Câu chuyện ở chợ Bắc Hà
Một gia đình người Kinh ở Thủ đô đi du lịch Sapa, nghe nói về chợ Bắc Hà, nơi người các Dân tộc mang bán đồ thổ cẩm, nông sản của họ tự làm ra đó bán đổi, bèn rủ nhau đến gọi là ngó nghiêng hơn là mua sắm.
Tạt vào một góc hàng ở giữa chợ, nơi có một anh người Dân tộc H’Mông bày la liệt xung quanh là những bình, chai lọ đựng đầy rượu nút vải đỏ, nói là rượu thuốc tự nhà làm rất có tác dụng bổ sức khỏe cho đàn ông, chế ủ theo kiểu Dân tộc mình
Cả nhà dừng lại chỉ chỏ, anh Chồng nói :
– Ê này, rót cho tí uống thử xem nào?
Anh người Mông đon đả chảo, đứng dậy nhanh nhẹn cầm lên một bình gốm nâu, rót từ từ ra chiến chén sứ nhỏ. Cô vợ anh người Kinh nhìn, nhăn mặt : gớm, chả biết thế nào chứ trông bẩn bỏ cha lên được!
Thằng con trai cỡ 12 tuổi cũng chun mũi, chụt một bãi nước bọt, hùa theo mẹ : đồ rẻ tiền í mà !
Nhưng anh Chồng đã đưa lên mồm ực một hớp rồi, nhăn mũi. còn một ít đổ toẹt xuống đất, nói : Gớm, đồ rởm rít. Đặt lại chén xuống cái bàn gỗ, nói vô chủ : đi thôi! Cô vợ chêm thêm : đồ thật mua ở Tây còn chả ăn ai nữa là mấy thứ đồ vớ vẩn í
Người Mông bước sát gần, đưa tay ra lên ngực anh kia chặn lại , nói từ tốn nhưng mạch lạc : này cái người Kinh, mày uống thử, thích không thích, mua hay không mua cũng được nhưng tao bắt đền mày vì tội nói rượu tao là rởm rít. Tao không hiểu nhiều tiếng Kinh, nhưng những từ như thế chúng tao bị nhiều đứa như chúng mày đến đây nói, phải nghe nhiều rồi nên hiểu hết. Mày ở miền xuôi đến, buông ra những lời nói xấu xa thế, không thể tự nhiên mà đi được !
– Cái gì ?! Mày bắt đền tao ? Tao phải đền mày ? Anh Chồng trừng mắt lên, như thổ ra sự kiêu bạc lẫn khinh bỉ của mình. Tao không đền thì sao ? Mày định định giết tao chắc ?
Cô vợ tức tối : đấy, thấy chưa đã bảo rồi, dây với bọn này chỉ có mà ngu, rõ là kiểu ăn cướp, lợi dụng người ta chót uống tí rượu đểu !
Thằng con đút tay túi quần nhìn người Mông gườm gườm, gầm khẽ lên : đúng là bọn mọi !
Người Mông nhắc lại, giọng chăc như cây lim trên rừng : mày phải đền với những gì mày nói về rượu tao, với tao. Bà con ơi, tất cả đã nghe cả nhà họ nói gì với tao rồi chứ : rượu rởm, ăn cướp, bọn mọi…chúng mày có thể bỏ đi được sao ?
Thật ra trước đó cũng có kha khá người Dân tộc đã tụ tập quanh lấy họ theo dõi lắng nghe được để đủ hiểu chuyện ra sao rồi.
Cảm thấy hơi phiền, cô vợ kéo áo chồng : thôi anh thí cho nó tí tiền lẻ rồi biến khỏi chỗ đểu này đi. Anh chồng có vẻ như sĩ diện chưa thèm nghe lời vợ, cứ lấy tay đẩy người Mông kia ra để bỏ đi.
Người Mông nói : chúng tao nghèo, nhưng có danh dự phải giữ, có cái thật để bán, chúng tao sống được không phải nhờ chúng mày thí cho tí tiền, việc này chúng mày phải đền tao. Tao không giết mày, tao không đi cướp, chúng mày dễ dàng gán cho người lương thiện chúng tao những cái tội chu di đó để làm chúng tao sợ, để đi thoát khỏi cái tội của chúng mày gây ra ư ? Chúng mày đến đây gây chuyện xấu xa rồi bảo nơi đây là chỗ đểu, rồi yên ổn, sạch sẽ mà về nhà được ư ? Bà con ơi!
