫn còn chút cái quyền bình phẩm thoải mái ở vỉa hè ! Ngay ở trong xó nhà mà ăn nói thế này cũng có nguy cơ gia đình choảng nhau như bỡn !

Chàng qua một thị trấn thấy người ta sắp treo cổ một thanh niên. Hỏi anh ta vì cớ gì, anh ta đáp : quá thương cha bệnh hiểm nghèo bị vật vã đau đớn hàng ngày, lại chả có thuốc gì chữa cho khỏi được, hơn nữa cha cứ đòi giúp cho ông ấy được ra đi thanh thản, nên anh ta đã gạt nước mắt chiều lòng. Cha chết còn mình thì bị kết tội giết cha nên ra nông nỗi này. Chàng hỏi có muốn được Tự Do không sẽ giúp? Người thanh niên buồn rầu đáp : thưa Người, dù Người có quyền thay đổi được cũng xin đừng, vì tôi tuy sẽ được sống, nhưng trở về nhà ai ai cũng nguyền rủa xa lánh , hơn nữa khi làm việc kia giúp cha trước đó không coi đó là tội vì nghĩ cả hai cha con được Tự Do mà hành động, nay đã biết thế là thực tội to rồi, thì sống không bằng chết. Giờ muốn đi theo cha tôi thôi. Sống ở đời đâu có được Tự Do và chính cái thứ đó làm khổ người ta lắm thay !

Những chuyện nhỏ khác:
– Chàng hỏi có ý trách cứ người trông coi chuồng Gấu : có nên giam mãi nó trong chuồng khốn khổ như thế này không khi rừng xanh mới là nơi ở đích thực của nó. Người trông coi đáp : bây giờ thả nó ra là giết nó, và nó đâu có ý thức ghê gớm như điều Ngài vừa phân tích !
– Ba năm sau trên đường trở về Cung Điện, gặp lại chị Oshin mà Chàng đã giúp năm xưa bằng cách cho nhiều tiền để về quê làm ăn…Bây giờ làm thuê cho một ông chủ khác. Chị nói : thằng chồng chị xấu ác hơn Quỷ làm chị tàn tạ và trắng tay. Con sợ Tự Do lắm ạ !
– Chàng gặp hỏi một Cao Tăng rằng ông ấy có thấy Tự Do không ? Cao Tăng trả lời : ta chưa thấy, nó như là một ý niệm trong sâu thẳm Ta nên Ta đi tìm, và Ta biết nó chả có ở đâu cả bên ngoài, mà chính bên trong Ta, bởi vậy Ta quý Ta, quý Đời mà tìm cách hòa hợp

Về đến Cung Điện, Chàng kể với Cha những chuyện dọc đường, Chàng nói : Con đã hiểu : cho mọi người sống tốt quan trọng hơn cho họ một cái khái niệm Tự Do mà lại trong một xã hội ở đó tâm thế mọi người không yên ổn. Việc Nhân Nghĩa cốt ở Yên Dân Cha ạ, để Người Người cần làm tốt mỗi việc của mình và tìm thấy an hòa hạnh phúc trong đó. Thưa Cha, Thày con đang ở đâu rồi ?

Vua Cha nghe Chàng nói ngẫm nghĩ, gật gù, rồi như bừng tỉnh bởi câu hỏi, ông ngẩng lên nhìn xa xăm rồi đáp : sau khi con đi, Cha tôn trọng để ông ấy thoải mái tùy ý quyết định…nhưng ông ấy như bi phẫn bởi cho rằng trong Triều, trên đời, ngoài con với sự thông minh, tâm hồn thánh thiện, đặc biệt là sự quảng đại, không có ai nghe, không ai nghe nổi những điều ông ấy thuyết giảng về Tự Do nữa…Vì thế ông ấy không chọn được con đường mới mà thể hiện bản thân mình nếu thiếu con là học trò, rồi mặc cảm là hưởng bổng lộc mà không làm gì, nên ông ấy đã đốt sách, bẻ bút, bỏ nghề rời Cung lêu lổng, lảm nhảm tuyên truyền tùy tiên, vô lối về Tự Do. Quan tỉnh chiếu phép Công mà phải bắt, nhưng biết ông ấy từng là Thày con nên thương mà cứu ra bằng cách là quy cho cái tội Điên để khỏi tử hình. Ai ngờ về nhà ông ấy điên thật ! Nhưng con đã tự mình thoát khỏi cái danh là học trò cũng như là Hoàng Tử để đi tìm được Chân Kiến, Cha thực mừng lắm !

Hoàng Tử nghe cảm động, nhưng không dấu được vẻ sửng sốt, quỳ xuống đáp lễ Cha: Trước khi con được Cha ủy thác trọng trách An Dân Trị Quốc thì con phải cứu Thày Con về trở lại người thường để chí ít ông ấy còn nghĩ được đến khái niệm Tự Do theo cách của ông ấy !

Bình luận (5)

  1. Thua thay, thay co the cho em nghe lai ban nhac không lời tren trang web cua thay truoc day k ( ban nhac truoc ban nhac hien nay ay a). Nghe bản nhạc đó em thực sự thấy TỰ DO và dễ chịu vô cùng thầy ạ.

    Tôi đã thay lại bản nhạc như em nói. Liệu đã đúng ý thích em chưa ?
    NTT

  2. Thưa thầy, em nghĩ thầy đứng như trong ảnh thì rất TỰ DO, vì thầy đứng trên đỉnh núi không bị vật cản nào hạn chế tầm nhìn, nhưng em thấy nó cứ chông chênh thế nào ấy, vì không có điểm tựa. Em nghĩ, nếu là em em sẽ bay thì thích hơn đứng như vậy, nhưng rồi lại lo không biết cách hạ cảnh để trở về với những nguời thân yêu. Vì vậy, chắc em sẽ chỉ đứng như thầy trong chốc lát, rồi đi xuống .
    Vì suy nghĩ như vậy, nên em nghĩ TỰ DO là thứ người ta hướng đến chứ không đến, vì khi đến rồi chẳng biết làm gì nữa cho hợp lý cả. Và TỰ DO chỉ thực sự quí đối với những nguời không có TỰ DO.
    Em mạo muội tham gia như vậy, xin thầy cho ý kiến ạ.

  3. Tu do la mot y niem ma con nguoi luon khat khao vuon toi, nhung khi danh doi tat ca de co duoc TU DO chung ta se tro nen co doc. Boi su tu do hay hy sinh, chap nhan, dau kho, chiu dung doi khi cung la niem hanh phuc day thi vi. Va cam giac Hanh phuc moi thuc su la cai dich cuoi cung chung ta theo duoi kiem tim trong suot hanh trinh song phai ko TT. Nhung se co mot su TU DO tuyet doi ngay trong chinh TINH THAN va TU TUONG moi chung ta!
    Love!

  4. Th­­­ưa thầy: Em đã được nghe thầy kể mẫu truyện về thánh Thich ca mâu ni cùng môn đệ đi qua vùng Sa mạc, nó rất hay nhưng em không còn nhớ đủ hết nội dung. Em muốn xin thầy nội dung đầy đủ của câu truyện trên. Em cám ơn thầy nhiều.
    Em quý mến !

    Thực là mình chưa thể nhớ ra chuyện ( truyện ) nào như thế ( Thích Ca Mâu Ni đi trên sa mạc ? ) nếu em nhớ được vài chi tiết thì mình xin viết lại chuyện chính xác để mail đến em
    NTT

  5. Cám ơn thầy đã cho em nghe lại bản nhạc này. Thầy có thể cho em biết tên bản nhạc và tên tác giả được không ạ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.