Bài học đường đời

Bài học đường đời

ĐỜI ĐỘNG, LÝ SAO CHO PHẢI

Có nhiều nỗi chán chường… đã nhiều lần tôi muốn đóng web…rồi thấy trống trải hơn…Bằng hữu nói: chúng tớ có thú vui chụp ảnh, vẽ vời, chơi đàn…trước là cho mình thôi…thì sự viết của Bạn có lẽ cũng vậy, đi qua mọi sự đi, thích thì gõ vài dòng cho thư giãn, thoải mái tưởng tượng, giải phóng tư tưởng. Tôi đã vốn nghĩ : viết là một cách lao động ‘tải đạo đời’ ..lại nghĩ về cuộc sống với phương châm ‘truyền bá – reo rức – thức tỉnh’….


Một thư sinh nghe có ông Thày tiếng tăm cũng nô nức xã hội, xin yết kiến : đi theo Thày ngao du trong đời để học Đạo !
Đồng ý ! Lên đường …..

Một hôm đi qua nơi kẻ chợ, hai Thày trò gặp một người có vẻ ngây ngô mang vải nhà dệt đi bán : rao bán 1 tấm 3 đồng ! Có ba kẻ như đi buôn nhao đến hỏi mua, đứa khăng khăng muốn được cả 8 tấm thì trả 23, đứa khác nói 22, đứa lại bảo 21 đồng thôi. Người bán vải gãi đầu bối rối như chưa biết tính sao cho đặng. Thư sinh tức khí bèn đến nói to : 3 nhân 8 là 24 ! Một kẻ trong số trên nổi nộ huyết , quay sang khinh khi xì miệng : là 23 ! Thế là xảy ra cãi nhau. Thư sinh nhờ Thày làm trọng tài , nếu con sai thì bị mất mũ, còn người này sai thì anh ta bị mất quần áo. Biết tiếng Thày, cả bọn kia tạm ôn hòa mà đồng ý . Thày phán : con thua! Số tiền bán 8 tấm vải sẽ là 23! Xong chuyện, nhưng Thư sinh rất bức xúc, trên đường đi tiếp lục vấn Thày tại sao vô lý như thế cho được ? Thày đáp ôn tồn : nếu con thua thì chỉ mất cái mũ, người kia nếu thua không có quần áo mặc về nhà, trông thế được sao ? Vả lại cái lẽ bán hàng nó không số học như con nghĩ… bán cả 8 tấm thì 23 là hợp lý, người bán vải kia có nguy cơ bị thiệt hơn nếu ta không kết luận như vậy. Chưa kể, nếu ta nói là 24 đám người buôn kia có thể thêm cay cú mà gây chuyện khó dễ cho con. Đã hiểu chưa ?!

Lần khác… đi qua một huyện nhỏ… Hôm đó quan mở tòa kết án một kẻ kẻ có tội trước đám đông dân chúng chứng kiến. Quan phán : kẻ kia mắc ba tội, mỗi tội đều đáng đánh bằng số gậy như nhau. Lính đâu, gom lại cả thảy nọc hắn ra đánh đủ cho ta 25 gậy ! Thư sinh xốn xang cái đầu bốc hỏa, bèn nhao lên trước đám đông: 25 gậy cho 3 tội, thế mỗi tội là bao nhiều gậy là phải nhẽ ? Như quan nói thì nên chỉ là 24 gậy thôi! Dân làng ngơ ngác nhìn , rồi nhộn nhạo hẳn lên. Thư sinh kếu lên : xin Thày làm trọng tài cho con ! Nếu con thua thì bị mất quần áo, quan thua thì sẽ phải mất mũ. Quan nhìn ra nhận thấy Thày là bậc đáng kính, nên tỏ ôn tồn như thể muốn công minh trước dân chúng, nên vòng tay thi lễ mà đồng ý. Thày xử : Thư sinh thua ! Thật nực cười khi rốt cuộc Thư sinh phải mượn tạm khăn thầy để che thân. Chuyện rồi cũng xong. Đi trên đường Thư sinh than : con đã rút kinh nghiệm lần trước, chắc điều hiển nhiên là quan sẽ thua, để nếu Thày xử đúng như con nghĩ thì không đến nỗi ông ấy phải cởi chuồng mà về. Ai ngờ phần ê chề con lại phải nhận ! Thày đáp : Quan giữa công đường có thể mất mũ mà con vô sự được chăng ? Phạm nhân kia có thể bớt được một gậy nhưng vì thế mà làm Quan bẽ mặt được chăng ? Vả lại với kẻ đó mắc đến 3 lần tội như thế, thì sự trừng phạt nó không theo lẽ số học như con nghĩ cho được !

