Nguyễn Tất Thịnh
………….
Cũng khá người hỏi tôi nêu ý kiến về ‘nhân tướng / kinh dịch / phong thuỷ/ chỉ vân tay’ . Tôi có nghiên cứu nhưng tự không hội đủ điều gì để thuyết phục. Đành viết câu chuyện nhỏ ( như từng quan sát thấy ) để mong nó ‘chỉ là chuyện không quá trống canh’
….
Ở làng quê nọ, dân cư chăm chỉ hiền hoà. Một cách tự nhiên, họ sống đúng với quy luật muôn đời, đúng với muôn loài :
. Tay làm hàm nhai tay quai miệng trễ : làm theo sức mình, có ăn theo tuổi mình, chẳng ai biếng ăn lười làm
. Sinh ra ở nơi nào, hiểu biết yêu thương nơi đó, cùng với quen dùng với những sản vật của địa phương
Có gia đình nọ , vốn dĩ là đôi vợ chồng trẻ khoẻ, gia cảnh nội ngoại thuận lợi hơn trung bình. Họ sinh liền ba ‘trứng vịt’ ba đứa con gái . Nhưng quan niệm chung để lại luôn ám ảnh ‘nuôi vịt nhà thành vịt giời’ , nên tâm thế họ rất chán chường, cùng với sự chê bai của nhà nội cùng hàng xóm.
Họ quyết đẻ nữa , học mọi cách để tránh thêm con gái : một đã chán nói gì đến bốn, dù các cụ cũng có di ngôn ‘tứ nữ bất bần’…. Thật hên, liền cách hơn năm họ cho ra hai ‘trứng gà’ con giai. Mừng lắm. Nhân đà ông bà nội ngoại khuyến khích đẻ thêm cho sau này đông con cháu! Đôi vợ chồng cũng đủ nhận thức câu tổng kết của các cụ ‘tam nam bất phú’ , nên có ý dừng đẻ thêm. Có điều họ lấy nhau từ trẻ lắm, thấy sức xuân vẫn khấm khá trỗi lên trong người, lại tham tính ‘cua trong lỗ’ : ruộng vườn nội ngoại hứa cho con cháu cũng xông xênh, sau vài năm bèn chặc nhẹ lưỡi dấn sinh đứa nữa! Ôi vẫn là con giai! Nó tương mạo hơi xấu xí, nhưng các bên thân hữu lại cùng rượu chè chén chú chén anh, chúc mừng với câu các cụ ‘trời sinh voi trời sinh cỏ’ .
Khi hai thằng con giai được hơn ba tuổi. Nhân có lễ trong gia đình, đôi vợ chồng làm vài mâm mời các cụ đến dự. Trong đó trưởng lão nói đưa đẩy : nhìn tướng mạo hai đứa này ‘tai to mặt lớn’ sau ắt làm quan ! Nghe thế đôi vợ chồng rất hỉ hả.
Năm sau có một cụ đẹp lão mặc áo nhà sư, từ xứ xa đến xưng mình ‘tri thiên mệnh nhân tướng học’ ! Đôi vợ chồng soạn mâm tươm tất mọi nhẽ cố mời cụ ý đến , cho cả hai con giai ngồi hầu chuyện. Thong thả như cao sĩ thiên hiền, cụ ý nâng chén rượu nhả lời như khói mây huyền diệu phán ‘hai đứa con giai này ắt sau này giàu có đến vạn ức’ !!!! Đôi vợ chồng vô cùng hân hoan tiễn cụ ý với phong bì dày dặn . Từ đó thành ‘não trạng Trời mặc định’ của cả nhà họ.
Theo thời gian ba đứa con gái tần tảo cùng bộ mẹ làm cho gia đình thêm thắt cái ăn cái để. Còn hai đứa con giai được mọi ưu tiên ưu đãi ăn học theo ‘nhân tướng mách bảo’ : ‘ nung chí quan lộ, cố hơn bạn bè, mẹ cha báo hiếu, chiếu sáng dòng họ’ ! Thỉnh thoảng ba đứa chị làm mệt hò hai em giai tham gia ; hai con giai thích chơi thì bố mẹ cùng quát : đấy, chính chúng bay được chứng kiến được nghe các cụ ý khẳng định : ‘thằng em quan thành con chị cũng công toại, gia đình phú đại…’ . Cứ theo đường lối ý, chúng tao còn sống khoẻ còn hùn hạp cho!!! Họ luôn nhắc nhở con ‘không có chữ như lợn lấy cám lấp miệng, nói chẳng gì thiêng khi không từ mồm quan thốt’ ! Rồi thành thực tâm tình tâm huyết với bọn con rằng : ‘truyền thống nhà nông , táo công cũng bỏ; vài năm quan lộ mấy đời hả hê’ . Bố chúng hay đai câu các cụ ‘không ai nghèo ba đời’ để răn bọn con : đến đời tao phải thấy chấm dứt được sự cơ khổ ‘chân lấm tay bùn’ ! Chúng bay thấm nhuần mà giác ngộ hàng ngày ! Có thế mới tăng cường ý chí, phát huy tinh thần, đẩy mạnh mong muốn!!!