Mọi người đông dần lên, bà con Dân tộc thấy khẩu khí anh người Mông đúng đắn, mạnh mẽ kiên quyết lạ thường. Họ thấy thích thú với cái lý của anh người Mông lắm. Nhà người Kinh kia bắt đầu lúng túng, thấy khó đi thoát dễ dàng rồi. Anh Chồng cố lấy điệu cười giả lả truyền thống, hạ giọng nói nhỏ đủ cho người Mông nghe rõ : thôi vậy, thì tao xin lỗi. Được chưa ?!
Người Mông trả lời, bằng giọng to khỏe rành rẽ : Xin lỗi ư? Đó là kiểu của người Kinh chúng mày. Còn kiểu người Dân tộc chúng tao không nhận lời xin lỗi như thế mà đòi phạt vạ mày ! Mày đến đây reo rắc những lời hơn thuốc độc, hơn ngải độc như thế mà chỉ bằng câu xin lỗi lí nhí thế được chăng ?
Phạt vạ ? Phạt vạ cái gì? Phạt vạ bằng gì ?….Cả nhà người Kinh kia trợn ngược ba cặp mắt, trong bộ dạng của những khuôn mặt vốn coi trời bằng vung
Nhiều tiếng của người Dân tộc vang lên : phạt vạ! đúng rồi ! phải phạt vạ chúng nó !….Cả chợ như nóng lên…
Người Mông nói tiếp : người Dân tộc chúng tao thi thoảng mới có dịp đến chợ bán tí hàng của mình để sống. Có cả bao nhiêu người Tây họ đã đến đây, vui như Tết, chúng tao bán được nhiều thứ. Thế mà chỉ có mấy đứa chúng mày từ miền Xuôi đến đây phun ra những câu mà rắn độc cũng không có làm hỏng việc mua bán của bao nhiêu người. Cả nhà mày phải bị phạt vạ ! Chúng mày không thể đi đâu được nếu không chịu phạt !
…Chuyện cứ loang rộng ra khắp chợ, phức tạp dần….
Họ đẩy gia đình nhà ba người Kinh kia, và cùng nhau đến UBND Xã để phân xử. anh chồng nói với vợ con : ừ thì đến đó cho an toàn, cái lý của bọn người này ở chợ này mình làm sao thắng cho được ! Vợ nói nhỏ nhưng rít lên trong kẽ răng : đúng là lũ chó cậy gần nhà….Ai ngờ…chả có câu nào mà người Mông kia để ngoài tai, anh ta đều nhắc lại, bằng giọng oang oang của mình khuếch đại âm thanh lên nhiều lần để mọi người cùng nghe. Mọi người kháo truyền nhau : sao lại có giống người đã sai lại càng nói càng sai đến thế ! Chúng nó là ai, từ đâu đến mà dám nói những lời như thế với chúng ta thế. Giàng cho chúng ta là Người cơ mà, Giàng cho chúng ta cây lá quý để làm men, ủ rượu cơ mà, Giàng thương chúng ta mà cho chúng ta một nghề lương thiện để làm ra sản vật đem ra chợ bán cơ mà….sao chúng nó lại có thể nói chúng ta đến như thế ?!
Ra đến UB, Bí thư là người Kinh, Chủ tịch là người Mông. Bí thư nghe hiểu rất nhanh câu chuyện, nên mời nước mấy đương sự, ôn tồn hòa giải : Thôi chuyện nó chả có gì mà làm to ra thế. Người ta đã nhận lỗi, hãy nhận của người ta lời xin lỗi là được rồi, không có điều luật gì là được phạt vạ ai ở xã hội văn minh này cả. Người ta tận Thủ Đô lên xứ ta du lịch, đừng làm thế khiến người dưới Xuôi họ sợ mà chẳng ai dám lên đây nữa thì còn đâu là kinh tế, hết cả cơ hội làm ăn chung cho nhiều người. Thôi giải tán được rồi
Nhà người Kinh nghe thế hả lòng, khoan khoái. Ai ngờ, ông Chủ tịch UB nói : đúng là không có điều khoản nào của luật pháp là phạt vạ cả, nhưng có những điều khoản luật pháp rõ ràng xử tội vu khống, nói xấu, đưa tin thất thiệt về người khác, nặng thì có thể ngồi tù. Xã hội văn minh có thể không phạt vạ, nhưng luật pháp thì không thể không có. Trước khi có mấy người này lên thì chợ Bắc Hà đã có, kinh tế của người Dân tộc đã có, người phươngTây bốn biển cũng đã tới. Không sợ gì không ai đến cả, chỉ sợ điều tiếng xấu về sản phẩm của họ theo chân, theo mồm những người này mà mang di họa cho xứ sở này, chỉ sợ chúng ta không giữ được danh dự cho những con người lương thiện ở đây mà thôi.
