Kỳ thủ bắn tên và sự đắc ngộ

Kỳ thủ bắn tên và sự đắc ngộ

KHI ĐÃ NGỘ ĐẠO, MỌI THỨ CÓ THỂ BUÔNG BỎ

A là kỳ thủ trong thiên hạ, bắn cung rất giỏi: chỉ trong chớp mắt có thể giương cung phi tên trăm lần trăm trúng với mục tiêu bất kỳ trong khả năng của dây cung. A luôn xem đó là điều tự hào nhất của mình, có phần coi thường mọi điều khác, xem những người khác chẳng ra gì. Thiên hạ đều biết tiếng tăm, tuy không ưa cái lối nghĩ của A nhưng cũng nức nở về cái tài đó. Cứ vậy, cả cộng đồng lẫn A dần đi đến cái ý nghĩ có thể đảm nhiệm chức tổng tư lệnh quân đội : chả gì, Vua thường thích tìm người đảm nhiệm vị trí này thông qua việc thi bắn cung tên sắp tới.
Còn T là người vô danh đi trong Thiên hạ.
Một lần tình cờ họ gặp nhau ở một thung lũng trong rừng, qua trò chuyện cả hai đều yêu thích Chim. Nhưng A thấy T chả một lần tỏ ra khen tài của mình, nên gợi ý T : xem ai có được con Chim mà mình thích nhé, T nghe nheo mắt cả cười. Vừa hay có đàn Chim nhỏ bay thấp ngang qua, A nhanh thoắt rút tên ra khỏi bao lắp vào dây cung, vút…một con chim to nhất đã rơi rụng gần trước mặt. A nhặt lên hả hê nhìn T ngạo nghễ: thế nào, anh có thể làm được thế chứ ? T nằm dựa lưng thư thái vào tảng đá nhỏ bám đầy rêu, khẽ huýt một điệu sáo lảnh lót âm vang sống động kì lạ ….một lúc sau có khá nhiều loại Chim chao liệng đến, thổi một điệu sáo nữa, một con Chim thật đẹp đến đậu nhẹ trên tay T. Nâng niu đỡ lấy nó, nhỏ nhẹ như thủ thỉ điều gì, một lúc sau T tung cánh tay đưa chú Chim bay về lại bầu trời của nó và vẫy tay như chào tạm biệt cả đàn Chim đang lượn bay quanh đó.
A chứng kiến, trong lòng rất kinh ngạc, nén lòng tự kiêu hỏi làm sao T có thể làm như vậy ? T đáp : anh có được con Chim anh thích nhưng đã bị chết thảm trong mũi tên của anh, rồi bị anh vứt xác lại mục nát cùng mũi tên của mình trong những lớp lá rừng. Đó là cách của anh, ta không có ý khuyên dạy điều gì cả. Nhưng không chỉ những đàn Chim mà cả cánh rừng này thuộc về ta bởi ta yêu, giữ gìn và hòa nhập được với nó. A nói : ừ cứ cho là thế đi, nhưng ta sẽ được người ta tiến cử tổng tư lệnh quân đội đấy, còn anh đi đâu về đâu, là gì ? T không trả lời.
Hai người bắt đầu rời khỏi cánh rừng, bỗng một con Hổ to lớn bất ngờ từ đâu xuất hiện trước đường đi. A lại nhanh chóng rút tên ra bắn liên tiếp, Hổ bị dính thương lao vào A cắn xé dữ dội. T húyt một điệu sáo lạ thường…kì diệu, Hổ đang hung dữ thế mà ngừng tấn công A, hiền hòa dần trở lại…rồi chậm chậm trở lại rừng sâu…
A thoát chết, ngồi dậy, một lúc sau khi lấy lại hơi sức nói với T : cảm ơn anh, bây giờ ta về Thành Đô, vài ngày nữa Vua tổ chức thi bắn cung tên, hôm nay dù thế nào, thì ta cũng sẽ là ứng cử viên số một chức tổng tư lệnh. T không trả lời. Cùng nhau đi chung một chặng đường khá dài nữa để ra khỏi rừng. Bỗng nhiên tiếng hú hét vang dội khắp xung quanh: hai người họ đã gặp một nhóm thổ dân nhỏ thiện chiến chuyên đi săn mọi thứ chuyển động . A phản xạ tự nhiên quàng tay ra ống tên đeo sau lưng, nhưng tên trước đó đã rơi ra hết, anh ta sợ tái mặt. T vẫn vẻ thư thái, bước đến trước mặt một người như là trưởng nhóm thổ dân, nói với anh ta điều gì bằng thứ thổ ngữ gì đó. Anh ta vẫy tay, cả nhóm nhanh chóng hết vẻ hung hãn, tiến lại cùng chăm chú nghe, rồi gõ binh khí của họ lên ngực mình nói đồng thanh những câu kì lạ, rồi thân thiện bỏ đi. A hồi tỉnh sau cơn sợ hãi, hỏi T: anh nói với họ điều gì thế ? T ôn tồn, giọng nhẹ nhàng : đại loại là : hãy đi săn những mãnh thú tấn công các anh, hoặc những con thú hèn nhát đang bỏ chạy, như chính điều đó từng khiến các anh là bộ tộc dũng mãnh nhất của rừng sâu .
