Tâm sự thật của một chuyên gia nước ngoài đã làm việc tại Việt Nam
NGHE LỜI NÓI THẬT KHÓ NHƯ UỐNG THUỐC ĐẮNG !
Hỏi : Như đã thống nhất về bữa ăn tối hôm nay , chúng tôi muốn được trò chuyện với Bạn cảm nghĩ về Đất nước chúng tôi, trước khi bắt đầu Bạn có điều gì tâm sự không ?
Trả lời : Tôi sẽ thành thật, điều đó có thể gây nên một chút điều gọi là ‘nhạy cảm văn hóa’. Tôi khẳng định với Bạn là những điều tôi nói xuất phát từ ba điều : thứ nhất : tôi tôn trọng những giá trị của đất nước các bạn. Hai là tôi vốn mang trong mình những tư cách và tình cảm của con người tốt lành. Thứ ba là chúng tôi đến và đi khỏi đây đều muốn mang những điều Tốt lành ! Nhưng sự thật tôi nói sẽ xuyên suốt trên điều thứ hai và dao động giữa điều thứ ba và thứ nhất
Hỏi : Như tôi đã biết, Bạn đã có thời gian không ngắn làm việc sinh sống ở Việt Nam, đi qua hết các thành phố lớn và nhiều tỉnh lỵ, vậy những cảm nghĩ của Bạn ?
Trả lời : Tôi cho rằng các món ăn Việt Nam rất thú vị : giàu có về hương vị, đa dạng về các món, quý hóa về xuất xứ, tinh cảm trong chế biến, và đậm đà văn hóa vùng miền. Tôi không thấy một Quốc gia nào mình từng biết mà các tỉnh thành đều có sông hồ, điều đó thật quý giá. Nói rộng ra thiên nhiên rất hào phóng ban tặng cho đất nước này những yếu tố thuận lợi của sự sống và tài nguyên cho văn minh. Tính truyền thống trong văn hóa thì có sự đặc trưng là tỉnh nào cũng có làng nghề, lễ hội đến cấp Xã.
Hỏi : thế về lịch sử cận đại Việt Nam và con người Việt Nam ?
Trả lời : Công việc và chuyên môn khiến tôi tìm hiểu nhiều về điều này, và thấy thực sự quá phức tạp. Tôi không thể bình luận về bản chất lẫn sự kiện của những diễn tiến lịch sử gần đây nhất, không phải vì tôi ngại hay ít nghiên cứu. Mà vì tính mâu thuẫn tự thân của những điều đó. Chẳng hạn về lịch sử : Đất nước này hoàn toàn có thể tránh được chiến tranh, nhưng đã sa vào chiến tranh rất dài. Các bạn tự nói và cả đối thủ công nhận các Bạn thắng nhưng kết quả của nó không hẳn vậy. Rổi như thể chế Đất nước Bạn dựa trên đa số, nhưng luôn có nguy cơ sinh ra chủ nghĩa cá nhân và độc đoán ! Về nhận xét con người cũng thật khó khăn :Tôi và những đồng nghiệp, cả các bạn nữa rất dễ nghe được câu người Việt thông minh, nhưng cách làm ăn, quản trị xã hội, những sản phẩm kinh doanh chứa đựng sự thông minh đó là gì ? Con người các Bạn hiền hòa thân thiện, nhưng tôi chưa được nhiều cái may mắn bắt gặp ở trên đường, nơi công cộng…. Đất nước các Bạn đâu đâu cũng có Lễ Hội nhưng thiếu trật tự xã hội, thiếu tôn ty trong cư xử, và khó mà vui được trong khá nhiều sự kiện văn hóa lớn các Bạn vẫn tổ chức…
Hỏi : Xin Bạn hãy chuyển cảm xúc đó một lát. Bạn có cảm thấy người Việt rất tình cảm, nồng hậu, quý khách ở các nơi Bạn đến ( công việc hay giao tế, hay tham quan ) không ?
