Những ‘người quan trọng’ !

Những ‘người quan trọng’ !

LÀM NGƯỜI BÌNH THƯỜNG, SỐNG ĐƯỢC BÌNH THƯỜNG MỚI LÀ HAY !

Ở một bệnh viện đa khoa lớn gần nhất nước, ông giám đốc khi họp với các cấp trên hay khi nghị sự với các trưởng khoa không quên nhấn mạnh : nơi đây hàng ngày có bao nhiêu bệnh nhân phức tạp nhất nước gửi đến, từ bệnh nhân Vip cực hiếm đến người thường dân mang bệnh cực hiểm…. nhưng đều có nguy cơ bị chết rất cao. Nên bệnh viện này rất là quan trọng rồi! Từ đó ngầm đưa ra thông điệp đương nhiên : ông ấy còn quan trọng hơn nhiều lần! Không ai có thể phủ nhận rằng ở đây : ai là lai, ai làm gì, ai như thế nào đều do một tay ông ta sắp đặt . Ngoài ông ấy không có ai đủ khả năng thay thế được để tổ chức điều hành, hội chẩn hay có thể kết nối với các giáo sư quốc tế đến hiệp tác y khoa cả. Ông nhận thức sâu sắc : sự quan trọng đó cần phải phát tán thông qua rất nhiều các hội họp , giao lưu thậm chí không cần liên quan đến chuyên môn . Khi đó, vắng ông, nên nguy cơ cao lắm: bệnh nhân phải nằm chờ mà không có phác đồ điều trị. Đôi khi có điều gì hờn dỗi, ông ấy nói : nếu tôi mà chết thì…chưa kịp hết câu, đồng loại bác sĩ, y tá, bệnh nhân… giơ tay ngửa mặt lên Giời : ô hô … ông mà chết thì thiên hạ chết hết ngay, không thế thì xin cũng đừng để chúng tôi mang bệnh hoạn đến chết…
Trong bệnh viện đó đang có những bệnh nhân khác nhau, cũng cực kì quan trọng, đang điều trị :
Một thày giáo làm chủ nhiệm một lớp 12, đờ đẫn mỗi khi có các phụ huynh và học sinh đến thăm : Tôi mà chết thì cả lớp sẽ không định hướng được kì thi tới đây đề thi sẽ ra như thế nào để mà học ôn cho điểm cao được. Thế là xúm xít các học sinh giơ tay lên Giời hốt hoảng : ô hô thày ơi đừng chết
Một quan chức rất cốp, cố giương lông mày càu nhạu : tôi mà chết thì bộ máy Nhà nước này sẽ vận hành ra sao, biết bao nhiêu dự án cấp quốc gia đang dở sẽ phải ngừng lại…Các cấp dưới giơ tay lên trời khao khao : ô hô thủ trưởng đừng chết, con đường chủ nghĩa xã hội còn dài lắm
Một ông trung niên luôn thở vắn than dài : tôi mà chết thì vợ sẽ đi đâu về đâu, các con sẽ tiếp tục sống , học hành thế nào, quan hệ thân thuộc sẽ tan vỡ , bạn bè mất hết cả thôi….. Vợ và các con nghe thế khóc lả đi : ô hô cha chồng ơi đừng chết, còn nhiều thứ phải lo chạy lắm…
Một đứa trẻ 10 tuổi đang thở oxy, cố dứt ống ra, gượng dậy như bày tỏ gì đấy giống sự khó sống. Bố mẹ vội nhao lên cúi sát mặt nó mắt mũi đẫm lệ kêu : ô hô con ơi đừng chết, cả nhà không sống nổi nữa đâu, 2 doanh nghiệp của bố và mẹ cũng tan thôi, còn nhiều công nợ lắm con ơi…
Một ông lão phều phào với bà vợ già trông nom hàng ngày, nói rất u minh : phi tôi ra còn sống thì thì con cháu nó mới tạm đâu vào đấy, phi tôi ra rồi đứa nào sẽ chịu nuôi bà như bà chịu nuôi tôi không ? Bà khản giọng run rẩy : ô hô ông đừng chết ! Tôi sợ tất cả những gì ông để lại …
Do tầm quan trọng của họ như vậy nên đều khiến người đang còn sống, tuy mạnh khỏe mà rất lo lắng, rối trí, bỏ bễ mọi công việc bình thường của họ đáng phải làm. Và kì lạ tất cả những bệnh nhân đó tỏ ra rất khó chịu, dỗi dằn khi có ai đó đến thăm trót nói động viên tưng tửng lạc quan phiếm định : yên tâm điều trị đi, không có gì nghiêm trọng cả, mà rồi ai chả phải chết có gì sợ đâu !
