Sự Tín Nhiệm

Sự Tín Nhiệm

TÍN NHIỆM LÀ GIÁ TRỊ CỐT LÕI NHẤT CỦA NGƯỜI CÓ TRÁCH NHIỆM
Càng với người trưởng thành, có trọng trách thì điều cốt lõi bậc Nhất làm nên tính Chính danh, là sự Tín Nhiệm ! Giá trị đó mang tính quyết định đến hiệu lực hành nghiệp của họ trong các công tác, quản trị lãnh đạo tổ chức, và với các đối tác khác.

Tôi từng gặp và làm việc cùng một nữ giám đốc công ty, rất đảm lược, từng cười tươi tâm sự vui vẻ rằng : ‘nhược điểm của chị ấy là sự cả tin’ ( dễ đặt lòng tin vào người khác ). Nhưng chính chị là một người cực kỳ đáng tin, luôn đặt ra nguyên tắc làm việc xuyên suốt là Tín nhiệm: trước hết mình phải là người đáng tin cậy, tặng trước Niềm tin cho đối tác, và cam kết tiến trình công bố… Chị nói : tôi gặp người có được thế , cảm thấy được họ đẹp đẽ, mạnh mẽ, thuyết phục vô song ! Trước một người trải nghiệm, xuất sắc như chị, lại có và mang theo nhân sinh quan ấy, thì mọi việc trao đổi, hợp tác …tự nhiên hanh thông, chắc chắn hơn bất cứ một phương cách khác nào. Cho nên chị kết luận tôi thấy vô cùng đúng : Tín Nhiệm là tài sản đáng giá nhất, hiệu lực nhất trong kho giá trị của một người có trách nhiệm, từ đó đối ứng được, nhận được những cơ hội, sự ủng hộ và sự ủy thác xứng đáng của mọi người khác giành cho mình.

Nhiều người hay than : xã hội bây giờ đâu đâu cũng gặp giả dối…! Còn tôi luôn có thể đưa ra nhiều ví dụ về sự Tín Nhiệm gặp được từ đối tác lớn , đến người bán hàng ngoài chợ. Tôi có chia sẻ rằng : cho dù bạn gặp người chưa đáng tin lắm, thì chính bạn cần phải là người thật đáng tin’ như thế chất lượng giao tế ( nếu cần tiến hành ) sẽ được cải thiện rất nhiều. Tôi có lần hỏi chuyện một giám đốc kinh doanh của doanh nghiệp lớn nước ngoài, anh ta nói : bạn hàng của chúng tôi sau khi ký hợp đồng, nội trong 3 ngày, tất cả họ đều chuyển tiền đầy đủ đến tài khoản của công ty theo điều khoản cam kết. Lý do là : làm ăn với chúng tôi được chia sẻ uy tín thương hiệu, không gặp rủi ro, và nảy sinh kỳ vọng tươi tốt cho tương lai. Tất cả điều đó gọi là ‘Tín Nhiệm’ . Nếu không được thế thì chúng tôi phải cung cấp hàng hóa dịch vụ trước cho họ, rồi khổ sở đi đòi nợ… Thực ra đều do tính ‘Tín Nhiệm’ thấp sinh ra mà thôi

Hãy hình dung : một vị tướng không đủ tín nhiệm thì Vua có giao cho trọng trách cầm quân đánh trận không ? Một cấp dưới không có tín nhiệm thì cấp trên nào đề bạt và sử dụng anh ta vào những công việc quan trọng ? Yết Kiêu nếu không thể hiện được sự tín nhiệm của Trần Hưng Đạo, khi cắm thuyền quyết đón đợi Ông ở bến Chương Dương’ trong tình huống quân Nguyên binh bố lùng sục …thì còn có chiến thắng văng dội sau đó được không ? Nước Nga đang cực kỳ cam go mọi bề từ kinh tế, ngoại giao…tại sao Tổng thống Putin vẫn vững vàng hơn ‘bàn Thạch’ để lãnh đạo Quốc gia đi qua nó ngoạn mục , bất chấp những tin đồn xấu về Ông ( như quân phiệt, tham nhũng, có con ngoài giá thú, sức khỏe tồi…) ? Tất thảy là nhờ Ông đã đạt đến sự Tín Nhiệm rất cao cả trong và ngoài nước.