Trả lời : Tôi hiểu điều Bạn nghĩ khi hỏi câu này. Thật là nhiều! Nói chung chúng tôi với văn hóa và tình cảm của những người được gọi là chuyên gia đều cảm nhận được ngay từ những phút đầu tiên. Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy ngay là điều đó thật khó duy trì ‘có đầu có cuối’ như thành ngữ của các Bạn ! Có vẻ như là tò mò, xởi lởi ban đầu, rồi xô bồ…nhưng tôi nói là như hơi thiếu ‘nghi lễ’ thì phải, và nguội rất nhanh. Hơn nữa rất nhiều người mặc nhiên nghĩ chúng tôi đến phải có ‘cái gì đó’ cho họ. Nhóm bạn chúng tôi trong một lần đi cứu trợ tự nguyện ở một địa phương, nghe được thế này : bố khỉ cái nhà mấy ông Tây này đến chả cho tiền lại cho mấy thứ thuốc men đồ ăn vớ vẩn . Từ đó tôi thực sự cảm xúc về câu ngạn ngữ Do Thái : ‘khi kẻ nghèo cũng chê thì hoặc anh không ra gì hoặc họ không ra gì,còn kẻ thứ ba có bài học’. Được cái là ai ai cũng hay cười, chúng tôi sau này rất bối rối về điều đó, khi so với những biểu hiện và thái độ ngay sau đó của họ.
Hỏi : Như Bạn khẳng định ban đầu Bạn coi trọng các giá trị của Đất nước tôi, thì đó là gì ?
Trả lời : Câu đó của tôi giống như khi chúng ta được hỏi xã giao ý nghĩ về một đứa hài nhi rằng nó thế nào, thì ai cũng trả lời : ồ trẻ con thật đáng yêu ! Một Đất nước luôn có những giá trị riêng đáng tôn trọng của nó, mà người có văn hóa cần tôn trọng kiểu ‘nhập gia tùy tục’. Bạn đến một Bộ Lạc nào thì điều đó cũng cần có cho dù Bạn chưa thực hiểu hay thích nghi được, sẽ bị trả giá đắt cho sự thiếu tôn trọng ! Nhưng Bạn nghĩ thế nào khi có rất nhiều người chưa từng sang Đất nước Bắc Âu, Mĩ, Canada, Pháp, Arap… đều có thể nói ngay những giá trị thật đáng tôn trọng, ngưỡng mộ nữa của những Đất nước đó…Còn tôi tuy đã khá nhiều năm ở đây, nhưng bảo gọi tên ngay nó là gì thì hơi lúng túng. Có thể chúng tôi đang nhìn nhận các giá trị đáng tôn trọng theo chuẩn Văn minh ?! Hoặc giá trị hiểu được, phổ quát với nhân loại. Ví dụ : Hát Xoan, Hầu Đồng, Lễ Chùa, những bài hát chính trị…chúng tôi hoàn toàn biết là rất đáng tôn trọng chứ ! Nhưng chúng tôi cố mà chưa hiểu được ! Bạn có thể thấy : Nhà bảo tàng Hà Nội mới được xây ở Mỹ Đình : rất nhiều giá trị bên trong đó chứ, nhưng Bạn có thấy là rất vắng khách không? Những người vào đó xem thấu hiểu chứ ? Và đâu là biểu hiện sự tôn trọng của họ ? Tác dụng điều chỉnh tích cực đối với cuộc sống hiện tại như thế nào ? Hà nội hẳn là chứa đựng rất nhiều giá trị , nhưng có bao nhiêu người sinh ra và sống ở đó, ở nơi tỉnh khác đến đang cảm nhận về Hà Nội và tôn trọng thành phố này như thế nào ? Vì thế tôi thừa nhận có giá trị nhưng khó cảm nhận được. Cho dù tôi không sinh ra ở Pháp, xa lạ với Hội họa, nhưng đến Luvrơ Paris thì có cảm xúc văn hóa dâng trào về những giá trị và sự tôn trọng đó thật dễ nói thành lời, dễ kể với mọi người khi trở về !