Thư sinh phàn nàn : thưa Thày trước con có theo học một thời gian ở phương Tây, bên đó họ rành mạch 3 nhân 8 bằng 24. Thế thôi, chứ không thấy lắt léo như Thầy giảng đâu ạ ! Họ nói đó là Chân lý, nếu không giữ được thì bảo vệ được cái gì nữa đây ?! Thảm nào con theo Thày phần thua cứ thuộc về mình !

Thày đáp : CHÂN LÝ LÀ ĐIỀU TẤT CẢ CHẤP NHẬN ĐƯỢC con ạ. Điều ta muốn dạy con không hẳn là cách bảo vệ cái lý cố hữu của riêng con mà là để ngộ Đạo về cái LẼ HỢP LÝ ĐỘNG CỦA CUỘC SỐNG ! Con hãy nhìn cây Mía chúng ta đang ăn đây : ở dưới gốc là 3 đoạn, mỗi đoạn gần như là 8 phân, nhưng lên trên ngọn của nó, không phải thế nữa, sẽ không phải là 24 phân nữa đâu con à. Một xe tải trở hàng có 8 bánh xe, nếu làm nó dài gấp 3 lần thế, thì sẽ không cần đến 24 bánh đâu, nhưng lại chở được không phải là gấp 3 mà gấp 5 lần tải trọng so với trước đấy con ạ. 3 nhân 8 bằng 24 là chính xác ! Cần biết cái chính xác đó để xử sự xung quanh nó cho thỏa đáng mọi bề, cân bằng các quan hệ biến động. Nhưng chỉ biết 3 nhân 8 bằng 24 , thế thôi, thì không vượt qua cái Trí của kẻ mọt toán, chẳng đến Trí thức thấu đạt, thiếu tầm đủ giải được biến động của đời, nên sẽ không hiểu và bảo vệ được cái đại cục…chẳng đi đến sự phát triển cho được, sa vào cái ‘thắng – thua’ tủn mủn tầm thường mà thôi. Con đã Tây học, nay Đông học, rồi vẫn chọn đi theo ‘Thày học’ là vì thế con ạ ! Ta tôn trọng phép toán nhưng cần ứng dụng nó, sao cho HIỂU ĐƯỢC SỰ VẬN ĐỘNG CỦA NÓ ĐỂ BẢO TOÀN ĐƯỢC LẼ PHẢI !
….

Sau này hai Thày trò chia tay nhau… không biết hậu sự thực hư thế nào? Có tin đồn về Thư sinh rằng :

– Anh ta càng mung lung , dần ‘phát điên’ về những diễn giải của Thày
– Anh ta dừng lại ở nước ‘Tề Ngụy’ nào đấy và làm quan khá tốt
– Anh ta cảm thấy đủ trình ‘biến thiên lý luận’ mà làm giảng viên trường xã gì đó
– Anh ta vẫn đi tìm thêm những lớp mới, thày mới để hòng mong hiểu thêm Đời
– Anh ta về với sự bình thường, tình cờ đọc lại bài này….cưởi tủm…. rồi quên hẳn…

Còn tôi, một buổi tối, đọc cuốn sách về Alber Einsstein ( nhà bác học vĩ đại ) trên trang bìa có vẽ ông ấy nhăn trán dí dủm : 3 x 8 = ???? . Thấy có cảm hứng, nên muốn viết một chuyện nho nhỏ như trên…

Bình luận (3)

  1. Cảm ơn thầy về những bài viết rất hay và hữu ích. Mọi vật đều luôn thay đổi, con người thay đổi, … và thậm chí đúng sai cũng thay đổi theo hoàn cảnh và thời gian.