A ngạc nhiên : ôi vào lúc như vừa rồi mà anh nói những điều như thơ văn ấy mà lại khiến những kẻ hoang dã, vô học hiểu được và khiến họ hành động cao thượng thế được chăng ? T đáp : thì chính anh đã nhìn thấy rồi còn gì. Nhiều kẻ như các anh đang ngộ nhận về tri thức, tài năng của mình mà đã tự đánh mất mà quên hẳn những điều đơn giản : sự hiền hòa có sẵn trong thiên nhiên, sự thân thiện có sẵn ở cư xử của muôn loài, để hiểu được điều hay chỉ cần không giữ trong mình những điều dở. Nên bất kể kẻ nào thuộc loài nào khi không thể như thế thì mới u tối tự rước cái nguy hiểm cho nó mà thôi, cho dù có thể thắng được một chốc lát với kẻ nhỏ yếu khác
A trầm tư hồi lâu rồi nói : anh ạ, hay anh làm Bộ trưởng Bộ quốc phòng, còn tôi cứ về Thành Đô thi bắn tên để làm tổng tư lệnh : anh khiến chiến tranh không thể xảy ra, tôi để dự phòng chiến tranh có thể xảy ra. Tôi đã thấm nhuần triết lý, ý khí của việc bắn tên, áp dụng huấn luyện binh sĩ thấu đạt cái tinh thần đó vào muôn việc học binh đao khác của họ. Được không ?
T từ tốn : thật tuyệt ! Hãy nhớ thêm : học giỏi binh đao để từ bỏ nó, lúc đó là đạt được Đạo của kẻ có sức mạnh. nếu anh có được ý nghĩ đó rồi thì khỏi cần tôi làm Bộ trưởng quốc phòng. Nói xong T mượn A cái cung, nói : hãy nhìn chú Chim nhỏ xinh kia đang đậu yên bình trên mỏm đá nhỏ cách đó cả hơn trăm mét. T bẻ một cành cây khô, dùng tay chuốt thẳng, đặt vào dây cung, chớp mắt bắn cắm dính vào chính mỏm đá đó. Tuyệt vời, chú Chim đó không hề hoảng sợ, vẫn đứng im, giây lát sau chảy chuyền đậu lên giữa cành cây khô là mũi tên đó. T nói : Ta chỉ có thể là Tổng thống, nhưng đất nước này đã là chế độ Vua cai trị, nên ta chỉ là một người như muôn người khác trong Thiên hạ thôi.
A như bị thôi miên trong ý nghĩ sâu thẳm, ngửa mặt lên Trời thốt lên : Ôi, người như anh sao không cố thay đổi mọi sự để làm Tổng thống? Ít nhất là có tôi ủng hộ cơ mà ? T thư thái nhìn trời cao đáp : không ? Đó là sự lựa chọn của nhân dân. Triết lý của ta là kim chỉ nam cho ta : Nhân dân mà không nhìn thấy và lựa chọn thì mọi sự chỉ là tương tàn ! Ta đi trong Thiên hạ góp phần tạo nên sự an hòa, chẳng phải là điều tốt hay sao ? Dù ai, từ Vua đến Dân há chẳng mong điều đó hay sao ?
A cầm lấy cây cung của mình , tần ngần định bẻ : anh ạ, ta xấu hổ về cái tài của mình ! T từ tốn : chớ nên vậy ? Cái tài hãy giữ, dù thế nào, nhưng vấn đề là không phải dùng vào việc xấu. Một hôm nào đó sau này anh bỏ được nó khi có cái Đạo của mình. Vì cuộc gặp hôm nay và sự tỉnh ngộ của anh , ta khuyên hãy về Thành Đô mà thi bắn tên để đảm nhiệm chức tổng tư lệnh. Nếu vắng anh, kẻ thứ hai sẽ đảm nhận, lại chưa thấu được chuyện hôm nay, hắn sẽ làm thiên hạ bắn giết nhau vì muôn thứ khác đấy!
A nghe lời, tạ từ trở về….T đi tiếp đâu không biết…