Hỏi : Bạn có ấn tượng tốt nhất với giới người nào, ngược lại là với giới người nào
Trả lời : Chúng ta đều được dạy rằng hãy luôn nên mang những tình cảm, ấn tượng tốt về con người nói chung. Nghề nghiệp của tôi càng cần đến điều đó và vô cùng cần những con người tốt ! Chúng tôi vốn sẵn mang những ấn tượng tốt đẹp đó trước khi đến Đất nước này và sau khi chuẩn bị rời nó về nước mình sau nhiều năm sinh sống làm việc chỉ muốn mang những ấn tượng tốt hơn khi đi. Chúng tôi vôn không có thành kiến và sự phân biệt đó Bạn ạ. Nhưng câu hỏi của Bạn là một thực tế, mà hỏi ra thì mới thấy nó hiển hiện trong cảm nghĩ của mình. Thành thực thì tôi không thể nói là có ấn tượng tốt với giới nào, nhưng với giới Quan chức từng được tiếp xúc, chúng tôi nghĩ khó hy vọng được điều gì hay ở họ. Trong số nhiều người đã gặp thì có những điều tốt, nhưng không đủ quy nạp. Hơn nữa cũng phụ thuộc vào chất lượng tinh thần của chúng tôi: ‘tìm được điều tốt ở người khác là mình còn tốt’ hơn là điều nhận thấy cụ thể . Bản chất tốt thì tôi luôn tin, nhưng nhân cách sống tốt, động cơ làm việc tốt thì thật là hiếm ! Tôi đã có tính thiện và muốn sẽ có lý do đầy đủ trả lời Bạn rằng tôi yêu quý đất nước này vì có nhiều con người tốt, giới người tốt !
Hỏi : Bạn nhận xét thế nào về đời sống văn hóa tinh thần người Việt
Trả lời : Tôi nói được ngay nhưng chưa bao giờ đưa ra nhận xét với ai cho đến hôm nay, ngồi đây Bạn hỏi. Vì lẽ : đó là điều bình thường không nên nhận xét. Không đơn giản là đúng sai, nên không nên, xấu tốt, khi mà nhiều điều nó có căn nguyên lâu dài, sâu sa từ cội nguồn lịch sử tinh thần của một Cộng đồng. Tôi cho rằng ngoại trừ các Tôn giáo du nhập từ bên ngoài, người Việt Nam có tập quán tín ngưỡng Dân gian rất đời thường đó là điểm đặc biệt nhất, ví như đi Bà Chúa Kho, đốt Vàng Mã, thờ cúng hương hồn người chết….. mang màu sắc mê tín, trói người ta chặt hơn vào tính ‘vị kỷ’ hơn là thực sự thấy tín điều linh thiêng đủ để tạo nên những giá trị niềm tin tối cao hòng có sức thoát ra khỏi khuôn khổ mà các Bạn nói là ‘văn hóa làng xã’ hoặc làm nên điều gọi là ‘sự nghiệp tiền bối như bệ phóng cho hậu bối’. Bạn hãy nhớ là người ta đi ra ngoài Thiên hạ không phải là mang cái tốt nhất của làng mình mà là phải đội tín điều cao nhất trên đầu, mang trên tay những ‘năng lực tương lai’ khiến Thiên Hạ kính nể, để có thế nào cũng ‘lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân’ hơn là khư khư giữ bản sắc.
Hỏi : anh có thể kể về một cảm giác điển hình khi sống ở Việt Nam không ?
Trả lời : tôi thích tự lái xe, nhưng mỗi khi gặp cảnh sát đều giật mình, tim đập rộn lên. Có lần một bạn đi cùng hỏi tại sao tôi lại thế ? Anh có điều gì sai, thiếu giấy tờ à? Tôi nói : không , nhưng tôi bị tâm lý là mình sắp sai gì đó không biết trước, không đủ năng lực hành vi xử lý trước muôn vàn lối cách của người ta, lại thiếu trình độ ngôn ngữ trình bày về cái mình cho là đúng khi nhỡ bị họ ra hiệu dừng xe. Người bạn nói : Anh đúng thì sao họ lại dừng xe được, nên cứ bình thường đi. Tôi tâm sự lại : con chim nó đậu trên cây hay đang bay, nó nhận thấy một mũi súng săn đang nhằm vào nó, thì nó không sợ hãi chứ ? Nhưng anh không phải là con chim như thế, và cảnh sát không phải người đi săn ! Ôi, thà cảnh sát thà như người thợ săn, tôi thà là chim nếu nhận thấy thì bay vù nhanh đi là xong mà. Đằng này không phải thế! Càng nghĩ càng sợ, thế là tôi không tự lái xe đi làm nữa
Hỏi : Bạn có ý kiến gì về lĩnh vực của Việt Nam, vì thế Bạn sang đây : chuyên gia đào tạo giáo dục ?
