Niềm tự hào

Tôi cứ suy nghĩ mãi về lời một người bạn nước ngoài khi anh ta nói với tôi rằng : Ai cũng biết sau Thế chiến thứ hai, Nước Đức ở Phương Tây và nước Nhật ở Phương Đông chỉ còn có hai thứ : đó là những đống đổ nát tro tàn, và còn lại những con người với nền văn hóa vĩ đại của họ. Có nhiều chục năm ở các thành phố lớn Tây Đức trước kia đi đâu người ta cũng nhìn thấy những bức tranh cổ động vẽ một bàn tay, ở giữa là 1 đồng xu phenic ( D.mac ) và phía dưới ghi bốn dòng chữ : Hãy tiết kiệm nó – Hãy làm ra nó – hãy quí hóa nó – hãy giữ gìn nó. Sau thế chiến thứ hai, đâu đâu ở Nhật cũng thấy khẩu hiệu: Nỗ lực độ cường để thức tỉnh lòng tự tôn của nhân dân và quan chức… Sau nửa thế kỉ hai nước đó đã trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Nhưng chúng ta vốn là một đất nước nghèo, vẫn đang nghèo nhưng có thể đang tiếp tục bị nghèo đi không phải từ 1 xu mà từ hàng trăm triệu USD đi vay hoặc xúc tài nguyên lên bán

Một dân tộc có những niềm tự hào của mình mà được nhân loại thừa nhận thì mới có thể ngẩng mặt mà sánh vai các cường quốc năm châu. Nếu chỉ là sự ngộ nhận của chính dân tộc đó về những giá trị của riêng mình thì rất có thể điều đó sẽ trở thành thái độ dương dương tự đắc, không biết cái gì là lớn nên chỉ cho mình là nhất – đó là một dân tộc không cầu thị, do vậy sẽ bị xa lánh mà rơi vào bi kịch của ‘Trăm năm cô đơn’ mà thôi.

Niềm tự hào xuyên suốt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của mỗi dân tộc, dù là phương diện nào cũng phải là tạo dựng nên hệ giá trị cốt lõi của cộng đồng, thấm đẫm vào mọi giai tầng, mọi thế hệ, mọi vùng miền để trở thành sức mạnh tinh thần của mọi người dân, để trong từng lúc Hệ giá trị đó là niềm tự hào, là niềm tin, là động lực giúp cho dân tộc đó nuôi dưỡng được Nhân hòa, có năng lực cạnh tranh, phát triển ổn định bền vững trong một thế giới ngày càng đa dạng và mở mang. Còn nếu chỉ nói về những cuộc chiến tranh vì tham vọng hay tranh giành ( vì bất cứ phương diện nào đi nữa ) thôi thì không có một quốc gia nào, một cá nhân nào có thể được tự hào bởi những gì người ta đã làm, cho dù là thắng trận. Nước Đức, nước Nhật làm sao có thể tự hào bởi cuộc chiến tranh của họ trong thế chiến lần thứ 2 được đây ? Pháp và Mĩ họ cũng đã từng đau đớn mà tự thấy là thảm bại ở Việt nam rồi đấy ư? Napoleon Bonapac vĩ đại đã có những cống hiến kiệt xuất cho nước Pháp và Nhân loại về rất nhiều lĩnh vực quản lí xã hội, nhưng linh hồn của ông có lẽ cũng phải ngẫm nghĩ liệu có tự hào được không với nghệ thuật chiến tranh siêu đẳng của mình – Những cuộc tương tàn ? Niềm tự hào của nước Đức muôn thưở là xứ sở của triết học, âm nhạc và khoa học với bao nhiêu vĩ nhân kiệt xuất làm rạng danh Nhân loại. Niềm tự hào của nước Nhật là dù đầm lầy Châu Phi hay trong rừng rậm Amazon đâu đâu cũng thấy thương hiệu sản phẩm của họ. Niềm tự hào của nước Pháp với bao nhiêu chứng tích của nhiều thời đại xứng đáng là biểu tượng Kinh Đô Ánh Sáng của Thế giới. Niềm tự hào của nước Mĩ là siêu cường số một hoàn cầu trên mọi lĩnh vực của hôm nay…

Nguyễn Tất Thịnh

– Chuyên gia tư vấn Doanh nghiệp
– Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia

Cùng một tác giả:

1. Nghề giám đốc, NXB Chính trị quốc gia, 2002 (sắp đăng tại chungta.com)

2. Bàn về văn hóa ứng xử của người Việt Nam, NXB Phụ nữ, 2006 (sắp đăng tại chungta.com)

Sắp ra mắt:

3. Hành trình về Tâm linh bản ngã

Ngày xưa chiến tranh, hàng chục ngàn tấn bom đạn của Mĩ thả xuống hòng đánh sập cầu Hàm Rồng, nhưng cầu vẫn được các chiến sĩ kiên cường bảo vệ, đứng vững. Nhưng đến hôm nay với cả một nền quản lí tự chủ, tự lập, với những con người Việt Nam mới học nhiều, biết rộng….thì đã có nhiều cầu sụp đổ hoặc biến mất do ăn cắp, tham nhũng. Ngày xưa, các cánh rừng bất chấp đạn bom rải thảm, chất độc da cam, nêpan….của địch vẫn bạt ngàn xanh tươi, lấn dần ra biển cho dân tộc Việt Nam sức sống mới để trường tồn….Nhưng đến hôm nay… thì cỏ cây rũ héo, kiệt quệ, muông thú bỏ đi cả…bởi cháy! đốn! tàn sát của con người Việt Nam mới đang đội trên đầu những sứ mạng kiến quốc cao cả.

Tôi lại nhìn sang nước bên cạnh. Họ đã có những giá trị tuyệt vời mà cha ông họ đã để lại : những đền Ăngco Vat Ăngco Thom huyền diệu , nhưng đã bị hậu thế để ngủ quên trong rừng thẳm hàng trăm năm mà cam chịu nghèo đói, thua hèn….phải chờ đến khi các nhà khảo cổ người Pháp đã tìm ra, trầm trồ và quảng bá thế giới, dân tộc đó đã bớt tự ti đi nhiều lắm. Dân tộc đó đã từng dũng cảm đánh Pháp, đánh Mĩ, rồi cuối cùng cũng giành được quyền quản lí đất nước : Đất nước của ta vận mạng của ta….Nhưng họ đã kịp tự gây ra thảm kịch kinh hoàng về sự tự hủy diệt dân tộc, nòi giống chỉ trong vài năm cuối của thập niên 70 của thế kỉ trước… Sự tàn khốc của hàng nghìn năm trước cộng lại cũng không sánh bằng

Tôi lại nhớ đến điều đọc được trong cuốn sách ‘Những tấm lòng cao cả1) – Thày giáo nói với các em học sinh nhỏ của mình rằng :’Các con hãy tự hào mình là người ‎ Ý vì những điều các em làm khiến cho người ta phải kính trọng nước Ý’

1) Những tấm lòng cao cả hay Tâm hồn cao thượng là một cuốn tiểu thuyết trẻ em của nhà văn người Ý Edmondo De Amicis. Lấy bối cảnh trong lúc nước Ý đang thống nhất cũng như nói về đề tài yêu nước. Tiểu thuyết được xuất bản đầu tiên vào ngày 18 tháng 10, năm 1886, ngày khai trường ở Ý và trở thành một hiện tượng xuất bản ngay lập tức.

Xuyên suốt tiểu thuyết là những vấn đề xã hội như sự nghèo đói, Những tấm lòng cao cả cho thấy ảnh hưởng của tư tưởng chính trị cánh tả trong những tác phẩm của Amicis.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.