Bình luận (3)

  1. “Giáo lý không tạo ra giác ngộ. Liễu ngộ được Phật tánh không phải do học mà ra. Không có cuốn kinh nào hay lối tu khổ hạnh nào cứu kẽ hành giả ra khỏi luân hồi. Những kẽ hay thuyết lý đều là trợ thủ của Mara, dẫn dắt người vào chỗ mê hoặc. Những người chỉ chuyên nghiên cứu Phật pháp và Thiền tông, có thể là bậc uyên bác, nhưng thường bị mắc kẹt ở giai tầng ý thức, vì họ chỉ muốn thỏa mãn ở mặt tri thức, mà không thực tu thực chứng ở mặt tâm linh. Bởi vậy mà Đức Phật đã từng dạy rằng giáo pháp tựa như ngón tay Ngài trõ cho thấy mặt trăng tựa như chân như tự tánh mà thôi, và chư tổ nói đến bất lập văn tự,kiến tánh thành Phật là thế”
    “Giáo lý chỉ giúp ở 6 bậc chuẩn bị của 8 bậc thiền định. Theo phái Yoga thì thiền định được phân ra làm 8 bậc để đạt đến siêu thoát là Yama, Niyama, Asana, Pranayama, Pratyahara, Dharana, Dhyana, và Samadhi. Tam tạng kinh thì chia ra 4 bậc thiền và 4 bậc định. Tổ Long Thọ thêm một bậc thiền ban sơ nữa gọi là thiền chuẩn bị. Tổ Thế Thân còn chia bậc thiền chuẩn bị thành hai bậc và đề ra hai hình thức luyện tập là bất tịnh quán và trì túc niệm”

  2. Đây là một trong những bài viết rất hay và nhiều ý nghĩa của Thày Thịnh, cảm ơn Thày lắm lắm. Anh A và mọi người hãy trở lại con đường sự nghiệp của mình và nhớ luôn “tự do thể hiện mình” nhé còn anh T, Thày Thịnh thì chớ “…đi tiếp đâu không ai biết…”!.

    HM xin được góp vui một chút về chuyện “đắc ngộ/ chứng ngộ”.

    Này các còm-men,
    Quả thực đã có nhiều người chứng ngộ và rất nhiều người “ngộ”, tôi có khi cũng ngộ. Anh Ngô Trung Việt, người dịch rất nhiều sách của Osho – bậc thầy tâm linh xứ Ấn viết “… chỉ có người chứng ngộ mới thể hiện đầy đủ và trọn vẹn về người chứng ngộ. Osho – Ngô Trung Việt. I ♥ U ! Forever…” (http://khengotvn.blogspot.com/).
    Tác giả cuốn Minh Triết trong đời sống bà Darshani Deane viết “Chỉ có người đã ngộ mới biết mình ngộ ngoài ra không một ai có thể chứng minh, xác định điều này”, và “không có sự chứng ngộ một nửa. Sự chứng ngộ, các nhà hiền triết phương Đông nói rằng nó giống như sự tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài”.

