Kết hợp ba cơ chế đối với trách nhiệm thực thi Công vụ

Kết hợp ba cơ chế đối với trách nhiệm thực thi Công vụ

Những tiêu cực trong lĩnh vực quản lí kinh tế xã hội ở mức độ khác nhau xảy ra ở nước ta trong những năm gần đây cho thấy sự suy đồi về tinh thần thực thi công vụ, thoái hóa về nhân cách của nhiều Quan chức và Công chức có nguyên nhân nằm sâu trong cơ chế, thậm chí là thể chế quản lí xã hội, hơn là sai phạm của từng cá nhân riêng lẻ.

Tôi muốn đề cập đến ba cơ chế chủ yếu để giảm thiểu những sai phạm đó cũng như hậu quả của nó đối với xã hội – Khi xem cơ chế là một phương thức vận hành của một quá trình nào đó nhằm đạt được mục tiêu của hệ thống. Những ý tưởng chủ yếu về ba cơ chế đó là:

1. Cơ chế giám sát

a. Quốc hội giám sát về luật

b. Thanh tra nhà nước giám sát về các chế độ quản lí

c. Các tổ chức phi chính phủ giám sát về trách nhiệm xã hội

d. Công luận với các phương tiện truyền thông giám sát về đạo đức và tính đại diện cho lợi ích toàn dân

2. Cơ chế định vị giá trị xã hội

a. Thang chuẩn mực về trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp

b. Chế độ xây dựng lòng tin giữa những người có trách nhiệm với cộng đồng

c. Khai phá những con đường sự nghiệp ngoài con đường quan chức

d. Truyền thông thay đổi tâm lí của cộng đồng, hình thành những phong trào ủng hộ những hành xử tích cực

3. Cơ chế từ nhiệm

a. Cá nhân phải chịu trách nhiệm toàn bộ về tác nghiệp

b. Thủ trưởng hay cơ quan cấp trên trực tiếp phải nhận về mình trách nhiệm cuối cùng

c. Cá nhân hay cơ quan đề cử chịu trách nhiệm gián tiếp khi người mà họ đề cử mắc sai phạm

d. Thiết định chế độ giải trình thường xuyên định kì về trách nhiệm của các cá nhân thực thi công vụ

e. Ưu tiên những hình thức tự xử của cá nhân mắc sai phạm theo nghĩa được ủng hộ và giảm nhẹ tình tiết khi truy cứu theo luật pháp

f. Thiết lập qui trình phản ứng nhanh giữa các cơ quan liên quan khi quyết định bãi nhiệm cá nhân sai phạm

Trong bài này, Tôi đi sâu kiến giải ý tưởng của mình về cơ chế định vị giá trị xã hội.

Thang chuẩn mực về trách nhiệm / nghĩa vụ xã hội và đạo đức nghề nghiệp:

a. Xác định rõ trách nhiệm: là những việc phải nhận thực thi theo chức trách và phải nhận sự đánh giá, giám sát, phán xét về kết quả, tiến độ, đúng sai theo luật pháp và qui phạm;

b. Xác định rõ nghĩa vụ là thực hiện những việc nhằm trao cho đối tác dịch vụ hỗ trợ, sự thuận lợi, theo cam kết. Và phải nhận sự đánh giá, giám sát, phán xét căn cứ theo qui chế của tổ chức, chế độ quản lí, thỏa thuận hiệp tác;

c. Xác định rõ quyền hạn là quyền được huy động, sử dụng, phân bổ các nguồn lực, tài nguyên khác nhau khi thực thi nhiệm vụ vì mục tiêu của tổ chức. Và được đánh giá, giám sát, phán xét căn cứ theo luật định, thể chế của tổ chức, sự uỷ quyền của cấp trên.

d. Những điều cốt yếu nêu trên phải được ghi rõ vào bản mô tả công việc của tất cả các chức danh, và mỗi cá nhân phải được biết rõ, phải được hướng dẫn thực thi nhiệm vụ.

e. Đạo đức nghề nghiệp bao hàm 3 ý nghĩa chính:

1. Say mê nghề nghiệp (và cơ chế phải làm cho người ta sống được với nghề, gắn bó với nghề và nơi người ta đang làm việc);

2. Vì đối tượng của nghề nghiệp (xây dựng cách thức, phong cách quản lí theo quan điểm “xuất phát từ khách hàng và định hướng khách hàng);

3. Tuân thủ các chuẩn mực xã hội và qui phạm chuyên môn của nghề (trên thực tế nhiều khi có những luật lệ và qui tắc, qui phạm kiểu đánh đố, cài bẫy, hay khiến người ta phải nói dối, “lách luật”). Thiết lập các chuẩn, qui phạm hướng vào tính chuyên nghiệp, khoa học, minh bạch.

