Tại sao nhiều Doanh nghiệp chưa lớn đã hỏng ?
DOANH NGHIỆP NHƯ MỘT XÃ HỘI KINH TẾ THU NHỎ
Trong bài này tôi không đề cập đến việc đi xuống của nhiều Doanh nghiệp do những cơn bão tài chính, hay bởi tình hình kinh tế chung rất khó khăn ( là những nguyên nhân khách quan hiển nhiên khiến họ phải rơi vào tình trạng đình đốn, lao đao, thậm chí đóng cửa hay phá sản ), mà là đề cập đến chính những nguyên nhân quan trọng bên trong của Doanh nghiệp, do chủ quan của những người điều hành ). Tôi điều tra khảo sát thấy có 4 nhóm nguyên nhân rất chính yếu dưới đây ( tôi sẽ không nói về những thuật ngữ ngữ hay ho, mang ‘tính ngọn’ như : thiếu tầm nhìn chiến lược / khả năng quản lý rủi ro thấp / đầu tư dàn trải xa rời lợi thế / chất lượng nhân lực thấp….). Các bạn đọc không thiếu những ví dụ và quan sát của riêng mình về những điều tôi viết ra
– Không thoát khỏi ‘Gene thâm căn cố đế’ của Tiểu nông
– Khi có khá tiền thỏa mãn ‘tính nghèo’ năm xưa ( ăn chơi, hưởng lạc,xa xỉ, khoe của…)
– Hùn hạp, bù trì cho gia đình, họ hàng mình hơn khả năng có thực và sa đà
– Dùng tiền cho lễ lạt hội hè, bói toán, phong thủy, mồ mả, tình cảm ‘làng xã’
– Tâm lý ‘địa chủ’ thích tích cóp đất đai, hụi họ, đầu cơ hơn là đầu tư
– Quan hệ, liên minh với một số quan chức
– Giao du thân tình với những ‘quan lớn’ tưởng như sang, mở mày mở mặt mà thực ra là bị lạm dụng, bưng bê, hầu hạ dạ vâng, để họ ăn ốc còn mình đổ vỏ, chơi với họ mất tư cách lắm
– Tốn kém vô kể, phát sinh bất lường cho những nhu cầu này nọ của họ và những người thân, quan hệ chiến hữu của họ, mà không bao giờ nhận được một sự cam kết chắc chắn
– Chơi thân với ‘ông lớn’ này nhưng vẫn phải mất tiền cho quân của ông ta, và chẳng hề được’ông lớn’ ở lĩnh vực khác nể, mà chỉ nhất thời thông qua được vài cái thủ tục
– Nuôi quan hệ với ‘ông lớn’ không vì thế mà ‘hồ sơ tư pháp’ của mình sạch, nhưng khi khó cơ không bao giờ được cứu giúp. ‘Ông lớn’ giữa đường thuyên chuyển, về hưu là công toi
– Thiếu hiểu biết về Tiền và dòng Tài chính
– Sử dụng tiền đang có của Doanh nghiệp như tiền riêng của mình , cho những việc không zính dáng gì đến kinh doanh, lại cố hợp thức điều sai đó trong sổ sách pháp lý
– Không tính được chi phí đầy đủ, chẳng xác thực được chi phí quá khứ, chi phí cơ hội, chi phí xã hội của Tiền nên ăn lợi nhuận giả hôm nay, để lỗ thật tích dần đến này mai
– Không hiểu và không kết hợp được chu kỳ vốn, với chu kỳ đầu tư, với việc xác định thu chi gắn với ‘năm tài chính’ có tính pháp chế cao, nên luôn có vấn đề về kiểm toán
– Sa không dứt vào chuyện: thu tiền của B, C ( sẽ phải phục vụ và trao sản phẩm cho họ trong tương lai ) để trả cho việc hoàn tất những cam kết kinh doanh với A ( trong quá khứ để lại )
– Không thực chú trọng hoàn thiện hệ thống Doanh nghiệp
– Thiếu hiểu biết sâu sắc và toàn diện về các phương pháp vận hành quản lý hệ thống, tự đắc và bị cầm tù bởi ‘chủ nghĩa kinh nghiệp riêng lẻ’
– Hệ thống Doanh nghiệp không theo kip, ngày càng bị đuối với sự phát triển của khoa học công nghệ, và sự biến dịch nhanh của thị trường
– Chất lượng, đồ tin cậy của hoạt động hệ thống rất kém, trong khi chi phí cho nó rất nhiều điều, nhiều khâu, vô lý, không hiệu quả, mất cân đối
– Tình trạng lây lan lỗi, mất kiểm soát, nên rối loạn : sai đâu sửa đấy / sai đấy sửa đâu /sửa đâu sai đấy / đấy sai đâu sửa / đâu đấy sửa sai / sửa đấy sai đâu / sai đâu đấy sửa…
Tôi tổng kết bằng cách nói như dưới đây để chỉ không ít Doanh nghiệp tôi biết đã mắc phải
– Gần thì quáng, xa thì lạc
– Nhỏ thì mủn, to thì vỡ
– Thưa thì tan, đông thì loạn
– Thấp thì rạp, cao thì đổ
– Hẹp thì quẩn, rộng thì mất
– Ít thì tắc, nhiều thì rối
– Bé thì yếu, lớn thì lụn
– Nhẹ thì dạt, nặng thì chìm
– ………..