Những câu chuyện cảm động về lao động và tình người !

Những câu chuyện cảm động về lao động và tình người !

KHÔNG THẤY, KHÔNG CÒN SỰ TÍCH CỰC THÌ NGƯỜI TA CHẾT TRONG SỰ SỐNG

Chuyện 1 : Người phụ nữ và con bé bán hàng quê

Ấy là sau này chị mới biết được vài điều về nó….Con bé đó học lớp 11, cứ 1 tuần 2,3 lần từ Bãi Nai Lương Sơn Hòa Bình đèo vài món sản phẩm quê lặt vặt lên bán ở cái chợ đồ ăn thức uống hàng ngày ở cái góc nhỏ đô thị gần nhà chị . Trông nó thật hiền lành, toát lên sự chân thật và lương thiện. Khi bán hàng nó nói vừa đủ với những câu khách hàng hỏi : rõ ràng, lễ phép, rất chu đáo với khách, không có chút gì gọi là bẻn mép đưa đẩy, cố tạo xởi lởi của những người chuyên được thuê để bán hàng. Chị nhìn nó thấy thiện cảm, nên thỉnh thoảng dừng lại cái chỗ nhỏ nó thường đứng bán mà mua cho nó một món gì đó. Một buổi sáng trong lúc gói cẩn thận cho chị mớ tôm đồng trong lá sen to, chắc nó cảm thấy chị là người ân tình, nên buột miệng nói vui, điều mà nó chẳng có mấy cơ hội và cũng vốn tự không cho phép :
– Cháu muốn đc một hôm được đi chợ như cô lắm
– Ô, thế hàng ngày cháu vẫn đi chợ đấy thôi. Chị nhìn nó ngạc nhiên và nhẹ nhàng nói
– Không ạ. Cô được cầm tiền đi chợ, được phục vụ còn cháu phải chạy chợ để mang tiền về.
Chị dừng lại, hỏi nó như muốn thẩm định điều gì đó : cháu thích được người khác phục vụ lắm à ?
– Ô, Ko phải thế, mà cháu thèm được ai đối xử, nói năng nhẹ nhàng với cháu lắm, dù cháu có thế nào như những người bán hàng ở đây cư xử với khách í cô ạ
Ra thế. Chị đã hiểu. Ở cái chợ này chị đã chứng kiến khối người cũng tạm được gọi là ‘quý bà’ đến mua ăn nói gắt gỏng, chỏng lỏn, mắng mỏ thô lỗ, vần vò món hàng nâng lên đặt xuống, hách dịch cò kè vài đồng với mấy người từ quê lên bán hàng, nhưng đúng là chưa từng gặp cảnh đó, ngôn ngữ, thái độ đó ở những người bán cư xử với khách bao giờ.
Chị thấy có thiện cảm mà hỏi chuyện nó lâu hơn. Nó tâm sự : Khổ nỗi, vì nhà cháu ko có nhiều tiền, nên chỉ gom đc vài rổ quả, dăm mớ rau hàng xóm xung quanh tự trồng, đi đánh bắt cải thiện thêm, nên mỗi tuần cháu mới lên được chợ đây đôi ba lần và chỉ có thể mang mỗi thứ một tí như thế này cô ạ. Nhưng cũng đỡ được tiền học của cháu.
Chị thấy cảm mến nó nên khuyên : Cô sẽ nói và cùng với những gia đình quanh khu nhà cô nữa đưa tiền đưa cháu trước và thường xuyên mua những món hàng cháu mang lên, cháu có thể trù liệu, gom được nhiều hàng hơn trong mỗi chuyến đi chợ cho ra tấm ra món, rồi không phải bán hàng như đi câu cá thế này. Cháu thấy sao ?
Con bé vui thích lắm, đáp : được thế đỡ khổ cho nhà cháu quá cô ạ. Nhưng cô không cần ứng tiền trước cho cháu đâu. Hôm nay về cháu sẽ làm thế ngay. Người nhà quê chúng cháu không dám nhận tiền trước khi chưa làm gì, chưa có gì cho ai cô ạ.
Chị còn vui hỏi thêm nó : Thế cháu không sợ khi cháu đã làm đúng thế mà không thấy cô qua chợ đây nữa và chưa làm được như đã nói với cháu ?
Con bé ngước mắt lên chớp chớp, toàn khuôn mặt toát lên vẻ tươi xinh trẻ thơ, nhưng có vẻ không bị xao tâm bởi cái điều có thể xảy ra ấy : ô, thế cơ ạ ? Cháu cứ làm đúng và tốt đã cô ạ. Ở chợ này tuy thế cháu cũng đã tiếp xúc với nhiều người lắm, gặp một người như cô mà cháu còn không tin được, mà cô còn ấy như thế thì cháu lại phải chấp nhận lọ mọ như trước vậy thôi. Nó cười bẽn lẽn tiếp : Người nhà quê chúng cháu nếu hy vọng chút đổi đời cho mình không phải ở chỗ ngồi không ăn bám ai mà gặp được người tốt để họ mách cho mình cách khá lên chút và đánh giá lao động của mình được thỏa đáng hơn thôi cô ạ
Sau đó sự việc diễn ra đúng như hai cô cháu đã nói với nhau. Con bé làm rất tốt, vô cùng cam kết. Nó còn rủ được thêm 2 phụ nữ trẻ cùng làng, tham gia vào việc gom, gói từng mớ hàng quê từ rau củ quả sạch, tôm cua ốc tươi…đến túi gạo…luân phiên mang đến tận từng hộ gia đình cung cấp theo yêu cầu trước của họ…nhiều khi nhận tiền sau…Chả bao giờ có hàng Trung quốc kém chất lượng bị lẫn vào…được mọi người tín nhiệm lắm…Mấy đứa bận rộn hơn là đứng mỏi chân một chỗ ngoài chợ hóng khách hôm nắng hôm mưa… Nhìn chúng lam lũ mà lúc nào cũng vui tươi, đon đả, rổn rảng…Con bé kia một hôm gõ cửa nhà đưa chị một túi đồ quê nhỏ, nó hào hứng khoe : cô ạ, bây giờ thì cháu không phải chạy chợ như trước mà đang làm một cái gì đó hay hơn thế nhiều rồi thì phải. Cháu có nhiều thời gian để học hơn. Đặc biệt là xong việc chính cháu đã được đi chợ như cô đấy.
Chị chào nó, vui trong lòng, quay vào nhà tiếp tục dạy con học : Lao động để mưu sinh nhưng hơn thế là con người chúng ta đã cùng nhau tạo ra cách lao động….

