Xã hội nữ tính quá
Ngày ấy chiến tranh, những làng quê vắng hoe vắng hoắt bóng dáng những người đàn ông trẻ tuổi và khỏe mạnh – họ đều phải ra chiến trường cả, ở những nơi mà ngay cả các cô gái thanh niên xung phong đã ‘tiếng hát át tiếng bom; mở đường và phá bom. Hậu phương chỉ còn thấy những ông già, và những em bé, phụ nữ trong những ngôi nhà xơ xác và trên những cách đồng thẳng cánh cò bay.
Bao nhiêu sản vật, lương thực làm ra đều dành gửi cho chiến trường và nộp thuế để nuôi bộ máy Nhà nước. Chỉ còn lại phần rất nhỏ mang về nuôi gia đình. Đôi khi người ta thấy một đàn ông còn trẻ đâu đó trong vài gia đình thì thường là thương binh, họ tần tảo quanh quẩn trong nhà, lối xóm mà phụ giúp thêm vợ những việc nội trợ nho nhỏ, hoặc làm những việc mà vợ đã sắp đặt sẵn. Cuộc sống thiếu thốn đủ bề, thêm vào đó là những cuộc bình xét tập thể nhằm kiểm soát và siết chặt hơn nữa việc phân phối đã biến những người phụ nữ nuốt nhọc nhằn vào trong, ăn sóng nói gió, gồng mình lên kéo bừa thay trâu, làm tất cả những việc nặng nhọc nhất mà bình thường đó là việc của người đàn ông…. Ở thành phố và thị trấn cũng vậy, họ đã thực sự trở thành trụ cột gia đình từ việc nuôi sống gia đình, dạy dỗ con cái, cho đến tham gia vào các phong trào kiến quốc vĩ đại… Nhiều người phụ nữ khi bất mãn chửi một câu tục tĩu : ‘có mà ăn c… bố’ …nghe sao mà cảm khái, cá tính thật mạnh mẽ. Phụ nữ đã trở thành đàn ông thực sự.
Rồi chiến tranh cũng kết thúc. Đàn ông đã trở về. Bao năm tháng chiến tranh xa nhà, cái tình cảm thấm đẫm trong tâm trí họ là hình ảnh, kỉ niệm với người mẹ, người chị, em gái của mình. Họ biết ơn sâu sắc những người phụ nữ. Người phụ nữ bây giờ được dễ thở hơn, theo năm tháng họ cũng đang quay trở về nhiều hơn với thiên chức bình dị của mình.
Xã hội an cư, bây giờ là thời đại của những người đàn ông báo đáp lại phụ nữ. Những cuộc họp hành, đại hội, những lần thay đổi, những đấu tranh nội bộ… ngày theo ngày diễn ra… khiến cho tất cả đều tự hiểu : tự do tư tưởng, tư duy đột phá, sức mạnh khai phóng của ai đó hãy cất kín nó đi, chiếc ghế là rất quan trọng, nhiều khi là quyết định. Vì thế ai cũng thấy cần tích cực điều chỉnh lại mình : khổ hạnh một tí, yếu ớt một tí, kín đáo một tí, mềm mại một tí, nhỏ nhẹ một tí, biết chiều lòng nhau một tí, sâu sắc như cơi đựng trầu thôi….để được nhiều người an tâm mà chấp nhận, bao bọc, ủng hộ mình…. hơn nữa thêm người khác thương có tác dụng như được cấp trên ủng hộ vậy. Đàn ông lại càng thấy nên thế vì từ xưa đến nay, chịu ảnh hưởng của phụ nữ, trong sâu thẳm họ biết rõ cái kiểu cách ‘ liễu yếu đào tơ’ có sức mạnh cảm hóa to lớn đến như thế nào. Những từ ‘anh anh em em’ ngọt như mía lùi vốn là câu đầu miệng của người đàn bà mà sao bây giờ được các ‘trang nam tử, râu hùm hàm én’ sử dụng nhiều đến vậy trong quan hệ với cấp trên của họ. Họ đã đang mất đi cái gì vậy?
Nhiều khi cũng bí bách muốn giải tỏa cái phẩm chất đàn ông ‘chân đạp đất đầu đội giời’ của mình, họ chọn cách an toàn, ở những nơi an toàn: túm năm tụm ba ngồi lê đôi mách, ồn ào bình phẩm điều này người nọ, tâm tình thanh minh thanh nga, hoặc nhỏ to phô trương bản thân… Cũng có lí giải cho họ rằng cái truyền thống của ta giống như tình dục thường ác liệt trong kín đáo chứ không khoe ầm ầm ra nơi thiên hạ. Nhưng vợ của họ vẫn chê chồng : trong bóng tối ông cũng chỉ lần mần mà thôi. Nhiều đàn ông khi bế tắc chửi đổng một câu : ‘bà dí… vào’ nghe như PD. Cứ như thế khí chất của họ dường như đang bị nhột nhạt đi. Vài bậc trượng phu còn lại, những người thường bị vợ mắng là chả được tích sự gì, thốt lên rằng xã hội ta nữ tính quá.