12 Ngày đêm “Điện Biên Phủ’ trên không như thế nào
KÍ ỨC HÀO HÙNG ĐI THEO SUỐT CUỘC ĐỜI !
Khi đó tôi mới là thiếu niên, đi sơ tán ở Bình Đà – Huyện Quốc Oai Hà Tây, cùng với Mẹ và khoa Ngoại B9 của Bệnh viện Quân y 103.
Mùa Đông năm 1972 lạnh giá đến sớm hơn so với mọi năm. Tôi thấy rét lắm dù mỗi sáng dậy đi học đã sù sụ chiếc áo bông thiếu sinh quân, cắp cái túi vải quân đội trong để lèo tèo cái quyển vở và cuốn giáo khoa mỏng, cái thỏi chì, viên tẩy và bút chấm lọ mực…thế thôi
Trước đó Khoa của Mẹ tôi liên tục di chuyển từ xã này đến huyện khác : hễ nghe trên báo máy bay Mĩ có thể ném bom ở gần là tất cả rục rịch đi bằng xe ca quân đội, xe đạp cá nhân trong đêm…Tôi có lần ngủ gà gật đằng sau xe đạp mà ngã rơi xuống đường đêm lúc nào Mẹ không biết, chắc phải lâu sau mới quay lại tìm trong đêm tối như bưng mới thấy tôi ( vì ngã nhưng tôi vẫn ngủ thì phải ! )
Rồi tối ngày 18 tháng 12 cũng đến….Khoa mẹ tôi di chuyển đến Dương Nội bây giờ. Làng quê nghèo vắng xơ xác bên sông Nhuệ. Tôi được đưa xuống một hầm tăng xê khá rộng đào sâu vài mét, trên lấp đất như tổ mối lớn dưới bụi tre. Dưới được trải rơm khô, một chiếc chăn ấm, thắp một chiếc đèn dầu bé có nắp tránh sáng phát lên cốt cho tôi khỏi sợ. Mẹ tôi đậy nắp hầm lại rồi vào Khoa làm việc ( ngày đó chả có 8 giờ hành chính đâu ). Một lúc sau tôi dễ dàng tự nhiên đi vào giấc ngủ…
Nửa đêm những tiếng nổ vang rền của các loại đạn pháo cao xạ, đại liên…từng đợt dài lắm….Tôi cứ ngủ, rồi thức lại vì những tiếng như thế to và gần hơn… những tiếng nổ bùm bùm liên tiếp nhau, đanh và đều đặn như nổ ngô rang… như thế gọi là ném bom rải thảm. Tôi mon men ra cửa hầm, lật nắp lên….những làn đạn lửa vạch trời…rồi bùng đanh thép: hai tiếng nổ kế tiếp nhau vài giây của Tên lửa phòng không, một đôi đã được phóng ở trận địa Mỗ Lương gần đó, phun lửa lao vút lên dũng mãnh vạch đêm tối đen đặc….Rồi thấy bùng lên những đám cháy trên trời xa…rơi nhanh và lả tả xuống ruộng đồng xa xa….Tôi vừa sợ vừa thích kiểu trẻ con…Những ngày sau đó cũng phải di chuyển qua vài nơi gần Hà Tây, càng đêm sau những trận không chiến và rải thảm càng dữ dội …tôi được chứng kiến rất nhiều cảnh tượng những vệt sáng như Rồng lửa của đạn Tên lửa lao lên trời…và những đoàn xe phủ đầy lá ngụy trang chở đạn tên lửa đến tiếp tế cho các trận địa….
Hơn tuần tiếp sau đó không tối nào Mẹ tôi ở bên tôi, đơn giản mọi người đều phải túc trực trong Khoa để chăm sóc bệnh nhân và cấp cứu cả quân cả dân…Thời ấy gia đình là thứ yếu , công tác mới là hàng đầu. Tôi chả thấy làm sao… Ban ngày thì có thể đi ăn trực ở bất cứ nhà dân nào hoặc đến nhà ăn giành cho Bệnh nhân của Viện, tự động các cô và các chú gọi vào cho ăn… chả biết đã được thưởng thức những gì…Ngày thi thoảng nhìn thấy Mẹ tất bật với công việc đằng xa, có nhìn thấy tôi thì đi qua cưng nựng tí…đại loại thế rồi đi nhanh lắm…
…..