Chuyên 2 : Người Phụ nữ và cô bé bán xu hào

Chị là doanh nhân, đã vừa kí xong được một hợp đồng với đối tác ở thành phố Vinh, xong một việc quan trọng, thấy trong lòng thật thơ thới. Trời lạnh và mưa rả rích bởi một cơn áp thấp cuối mùa vừa đến trong đêm, một mình lái xe quay trở lại nhà ở Hà Tĩnh, trong cabin ấm áp nhìn những giọt mưa quật lên kính xe chị lẩm nhẩm hát một mình bài hát Cô gái sông La…Với chị, và ở tuổi mới vừa ngoài 30, thì bài hát này dường như không hẳn còn mang màu sắc như thời chiến tranh…Chị thích bởi nói về tinh thần tuyệt vời của những người phụ nữ, những cô gái trẻ của mảnh đất đầy gian khó này. Chị thấy mình trong bài hát đó ! Xe lao nhanh về phía thành phố Hà Tĩnh, cũng đã gần trưa rồi, đường vắng vì thời tiết này cũng ít người đi lại. Phía trước bên đường chị nhìn thấy như một người phụ nữ trùm áo mưa ngồi giữa đôi quang gánh chất khá nhiều những củ xu hào. Chân phanh giảm nhẹ, xe lướt qua, tự nhiên Chị nghiêng đầu nhìn, thì đó chỉ là một đứa bé gái thôi: nó như thu mình lại để tránh bớt cái mưa gió lạnh đang quật lên người. Xe đã đi qua đến hơn trăm mét, bỗng chị thấy thương cảm, dừng xe rồi từ từ lùi lại đỗ sát bên chỗ nó ngồi cùng đôi quang gánh. Như thế chiếc xe cũng che chắn cho nó được phần nào. Chị cầm ô bước xuống vui vẻ chào và nhìn nó : con bé khoảng 15 tuổi, gầy gò và tím tái, ngồi cố ghìm cơn run rét nhìn Chị và chào lại.
– Cháu bán xu hào à ? Đã bán được nhiều chưa ? Bao nhiêu tiền một chục củ hả cháu ?
– Dạ vâng, từ sáng mới bán được một ít cho 2 người ở gần đây thôi cô ạ. Cô mua cho cháu phải không ạ ?
– Ừ cô mua nhưng giá cả thế nào cháu ?
Nghe nó nói xong Chị đáp : Cháu bớt tí giá đi , cô sẽ mua nhiều chóng hết cho cháu có được không ?
– Thưa cô, đó là giá bán tại ruộng rồi đấy ạ. Hôm nay mưa nên cháu nhổ mang ra tận ngoài đường nhựa cho dễ bán hơn cô ạ
– Trời mưa thế này, cháu thấy đấy có mấy ai đi qua đâu, trưa rồi và trời mưa rét thế này, hạ giá đi cô mua nhiều cho mà
– Không cô ạ. Đài báo trời sẽ mưa rét nhiều hôm, người quê mình thường hay mua xu hào, rau cỏ để dự trữ mà.
– Cháu có phải đi học không ? Chị hỏi
– Thưa cô, chiều cháu vào học ạ
– Ôi thế thì càng nên bớt giá đi để bán nhanh đi để còn kịp về ăn trưa rồi đi học chứ ? Chị nói và nhìn nó chăm chú
