Cội nguồn của Dân trí

Cội nguồn của Dân trí

Trong bài trước ‘Động đất, sóng thần và chứng nghiệm Luật Nhân Quả’ tôi có nói về một ý chủ yếu nhất là: Tinh thần tuyệt vời, sự nỗ lực độ cường, trật tự kỉ cương của người Nhật, của cả nước Nhật Bản là ‘Nhân’ quan trọng để vượt qua tai ương khủng khiếp do Thiên nhiên gây ra để gây dựng lại Xã hội – như là ‘Quả’ của sự phát triển tuyệt vời của đất nước vĩ đại này sẽ gặt hái được những năm sau này. Trong bài đó tôi phát triển ý nghĩa của chữ ‘Nhân’ trong chữ ‘Nguyên Nhân’ thành ý nghĩa : những gì do chữ ‘Nhân ( gồm ba thuộc tính Con + tính Người + tính Đạo ) gây nên / tạo ra như thế nào …để chuyển giao kết quả ( giá trị hay phản giá trị ) vào tương lai của họ ( phát triển hay rơi vào lụn bại sau tai ương ) mới thực sự là điều đi đến ứng nghiệm trong Luật ‘Nhân Quả’ và càng trong thử thách lớn điều đó càng được chứng nghiệm

Trong bài này tôi tiếp tục đi tìm câu trả lời Cội nguồn Dân Trí ? Lấy ví dụ chiêm nghiệm từ sự kiện động đất và sóng thần mà nước Nhật đang phải chịu, với câu hỏi : Điều gì khiến Nhân Dân Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai lại có những giá trị ứng xử trong Hòa bình lẫn trong Thiên tai khiến cả Thế giới ngả mũ kính phục như chúng ta đã được nghe và thấy ( với cá nhân tôi được trải nghiệm điều này rất sâu sắc ). Tôi nhấn mạnh là sau Thế chiến Thứ hai ! Để thấy rằng một nền Dân Trí cho đúng nghĩa mà chúng ta muốn bàn chưa chắc là vấn đề của độ dài thời gian mà một Quốc Gia làm nên hay không được nó, dù rõ ràng là có những yếu tố Lịch sử thâm nhập vào ( và đây là một ‘nghi vấn tiền đề’ )

Dân trí là gì : là trình độ ứng xử đến đâu trong thước đo văn minh Nhân loại của Nhân dân một nước đối với nhau, với xã hội, với các cộng đồng khác, với thiên nhiên, và với toàn bộ những giá trị trong dòng thời gian từ quá khứ đến tương lai của họ


Với cách hiểu như thế, dưới đây tôi đưa ra Ba nhận dạng cơ bản về Dân Trí, trong đó danh từ ‘người Dân’ theo nghĩa phổ quát ( số đông, xuyên thời gian, các không gian sống khác nhau ):
– Tính Chính trực của người Dân trong quan hệ, cuộc sống, lao động hàng ngày ( yêu Sự Thật, đi đến Sự Thật, sống với Sự Thật, bảo vệ Sự Thật . Những điều đó được xem là Giác Ngộ : Nghĩ + Nói + Làm + Sống chập lại làm Một ở chỗ có Sự Thật )
– Đạo Đức được làm nền tảng trong các mối quan hệ sống và lao động trong Nhân Quần ( đề ra được các quy tắc thuận nghịch / phải trái / đúng sai thuận theo Quy luật, tạo nhận thức hướng Thượng và điều chỉnh được hành vi tích cực bảo tồn được các giá trị )
– Biết cách tôn trọng, chung sống, hòa đồng, cộng hưởng được với các giá trị khác trong Thiên nhiên và Xã hội, không xung đột. Được giáo dục tốt theo các nấc thang trưởng thành hữu ích của mỗi người ( Tuân thủ -> Hiệp tác -> Cam kết -> Đổi mới -> Cải cách ) -> Cống hiến

Do Tôi đã viết : Cuộc sống của mỗi người có Bốn Sự Thật mà không bao giờ có thể che dấu được Nhân Gian trong độ dài tối đa của đời người chính họ: Khoảnh khắc ứng xử / Quá trình lao động / Bản chất mưu cầu / Biểu hiện trong hoạn nạn

