Ngân Hàng Buồn Đau

Ngân Hàng Buồn Đau

Một Nhân sĩ sáng láng và phong độ, ngẫm thấy cuộc đời không được thỏa đáng cho lắm: kẻ ăn không hết, người lần không ra. Có nhiều đứa vui quá hóa rồ, lại thấy nhiều người khác thì khổ đau khôn tả. Chưa hết, ông ấy lại còn gặp những kẻ lạ lùng, họ tâm sự : cái nghề của tôi nó càng cảm thấy nhiều đau thương của mình, của người, càng vật vã càng viết được nhiều, nên nó như tài nguyên quý vậy, mình nếu sống với nó tác phẩm mình mới sinh động. Ông cũng được chứng kiến nhiều người có được tấm lòng mà muốn nhận thay buồn đau cho kẻ khác… Ông cho rằng : niềm vui ai cũng muốn giữ lại còn buồn đau ai cũng muốn tống đi ! Nhưng mà tống đi đâu, khi nó không phải là rác, không phải là thứ dễ dàng tùy tiện bỏ vào túi người khác cho được nếu không có những cách thức đặc biệt. Theo tinh thần thị trường và đúng quan niệm chung là nhờ Tiền tệ hóa sẽ là giải quyết được tất cả. Nhân sĩ quyết định thành lập Ngân Hàng Buồn Đau !

Nguyên tắc hoạt động của Ngân hàng này rành mạch và đơn giản :
– Buồn đau thể xác hay tinh thần đều có 5 loại từ Att/tx đến Ett/tx . ( Cấp độ A phổ cập, hễ là người cũng có một chút chung / B là hoàn cảnh riêng phải gánh / C thuộc riêng của nhóm giới mình / D do cá nhân bị điều vô lý mang lại / E bởi tự cá nhân gây ra. Mức độ thấp cao mỗi loại phân 5 cấp độ từ 1- 5. Trong mỗi loại, buồn đau về thể xác có thể chuyển sang buồn đau tinh thần và ngược lại.
– Mọi người đều có thể trút để các loại buồn đau của mình vào Ngân hàng kèm theo một món tiền tương ứng với từng loại và cấp độ to nhỏ của nó, buồn đau để vào tài khoản bao nhiêu thời gian thì tiền chi phí lưu giữ tương ứng với thời gian ấy ấy. Lấy theo đơn vị là ngày thì : Cấp độ 1 : số tiền tương đương là 10.000 VNĐ là mức phổ cập ai cũng có thể có được. Tiếp theo mỗi cấp tăng là số lũy tiến tương ứng của 10.000 đó ( Cấp độ 2 : 100 ngàn / Cấp độ 3 : 10 triệu / Cấp độ 4 : 100 triệu / Cấp độ 5 : 10 tỉ )
– Các buồn đau không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, mà theo đúng quy luật chuyển từ dạng này, người này sang dạng khác. Nếu có anh (X) nào thèm, cần tiền thì có thể đến Ngân hàng nhận thêm buồn đau của kẻ (Y) vào mình và được hưởng phần lớn món tiền gửi của (Y) đó. Sau 1 đời người mọi buồn đau đã giao dịch giữ nguyên hiện trạng, số còn tồn trong tài khoản đều được trả về người kế thừa chính thức của người đã khuất. Nếu người thừa kế không muốn nhận thì phải trả Ngân hàng 1 số tiền tương ứng thì được thanh lý
– Các tiện ích khác của Ngân hàng được áp dụng triệt để. Ví như các cá nhân có thể chuyển buồn đau cùng tiền tương ứng cho người khác theo thỏa thuận, thông qua tài khoản thông qua thẻ cá nhân như ATM. Ai muốn vay tiền làm cái chi chi thì được tư vấn xem một danh mục các loại buồn đau trên đời, của đủ loại người, chịu nổi món nào thì click vào món đó, kí xác nhận rồi mang tiền về ( thay cho lãi suất phải trả ). Cách giải quyết các vấn để đáo hạn, quá kì…hết thảy hoặc bằng bỏ tiền ra hoặc nhận thêm buồn đau. Ai chơi gian không cần tòa án xét xử, đơn giản là món nợ của sự gian lận đó chuyển thẳng cho những người thừa kế chính thức

Hoan hô Ngân hàng Buồn đau ! Từ nay mọi người đã có cách rồi ! Ai ai đến dự cũng hét lên hân hoan như thế sau khi được ông Nhân sĩ khai trương ! Các nhân viên của Ngân hàng chứng kiến cái không khí hội hè vui vẻ tưng bừng của mọi người đến tham dự và chứng kiến như thế, lòng họ buồn đau man mác và lo rằng cứ như thế này thì tương lai của Ngân hàng sẽ ra sao ? Tất cả nhân viên không ai muốn mang cái cảm giác này trong ngày làm việc đầu tiên nên họ tự động bỏ vào Ngân hàng tài khoản mang tên mình mức C1. Cuối ngày não nề về nhà kể lại với người khác trong gia đình, ai cũng buồn đau, và cũng tâm trạng muốn trút bỏ nên nhờ gửi cái nỗi buồn đau ấy vào tài khoản của mình ở Ngân hàng đó mức B¬1. Nhưng ông Nhân sĩ thấy Ngân hàng đã có những tài khoản đầu tiên được mở ( dù là của nhân viên ) nên vui lắm. Ông rút ra một triết lý rằng “ nếu các bạn buồn thế thì sẽ trở nên kiết xác sớm thôi ‘! Ông hớn hở nói : càng buồn thì càng nghèo ! Cho dù các bạn có đến nơi khác làm thì vẫn thế thôi !