– Không cô ạ. Giá cháu nói là bán tại ruộng như với những ngày tốt trời rồi cô. Trưa không bán hết, thì chiều học xong cháu sẽ mang ra cố bán hết trong ngày được mà.
– Mẹ cháu không ra giúp cháu bán à ?
– Mẹ cháu còn phải làm nhiều việc khác lắm. Cháu mà không bán hết về mẹ cháu lại ca thán : cần lao mãi chả khá hơn được gì, con cái lớn hơn mà chẳng thấy hơn gì. Cháu sợ nghe điều đó từ mẹ cháu lắm cô ạ. Cháu muốn mẹ cháu tin rằng không phải như mẹ cháu nghĩ.
Nghe con bé nói, Chị cảm thấy cay cay trong sống mũi, nước mưa hay một chút nước mắt chị chảy trên má. Nhìn con bé, ngồi bền đường quốc lộ này, nơi đi ngang qua huyện quê, xưa chị sinh ra trong nghèo khó, chị cũng đã từng thế, từng có những ý nghĩ như nó…
Cảm động, ân cần chị cầm lấy đôi bàn tay nhỏ nhắn lạnh rúm ró của nó ấp vào lòng bàn tay mềm mại ấm áp của mình, chị nhìn nó nhẹ nhàng nói : cháu ạ, cô mua hết chỗ xu hào này của cháu với giá như cháu nói, mang về nhà bếp của công ty cô nấu cho mọi người ăn. Nào cùng cô chất lên sau xe nhé.
Con bé vui quá, đứng nhanh dậy xăm xắn ôm từng túm xu hào đặt vào sau xe. Chị lên cabin lấy một chiếc phong bì để vào đó một món tiền, rồi bước xuống nghiêng đầu ôm lấy vai con bé, rút ví lấy ra đủ số tiền mua xu hào cho vào túi áo nó, sau mới trân trọng đưa vào tay nó chiếc phong bị kia. Chị nói nhỏ nhẹ, ấm áp : Còn đây là một chút ít cháu cầm lấy mang về mua thêm sách vở để học nghe. Cô vẫn dạy nhân viên của mình phải biết kiên trì và yêu lao động, nỗ lực làm việc…Cô luôn thưởng cho những ai như vậy. Trưa nay gặp cháu mà cô không thể hiện được một chút tấm lòng của mình thì tự cô không còn thấy thuyết phục về những điều chính cô muốn, cô làm nữa!
Con bé đã hiểu điều Chị nói: nó hơi cúi đầu xuống nhìn chiếc phòng bì trân trọng trên tay , rồi ngước lên nhìn Chị đầy cảm kích, giọng nói tha thiết : dạ vâng ạ, cháu biết ơn cô. Cháu được cô cho lòng tin về việc mình làm cô ạ
Chị chào con bé, bước lên xe, chầm chậm lăn bánh, nhìn qua gương thấy nó đứng mãi bên đường giơ tay chào theo chị…Bánh xe lăn nhanh dần….Chị không còn nghĩ về bản hợp đồng kinh doanh vừa kí được nữa, cũng không hẳn do niềm vui vì làm được một điều tốt nho nhỏ…trào lên trong lòng Chị tình cảm về những con người và tinh thần lao động của họ. Chị mở lại nhỏ nhẹ bài hát Cô gái Sông La…thấm cảm về những người con gái tuyệt vời của quê hương Chị…