Trung úy PT được gọi lên sở chỉ huy không quân căn cứ không quân NB. Đó là căn nhà xây cấp 4 cũ kĩ, khung cảnh xung quanh bát ngát, hoang tàn…. Trung đoàn trưởng yêu cầu : đồng chí có 3 ngày được huấn luyện khẩn cấp tại chỗ để lái Mic 21 , sau đó sẽ xuất kích ngay lập tức ! Nhiều khả năng phải cất hạ cánh trong đêm ! Sao cơ ạ ? PT hỏi – tôi là thợ máy cơ mà. Thế còn tốt, lực lượng phi công của chúng ta đã bị hi sinh, tổn thất khá nặng, may mà còn người hiểu về kĩ thuật như đồng chí, nếu cần thiết gấp nữa thì cả anh nuôi cũng có thể và phải lái được máy bay chiến đấu . Các cụ già cũng bắn rơi máy bay địch cơ mà ! Bên Phòng không họ bắn được nhiều máy bay Mĩ thế, thì bên Không quân cũng phải đóng góp thành tích. Rõ ! PT chào theo điều lệnh và bước ra…..
Gần đêm cuối cùng, sau khi có thông báo về B 52 đi vào từ phía Hải Phòng, đã xuất hiện chính xác theo chỉ dẫn của radar , và bên Phòng không điện sang sẽ không tham chiến, tạo cơ hội cho Không quân lập chiến công. PT lo lắng ngồi trên chiếc Mic 21 xuất phát trên đường băng sơ sài. Sau mệnh lệnh và lời chúc thành công ngắn ngủi. Lao vút lên trời, hướng về phương vị được yêu cầu…đằng xa kia đã thấy bằng mắt thường: siêu pháo đài bay B52…lừng lững thắp sáng đèn bay trong đêm, xung quanh là nhiều máy bay tiêm kích, bảo vệ….Sở chỉ huy ra lệnh : tấn công! Phải hạ được nó, dù thế nào ! Kéo hết cần lái và ga cho máy báy ngóc lên, tốc độ tối đa lao thẳng vào hướng có B52 đã ở rất gần…pằng pằng pằng…xả một lọat đạn dài, ấn nút một quả đạn không đối không….lập tức PT cố hết sức cho máy bay vọt lên, tránh xa, rồi phải nhanh chóng về lại sân bay NB….đằng sau một vầng lửa rực bùng lên sáng cả một khoảng trời….Hắn tiêu rồi ! PT tự nhủ và thấy tinh thần phấn chấn lạ thường…nhìn đồng hồ báo: sắp hết xăng, qua bộ đàm chỉ kịp nghe báo hướng về, sân bay mất điện, tình trạng đường băng rất kém vì bị bom phá hoại ! Cắt bỏ tất cả những vật nặng PT bình tĩnh cố điều khiển chiếc Mic 19…đây kia rồi: may đêm đó thời tiết tốt…nhìn mờ mờ thấy mấy chiếc đèn bão đánh tín hiệu đường hạ cánh….uỳnh…rồi cũng xong…mọi người ào ra ôm lấy PT khen ngợi, vui sướng khôn cùng
….
