Mâu thuẫn Đạo Đức !
Đây không phải là bài nghiên cứu về Đạo Đức, nhưng cần thống nhất trước mấy nội dung căn bản trước khi tiếp cho chủ để của bài này. Tôi có viết một số bài, và ngay cuốn sách ‘Bàn về Văn hóa ứng xử…’ thì trong đó cũng chủ yếu nói về những hội chứng không lành mạnh từ sự mâu thuẫn về Đạo Đức mà ra. Tôi định nghĩa: ‘Mâu thuẫn Đạo Đức’ là mâu thuẫn gốc, nội tại , dẫn đến những hành vi, ứng xử của cá nhân, hay Cộng Đồng bị phân hóa, phải phân thân, tự phân hủy bản thân trong những nhận thức méo mó về Đạo Đức
Đặc điểm chung của nhiều bài tôi viết : 1.Khái quát cá nhân <–> Xã hội / 2. Dẫn chứng để rộng đường cho bạn đọc / 3. Chia sẻ với nhau tư tưởng hướng Thượng
Thế nào là Đạo Đức ? Là tập hợp các ước định mang tính xã hội, thành chuẩn chỉ của Quy tắc sống cơ bản nhất của một Cộng đồng, có ý nghĩa quy chiếu gốc về hành xử đối với các thành viên của nó ấy trong các quan hệ với nhau và với xã hội rộng lớn hơn Cộng đồng ấy
Bao gồm quan niệm về những cặp phạm trù rất cơ bản như ( Thiện Ác / Đẹp Xấu / Chân Giả / Thiêng Tục / Lợi Thiệt ), từ đó hướng dẫn mọi thành viên của Cộng Đồng những điều ( Nên / không Nên ) theo cách của quan niệm đó
Đạo đức không phải là Luật nhưng tác dụng của nó còn mạnh hơn Luật, rất phổ cập và rất lâu bền. Bởi vậy điều có ý nghĩa cực kỳ nền tảng để Đạo Đức đó thực sự hướng Thượng ( văn minh tiến bộ, giải phóng con người khỏi u mê, hướng đến những giá trị cao cả ) thì bốn tiêu chí lớn của Đạo Đức là :
– Đề ra được các Quy tắc được đề ra trên cơ sở nhận ra được các Quy luật của Thiên / ĐỊa / Nhân, để thuận với chúng mà sống không xung đột
– Hướng tới Chân ( sống Thật với mình và Thành được với Sự ), Thiện ( sống Lành cho Mình và Hiên với Người ), Mỹ ( sống Đẹp bởi mình và làm Hay thêm cho Đời )
– Làm cho mỗi người dễ dàng ( Nghĩ, Nói, Hành, Sống ) chập làm Một, đồng nhất ở chỗ có sự Thực, và đúng biểu kiến của Họ đối với Sự vật khác, và trong Môi trường xã hội
– Bản thân nó tạo ra lối sống mở, tích cực, khơi thông được đường đi và tạo động lực chính đến được mẫu số chung hòa hợp, cùng mưu cầu tiến bộ với các Cộng đồng và Xã hội khác
Ngắn gọn : Đạo là Quy Luật / Đức là Quy tắc, thực hành đúng Quy tắc tuân theo Quy luật đi đến phát triển của cá nhân & Cộng Đồng là Đạo Đức
Do vậy Đạo Đức của một số Cộng đồng phản ánh cái quan niệm của chính Cộng đồng đó tương ứng với mặt bằng nhận thức văn minh của chính họ mà thôi, chứ không phải là cái hoàn hảo hay là cái mà Cộng đồng khác cần noi theo. Nhưng rõ ràng, dù bất luận mặt bằng ‘Đạo Đức” đó cao thấp thế nào thì cũng là một tập hợp các ước định, phản ánh một giai đoạn văn minh nào đó của một Cộng đồng trong lộ trình tiến hóa của họ
Vậy Đạo Đức giả là gì ( ngược với 4 tiêu chí lớn nói trên ) ?
– Là thứ không có nền tảng căn bản về sức mạnh tinh thần răn Người sửa Đời, không chấp nhận nổi cái gọi là ‘trái lề’ với nó. Tạo ra ‘bùn đạo đức’ của chính nó, trát lên đầu kẻ ‘trái lề’ làm bất công thêm, gây ấm ức, oan trái, thiệt thòi cho họ , không tâm phục khẩu phục.