Triều Đình hai năm một lần mở thi khoa bảng ‘chiêu hiền tài, đãi học sĩ’ . Trước đó đôi vợ chồng cấp tốc đầu tư cho hai con giai với phương châm quyết liệt ‘không được cả hai thì quả sai cũng đầy một’ . Họ bán cả trâu tuy câc cụ dặn là ‘đầu cơ nghiệp’ để chi phí cho việc mời thày dự đoán đề thi, kèm học tủ, nhờ chủ khảo nâng điểm ! ‘Phen này ông quyết đi buôn tiền đồ’
Công cuộc đổi đời đó đã len được vào ‘thi Đình’ !!! Ôi…. thằng giai cả lọt vào cái ‘Bảng Nhãn’ thằng giai thứ cũng giật được cái ‘Thám Hoa’!!! Ôi…. bõ sức làm sao!!! Trời thương làm sao !!!
Từ đó…. bố mẹ sinh ra tầm nhìn mới ‘ruộng để làm gì nữa khi con đã làm quan . Nên bán hết ngay đi mà hỗ trợ cho tương lai hai đứa’ .
Nhờ sự kịp thời đó, thằng giai cả lo được bổ lên thẳng Kinh Đô chạy việc quan , thằng giai út cũng thò đủ được hai chân ngồi chiếu trên đình xử việc xã. Từ khi đó thế giới quan của họ khác xưa lắm lắm. Tỉ dụ con số 6 họ cho là ‘lộc’ , con số 8 họ niệm là ‘phát’ … nên từ số nhà ( bất kể quy ước đánh số đường ), số xe, số thẻ…. họ dễ dáng sở hữu…. Nhân sinh quan của họ ‘được làm vua, thua quay sang làm tặc’ . Vũ trụ quan thì phong thuỷ kinh dịch từ gốc cỏ trong vườn đến xây điện chùa làm tượng người nhà mình đặt nơi linh thiêng…
Những lần về thăm bố mẹ. thật đình đám ! Cả nhà họ tâm đắc với tiên đoán của cụ xưa ‘ắt đề huề làm quan’ , nay thụ đắc làm hân hoan cả họ! Bố mẹ và ba chị hóng hớt thông tin trên, niềm nở quan tâm thú riêng của họ, không quên nhắc nhở hai giai dài dài : ‘công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, ngoài ra các chị của ta, bao nhiêu thương mến rất là mênh mông’
Hai anh em mặc nhiên thấy chí lý chí tình chí nghĩa. Họ tự mãn lý giải ý cổ nhân rằng : ‘ta đã tu thân, trước khi trị quốc được ( mà còn lâu lắm ) phải tề gia đã’ .
Khổ nỗi bổng lộc phẩm quan theo chế độ nào có bao nhiêu. Chỉ đủ ‘không thiết làm ruộng mà tiếc hùi hụi cánh đồng’ . Hai anh em ngẫm trăn trở mỗi đêm : xưa một cụ tiên đoán ta làm quan , đã đúng; nhưng còn cụ nữa như ‘Thần phán’ ta ắt giàu, sao chưa thấy nghiệm lớn ?!
Do được tôi kinh nấu sử nên anh em họ dần tự ngộ ra, một tay vỗ trán, một tay vỗ bụng như phát hiện chân lý : ‘quan không giàu gian nan tiến thủ, muốn có đủ biết dụng chức quan, xưa nay nhìn khắp giang san, giàu cùng quan chức thiên đàng đó thôi’
Ha ha ha!!!! Anh em họ từ hôm đó đã nắm được chìa khoá ‘tri kiến’ ( ở trình họ mới thấu hiểu ), không là gì hữu hình, mà mở kho vàng trong thiên hạ’ ; ‘dân nào chả kêu nghèo, khoèo ra hàng đống của’ …!!!!
Đến đây thì dân tình, ai đọc chuyện này thì không cần vận trí não, không cần chút học vấn gì, khỏi cần đến sự tưởng tượng…. chỉ quan sát tại nơi mình đang sinh sống … sẽ thấy muôn hình vạn trạng điều như các Vương gia dù xa cao lắm vẫn biết mà hằng than : ‘quan không từ gì không ăn, quan đã ăn không còn gì để mất’ , ‘nhất nhì làm quan, ngu dại làm dân’ . Rồi ‘thèm ăn vặt là bệnh của quan, thói tham quan giành nốt phần của trẻ’ ….