Người ta có thể đối thoại với đối tác rất giàu, hay có quyền lực rất cao, trong tình huống thịnh trị, hoặc ngược lại … Nhưng luôn phải có được sự Tín Nhiệm từ họ. Cũng không ai muốn trợ giúp kẻ mà chính họ không đáng tin, lại chẳng dám tin người, cũng như không thể đem lại Niềm Tin gì khác…. Kẻ đó sẽ mạt vận mà thôi! Chúng ta thấy những biểu hiện về sự ‘bất Tín Nhiệm’ từ :
– Nói một đường làm một nẻo khác xa
– Thiên biến vạn hóa những cách họ làm
– Biển lận trí trá trong hành vi và giải trình
– U minh, vòng vo về diễn đạt, và triển khai
– Các quan điểm thủ thế, chính sách chắp vá, mâu thuẫn
…….Nhân dân và toàn xã hội có thể tự kiểm chứng và đưa ra những ví dụ về những biểu hiện đó

Quá là ‘Nhân tai’ cho xã tắc khi giới lãnh đạo cao nhất không đạt được sự Tín Nhiệm của xã hội, không có giá trị cam kết với đối tác…( dù họ vẫn cứ hàng ngày chễm trệ hiện diện trong các giao tế hoành tráng mang tính đại diện ). Thành đại họa phát sinh khôn lường trong xã hội và di căn hủy hoại tương lai, khi những cách điêu trác, trí trá muôn hình vạn trạng, từ đó trở thành ‘chính thống’ thành các bệnh lý trong mọi nơi, mọi cấp độ quản trị như nhân dân vẫn nghe : ‘bệnh thành tích / ‘báo cáo láo’ / ‘trên dưới lừa nhau’ / ‘quay lưng sự thật’….

Vì thế ở nước được thừa nhận là văn minh quản trị, thường có các tổ chức uy tin độc lập, khách quan định kỳ hoặc bất thường làm điều tra xã hội học diện rộng để đánh giá về sự Tín Nhiệm của các chính khách, cùng với các chính sách, quyết định, cam kết…của họ. Thông qua việc như thế, họ nhận thức lại kịp thời, đầy đủ hơn để điều chỉnh lại chính mình. Nhưng thường thấy lẽ tất yếu : ở nước trong nền quản trị xã hội u ám, bất minh, độc tài… Giới lãnh đạo đi lên bằng con đường chế định chính trị tự coi là Nhất, với ‘quy hoạch nội bộ’ của họ…thì xa lạ, dị ứng, thậm chí căm ghét cái gọi là ‘điều tra dư luận xã hội’ cùng với sự thủ tiêu cách tự do phát biểu chính kiến và thông tin… Nhưng kẻ như thế có Tín Nhiệm nào không ? Hẳn là có, nhưng với cách đánh giá cùng những điều luật của riêng ‘Nhóm’ mình mà thôi chứ không theo phương thức của văn minh tiến bộ chung !

Vài năm trước, chúng ta nghe đến thuật ngữ ‘xây dựng Lòng Tin Chiến Lược’ trong diễn đàn chia sẻ giải pháp về an ninh quốc tế…. Nội hàm, tính quan trọng của ‘Lòng Tin’ không có gì mới trong lịch sử loài người, và quan hệ bang giao… cho đến nay nhiều nước vẫn dừng lại ở chữ nghĩa, câu nói, loay hoay trong hục hặc nhau…. Do tính chất nghề nghiệp, tôi có làm một điều tra xã hội nhỏ, nhận được câu trả lời chung rằng : người ta không thực hiểu ‘Lòng Tin Chiến Lược’ ra sao khi nếu trong mọi việc không có được sự Tín Nhiệm : ( từ ‘trong nhà ra ngoài sân’ / từ ‘dân sinh đến quốc kế’ / từ ‘việc làm đến xử thế’… từ ‘quyết tâm chính trực’ )…Nếu anh bịt mắt trước ánh sáng văn minh tiến bộ, sợ sự thật về chính mình, dị ứng với ý kiến đóng góp hữu ích chung, không từ bỏ căn gốc sai hiển hiện mà chính anh tạo ra, cũng đang bị dày vò trong đó… Do vậy ‘Lòng Tin’ không thể đạt được cấp độ ‘Chiến Lược’ , và ‘Chiến Lược’ cũng phải được hiện thực từ những bước nhỏ, cụ thể hàng ngày : Chí Tri + Sự Thật + Tâm Thành + Hữu Ích + Tiến Bộ !

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.