– Là thứ dễ bị những kẻ / giới có quyền thế ưu trội lợi dụng để làm công cụ duy trì một số hủ tục xã hội làm nên đặc ân của họ như là điều đương nhiên, hay làm cái rọ bỏ dân chúng vào trong đó cựa quậy và làm mệt mỏi nhau để khỏi có thừa năng lượng ì xèo, cản trở ý hướng của họ
– Là thứ mà người ta khi buộc phải tuân theo nó thì dẫn đến sự phân hóa trong lối sống, phân thân trong tinh thần, phân hủy những nỗ lực hướng thiện, người ta thấy không sao mà hoàn toàn vừa ý được với mình hay với các đối tác khác
– Là thứ dễ bị kẻ tiểu nhân dùng để ‘đánh nhau’ về tư cách, giống như kẻ ‘đánh Ngải’ : tạo ra cây độc bằng hàng ngày thổi vào nó bao nhiêu lời nguyền, tâm niệm tàn ác làm nó nhiễm độc rồi khi gặp đối thủ nhai cả cây đó phun vào họ làm tối tăm sa sẩm thần kinh, tâm lý mà vật ra chết
Ngắn gọn là cái Đạo chẳng sản sinh ra cái Đức ‘Con hơn Cha’, cái Đức đang có thì là con hoang của Đạo, không nỡ từ chối nhưng không thoải mái
Đạo Đức giả đi vào hành vi, ứng xử của không ít người, và dường như lại dễ nhìn thấy và tập trung ở những người có địa vị cao, giới ‘sang trọng’ của Xã hội, đặc biệt ở những xã hội tự mâu thuẫn :
– Sự tồn tại của xã hội đó dựa trên những luận thuyết phi Quy luật và ở đó những Quy tắc quái lạ được đề ra, khiến cho Nói / Nghĩ / Làm/ Sống của mỗi người bị phân hóa, phân thân, phân hủy đi theo thời gian, không gian, bởi từng việc mà họ phải tham gia
– Sự u mê nhân quần được đưa nạp theo cách chính thống, dần ngấm vào đời sống dân chúng những tập tính, những khẩu hiệu, những khái niệm, những quan niệm giáo điều, cực đoan về những cặp nói trên ( Thiện Ác / Thiện Ác / Đẹp Xấu / Chân Giả / Thiêng Tục / Lợi Thiệt )
– Dân chúng vốn là ( Dĩ Thực vi Tiên / Dĩ Đức vi An / Dĩ Hòa vi Quý / Dĩ Công vi Thượng / Dĩ Pháp vi Bình ) nhưng thực tế xã hội được cai trị theo cách ( Dĩ Thực vi Thiên / Dĩ Ưu vi Quý / Dĩ Lợi vi Thượng / Dĩ Quyền vi Pháp )
Những mâu thuẫn ấy trở thành mâu thuẫn Đạo Đức trong Cộng Đồng, làm rối trí, khó ai định vị được hành vi mình cho chính chuẩn, nên ( quá khứ thì sai lầm, hiện tại thì may rủi / tương lai thì mờ mịt )
Vài ví dụ thông thường về mâu thuẫn Đạo Đức ( của không ít người, và từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn ) :
– Coi Chó là Bạn quý mà nấu rựa mận nó / Gán cho Chim Bồ Câu biểu tượng Hòa Bình mà vặt lông nướng chả / Coi Chuột là bẩn thỉu mà vẫn nhậu đắm say …
– Rất thích ngắm thân thể phụ nữ đẹp nhưng rình mò săm soi, rồi mắng mỏ tí hở hang chưa đến nỗi nào ( có thể là vô tình ) của họ là này là nọ
– Phê phán vài biểu hiện của lối sống ‘yêu rồi mới lấy’ mà thực ra chính cái người to giọng đó ‘lấy rồi mà chẳng yêu’ mới thực là dẫn đến xấu kinh khủng
– Cho rằng ‘Cái nết đánh chết cái Đẹp’ mà quên tính biện chứng là trong cái Đẹp đã hàm chứa cái Nết, và nếu là cái Nết thực thì đừng có đánh chết cái Đẹp
– Chửi Mỹ là quốc gia xấu xa sài lang đế quốc, chỉ nước mình là tốt, nhưng hễ có tiền và địa vị là cho con sang Mỹ học, khoe khoang lắm
– Nói Tham nhũng là Nội Xâm, nghĩa là nó là bệnh sinh ra bên trong mình , ghét sợ nó nhưng có cơ hội là thành nó, lấy thành quả có từ nó mà dương dương tự đắc
– Nhận thức được rất rõ ‘mọi lý thuyết đều là màu xám’ thế mà vì lợi quyền cứ giương mãi cái luận thuyết (X) nào đó là duy nhất, là đỉnh cao, dù tâm thực chẳng tin…
– Khẩu hiệu ‘yêu nước là yêu CNXH’ là Đạo Đức thì trước kia cụ Nguyễn Trãi có yêu nước không ? Lúc đó có CNXH chưa ? Có kẻ nào nay rất yêu CNXH mà làm mục ruỗng Nước không ?
– Khẩu hiệu ‘Ý Đảng = Lòng Dân’ là hay ! Sẽ thực hay, hay hơn vô cùng ! Dân sẽ tâm phục khẩu phục nếu có thể và tự giác đảo lại hằng đẳng thức đó là ‘Lòng Dân = Ý Đảng’ ! Có được không ?