Chuyện đọc tự đặt tên
1. Một đôi vợ chồng trẻ trí thức, sau khi lấy nhau, càng ngày mỗi người tự thấy những điều của mình mới thật là quan trọng nhất: sở thích, tâm trạng riêng, sự quan tâm…. Không chia sẻ được, vì thế sinh ra tâm lý khác biệt khó thể hiện với nhau…rồi ghét mặt mà kệ xác….Bỗng nhiên vào ngày kia người vợ phát hiện rằng hình như mình rất yêu hoa, bèn mua cây giống đẹp về nhà trồng, hàng sáng thủ thỉ tâm sự bày tỏ những quan tâm, bức xúc của mình về mọi điều trong đời sống nói với nó….Cây lớn dần, ra hoa, đẹp lắm….Khổ nỗi là những bông hoa dường như vô cảm với những tâm tình của người phụ nữ. Bực mình, người phụ nữ nhổ cây, cắt hoa ra từng mảnh rồi vứt vào sọt rác : hoa với hoét
Còn người chồng mua chó về nuôi vì nghe chúng bạn nói nó như người bạn có thể thấu hiểu của mình. Anh ta tắm rửa, yêu chiều nó hàng ngày, kéo nó vào lòng xem bóng đá, ngó phim….thỉnh thoảng quay sang nó mà hỏi : mày có thích đội này nhân vật kia không…Con chó không hiểu gì, chẳng biết phải thể hiện ra sao để a dua a tòng …Ít lâu sau, anh ta bực mình giết thịt nó mời bạn đến nhậu : chó với má
2. Có hai người bạn một người da trắng một là người da đen, vốn sống ở trong một đất nước cởi mở, dân chủ đã lâu, xã hội như chả còn đánh giá phân biệt gì, họ chơi với nhau thân thiết qua được một thời gian cũng khá dài. Anh da trắng đơn giản thấy bạn mình hợp về tính năng động, anh da đen có ngầm trong ý nghĩ thích chơi với bạn da trắng để học hỏi, tự hào. Một hôm hai người cùng nhau lái ô tô đi tắm biển. Anh người da trắng cầm vô lăng, đi quá tốc độ bị cảnh sát bắt phạt thu bằng, còn nói: trông anh đẹp đẽ thế này chạy nhanh thế nhỡ bị sao có phải phí hoài không. Anh ta nhận lỗi chấp hành. Người bạn da đen lái thay, trước đó có uống tí bia rượu nên rủi gặp cảnh sát tuần tra chặn hỏi : anh tự soi gương xem lại mình đi lại còn uống rượu lái xe thì còn ra thể thống gì không? Anh ta kêu lu loa lên là bị phân biệt đối xử chủng tộc đòi kiện viên cảnh sát….Chuyện cũng qua, họ ra bãi biển vui vẻ hai ngày vùng vẫy bơi lội. Khi ngồi lên bờ, người da trắng tự ngắm mình và thốt lên : ôi mình đen quá, trông nhọ hết cả người không ra con ngợm gì nữa …Người da đen nghe thế cho là bạn khinh miệt mình, tức giận đùng đùng bỏ về, chấm dứt quan hệ bấy lâu với bạn mình
3. Một sinh viên sinh ra lớn lên ở vùng nghèo khổ, ra thành phố chịu khó học tập với ước muốn ban đầu là có kiến thức để lao động giỏi phát triển bản thân và giúp đỡ gia đình. Anh ta sớm được người ta giác ngộ và kết nạp vào đảng. Khi hát quốc ca, quốc tế ca…anh ta xúc động như lũ về lời và nhạc hừng hực lý tưởng tiên phong tiêu diệt những kẻ thực dân, đế quốc, tham tàn….Nhưng thời đại anh ta đang sống chẳng có chiến tranh, các nước bị ngụ ý trong bài hát đều thay đổi, phát triển rực rỡ lắm rồi, chẳng còn gì như thế mà trải nghiệm…. Anh ta ra trường phải phấn đấu, sẵn có cái mác đỏ nên nhiều phần lợi thế thể hiện sự cạnh tranh hơn nhiều kẻ khác, không hẳn là chuyên môn mà bằng những chiêu thức không có sách nào dạy, những trận đánh không có mặt trận, tất cả các quy phạm như bị đảo ngược…Đời anh ta vốn từng quay cuồng khốn khó, nên thấy cũng dễ hòa nhập…vì thế thăng tiến nhanh lắm…Cho đến hôm anh ta tự tổng kết ‘sự nghiệp con đường đỏ’ của bản thân : thấy toàn phải chiến đấu bon chen với những người được gọi là ‘đồng chí’ của mình, và tự thấy mình tham tàn hơn ai hết….từ đó khi đứng có tính nghi lễ ở nơi long trọng nào đó anh ta như quên và không hát nổi những bài hát ngày xưa nữa
4. Một lãnh đạo to lắm, ở cái ngôi vị của ông í thường phải và nên đi thăm những hộ nghèo, người nghèo…Sự nghiệp đó đã diễn ra lâu lắm rồi….Đến hôm trở về nhà, vợ ông bâng quơ hỏi : Ông nên biết tự thương cái thân xác mình tí được không, đi bao nhiêu cho xuể, ít nhất về phương diện sức khỏe ông nghèo hơn những người ông vẫn tỏ vẻ thương í đấy. Hay là ông đề nghị về hưu đi để an thần tĩnh dưỡng tuổi già. Ông cúi đầu nhìn xéo bà gườm gườm : ở với tôi lâu mà bà tăm tối hơn họ : tôi về hưu lấy đâu ra bổng lộc, lấy cương vị gì mà tặng quà người nghèo? Không có người nghèo tôi làm gì còn khán giả, không còn vùng nghèo tôi lấy đâu đất diễn, có kịch bản nào vĩ đại hơn với tôi là đi thăm hỏi động viên cơ man những người nghèo kia ? Người giúp việc quản gia lâu năm, vốn là họ hàng xa, thuộc chi trên, ông đưa lên từ quê nên cũng có sự thoải mái mà góp lời : những người nghèo đó, tôi biết rõ lắm ạ : ông về họ sẽ dương dương tự đắc kháo nhau : ôi cái số ta người nghèo, ôi nơi ta ở vùng nghèo mà được cái vinh dự gặp ông, đến mức nhưng kẻ không hề nghèo mà mơ cũng chẳng được thế…rồi đầu tư ưu tiên ưu đãi đổ về, rồi di tích hình thành…liệu ta còn nghèo nữa không ta ơi ? Lo nghĩ dần đi là vừa…ô hô… a ha…ôi hôi…