Mỗi sáng, qua chiếc loa nén đặt đầu làng phát ra tiếng lanh lảnh thông báo về những trận đánh tối qua, có bao nhiêu B52, Thần sấm, Con Ma bị bắt rơi…. 12 ngày đêm năm đó, cả thảy 34 chiếc B52 chiến lược của Mĩ đã bị bắn rơi trong tổng số 160 chiếc mà Mĩ có ! Một số trận địa Tên lửa của ta cũng bị tấn công xóa sổ, nhiều sĩ quan chiến sĩ đã hi sinh ! Mĩ đưa vào sử dụng loại tên lửa không đối đất ‘Sơ rai’ – tự tìm sóng radar ta phát lên, tự nhớ tọa độ mục tiêu , lao đến phá hủy ! Khoa B9 của Mẹ tôi, trường trung học nơi chị tôi học cũng bị bom đánh và thổi bạt ! Cùng thời gian đó, đoàn công tác thiết lập trạm quân y trên đường mòn 559 khu vực Quảng Bình do Bố tôi phụ trách cũng bị bom rải thảm B 52, hi sinh quá nửa ! Nhưng Mĩ không chịu nổi tiếp thiệt hại, Nixon tuyên bố ngừng bắn vào đêm trước Tết Dương Lịch. Về phía Việt Nam: cũng hết Tên lửa dự trữ ( Loại D’vina – Sam 2 ). Tên lửa loại Vonga được Liên Xô viện trợ khẩn cấp tiếp theo đó đang về cảng Hải Phòng bị Hạm đội 7 của Mĩ phong tỏa. Có về cũng mất một thời gian ngắn để tập huấn, lắp ráp . Còn loại Sam 3 ( Petrora ) thì mãi cuối năm 73 mới được đưa vào Việt Nam
…..
Trong 12 ngày đêm ngắn ngủi đó, những kĩ sư Tên lửa dưới chỉ đạo trực tiếp của Cục trưởng quân khí Trần Đại Nghĩa đã có 2 sáng kiến lớn rất quan trọng : 1. Giữ chậm ngòi nổ vô tuyến PB ( là vì anh Liên Xô rất máy móc: khi bình khí phát điện cạn thì hệ thống điện tự cắt, lệnh nội bộ cho Tên lửa ngóc thẳng lên trời và nổ hủy tự động. Việc giữ chậm lệnh nổ 3 giây, và cắt đường tín hiệu lệnh tự động làm ngóc tên lửa đó, mà vẫn giữ đường bay Tên lửa như cũ…theo quán tính ở vận tốc siêu thanh, Tên lửa tiếp cận gần mục tiêu hơn 1 km rồi mới kích nổ đầu đạn văng mảnh hình chóp nón về trước, đồng thời sóng xung kích tăng khả năng diệt máy bay lên rất nhiều lần. Vì thế Mĩ không hiểu sau độ cao tên lửa chỉ 9 – 10 km, trong khi trần bay B 52 là 12 km mà lại bị rụng nhiều thế ! ). 2. Chiến thuật 3 điểm và bắn vượt nửa góc ( vì lẽ trên B 52 có 35 máy máy nhiễu đa năng chuyên dụng các loại, chưa kể các máy bay hộ vệ khác cũng phát đủ loại nhiễu thụ động, tích cực…trên màn hình Vico của radar và đài điều khiển tên lửa trắng xóa nhiễu , như TV khi không có tín hiệu hình. Làm sao biết được đâu là B 52? Vì thế bằng cách kết hợp với cả TKV, xác định được 2 điểm tin cậy của B 52 trước đó, dự đoán điểm thứ 3 kế tiếp, và hướng tên lửa bắn đón B 52 sớm nửa góc, kích ngòi nổ vô tuyến sớm – B 52 là pháo đài , mang nặng rất nhiều bom, nên đường bay rất ổn định, thẳng thớm, không có khả năng bổ nháo bổ nhào như mấy thằng tiêm kích nhỏ khác.
……
Kết thúc 12 ngày đêm, tôi còn phải ở lại nơi sơ tán nửa tháng nữa, rồi từ đó được đi nhờ xe quân y kiểu đầu gấu về Hàng Vôi…gần đó là Lò sũ, nơi căn nhà to rộng của Bà tôi, cả gia đình lớn vẫn trụ lại, chả đi đâu qua hai thời kì Mĩ ném bom Miền Bắc. Được ăn Tết sớm luôn cùng anh chị và các con Dì nữa…vui sướng không để đâu cho hết, chả ngôn ngữ nào tả nổi.. Chúng tôi lũ kin kin bám tàu điện rồi đi bộ vào tận Bình Đà mua về nhiều bánh pháo lắm và đốt suốt….khói pháo nổ râm ran mọi nơi với các loại hương vị Tết đến xua đi ám ảnh về những tiếng nổ kinh hồn của B 52 trên bầu trời Hà Nội.
