Tiếp tục về chống tham nhũng
Nguyên thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu đã tổng kết rằng, để chống tham nhũng, phải làm sao cho các công chức, quan chức không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng.
Rất tâm đắc với điều đó, trong bài viết này tôi chi tiết hóa ba điều nói trên và đưa ra cách tiếp cận nhanh hơn trong việc phòng chống tham nhũng có hiệu quả ở Việt Nam.
1. Không muốn!
Nghĩa là trong thâm tâm không có sự đòi hỏi (về tâm lí, tình cảm…) làm việc gì đó, nếu có làm chẳng qua là “bất đắc dĩ”. Để không muốn tham nhũng thì phải có hai điều kiện cơ bản:
-
Trước hết, bản thân người thực thi công vụ phải là người có văn hóa mạnh – được hiểu là “hợp pháp” (sống và làm việc theo pháp luật) và “hợp lệ” (hợp với những thông lệ đạo đức và văn minh ).
-
Sau đó, công chức phải được thù lao theo tinh thần “trả đúng, trả đủ và trả công bằng” với những gì họ đã bỏ ra (đầu vào) so với các tổ chức điển hình tại nơi họ sống và so với mặt bằng chung của xã hội (và phải so với cả đối thủ cạnh tranh nếu đó là doanh nghiệp).
-
Thêm vào đó, không ai lại đi “tham” cái của chính mình. Khi người dân ý thức được tài nguyên và môi trường là của chung chúng ta và con cháu chúng ta thì tự nhiên họ sẽ có ý thức giữ gìn hơn và có cảm giác xót xa khi nhìn thấy nó bị xâm phạm. Làm được điều này trong phạm vi xã hội là “hơi khó” song không phải là không làm được.
2. Không thể !
Về nguyên tắc, có thể làm yếu hay vô hiệu hóa khả năng tham nhũng thông qua hai công cụ chủ yếu: cơ chế quản lí và bộ máy quản lí (cơ cấu tổ chức)!
Nguyễn Tất Thịnh – Chuyên gia tư vấn Doanh nghiệp Cùng một tác giả: 1. Nghề giám đốc, NXB Chính trị quốc gia, 2002 2. Bàn về văn hóa ứng xử của người Việt Nam, NXB Phụ nữ, 2006 Sắp ra mắt: 3. Hành trình về Tâm linh bản ngã |
Cơ chế quản lí: Là cách tiến hành (thực hiện) một công việc lặp đi lặp lại. Một doanh nghiệp, từ khi sinh ra đến khi mất đi phải qua rất nhiều “cửa” thủ tục: chứng nhận điều kiện kinh doanh, cấp dấu doanh nghiệp, cấp mã số thuế, mua hóa đơn đỏ, kê khai thu nhập và thuế VAT, kê khai tài chính năm, đấu thầu, xuất nhập khẩu… Cách thức tiến hành những công việc này được lặp đi lặp lại với mọi doanh nghiệp và được hiểu là cơ chế quản lí. Một cơ chế gồm:
• Thủ tục (Procedures): Qui trình thực hiện một công việc (bước 1, 2, 3…)
• Qui tắc (Rules): Qui định phải làm gì và không được làm gì trong qui trình trên.
• Chính sách (Policies): Hướng dẫn cho việc ra quyết định khi giải quyết việc trên.
Thủ tục và qui tắc là “phần cứng” buộc mọi người trong hệ thống phải tuân theo, còn chính sách là “phần mềm” giúp cho thủ tục và qui tắc trở nên mềm dẻo, linh hoạt. “Một Nhà nước tốt là một Nhà nước quản lí ít nhất, quản lí cái Tối Thiểu mà Xã hội cần. nếu không làm được vậy thì cố gắng làm ít đi”
Cơ chế tốt là cơ chế, trong đó các thủ tục, qui tắc, chính sách phải:
– Rõ ràng (không thể hiểu sai nghĩa, không thể lập luận nước đôi), đơn giản, ngắn gọn, công khai, nhưng lại rất chặt chẽ (không có kẽ hở nên khó mà “lách” được).
– Hướng vào phục vụ khách hàng thay cho việc đơn thuần hướng vào thể hiện vai trò của bản thân – thỏa mãn một cách tốt nhất những nhu cầu chính đáng của nhân dân.
– Yếu tố nhiễm bẩn nhất – đó là những yếu tố có nguy cơ làm tha hóa con người. Những cơ chế đã bị phê phán nhiều như cơ chế “xin cho”, cơ chế “qua sông lụy đò”, cơ chế “trách nhiệm tập thể”, cách xử sự kiểu “biết điều thì con voi cũng lọt, không biết điều thì con kiến cũng chẳng qua” là những ví dụ cụ thể của những cơ chế có những yếu tố nhiễm bẩn…
– Linh hoạt và đạt được mục tiêu quản lí
Nếu đem những chuẩn mực này mà soi vào một loạt các thủ tục “cổ phần hóa DNNN”, thủ tục “cấp sổ đỏ, sổ hồng”… thì thấy ngay rằng chúng đều vi phạm nghiêm trọng những yêu cầu trên.
Cơ chế nằm ở đâu? ở Thế chế! Điều này giải thích tại sao khi thực hiện cải cách hành chính bắt đầu bằng “cải cách thể chế”.