Trả lời : Đã có nhiều người trách nhiệm cao, và các nhà chuyên môn hàng đầu, bao ý kiến của người dân nước Bạn về nhiều vấn đề trong lĩnh vực này. Tôi đã tiếp cận, và đọc, nghiên cứu…thấy đều đúng ! Nhưng tôi đã từng làm việc ở Trung Quốc thì họ đang cố thoát ra khỏi cái xuất phát từ điều sai bản chất là: chính trị hóa nền giáo dục. Rồi từ đó hướng vào hai điều : khả năng hội nhập trí thức cao và nuôi dưỡng năng lực hành động đúng của con người trong một xã hội phức tạp và đa dạng, với 5 chữ ( đặc thù Hán Văn ) : tự chủ, tự cường, tự hào, tự trọng, tự cải. Các giải pháp kĩ thuật thì đã nhiều lắm, nhưng những gì đang diến ra ở Viêt Nam thì đòi hỏi sự thay đổi tận gốc rễ tư duy của những người lãnh đạo ngành, phải coi giáo dục là cứu cánh hưng thịnh quốc gia. Chỉ cần học tập Singapore thôi đã hay lắm rồi, và rất khả thi với một quốc gia như đất nước của Bạn !
Hỏi : cuối cùng, điều gì của Việt Nam đã đi vào Bạn như một giá trị sống có ý nghĩa trong cuộc đời của Bạn?
Trả lời : Tôi đã hiểu tại sao nhiều người Việt lại đề cao chữ ‘Nhẫn’, tôi thấy đó là bài học lớn đối với tôi dù sau này ở bất kỳ hoàn cảnh nào, tình huống nào. Sự không như ý là phổ biến. Thời gian ở Việt Nam thử thách những quan điểm đã định hình của tôi, sẽ không mất đi đâu mà củng cố thêm bởi điều Bạn từng nói : sống không xung đột, sống tạo ra giá trị, sống lựa chọn đúng, sống giảm rủi ro, sống sao cho sướng cơ bản là nằm trong cách lao động xã hội. Dù thế nào cũng phải có thành quả hữu ích, điều đó điều chỉnh tích cực cách ta nhìn nhận lại thế giới, tìm lại được lại niềm sống lạc quan, cân bằng những điều được và chưa được của bản thân để chúng ta vững chãi sẽ đi qua điều chưa được của ngoại cảnh.
Vĩ thanh :
– Tôi : Cảm ơn Bạn về buổi trò chuyện trao đổi thẳng thắn và ý nghĩa tối nay !
– Anh công chức Việt: góm, tôi ngứa ngáy hết cả người vì câu chuyện vừa rồi. Bây giờ ta cạn li bia đầy này nữa và hô Zzô thật to : uống ! Nhé ?!
– Anh bạn nước ngoài : ( Cười ) Đấy! Yêu cầu của Bạn tôi không theo thì thất thố! Nhưng theo thì thật lòng tôi không muốn, dù tôi luôn tôn trọng Bạn và yêu cầu đó thật là xởi lởi, tốt bụng. Văn hóa của các Bạn làm cho chúng tôi khó xử lắm: chẳng lẽ tôi phải lôi cái bệnh dạ dày chết tiệt của mình ra để từ chối sao ?
– Anh công chức Việt : ( Vỗ vai cười ): Ông chỉ lắm chuyện, khó tính bỏ mẹ !
– Anh bạn nước ngoài ( Cũng cười méo mồm ) : Đấy! Lại thế nữa, không khéo ta thù oán nhau vì chuyện nhỏ này ! Vừa mới đối thoại với nhau như những nhà ngoại giao, bây giờ sỗ sàng với nhau ngay được. Thôi nào, phải một hơi liên tục, thằng nào còn một giọt là phạt liền đấy nghe !
– Anh công chức Việt : ( mặt mũi trớn tráo ) : đây là nhà nhà ông Thịnh! Bia được uống thoải mái , tôi lại nói trước nên ông không có quyền đưa luật lệ, tôi không uống nổi liền một hơi thế được chưa ?!
– Anh bạn nước ngoài : Thế thì Zzô như ông nói hóa ra là uống cái kiểu đàn bà à ? ( cả bọn cùng cười )
– Anh công chức Việt : ( giả lả ) Bố khỉ cái nhà ông Tây này !
– Tôi : ( quay sang anh công chức ) : ở đây cái cách của anh không phù hợp, đừng để ai phải tiếc về sự có mặt của anh. Bây giờ mọi người hãy vui ăn uống, tự nhiên như cách mình thích nhé
I came, I read this article, I conuqered.
Thuốc đăng giã tật, nếu muốn những gì quanh ta thay đổi tích cực thì tự mình phải thay đổi trước