Cái chết thương tâm

Cái chết thương tâm

Tác giả đã từng 14 năm phục vụ quân ngũ và có bố cũng trong quân đội. Ông đã bắt gặp hàng ngày các câu chuyện có thực và cũng là cái thực của thời hiện đại hóa mà dân tộc ta phải đương đầu. Song có nhiều người đi ngang qua cái thực mà không thể nhìn thấy, cũng chẳng nói lên được cái thực ấy, giống như hòn đá lăn qua không bám rêu, lạo xạo dưới chân người chẳng nói lên được điều gì…

Năm vừa rồi chúng tôi đi Quảng Trị, trong hành trình mang tên “thăm lại chiến trường xưa”. Đến thăm Di tích Thành Cổ, nơi đây mùa hè đỏ lửa năm 1972 đơn vị chúng tôi toàn những sinh viên thành phố trẻ tuổi được đưa vào chiến đấu. Đã có không biết bao nhiêu đồng đội của chúng tôi hi sinh…Chúng tôi kính cẩn thắp những nén hương dâng lên hương hồn các liệt sĩ. Trong khói hương, ôn cố tri tân chúng tôi thương cảm nhớ đến người Anh Cả trong tiểu đội của chúng tôi năm xưa ấy…

Anh là tiểu đội trưởng của chúng tôi, lúc ấy là một sinh viên trẻ người Miền Nam dũng cảm có trường lắm. Bọn chúng tôi hầu như bị dính đạn cả, thế mà anh xông xáo hết chỗ này góc khác của Thành cổ trong mưa bom bão đạn mà vẫn nguyên lành. Sau trận đó anh còn đi khắp các chiến trường, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, rồi được điều sang chiến đấu tiếp ở mặt trận Campuchia…Dường như bom đạn kẻ thù luôn kiềng tránh anh nên anh thuộc vào số rất ít các chiến binh kì cựu lăn lộn dữ dội như thế mà không hề hấn gì. Mãi đến năm 1979 anh mới được cử ra Bắc học tập. Đó cũng là lần đầu tiên anh được đặt chân đến Hà Nội – ‘Đất Thánh’ như quan niệm và cách nói của người dân cả nước lúc ấy. Rất nhiều điều mới lạ khiến anh bỡ ngỡ…

Cha của anh là cán bộ Miền Nam tập kết ra Bắc từ năm 1954, lúc anh vừa tròn 1 tuổi. Do yêu cầu của tình hình đến năm 1960 ông được lệnh vào công tác tại chiến trường Miền Đông Nam Bộ. Những lí tưởng cao đẹp, hình ảnh, khí thế sôi sục xây dựng của Miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa thời gian ấy đã tạc vào trái tim, hòa vào dòng máu nóng của ông những kỉ niệm đẹp đẽ thiêng liêng nhất không thể phai mờ. Khi cuộc chiến sắp kết thúc cũng là lúc ông bị thương, tổ chức xắp xếp để ông về nghỉ chính sách tại quê nhà. Suốt từ đó ông chưa có dịp nào quay trở lại thăm Miền Bắc, những nơi ông từng đi qua, từng nghe thấy mà thổn thức, náo nức trong lòng. Ông hàng ngày chăm chỉ đọc báo Nhân Dân để tự thỏa mãn nỗi niềm thương nhớ của mình.

Nguyễn Tất Thịnh

– Chuyên gia tư vấn Doanh nghiệp
– Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia

Cùng một tác giả:

1. Nghề giám đốc, NXB Chính trị quốc gia, 2002 (sắp đăng tại chungta.com)

2. Bàn về văn hóa ứng xử của người Việt Nam, NXB Phụ nữ, 2006 (sắp đăng tại chungta.com)

Sắp ra mắt:

3. Hành trình về Tâm linh bản ngã

>> Xem trang Tác giả…

Năm 1981 anh được về phép thăm quê, thăm gia đình một tháng. Sau bao nhiêu năm bây giờ hai cha con mới gặp nhau được lâu đến thế. Hàn huyên tình cảm đôi hồi, ông háo hức hỏi thăm anh về cuộc sống và tình hình Miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa. Anh buồn buồn kể : có những hàng dài người rồng rắn cầm trên tay những mảnh tem phiếu cáu bẩn, ồn ã xếp hàng dài trước những cửa hàng mậu dịch quốc doanh nghèo nàn để tranh nhau mua một ít vải xanh chéo, chiếc lốp xe đạp, vài lạng thịt hay chục cân mì độn….đâu đâu cũng nhìn thấy người mặc quần áo bộ đội không kể là dân hay quân, nhếch nhác, gày gò lắm…Rồi tình trạng ‘ con ông cháu cha’…. Anh kể về 3 người lãnh đạo nơi anh đang học tập, họ vốn là cùng ‘tổ tam tam’ trong đơn vị chiến đấu trước kia, cùng một lí tưởng xây dựng thế giới đại đồng, bây giờ người làm giám đốc, người làm bí thư đảng ủy, người làm chủ tịch công đoàn, chỉ vì tranh giành một chút lợi quyền nhỏ nhoi mà sinh ra mất đoàn kết nội bộ trầm trọng….Càng nghe máu nóng của ông như càng bừng bừng lên khuôn mặt chất phác khắc khổ… Ông cố kìm chế… rồi đến mức không chịu được ông chỉ tay vào mặt anh giận giữ mắng rằng : mày là đồ vong ơn bội nghĩa, Đảng Bác, Miền Bắc cho mày ăn học để mày thở ra những câu xuyên tạc, bôi nhọ độc địa chế độ như thế sao? Mày ăn phải bả của bọn phản động từ lúc nào vậy? Tư tưởng của mày thật thối nát! Mày không đáng sống…! Ông gầm lên và trong cơn tức giận tột độ ông tiện tay vơ được cái thớt gỗ nghiến bên cạnh ( vốn là quà đặc sản của Miền Bắc lúc ấy mà anh vác về biếu gia đình ) giáng sức bình sinh liệng vào đầu anh. Quá bất ngờ anh không kịp tránh. Máu tuôn xối sả, gia đình gọi xe cấp cứu đưa vào viện, nhưng vết thương quá hiểm anh đã chết sau đó vài giờ…

Cha của anh ân hận vô cùng nhưng đã muộn. Ít lâu sau ông cũng được những người bạn Cựu chiến binh mời ra thăm Hà Nội. Ông đã đi bộ đến rất nhiều nơi của Thủ Đô để tận mắt quan sát, thăm thú, hỏi han….Rồi ông trở về ngôi nhà của mình, tay run rẩy thắp mấy nén nhang đặt lên bàn thờ của anh, đôi hàng nước mắt tuôn rơi vì quá đau khổ, thương xót… Sau đó đến nay ông không nói một lời gì nữa, như không muốn nghe thêm một điều gì nữa, hệt như một người câm điếc vậy, đôi mắt đục xa xăm, vô hồn, chỉ còn thấy những nét tuyệt vọng tan nát trên khuôn mặt nhăn nheo già nua của ông.

… Kết thúc chuyến đi ‘thăm lại chiến trường xưa’ đó, chúng tôi lại trở về Hà Nội, thành phố của mình….Những dòng người ken đặc, hối hả ngược xuôi. Thành phố này luôn có cách sống riêng của nó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.