Bộ máy quản lí. Một khi qui trình đã được cơ cấu lại, kiểu ‘Một Cửa – Một Đầu mối’ thì đương nhiên phải dẫn đến cơ cấu lại bộ máy tinh giản, gọn nhẹ, chuyên nghiệp và có hiệu quả – Điều quan trọng không kém khi thiết kế lại bộ máy là “quyền phải tương đương với trách nhiệm” – quyền nghĩa là quyền hạn và quyền lợi. Chúng ta đều biết nếu quyền > trách nhiệm: nhẹ là lạm quyền mà nặng thì sinh ra những chuyện thoán nghịch. Quyền < trách nhiệm thì gọi là “quyền rơm vạ đá” và không ai lại phải đi chịu trách nhiệm với cái thứ mà người ta không có quyền.
3- Không dám!
Phải làm sao để từng người thực thi công vụ hiểu rõ cái giá phải trả (vô hình và hữu hình) sẽ nặng như thế nào nếu có hành vi không lành mạnh.
4- Một câu hỏi đặt ra đến bao giờ mới thực hiện được ba điều kiện trên?
Vì chúng có liên quan tới cải cách thể chế trong mọi bước của qui trình cán bộ: tuyển chọn, định hướng, đào tạo và phát triển, đánh giá thực hiện công việc, chính sách nhân sự và cải cách tiền lương… đòi hỏi phải có thời gian và không có lẽ trong khi cải cách thì các tiêu cực vẫn mặc nhiên tồn tại?
Việc ngăn chặn nhanh chóng hành vi tiêu cực phải bắt đầu từ “không dám” (nghĩa là hiện nay mọi cái ít nhiều đều “có thể” đấy nhưng “không dám làm”. Điều này gợi cho tôi nhớ tới hình ảnh giao thông công cộng tại các nước phát triển. Ví dụ, tại Viên (hơn cả Roma và Paris), người dân có thể ra vào các phương tiện vận chuyển công cộng (tàu điện ngầm, ôtô buýp, ôtô điện, tàu điện, tàu hỏa cao tốc… mà không gặp bất kì rào chắn nào (lên xuống tự do như đi trên đường phố), song chính những người Việt Nam sống ở đó đã khuyến cáo rằng: “Nếu bạn quên không mang theo vé tháng theo người thì thà đi bộ còn hơn là liều lên xe”. Sẽ luôn có người kiểm tra (bất kì lúc nào, khi nào) và nếu bị phát hiện sẽ bị phạt gấp 70 lần (vé là 1 euro, sẽ phải trả là 70 euro, tương đương khoảng gần 1,5 triệu VNĐ) và tất nhiên sẽ “rất xấu hổ” trước mặt người khác.
Cho nên chống hành vi tiêu cực trong xã hội không phải là quá khó, quá lâu.
Cụ thể là:
– Nên bắt đầu bằng tư duy cho rằng xã hội ta được xây dựng trên giả định mọi người đều là công dân tốt. Vậy hãy tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hàng ngày của người dân và tổ chức. Ví dụ, khi một doanh nghiệp nhập khẩu lô hàng để phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu, không cần phải bật nắp công tay nơ lên để kiểm tra, mà cho thông quan nhanh nhất (vì chúng ta tin nhau).
– Thực hiện chế độ “thông tin mở” (open information) bằng cách “cho dân biết để dân kiểm tra” (dân là những người bình thường trong và ngoài tổ chức). Thông tin mở là nguyên tắc của một tổ chức và xã hội học tập (learning organization) – nghĩa là phải công khai hóa tất cả các qui trình, qui tắc, chính sách và minh bạch hóa – làm giữa “thanh thiên bạch nhật” mọi vấn đề trong phạm vi có thể, nhờ đó mà mọi người có thể dễ dàng nhận biết được hành vi sai trái.
– Khi hành vi sai trái bị phát hiện và được chứng minh thì đối tượng vi phạm sẽ bị “thân bại danh liệt” trước khi chờ bị “khuynh gia bại sản” (tùy vào mức độ vi phạm). Một luật sư, nếu bị phát hiện ra dùng tiền để mua chuộc nhân chứng sẽ bị tước ngay giấy phép hành nghề.
Một giáo viên đại học nếu bị chứng minh đã trích lục tài liệu mà không chú dẫn theo qui định cũng sẽ không được trốn thuế là 1 tỉ sẽ bị phạt 5 tỉ và có hiệu lực ngay lập tứ, nếu không đủ tiền nộp thì phải lao động “công ích” tới khi trả đủ thì thôi. Nên trích từ quĩ thu hồi một tỉ lệ thỏa đáng để “trả ơn” cho người có công phát hiện (số tiền phải đủ lớn để khuyến khích hành vi mạo hiểm này) và cũng trích tỉ lệ nhất định vào “quĩ bảo vệ nhân chứng” theo tinh thần “lấy mỡ nó rán nó”.
– Xã hội thông tin: Sử dụng thông tin như một công cụ lợi hại để trừng trị vô hình những người có hành vi gian lận. Cần công khai hóa danh sách và mức độ sai phạm của những doanh nghiệp, cá nhân khi có những hành vi sai trái: gian lận thuế, làm ô nhiễm môi trường, tiếp tay kẻ xấu, nhận hối lộ…
Có lẽ, “thông tin mở” trong một “xã hội học tập” là biện pháp dễ thực hiện nhất, nhanh nhất và có hiệu quả to lớn trong việc ngăn chặn tiêu cực trong xã hội trong khi chờ đợi hoàn thiện những điều kiện “không muốn” và “không thể”.