Bình luận (7)

  1. Thầy ạ,

    Tình cờ em được biết trang web của Thầy và được đọc những câu chuyên cảm động về lao động và tình người mà như Thầy nói là những câu chuyện có thật trong cuộc sống. Có thể em chưa cảm nhận được hết ý nghĩa sâu xa của từng câu chuyện mà Thầy đưa lên nhưng em thấy trong cuộc sống đầy xô bồ hiện nay vẫn còn những con người mà dù nghèo khó không đánh mất lòng tự trọng của mình, họ vẫn tin tưởng vào những điều tốt đẹp và hơn thế nữa trong cuộc sống vẫn còn những nguời tốt đáng để họ tin tưởng và vươn lên.

    Mặc dù em được học Thầy chưa hết một môn học nhưng khi đọc những bài của Thầy em vẫn không quên được người Thầy đã dạy chúng em những bài học không theo một khuôn mẫu sẵn có mà là vừa học vừa trải nghiệm.

    Em chúc Thầy luôn mạnh khoẻ và có nhiều cảm hứng để dạy và truyền đạt cho chúng em những bài học quý mà Thầy đã đúc kết.

    Một học trò của Thầy

    Đỗ Thị Bích Ngọc

  2. Cảm ơn thầy vì những câu chuyện rất cảm động, mang tính giáo dục cao. Thực tình do đã được nghe thầy giảng ( có cả ghi âm lại) nên khi đọc cứ như là đang được nghe giọng nói ấm áp của thầy. Cảm ơn thầy nhiều nhé!

  3. Chuyện thầy kể xúc động như “Cô bé bán diêm” và có hậu hơn
    Em cảm ơn thầy nhiều lắm và chúc thầy luôn khỏe mạnh, sôi sục…

  4. Tuy em không được học thầy một buổi nào, em cũng không biết thầy nhưng đọc những bài mà thầy viết em có cảm giác thầy giống 1 người thầy giáo mà đã chủ nhiệm e năm e học cấp 3. thầy giáo em cũng như thầy, hiền rất hiền và rất thương người.
    Em biết đến trang web này của thầy cũng qua 1 người bạn, đọc những bầi viết của thầy em cảm động rất cảm động,
    Em chúc thầy mạnh khoẻ và có nhiều bài viết hay.
    Em chào thầy!!!!

  5. Em chao Thay
    Cau chuyen thay viet ve co be ban xu hao that giong nhu cau chuyen cua em khi em con nho, em khong ban xu hao, ma ban dau phu thay a.
    Ngay hom nay, em tuy chua phai la nguoi thanh dat, nhung cung muon chia se voi cac ban doc mot dieu, giong nhu dieu thay day: Phai biet quy trong LAO DONG.
    Em rat may man da duoc nghe thay giang, nhung bai giang cua thay la nhung trai nghiem cuoc song, va nhung cau chuyen co that. EM nhu duoc song lai trong hoi uc cua minh ve thoi tho au, va su truong thanh ngay hom nay, la cong on cua cha me, cua Thay co va cua cuoc song nay.
    Em cam on Thay!

  6. đọc bài này tự nhiên em nhớ chú bé tấn bán kem Năm nào thầy ạ.em may mắn hỏn những bạn bè cùng Trang lứa vì em sớm được trải nghiệm, hiểu được giá trị của lao động.hôm nay em lại nghe thêm được một triết lý hay của thầy”lao động để mưu sinh nhưng hơn thế là con người chúng ta đã cùng nhau tạo ra cách lao động”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.