Tôi tả thực như thế về những ngày hoạt động đầu tiên để các bạn có ví dụ mà hình dung về tính chất và cách thức giao dịch của Ngân hàng đó, cũng như xác định thái độ làm việc, tâm trạng sống của mình ! Cái buồn đau mà phải trả tiền thì còn buồn đau hơn nữa !


Những ngày tiếp theo… Các giao dịch dần tấp nập…Đại bộ phận là những người nghèo đến xin nhận thêm buồn đau để có chút tiền. Cũng thỉnh thoảng vài ông lớn, trọc phú, cộm cán đến gửi vào đó những món tiền cực lớn để trút bớt buồn đau ghê người của họ. Đương nhiên với món tiền to ấy thì có đông người muốn nhận vào mình lắm để mong được đổi đời…Thế là các buồn đau của Thiên hạ cứ luân chuyển hàng ngày, biến hóa từ người này, gia đình này sang người khác, gia đình khác… Đến mức hóa rồ : tại sao cái loại buồn đau này lại có thể chui vào nhà mình cơ chứ ? Những kẻ trút bỏ được nó bằng món tiền to nên họ yên tâm, thoải mái tiếp tục làm và sống theo cách trước của họ…Ôi, vì thế số lượng buồn đau tăng lên ghê gớm sau một thời gian ngắn…Còn các nhân viên Ngân hàng do tiếp xúc giao dịch với quá nhiều loại và cấp độ buồn đau nên nhanh chóng trở nên vô cảm, chai sạn…chỉ có nghiệp vụ và nghiệp vụ tít mù…cùng với đó là tiền lương thưởng cũng rủng rỉnh… nhanh chóng thanh lý được cái buồn của vài ngày đầu tiên đi làm, họ không thấy có nhu cầu phải mua lại cái buồn của ai. Bởi vô cảm với buồn đau của người nên trong cảm xúc của họ cũng không hé rạng một niềm vui nào…ngay cả khi về nhà gặp cái buồn vui của người thân, mà chỉ đơn giản tư vấn lại : cứ đến Ngân hàng mà giao dịch là xong !

Khó nhất là những món buồn đau bị dấu diếm được gửi trong Ngân hàng, sau khi chủ tài khoản bị chết vì nhiều lý do, Ngân hàng chiếu theo phép gửi trả lại người thừa kế. Rất nhiều món người thừa kế không gánh nổi – có trường hợp vì tiền tương ứng quá lớn, có kẻ tiền không thiếu nhưng vì cái buồn đau đó nó táng đởm kinh hồn quá…nên khá nhiều buồn đau đó bị tồn theo năm tháng với số tiền khổng lồ đến kẻ tham nhũng như Marcot ở Philipine có sống lại cũng không đủ trả nổi để thanh lý…thế là nợ cứ tích lũy. Nhưng Ngân hàng có cách của mình : lobby Chính Phủ tài trợ, xé nhỏ cái đó ra thành nhiều món nhỏ cho không dân chúng khuyến mãi kèm theo ít tiền gọi là trợ cấp hay phúc lợi cũng được, đến cả đứa trẻ mới sinh…cũng buồn đau… Bù lại thêm tài nguyên để sự giao dịch với Ngân hàng càng rôm rả…Nó lập chi nhánh khắp nước…

Có một thanh niên sau nhiều năm lao động vất vả phương xa, trở về được biết tin mẹ anh vì đau buồn nên đã qua đời. Anh qúa thất kinh vì trước đó đã gửi tiền về cho mẹ đều đặn mong mẹ dùng tiền đó để trả Ngân hàng Đau buồn chi phí cho việc gửi toàn bộ đau buồn của bà vào đó để được vui sống. Vì nhẽ gì? Anh tìm hiểu kĩ thì được biết : Toàn bộ số tiền anh từng đã gửi về được bà gửi ở một Ngân hàng tiền tệ bình thường khác kèm theo 1 di chúc : chuyển lại cho con trai bà khi trở về được toàn quyền sử dụng nó. Bà ghi trong đó một câu : Con trai à, mẹ đã làm việc để cố sống tốt, khi trở về trừ phi con không chịu nổi nỗi đau buồn vì mẹ đã qua đời, thì hãy để nó ở Ngân hàng Đau buồn, dùng nó mà chi trả cho nỗi đau buồn đó để con được nhẹ lòng. Nhưng mẹ mong con chịu nổi mà qua đuợc để dùng số tiền này mà mưu làm ăn sinh sống, và mẹ biết chắc rằng nhờ vậy mẹ luôn còn trong trái tim con… Còn những đau buồn đã cùng mẹ đi vào Đất rồi, thế là hết con trai ạ.


Anh đến gặp Nhân sĩ bảo : ở Ngân hàng ông có bao nhiêu người như mẹ tôi đã gửi vào đây nỗi đau buồn bởi nỗi nhớ thương con cái, người thân, bởi những niềm sống trong gian khó của họ ? Nếu có thì đã được thanh lý hết chưa ? Ông Nhân sĩ bây giờ xiêu vẹo lắm, mặt mũi quái lạ, bận bù đầu trợn mắt gắt gỏng : anh không phải là Kiểm toán Nhà nước mà có quyền hỏi tôi ! Nhưng chợt khựng lại ông ta khẽ khàng như nói với riêng mình : thực là tôi không biết ! Nhưng trong số cơ man tài khoản ở đây, chẳng mấy nỗi buồn đau tự nó tiêu đi cả, không thấy ai đến tự rút về và thanh lý. Không lẽ con người làm ra tiền và của cải phần lớn lại giành cho việc giao dịch những nỗi buồn lê thê và truyền kiếp trong Nhân gian thế này chăng ? Tôi sắp chết vì hoạt động của Ngân hàng này rồi. Tôi không muốn có nó nữa! Ôi gía như mọi người cũng được như mẹ anh !

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.