Sách Mới : TĨNH ÂM CỦA TƯ TƯỞNG

Nguyễn Tất Thịnh

………..

 

Sự sống nào cũng có ẩn tình, sự vật nào cũng có những biểu hiện,  tương giao, sự nghiệp nào cũng có kì ngôn. Sự việc của mọi sự như thế, khi xảy ra luôn còn đó dấu vết, biểu lộ dấu hiệu vào xung quanh trong thời gian. Nhiều khi trong tĩnh âm trong thời- không. Đến ‘sỏi đá cũng có linh hồn , cũng có nhau’ , cũng là  một sản phẩm của quá trình biến đổi trong luân vũ vạn vật. Rất nhiều điều diễn ra một cách tĩnh lặng, trong khoảng trống bất tận của Vũ trụ. Giác quan của chúng ta có thể nghe, nhìn hoặc cảm thấy được liti phần nào mà liên tưởng với cách chúng ta tư duy. Dường như  không âm thanh, trong một hòn đá, trong đường xoắn vỏ ốc ….nhưng có gì đó mang những biến động của rất nhiều năm về trước. Trong ráng sắc của làn mây yên ắng cũng thể hiện những điều thay đổi sắp tới….Mọi sự việc của đời sống đều cư ngụ ở đâu đó trong thế giới, mà khoảng tĩnh lặng bao la giữa chúng có tĩnh âm. Chỉ quan sát kĩ xung quanh chúng ta đều thấy như có những ánh xạ giao thoa của muôn vàn thực thể, có thể chiêm nghiệm hay bày tỏ cùng. Nhưng cần tìm được cách đối thoại với chúng, từ tư tưởng của mình.

Bao nhiêu thay đổi của thiên nhiên đến những sự kiện bởi con người tạo ra. Điều nhỏ có trong chuyện lớn, những li ti bị cuốn phăng đi bởi luân vũ… dường như luôn có những dấu vết, hoặc chuyển hoá thành những tích mới, hoặc hồn cốt cũ phát tán ra đời sống, biến thể mà thành những chuyện mới, điều lạ, thứ kỳ… vẫn ‘tĩnh truyền’ điều gì vào thế giới chăng? Khi chúng ta thầm tâm sự với một giọt nước, một bông hoa, với chú chó, cô mèo…; lớn hơn là hoà ý khí vô hình với rừng cây và trời xanh. Khi đó chúng ta đối thoại tĩnh âm, để tâm cảm như được giao tác, chúng ta và sự vật sự việc cũng được biến đổi. Bằng thái độ và ý nghĩ tích cực chúng ta hiểu về bản thân và thế giới rộng và sâu hơn, để sau đó xác lập lại bản thân mình về hành vi và cách sống nên như thế nào.

Có những nhân vật lớn của lịch sử, của tư tưởng, của tôn giáo, bản thân họ có tầm ảnh hưởng xuyên thời không, làm nên những sự vật, sự kiện phổ cập đời sống khiến nhân gian thay đổi. Có thể từ họ còn những dự ngôn…. Bởi vậy nếu chúng ta đối thoại được với họ theo cách tĩnh âm của tâm trí, tưởng định được những ngụ ý thì cũng là cách cho bản thân mình thấm nhuần thêm, tiếp cận thêm thiên chất của những nhân vật đó. Hoặc chính chúng ta có thể tĩnh âm phân thân theo những ý hướng, khái niệm, định đề, phạm trù khác nhau để đối thoại tư ngã

Tính ‘đối thoại’ trong cuốn sách này nương bám theo những sự việc như thế trong dòng chảy tĩnh âm của thời gian. Chúng ta đọc và cảm nghiệm được nhiều điều về cuộc sống từ ‘con kiến’ đến ‘Thượng Đế’, từ bản thân ra xã hội, từ hiện tại đến tương lai. Bởi vậy tinh thần của ‘đối thoại’ là chân thật với cuộc sống, cho dù các nhân vật, sự vật không hẳn nói ra như vậy (nếu chỉ xét ở một thời điểm, với một câu cụ thể), nhưng phản ánh tư tưởng và khí chất của những đối tượng được đề cập. ‘Đối thoại tĩnh âm’ cũng được thể hiện theo cách tự chúng ta như tham gia một phần cảm xúc, suy tư, quan điểm, ý hướng của chính mình muốn biểu lộ trong vai một ‘nhân vật/ sự vật’ nhất định để nghe được những điều chưa từng trong thế giới biến động.

Lời, biểu hiện của một thường dân có thể là một điều phổ biến hoặc thành lớn lao khi người ấy sau này là Vua…hoặc sẽ đi theo họ vào ‘luân hồi’ chăng ? Dù thế nào thì điều ‘nghe được’  trong mênh mông cũng đã là một sự tồn tại, mang ý nghĩa nào đó ! Chúng ta thường có kinh nghiệm ‘nhìn cây luận ra rừng’ nghe tiếng gió hình dung ra bão, khảo cứu một viên đá xưa hiểu thêm về các thời đại, hỏi chuyện một người dân biết thêm về chế độ…

 

Cuốn sách này, viết về các đối thoại trong trạng thái ‘tĩnh âm’ nghĩa là không hẳn đó là đối thoại đã từng cất thành tiếng, nhưng để tìm hiểu tư tưởng và khai phóng tư tưởng theo cách chúng ta có thể cảm ngộ bằng phát triển cách suy tư về thế giới. Cho dù nhiều khi nhân vật chẳng là thế, sự vật chẳng như thế, nhưng chúng ta cũng có thể tự đối thoại mà mở tâm khai trí cho chính mình. Lão Tử xưa cảm thán: Trời có nói gì đâu?! Rồi như chúng ta thấy: vạn vật cũng không nói theo ngôn ngữ của con người. Nhưng cứ nên đối thoại, chúng ta từ thấy đến biết, rồi giác ngộ, cho dù chỉ cho riêng mình. Những mỗi bản thân chúng ta lại như một thế giới thu nhỏ cơ mà!

Bởi vậy tôi viết và viết như thế, đặt tên cho cuốn sách này là TĨNH ÂM CỦA TƯ TƯỞNG. Cảm tạ khi được tri âm với bạn đọc !

 

Hiện tôi đang tiếp tục chỉnh sửa , nên chưa có GP xuất bản và chưa  phát hành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.