Chế độ xây dựng lòng tin giữa người có trách nhiệm và cộng đồng:

a. Lòng tin có được từ sự trung thực, phản tỉnh, cầu thị về những việc mình làm hơn là sự nói quá lên ngay cả những việc tốt mình đã làm được;

b. Các cơ quản quản lí nhà nước cần xác định sứ mệnh và tầm nhìn của mình, có ý nghĩa như là “mục tiêu phát biểu”, sợi chỉ đỏ xuyên suốt các quá trình, các hoạt động hướng tới đóng góp cho xã hội. Sứ mệnh và tầm nhìn cần được khắc chữ trên bia đá, bảng đồng bên cạnh logo của cơ quan ngay bên lối vào chính. Những điều đó tạo nên sự tôn nghiêm, chính thống, niềm tự hào về cơ quan, nhắc nhở về đạo đức nghề nghiệp;

c. Xây dựng uy tín, thương hiệu của các cơ quan quản lí nhà nước bắt đầu từ thiết lập những qui tắc về chuẩn mực ứng xử, các hình thức giao dịch qua những kênh và hình thức truyền thông khác nhau. Công khai đưa ra các mục tiêu chất lượng về cung cấp dịnh vụ cho nhân dân và đối tác;

d. Thiết lập chế độ trả lời công khai, phản ứng nhanh với các thắc mắc của nhân dân, khách hàng và đối tác, bên cạnh đó có chế độ đền bù những thiệt hại mà cơ quan mình đã gây ra cho nhân dân, khách hàng.

Khai phá những con đường sự nghiệp ngoài “con đường quan chức”:

a. Nhìn trong lịch sử Việt Nam và cho đến hôm nay, tâm lí học để làm quan và “làm quan cả họ được nhờ” là rất nặng nề. Vấn đề không nằm trong giáo dục nhận thức nữa mà là trách nhiệm to lớn đặt lên vai chính phủ, phải xã hội hóa tất cả những hoạt động kinh tế, sự nghiệp, hỗ trợ, tôn vinh tất cả những con đường, những hình thức lao động chân chính;

b. Chế độ sử dụng người còn quan trọng hơn cả việc đãi ngộ họ như thế nào. Do đó cần thiết định những chính sách sử dụng hiệu quả các nhân tố tích cực của con người. Chính phủ cần thừa nhận và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, thu hút lao động ở tất cả các khu vực công–tư, trong–ngoài;

c. Chống lại tất cả những hình thức phân biệt đối xử vốn đã thâm nhập vào tiềm thức của cán bộ công chức cho đến người dân, do đã quá lâu chúng ta duy trì những quan điểm, chính sách kiểu “xin- cho”, “quan liêu–hành chính”, “biên chế-ngoài biên chế”…, vô tình không ít cán bộ nhà nước đã trở thành những “tên đầy tớ lưu manh, bất trị”, còn dân lại muốn đổ xô vào các cơ quan nhà nước cho nhàn thân, yên phận và “dễ kiếm chác”;

d. Các danh hiệu cao quí của nhà nước phải được dành trao tặng cho tất cả những ai có đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển của quốc gia, bất kể đó là ai, ở đâu, miễn là người Việt Nam. Chấm dứt cái gọi là “nhà văn/ nhà giáo/ nghệ sĩ/ doanh nghiệp… quốc doanh”. Đương nhiên hội đồng khen thưởng quốc gia cũng phải mở cửa để xã hội hóa. Chấm dứt quan niệm/ suy nghĩ/ hành xử kiểu “thành phần” hay kiểu “mặt trận”, do “chỉ đạo từ trên”.

Truyền thông thay đổi tâm lí cộng đồng và hình thành những phong trào ủng hộ những hành xử tích cực:

a. Việc chỉ một người vượt đèn đỏ có vẻ như không nguy hiểm so với việc cả đám đông đang dừng trước vạch lằn ranh nhưng thờ ơ, vô cảm với việc đèn đỏ của người kia. Nguy hiểm hơn nữa là những người hiện đang dừng lại trước vạch lằn ranh là do có công an đứng đó hoặc họ có thể vượt bất cứ lúc nào ngẫu nhiên vì một lí do bất chợt nào đó của họ. Do đó điều cần thiết là phải hình thành nên tính tự giác cao của cộng đồng, đó là xây dựng dân trí.

b. Cách thức truyền thông như loa phường hiện nay chỉ làm người dân bực mình hơn chứ chưa thể nói đến khả năng xây dựng dân trí, vì thiếu tôn trọng người dân, và chất lượng thấp của truyền thông kiểu đó. Các cơ quan quản lí nhà nước cần tổ chức những diễn đàn, lễ hội, PR,… phù hợp với ngành và mục tiêu quản lí của mình hơn là tổ chức những phong trào mà thực ra không gây được cảm xúc văn hóa trong công chúng.

c. Những người có trách nhiệm của các cơ quan nhà nước phải phản ứng trước nhất và tích cực trên các phương tiện truyền thông ngay sau khi thấy mình có vấn đề hoặc công luận phát hiện vấn đề. Thời gian vừa qua hầu hết các vụ tiêu cực đều do báo chí, nhân dân phát hiện, ngay sau đó gần như không thấy cơ quan nhà nước phản ứng ngay và tích cực, ngoài việc đưa ra đủ thứ lí do bao biện hay đổ lỗi. Lâu dần tạo nên tâm lí trong cộng đồng là các cơ quan nhà nước “cố thủ”, thiếu cầu thị và tư lợi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.