    Các vị đó nói vậy nhưng chúng ta cũng không nên tuyệt đối hoá, Phật dạy “trụ mà không trụ” là vậy. Dĩ nhiên “đắc ngộ” hoàn toàn là một trạng thái cá nhân trong quá trình nhận thức, tìm tòi chân lý tối thượng, xong cũng như việc khai mở, người chứng ngộ cũng phải lần giở những lớp lang, vỏ bọc mây mù bao phủ để đến với sự hiểu biết sâu sắc, cốt lõi. Thời gian “Thất nhật đắc đạo” của Đức Phật có lẽ “chỉ đủ” để tiếp cận được những vấn đề chính yếu nhất qua việc hỏi / đáp của người chứng ngộ với “Trí tuệ Vũ trụ” (giống như việc tự hỏi và tự trả lời, Trí tuệ vũ trụ là người hỏi, người chứng ngộ phải trả lời). Kết thúc quá trình hỏi đáp là sự hiểu biết đến tột đỉnh của người chứng ngộ và sức mạnh của trí tuệ, của đức tin ngự trị trong tâm trí họ, họ trở mạnh mẽ về ý trí, giàu có về trí tuệ, cao đẹp về nhân cách.

    Này các còm-men,
    “Khi đã ngộ đạo, mọi thứ đều có thể buông bỏ”, thật vậy, cái buông bỏ đầu tiên là sự kém hiểu biết, u mê dốt nát, cái cố chấp của chính mình, sau đó, sự nghiệp vinh quang của kẻ chứng ngộ là giúp người, giúp đời “buông bỏ những thứ mà mình đã bỏ”. (Xin chớ buông bỏ vợ đẹp, con khôn, cung vàng điện ngọc, họ và những phương tiện vật chất đó, cũng giúp cho kẻ chứng ngộ được toàn tâm toàn ý hơn trên con đường hành đạo). Lão Tử nói “Theo học ngày một thêm, theo Đạo ngày một bớt. Bớt rồi lại bớt, đến mức Vô vi. (Vi học nhật ích, vi Đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn dĩ chí ư vô vi – DDK, Chương 48, Vong tri).
    Sự hiểu biết, tri thức thật là vô cùng, khi ngộ đạo mặc dù đến được đỉnh cao mới xong lại có tiếp những đỉnh cao khác, nhiều đỉnh cao khác. Sự ngộ đạo là hành trang quý giá của trí tuệ và sự hiểu biết, là sự tiếp sức cho kẻ ngộ đạo để đi tiếp hay vào cõi “niết bàn”. Đức Phật sau khi chứng ngộ, biết rõ mình đã đạt đạo, nhưng Ngài vẫn còn chần chừ trong việc giáo hoá, hành đạo, nếu chỉ vì mình, Ngài không cần đi đâu cả, vì chúng sinh Ngài mới phải tiếp tục dấn thân đem cái Đạo mà mình ngộ được ban phát, chia sẻ cho chúng sinh. Cũng có nhiều vị tu hành đạt đạo, chứng ngộ xong vẫn mãi mai danh, ẩn tích, an hưởng sự ngộ của mình trong những am thiền, tu viện hay hang núi hoang sơ kỳ vĩ.

    Dĩ nhiên, sự chứng ngộ, xuất gia hay nhập thế đều có lý do nhất định, có thể nói đều đã được Tạo hoá “lập trình”. Mỗi khi sự an nguy của một dân tộc, của quốc gia có thể chưa cần đến sự chứng ngộ của một ai đó, nhưng sự an nguy của cả nhân loại, của cả địa cầu thì chắc chắn phải cần đến sự thức tỉnh vĩ đại, đó cũng là sự chứng ngộ vĩ đại làm thay đổi nhận thức của loài người. Lẽ nào, sự kết thúc của địa cầu và loài người lại đơn giản đến vô lý, lãng xẹt khi sự va chạm nào đó có thể làm nổ tung trái đất vào 21/12/2012 này?. Lẽ nào công trình vĩ đại của Tạo hoá lại ra đi trong sự đổ nát hoang tàn vô nghĩa, do vậy, không có “tận thế” mà có lẽ chỉ có “chuyển thế” để làm sụp đổ, vứt bỏ những gì còn u mê, dốt nát trong nhận thức của mỗi chúng ta. Vậy ai sẽ là người “chứng ngộ” để giúp đời thực thi sứ mệnh đó, chúng ta hãy chờ xem.

    Này các Còm-men …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.