Từ cách hiểu như thế, có những nghi vấn trước khi đi đến câu trả lời ‘Cội nguồn Dân Trí từ đâu?’ :
– Có những Dân tộc lâu đời, có nền văn hiến với những truyền thuyết rất hay, những câu truyện Cổ tích, Dân gian, Dân ca tuyệt vời…cùng không ít các Danh nhân ở nhiều lĩnh vực của Dân tộc đó được Thế giới biết đến… Tại sao Dân Trí của Dân tộc đó bây giờ lại bị xem là thấp, xã hội đó kém phát triển ?
– Tại sao ngày xưa tuyệt đại người Dân ít học, rất nhiều mù chữ ( bị xem là thời Dân Trí thấp ) vẫn cảm thụ được sâu sắc bao nhiêu điều hay trong Hịch Tướng Sĩ, Cáo Bình Ngô, muôn câu thơ tuyệt tác của Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm …cùng vô vàn những tác phẩm khác nhau của các Nhà Văn Hóa trong ngoài nước khác ?
– Xưa kia, luận thuyết về Tam Quyền phân lập, từ Ba Tiên Đề Ơcơlit đến siêu hình học Lobasepxki, từ cơ học cổ điển Newton đến Thuyết A.Einstein… Rồi ánh sáng là sóng hay là hạt… đến nung nấu việc thám hiểm sao Hỏa…được nền Dân Trí đói khổ, có rất ít người học cao, nhưng dung chứa được, đánh giá được là hữu ích … Vì thế các tác phẩm vĩ đại nhất của Nhân loại về Khoa học, Nghệ thuật, Tôn giáo, Triết học… ra đời làm nền tảng cho phát triển

Còn bây giờ :
– Một ý tưởng mới lạ nhưng nghe như nghịch nhĩ, không thấy ra tiền ngay ( thậm chí của rất nhiều người học cao ) đã bị vùi dập bởi số đông học hành không thấu đáo lắm khi nhất thời chả thấy lợi gì cho họ … Những điều hay ( có và tồn tại rất nhiều trong cuộc sống, trong các tác phẩm, trong lao động, trong đối nhân xử thế ) không được nhận ra và được ngợi ca nếu bản thân cái người là chủ thể của những điều ấy vô danh hoặc không ‘Thịnh’ mà lại đang ‘Suy’.
– Hiển nhiên ai cũng biết trước đèn Đỏ giao thông phải dừng xe, nhưng có nhiều người không dừng, và vô vàn nhiều người sẽ hỗn loạn, chửi rủa nhau nếu đèn đỏ vì lý do gì đó bị tắt…Dân Trí không ở chỗ có đèn Xanh / Đỏ trên đường mà là thái độ và cái cách những con người tìm thấy trạng thái đèn Đỏ / Xanh trong hành vi của mình nên cư xử với cộng đồng xã hội như thế nào ở những chỗ / và khi mà đèn Xanh / Đỏ trên đường có vấn để

Như vậy Dân Trí không hẳn có từ bề dày lịch sử của một Dân tộc, không hẳn ở chỗ có nhiều người học vấn cao, không ở chỗ có bao nhiêu các quy tắc và công nghệ hiện đại ngoại nhập… Mà dấu hiệu cao nhất và cuối cùng để nhận dạng Dân Trí là khả năng tạo nhận thức đúng, điều chỉnh tích cực hành vi của mọi người Dân để thực hành Logic của sự phát triển chung của Xã hội mà mỗi người tìm thấy sự tự do của mình trong đó mà không xung đột. Loại bỏ các nghịch lý có nguy cơ nảy nở làm rối trí và hủy hoại lòng tin của mọi người. Giữ gìn tính hợp lý của cuộc sống không bị bị trà đạp méo mó rồi biến mất hẳn làm rối loạn các chuẩn mực.