Trong số đó có một bệnh nhân là một người đàn ông cô đơn, không cơ quan nào đưa đến, suốt chả thấy ai đến thăm . Anh ta bị bệnh hiểm nghèo mà y sử rất hiếm ghi lại. Đích thân giám đốc bệnh viện đến hội chẩn tại chỗ. Sau một hồi rì rầm quan trọng, ông ấy quay sang bệnh nhân đó với vẻ mặt thành thật : anh ạ, khi tôi là người quan trọng nhất mà phải nói là..gì nhỉ… nên cho anh biết thế nào đây…nghĩa là…Chúng tôi chưa hề có kinh nghiệm về bệnh này, thậm chí chỉ là có cách nào được trong vài ngày…
Người đàn ông kia cố gắng nở một nụ cười đáp lại, ánh mắt như cố bừng lên những tia sáng sống động : tôi hiểu rồi, như tất cả rồi cũng cần hiểu sẽ phải chết, để những cuộc sống mới được bắt đầu. Tôi vui mà giã từ cuộc sống vì đã sống với tất cả những gì tốt đẹp của mình, thật vui vì mình chết đi chả có ai làm sao, vì tôi đã để lại những gì hữu ích nhất có thể cho những ai từng vì họ mà tôi đã cần sống….anh ta nhắm mắt lại như chuẩn bị đi vào giấc ngủ thanh bình nhất có thể sau cả một chặng đường đời vất vả… Mọi người chứng kiến , chả ai để ý câu nói của anh ta, mà cùng thở phào : cũng may là anh này không phải là người quan trọng, hiếm cũng như bệnh anh ta vậy !
Lần lượt trong vài năm sau :
– Ông Giám đốc được chuyển sang bệnh viện khác , không giống chuyên khoa như ông từng được đào tạo, được gọi là ‘ông đầu ngành’, thiếu ông ta Nhà nước thiếu học hàm
– Ông quan chức được cơ cấu vào vị trí hàng đầu con đường chủ nghĩa xã hội bây giờ nghéo sang cơ chế thị trường, được gọi là ‘ông tiên phong’, thiếu ông ta Nhà nước thiếu danh hiệu
– Thày giáo về hưu, mở nhiều lớp học thêm, có tiếng tăm nhờ dự đoán trúng đề thi vì có quan hệ chiến hữu ở Bộ, được gọi là ‘ông lò luyện’, thiếu ông ta Nhà nước thiếu thành tích
– Mấy vị còn lại thì may là chết cả mà không hề xảy ra những bi thảm như họ từng lo với tương lai cho người thân, được gọi là những ‘ông kễnh cợm’, thiếu họ Nhà nước thiếu quan tâm
Những người khác, không bị bệnh, ví như là cấp dưới, đồng nghiệp, hay ‘phó thường dân’ gì đấy thì ca cẩm : sao có loại người quan trọng đến mức mà bao nhiêu người khác phải phải cố sống hộ thậm chí phải cố chết thay thế nhỉ ? Là do bọn mình không quan trọng như họ mà thôi ! Họ lại kêu : ô hô….
Người ta nhớ lại những bản tin Truyền thông quốc tế đã từng :
– Bregienep, được xem là bộ óc sáng suốt nhất của Bộ chính trị với những trí tuệ tinh hoa nhất của hệ thống xã hội chủ nghĩa, hơn thế, là tiêu biểu nhất của học thuyết tuyệt đỉnh Nhân loại đã qua đời. Checnenko tuy tuổi già sức yếu được BCT đó bổ nhiệm thay thế
– Toàn bộ Ban lãnh đạo của Nhà nước Ba Lan sau khi đi thăm Liên bang Nga trở về trên chuyên cơ đã bị sự cố tử nạn. Nhưng tình hình đất nước hoàn toàn được kiểm soát tốt. Ba tháng sau QH tổng tuyển cử bầu ra Ban lãnh đạo mới, Quốc gia ổn định và phát triển
– Trùm khủng bố quốc tế Bin Laden đã bị giết chết , tuy nhiên toàn bộ hệ thống của hắn ta không bị xáo trộn, lại còn tỏ ra hoạt động năng nổ hơn bao giờ hết, đã lên kế hoạch tấn công táo bạo ở nhiều thành phố của một số các quốc gia khác
– Mao Trạch Đông, vĩ nhân của Trung Quốc hiện đại, người đã đưa cách mạng Trung Quốc thành công, thành lập nên nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa, sau khi từ trần, Đặng Tiểu Bình nhận định : công 7 tội 3. Rồi một Trung Quốc mới hùng cường hơn…
Còn tiếp theo… ở đây… những ‘người cực quan trọng’ thoát chết vì được tận tình cứu chữa, ra viện, vẫn miệt mài đang nhân bản ra xã hội muôn vàn ‘điều rất quan trọng’ để mọi chuyện bình thường đều phải phụ thuộc vào cái cách ‘vô cùng quan trọng’ của họ, mà phải thừa nhận họ, gọi bằng thứ bằng tiếng đã được quốc tế hóa là ‘VIP’ !!!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.