Mỗi lần tôi nghe bài hát, và tôi hát : “mặt hồ gươm vẫn lung linh mây trời….ngàn tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô…cảm nhận không nói được thành lời, nhưng đầy đủ, dâng trào cảm xúc mênh mông về những ngày tháng hào hùng, oanh liệt mà phơi phới đó…
Em là công dân Việt Nam thuộc thế hệ 8X, được sinh ra và lớn lên trong thời bình. Vậy nên nhiều điều về chiến tranh chúng em không thể hiểu được, không thể thấu được. Chỉ có những thế hệ phải chiến đấu, phải chứng kiến tận mắt mới cảm nhận hết “Chiến tranh” và “Chiến đấu” là như thế nào. Em còn nhớ hồi cấp 3 em được xem một bộ phim về trận đánh Điện biên phủ (Tỉnh điện biên), có xem mới thấy, mới cảm được cái sự sáng tạo của quân dân ta trong chiến đấu: khi mà quân địch cố thủ cứ núp trong các Lô cốt, lỗ Châu mai mà nhằm bắn về phía bộ độ ta, hỏa lực của địch quá mạnh vì vậy mà quân ta không thể tiến vế phía trước được. Tình cờ 1 lần bơi qua suốt một anh chiến sĩ đã nghĩ ra cách cản lại hỏa lực đó bằng “con lăn rơm và gỗ”, lấy cảm hứng từ động tác khi bơi thì các anh ấy phải dùng tay nâng ba lô và đồ đạc phía trên để tránh ướt, còn người thì chìm ở phía dưới, mỗi cái đầu thì nổi lên và nụp sau chiếc ba lô và đồ đạc đó.
Vậy là một loạt các “con lăn” có chiền dài khoảng 2m, bán kính 1.5m được sản xuất. Bộ đội ta chỉ cần nấp sau con lăn đó là thoải mái đào hào giao thông mà ko sợ đạn của địch, chiều dài của hào giao thông cứ dài theo vòng quay của con lăn mà hướng về phía trước. Nhờ có hào giao thông mà giảm được thương vong đến mức tối đa, tiến thẳng về phía lô cốt của quân địch.
Đấy là bộ phim rất hay mà em đã được xem để cảm nhận, giờ được đọc bài viết về trận đánh Điện biên phủ trên không của thầy, thêm cảm cái sự sáng tạo, mưu trí của dân tộc ta trong kháng chiến. Trong bài viết của thầy người chỉ huy đã nói “nếu cần thiết thì cả anh nuôi cũng phải lái máy bay”.
Vậy mới cảm thấy cái câu “giặt đến nhà đàn bà cũng đánh” là như vậy.
Khi là sinh viên năm thứ nhất, lớp em được một thầy là sĩ quan dậy giáo dục quốc phòng giảng về lịch sử cuộc khánh chiến chống Mỹ, khi đó thầy có kể một câu chuyện, thế hệ ngày nay dần quên cái lịch sử kháng chiến gian khổ nhưng đầy hào hùng của cha ông, để rồi xa vào phê phán các thế hệ trước đó. Thầy có kể trong khi giảng về quốc phòng có 1 sinh viên đã đứng lên hỏi thầy rằng “Tại sao thời gian Mỹ ngụy đang chiếm giữ Sài gòn, chúng ta không lựa cách mà theo Mỹ, có phải đỡ thổn thất mà sau này sẽ được Mỹ hỗ trợ phát triển kinh tế, nếu đi theo cách đó giờ đây Việt nam chắc hẳn phải phát triển như Hàn quốc hay Đài Loan”.
Khi đó thầy nói thầy đã trả nói với cậu sinh viên kia rằng “Nếu em được chứng kiến cảnh nhà em bị bom Mỹ rơi vào nhà mình, nếu em chứng kiến cảnh người thân em bị chết vì bom đạn của Mỹ thì em sẽ hiểu tại sao”.
