Nỗi niềm của các Loài
BỌN ĐỘNG VẬT ĐẾN KHỎ VÌ CON NGƯỜI !
Câu chuyện 1 : Nỗi niềm của Chú Gà Trống
Khi Chú còn bé tí, mới có thể chiêm chiếp, thấy Bố gáy thật hòanh tráng, sau đó Mặt Trời thức dậy. Chú khâm phục Bố vô cùng: ‘nhờ Bố mà mỗi ngày đã được bắt đầu”
Rồi Chú lớn dần lên, trở thành Thanh niên cường tráng, bây giờ chú gáy sáng còn dõng dạc, vang xa hơn cả Bố. Mặt Trời có vẻ tròn đẹp hơn. Chú nghĩ : Bố cũng thường thôi và hãnh diện về bản thân lắm.
Một ngày kia chú sợ như mình đã già, tiếng gáy khàn đặc dần, cho đến một sáng Chú cố gắng mà không thể cất lên tiếng, chú lả thiếp đi. Khi tỉnh dậy, Mặt Trời đã hiện lên sáng rực rỡ
Cho đến tối nay, khi lên chuồng, nằm yên vị trong ổ của mình, trằn trọc, Chú nghe thấy tiếng chủ nhà xôn xao : Sáng mai, khi Mặt Trời lên người ta sẽ giết thịt Chú để làm Giỗ. Chú gục xuống tuyệt vọng cầu mong rằng ngày mai Mặt Trời không mọc nữa…
Câu chuyện 2 : Nỗi niềm của Sư Tử
Sư Tử con khi mới sinh ra, hàng ngày quấn quít bên Cha Mẹ. Với Chú, họ thật hiền hòa, bao dung và nhân từ, không hiểu sao những con thú khác trên đồng cỏ kính nể và run sợ trước Cha Mẹ chú đến vậy. Nhưng Sư Tử con thấy thích thú vô cùng
Lớn lên Sư Tử hiểu được rằng dòng giống của mình sinh ra được ủy thác là Chúa tể của muôn lòai, cai trị, cân bằng mọi cuộc sống trên đồng cỏ. Nhưng Sư Tử đã biết rất rõ rằng phải duy trì được sức mạnh để được no đủ và sự kính trọng
Năm tháng làm Sư Tử già yếu dần, không đi săn được nữa, không còn sự kính trọng của Sư Tử khác, và không chịu nổi những miếng thịt thừa mà bầy đàn sau khi ăn chán chê bỏ lại một chút cho mình. Sự xuất hiện của mình cũng không còn khiến những muôn thú khác phải kiêng sợ kính nể như trước. Sư Tử buồn bã bỏ đi biệt tăm vô tín….
Câu chuyện 3 : Nỗi niềm của Con Trâu
Nghé vừa sinh ra suốt ngày được bú mẹ. Dần dà, những sợi cỏ non có sức quyến rũ làm lay động tâm khảm, khiến chú không còn thấy dòng sữa mẹ là ngon nữa… Rồi hàng ngày chú được dắt đi ăn cỏ non trên đồng…
Mỗi sáng thấy Mẹ bị đặt ách lên cổ đưa ra ngòai đồng cày đất, tối về trệu trạo nhai rơm khô. Tự nhiên cảm thấy thương mẹ mà ước gì lớn nhanh lên để đeo ách đó thay Mẹ. Chú thổ lộ với Mẹ, Mẹ thì thầm mệt mỏi : Đừng ước gì con ạ. Không có ước mơ chúng ta đỡ khổ hơn. Chú không hiểu….
Một ngày kia, Chú lớn khỏe lắm rồi, điều Chú mong ứớc đã trở thành hiện thực. Nhưng vào buổi sáng hôm Chú được đặt ách lên cổ, Mẹ chú đã bị đưa đi đâu đó, không thấy bao giờ trở về nữa….Chú khẽ rúc vào đống rơm khô nhai, cái món duy nhất khiến Chú giữ được trong mình nỗi niềm nhớ Mẹ…
Câu chuyện 4 : Nỗi niềm của Con Chó
Ngời Chủ ngợi ca Chó trung thành. Chó nghĩ : thực ra Con nào hễ được Người nuôi thì cũng phải cam phận mà thôi, may ra được Người thương quí. Chó biết là mình khôn bởi hiểu và thực hành tốt cái ‘Luật cam phận đó’
Có lần, tiên đóan hòan cảnh bất an của Chủ, Mèo rủ Chó ‘lên đường’. Chó nói : Phận chúng ta có chủ bao giờ cũng sang hơn phận thú hoang, kiếp Mèo hoang còn tủi hơn Chó hoang đấy Cô ạ. Chúng thấy có lí, rũ xuống ổ ngủ tiếp mà tai luôn vểnh lên nghe ngóng thái độ của Chủ…
Một hôm, trước khi Chủ bỏ đi xa vĩnh viễn, gọi Chó và Mèo lại vuốt ve chúng mà rằng : Cảm cái tình gắn bó, tao không nỡ cho người ta giết thịt, cũng không ai muốn mua chúng mày vì đã trót quá trung thành với tao rồi. Từ nay phận của tao cũng không biết thế nào, mỗi kẻ tự lo cho mình vậy…Chó Mèo ầng ậng nứớc mắt : Khi Người không đóan được phận của mình, khi không thể làm chủ chúng đựợc nữa thì cũng phải đi hoang thôi. Chúng cố hiểu lí do của Người mà không được, thấy rất lo sợ cho tương lai của mình…
Câu chuyện 5 : Nỗi niềm của Con Khỉ
Khỉ sống an bình trong rừng với muôn trò thú vị của chúng. Dường như giống Khỉ ít chịu sự khắc nghiệt của sinh tồn hơn muôn lòai khác mà chúng từng chứng kiến. Chúng nhảy nhót leo trèo nhí nhảnh suốt ngày vì sự vô tư đó
Gần đây, một đứa Khỉ lang thang hóng hớt vào chốn Người ở, trở về kháo chuyện : Con người khôn hơn Thần Thánh đã kết luận: Khủng Long là Thủy tổ của muôn Lòai, kể cả Người….Bọn Khỉ nghe chuyện lấy làm thích lắm : vậy chúng với người có họ hàng rồi….
Một ngày kia, nhiều đứa trong Lòai Khỉ bị các nhóm Người đến bắt. Họ nghiên cứu chúng bằng rất nhiều dụng cụ ghê rợn rồi kết luận : Khỉ chính là Thủy tổ của Lòai người…Vài đứa Khỉ may mắn được sống sót thả về mất hồn bạt vía truyền nhau như vậy. Bọn đó còn kể lòai thú nào mà được Người xếp hạng là coi như tiêu đời, ngay như Sư Tử được Người liệt vào hàng Chúa Sơn Lâm, cũng không thóat được hiểm nguy. Lòai Khỉ giờ mới rùng mình nhớ đến Khủng Long cũng đã bị tuyệt diệt, vô cùng sợ hãi….mong giá như bọn Rắn Rết vô thiên lủng trong rừng làm Thủy tổ Lòai người có hơn không…và tại sao không phải chính Người là Thủy tổ của họ nhỉ ?