Nhưng ngẫm nghĩ kĩ thì thấy chúng được sinh ra bởi ai ? Không từ Dân thường mà từ các tầng lớp trên của Xã hội có địa vị cao ngất ngưởng ! Nên dễ hiểu khi người xưa đã tổng kết : Thượng bất chính hạ tắc loạn / Hủ bại từ trong cách cai trị / lật thuyền từ bên trong / Sóng trước xô đâu sóng sau xô đấy / Dột từ nóc dột xuống. Bởi vì tầng lớp trên mới là chủ thể sinh ra các luận thuyết, thiết định hay làm biến dạng đi các ‘chuẩn mực’ xã hội vì quyền lợi mưu cầu của chính họ, rồi ghê gớm hơn nữa khi bằng quyền lực, sự ảnh hưởng nhồi vào đời sống của Dân chúng nhằm duy trì và gia cố. Đến lúc này được khuếch đại lên hàng vạn triệu lần trở thành các hiệu ứng xã hội cuốn băng đi những trăn trở phản tỉnh, những mầm mống cải hóa . Chúng ta thấy có nhiều ví dụ về điều đó trong lịch sử cận đại xoay quanh 5 Dạng Thức cai trị : chủ nghĩa Phát xít, các chế độ độc tài, những biến thể chính trị như Polpot, Tôn giáo cực đoan Taliban, Chính thể cận cuồng như Hugo Chavez và Ahmadinejad …giống nhau lạ kì về bản chất chỉ khác nhau về biểu hiện. Một cách chắc chắn : chúng biến đổi được cả một Dân tộc hiền lương anh minh, một nền văn hiến tuyệt vời của Quốc Gia, những tiềm năng vĩ đại của Đất Nước sôi sục đi vào những cái gọi là ‘cách mạng’ rất cực đoan theo cách gọi mỹ miều riêng, dưới những sắc thái chủ thuyết ‘Mỵ Dân phân hóa’ khác nhau của tầng lớp cai trị. Nếu không lý giải như thế thì chúng ta không có có cách gì hiểu được tại sao người Dân Trung Quốc lại chìm ngập trong phong trào đấu tố phi luân thường đạo lý ! Tại sao người Dân của nước Đức tuyệt vời lại theo Hitler một cách mê muội mà tàn bạo ! Quân lính Nhật Bản lại dã man đến thế trong Thế chiến thứ hai…Nhưng bây giờ thì Trung Quốc cũng cố phải sửa mình để xứng danh cường quốc, còn Dân Trí của những người Dân Đức và Nhật thật là tuyệt vời.

Nghĩ về Việt Nam, cái thưởu đầu thập niên 60 của Thế kỷ trước ở Miền Bắc xã hội còn rất nghèo, có rất ít học giả nhưng Dân Trí rất cao – như một khẳng định chắc chắn của tôi về cội nguồn Dân Trí : Những tiềm năng trong Nhân Dân / Quốc Gia / Dân Tộc của mỗi Đất nước luôn vô tận, sống động và vĩ đại, nhưng được tầng lớp cai trị / lãnh đạo tập hợp sử dụng bởi luận thuyết chính trị và chuẩn mực quản lý Nhà nước như thế nào để tạo nên và huy động cũng Sức Dân, Dân Trí, Dân Tâm vào các ứng xử xã hội, các phong trào lao động kiến quốc, đặc biệt để mỗi người Dân có thể tự họ như từng hạt nhân xã hội thực hành được Triết lý : Việc Nhân Nghĩa cốt ở yên Dân
Dưới đây tôi đưa lại slide tôi soạn để ngẫm nghĩ rộng thêm về Dân Trí & sự phát triển của mỗi Quốc Gia / Dân tộc

Bình luận (1)

  1. Con là một người chỉ biết thầy qua thông tin bạn bè và sự giới thiệu về các khóa đào tạo của thầy. Con chưa từng một lần được gặp thầy. Nhưng thỉnh thoảng con có vào website của thầy để đọc những bài viết của thầy. Qua những bài viết của thầy con học được rất nhiều điều về một công dân của một đất nước, về một trí thức thực sự của một quốc gia là thế nào, và là một bậc chính nhân quân tử là thế nào. Làm thế nào để trở thành một người có ích cho xã hội. Con mong rằng con sẽ sớm được học thầy. Cảm ơn thầy, thầy là một người thầy vĩ đại của dân tộc Việt nam hôm nay.
    Con chúc thầy luôn mạnh khỏe và truyền bá được những tư tưởng của thầy đến toàn thể nhân sĩ của đất nước!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.