Em biết những câu hỏi như thế này ko nhiều, nhưng ngày nay cũng có rất nhiều bạn trẻ đang “Chán” cái đất nghèo nàn này và thường hay so sánh , phê phán thế hệ lãnh đạo những người đã vào sinh ra tử để có ngày hôm nay. Mà không biết rằng, đất nước sẽ thay đổi từ chính hành động của mỗi chúng ta. “Tre già thì măng mọc”, thế hệ sau phải kế tiếp thế hệ trước. Cám ơn chân thành đến các thế hệ đã chiến đấu, hi sinh để có một Việt Nam như ngày hôm nay.
Cám ơn bài viết của thầy!
Em chào Thầy Thịnh!
Được biết về Thầy đã là may mắn đối với em, vì những gì thầy truyền dậy cho chúng em nó đã làm thay đổi cuộc sống, Dn của mình, em luôn tự hỏi xuất phát từ đâu có một Nguyễn Tất Thịnh sâu sắc và đáng quý như vậy .. em đã có cơ hội gặp bác, người sinh thành của Thầy..
Em xin phép được gọi bác bằng Mẹ trong bài viết của mình,
Mẹ Việt Nam ơi, mẹ Việt Nam ơi … cho con đi trên khắp…
Mẹ Yêu!
18 tuổi mẹ vào quân ngũ
Khoác áo trắng áo xanh người quân y
86 tuối quanh mẹ vẫn mầu xanh người lính
Rạng ngời áo trắng người quân y, người chiến sỹ.
Khí chất trong mẹ vẫn y nguyên người lính cụ Hồ
Mẹ khóc xúc động khi nghĩ về thời ấy
Chiến trường Nam Lào, Điện Biên Phủ trường kỳ kháng chiến.
Nơi rừng thiềng nước độc, nơi tàn khốc chiến tranh
Mẹ cùng cha và anh em chiến sỹ hy sinh không tiếc tuổi xanh.
Suốt trặng đường gian khổ mẹ vẫn hát khúc quân hành.
Niềm tự hào mẹ không nói ra.
86 tuổi mẹ muốn sống đạm bạc như thời lính
Con hiểu rằng mẹ tự tôn niềm quá khứ
Vượt thời gian, không gian giữa đô thị phồn hao
Nói tất cả niềm kiêu hãnh, tự hào trong mẹ
Mẹ hỏi con làm gì giữa thời bình.
Thưa mẹ con Doanh Nghiệp mẹ ạ
Me hu hu khóc thương doanh nghiệp
Giữa thời bình phải chiến đấu tàn khốc chẳng vinh quang
…
Mấy mươi năm căn nhà chẳng sửa sang
Mẹ muốn giữ từng nét dạn của thời gian
Trong căn nhà lưu giữ bao kỷ niệm
Tuổi thơ con của mẹ, tình nghĩa với cha.
Mẹ không ở ViLLA đổi hai chữ từ thiện.
Mẹ đọc 3 câu thơ mang niềm sống của mình:
“Người quân tử ăn chẳng cầu ngon
Đêm năm canh, an giấc ngáy khò khò
Đời chưa thái bình nhưng cửa thường bỏ ngỏ”
…Ý Mẹ nói sống giữa HN nhưng không phải cửa đóng then cài .. vẫn bình an…
Tất cả, tất cả và tất cả
Nói cho con biết vì sao thầy Nguyễn Tất Thịnh
Con trai mẹ ngày nay vì Doanh Nghiệp.
Vì sông núi nước Nam, niềm tự hào dân tộc,
Thầm lặng ghi nhiều dấu ấn với thời gian …!!!!!!!!!!!!!!
Điều làm con trân trọng và khâm phục nhất: Bác là người của thủ đô giữa thời bình, giữa thành phố phồn hoa, giữa điều kiện của con cháu.. bác có thể có cuộc sống tốt hơn 100 lần nhưng bác đã lựa chọn một cuộc sống Thanh Bạch, TỪ THIỆN VÀ MÃI MÃI LÀ NGƯỜI LÍNH CỤ HỒ THỰC SỰ.
Con cảm ơn Bác rất nhiều vì đã cho con một niềm sống mới về giá trị sống của một đời người… một thế hệ
Vũ Thu Hồng – tsbtn