  2. Em rất thích hai từ ” thức tỉnh” của thầy.
    Vì chủ yếu khi người ta đọc được một điều gì đó, những thông tin, kiến thức có trong bài viết họ đã được học đâu đó thậm chí nhiều lần. Nhưng cái hay và rất hay là sự ” thức tỉnh”. Trong thế giới đầy rẩy những điều còn ngang trái, bề bộn muôn phần thì đang có những người thầy, những người hiền của đất nước như thầy đang hàng ngày thức tỉnh tính cách tốt của con người, góp phần giúp thế giới cái tốt lấn áp được cái xấu vì cái xấu, cái chưa hoàn thiện nó thường trực không chỉ xung quanh mà ngay trong chúng ta, khác nhau là ít hay nhiều, mạnh hay yếu.

    • Hồi nhỏ em học lớp 1, cô khen con làm toán đúng 1+1= 2 nhưng sau này học lên trong môn hệ nhị phân ngay bài đầu thầy gạch sai vì 1+1 = 2. Lúc đó em không hiểu nhưng sau này mới hiểu hệ nhị phân là 1+1=10: Đúng sai phụ thuộc vào hệ tính toán.
    • Khi học định luật của Newton, thì s =vt nhưng khi đến thuyết tương đối của Einsstein thì bác nói như vậy là sai trong hệ quy chiếu của bác. Em chưa hỏi Newton nhưng không cần hỏi nữa vì thực tiển đã chứng minh cả một thời gian dài theo đơn vị là thế kỷ rồi: Đúng sai phụ thuộc hệ quy chiếu.
    • Khi em đi cưa vợ, đôi lúc em với thằng bạn cứ cãi nhau về một cô gái. Thằng bảo xinh đứa bảo xấu. Sau này mới biết là do mỗi đứa nhìn một góc khác nhau, cô bé đó nhìn trực diện thì xinh nhưng nhìn nghiêng lại xấu vô cùng, hôm đó mỗi đứa ngồi hai vị trí khác nhau: Đúng sai do góc nhìn khác nhau.
    • Em lại đi tìm đúng sai trong thế giới tưởng tượng: Có hai ông ngồi nhậu, một ông say và một ông tỉnh. Ông nào cũng nói mình tỉnh và ông kia say. Lúc sau thêm một ông say tới nữa và toàn nói chuyện say thế là ông tỉnh sai trong cái thế giới tưởng tượng. Nhưng đưa câu chuyện này ra thế giới thực thì chắc chắn ông tỉnh lại đúng. Cũng như có 100 ông, mỗi ông góp 1 đồng thì khi có 51 ông nói đúng, theo lệ 49 ông kia phải theo: Đúng sai phụ thuộc vào số người đồng thuận, thậm chí có thể theo mạnh, yếu.
    • Tào Tháo nói: Hư mà thực, thực mà hư. Trong sai có đúng, trong đúng có sai: Như vậy đúng sai phụ thuộc vào tỷ lệ, phụ thuộc vào hợp thời, hợp cảnh.
    • Đọc bài của Thầy em nhớ lại trước đây hay xem phim Bao công cùng với ông bà và cứ suy nghỉ nhiều về đoạn nhạc phim:” … chỉ có thể biết nhiều hoặc ít, không thể biết hết…” và đến đây em muốn tiếp rằng: … chỉ có thể đúng nhiều hoặc ít, không thể đúng hết…

    Em chiêm nghiệm sau khi đọc bài rằng đúng là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là sự hài hoà, nhịp nhàng khi chúng ta sử dụng cái đúng.

    Một lần nữa em rất cảm ơn Thầy đã cho em được cảm xúc, động lực để đi tìm, lượm lặt những tri thức, cái đúng, cái sai. Em rất vui, rất hạnh phúc khi đọc bài của thầy và vui hơn, mê hơn, ý nghĩa khi gần tiếng đồng hồ trôi qua em viết những dòng suy nghỉ này, chuyện viết đúng hay sai không còn là vấn đề nữa. Em và có lẽ rất nhiều độc giả của bài này cảm ơn Thầy đã khổ để chúng em được

    Sướng!!!

  3. Cám ơn tâm huyết của thầy.câu chuyện cho em cảm giác rất nhẹ thầy ạ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.