Bố mẹ anh em nhà họ càng ngày càng theo lối sống: trèo lên nhân sinh, hô cải biến đất mà vinh thân phì gia. Họ tự đắc : ‘một khi Trời đã định thường tha, thì người không thương là dại, đất khổ ải thế nào vẫn muốn dung, sét có đùng đùng là thánh thần đểu , làm giàu trăm kiểu do khéo quan trường’ .
Một năm kia, Vua sáng quyết làm một trận ‘thổi phong ba sạch không kình ngạc, làm tan tác bầy quan tham kiếm giàu’ . Anh em nhà kia rung đùi vểnh râu : ‘Phong ba nhanh qua rồi lặng, nặng túi vàng chẳng thổi nổi đâu, dưới trên cùng nhóm kết đầu, ta là gỗ tốt chứ củi đâu mà sợ lò’ !
Thì đành , tuy là ‘cây cao gỗ tốt, bị phốt mục thân, cành lá muôn phần, bật xiêu vì bão, dân khát cơm cháo, chém chặt xôn xao, ném lò làm củi’
Anh em nhà họ: anh bị tử hình, em án chung thân. Hoá ra mới ‘nhị nam’ đã bi kịch, dù bao nhà không cần đến ‘tứ nữ’ đã thoát bần. Câu cảnh báo từ các cụ xưa thật nghiệt ngã ‘không ai nghèo ba đời, nhưng khó ai phúc ba họ’ . Quả thật hình án của hai anh em họ lan tràn đau thương sang bao người thân mà họ lấy làm chồng vợ! Biếm xót thay !
….
Về ‘hai cụ’ xưa kia đã gieo ‘định mệnh nhân tướng’ cho nhà họ. Tích tàn danh tung thế nào ? Thực ra trong đó, cảnh ‘cụ’ ở làng thì con cháu tranh giành tí non bộ cây cảnh rồi tứ tán ; ‘cụ’ đẹp lão vãng lai không ai biết nguồn gốc dù nhiều chùa lắm chiền.
Có điều thời nào cũng sinh thế hệ ‘các cụ mới’ . Khoa ‘nhân tướng’ tự biến hoá thành tên khoa học ‘sinh trắc vân tay’ . Chúng sinh đời nào cũng nhiều người muốn đi trước ‘Thiên cơ’ theo triết lý : nhân có trăm sao nhờ kinh dịch biến đổi, địa có ngàn sao mượn phong thuỷ chấn giùm, thiên có vạn sao dựa thày hô vần vũ. ‘Con giáp gỉ gi , nó trì cung mệnh, lên quan ra lệnh, có tiền giải sao, làm nên huyền thoại, nghèo thì mới ngại, chức cao chẳng nề, muôn cách chi chi, cố giành phẩm tước…’
Nhiều người bực mồm kêu : cái mặt vương tướng bày ra thiên hạ còn chả ăn ai nữa là cái vân tay giấu trong tay áo ai mà biết ! Nhiều người vẫn hám cổ ha hả đáp lại : thế là mưu kế ‘dấu Trời qua biển’ của các cụ xưa để lại đó !
Có học giả giãi bồ trải nghiệm nói đầy lý luận kiểu ‘ngũ hành’ : nhất thanh, nhì diện, tam phong, tứ trang, ngũ hình’ . Có lẽ ẩn một sự hữu lý nào chăng ?
Người thành công xứng đáng trong đời nhờ tu rèn, nhân cách, phẩm giá, tri thức, đạo đức thì kiệm lời quá. Họ để lại di sản , không mấy di ngôn , chỉ buông một lời hiếm hoi ‘hãy khám phá thân tâm trí của mình để dụng tốt mà sinh Thần – không cốt hơn người, càng không siêu nhiên – khiến quỷ quái không dẫn dắt mụ mị cho nổi – lấy lương thiện làm trụ cột cuộc đời’ !
….
Vậy còn thằng út đâu ?
Khi hai anh bị trọng hình, nó còn nhỏ, Bố mẹ tuy chưa già lắm nhưng đau buồn mà chết dù không có bệnh hiểm nghèo , ba bác gái quay về câu câc cụ ‘nhất giả kiến phận’ . Gia sản bị tịch thu hết ! Nhưng một ông chánh án liêm chính, mở lòng thương yêu nhận nuôi . Nhiều năm sau nó đã lớn khôn và sống theo phương châm : lương thiện là trụ cột cuộc đời. Nó gạt quên quá khứ, làm lại tự thân! Từ chuyên cần và thái độ tốt. Nó quyết chỉnh câu của các cụ ‘dù nghèo khó ba họ, vươn dậy qua ba đời, mỗi người trong đó thôi, lương thiện sẽ hanh trôi, dù bao nhiêu kinh dịch , nhân tướng không cầm trịch, phong thuỷ định bởi tâm, sống đẹp hay là Phúc’