Ông Bí thư thấy có lý, nên vẫn giữ ôn tồn nói : vậy thì ta phạt hành chính với hai anh chị người Kinh kia là được. Mọi người giải tán về chợ mà buôn bán làm ăn đi kẻo hết ngày bây giờ. Quay sang người Mông ông hỏi : vậy đã được chưa ?
Phạt hành chính thì giúp gì cho điều chúng tao phải chịu ? Nó là tiền hay là gì ? Điều tao đòi bằng được là nó phải bị phạt vạ ! Chúng mày thường nói đến văn hóa. Văn hóa của Dân tộc chúng tao là phạt vạ kẻ xấu, không có văn hóa nhận cái lời xin lỗi của chúng.
Ông Bí thư cả cười hiền hòa : vậy thì phạt vạ gì nào, anh muốn gì nữa nào ? Muốn nó bị tù nữa hay sao ?
Người Mông đáp : chúng tao ghét cái tù lắm, chúng tao không muốn ai bị mất tự do. Nhưng nó phải bị phạt vạ con Trâu, giết thịt giữa chợ này, mời tất cả ai chứng kiến, có mặt hôm nay ăn, và nói : tôi là kẻ xấu, tôi sai rồi, tôi xin chừa ! thế thôi, chứ không phải là nói xin lỗi rồi về ! Còn rượu hôm nay tôi mang đi đến chợ, thôi không bán nữa, xin mời tất cả ai không chê, thấy thích, uống được thì mời uống. Thế thôi !
Vợ người Kinh xanh mặt, lại trợn mắt nhìn chồng : ôi Giời ơi, một con Trâu, bao nhiêu là tiền ! Bị mất thế thì Giời không có mắt !
Nó lại kêu Giời, là Giàng ơi đấy mọi người ạ ! Chúng ta chỉ gọi Giàng khi mang ơn Giàng, còn chúng nó nói về Giàng như thế đấy ! Người Mông nói to cho tất cả nghe thấy . Tất cả ồn lên xôn xao…chúng nó thật vô phúc !
Ông Chủ tịch quay sang ông Bí thư : anh ạ, có lẽ phải thế thôi ! Trước khi chúng ta cho họ hiểu luật pháp thì chúng ta phải tôn trọng văn hóa đáng tôn trọng của họ, chúng ta còn có thể thừa nhận được cái Lý đúng đắn của người Mông thì mới là vì họ, mới bảo vệ được tính chất tuyệt vời của cái Chợ Bắc Hà này. Và trên đời có khi Luật pháp nếu chưa thừa nhận được nét riêng văn hóa Dân tộc thì cũng phải khiến cái sai phải đền được cái lỗi của nó một cách văn hóa, được tất cả thừa nhận.
Lời lẽ của ông Chủ tịch chắc không phải ai có văn hóa cao cũng có thể nói được như thế, hoặc hiểu cho thấu đáo ngay được, nhưng lạ thay mọi người đều nghe rõ và ồ lên vui vẻ : đúng rồi! Đúng lắm cái Chủ tịch ạ !
Chuyện tôi đáng lẽ nên viết đến đây thôi ….Bạn đọc có cảm xúc gì thì cứ tiếp cái mạch đó của mình, tưởng tượng tiếp về kết của nó….Nhưng tôi muốn kể luôn: Gia đình người Kinh kia phải mua một con Trâu, được mổ thịt ngay tại chợ Bắc Hà, sau khi hai vợ chồng họ đứng cúi đầu trước mọi người nhận tội theo cách người Mông yêu cầu, rồi người Mông trân trọng mời tất cả cùng dự ăn uống với rượu thuốc của anh ta chiêu đãi…. mỗi lúc thêm no say vui vẻ với nhau lắm mãi đến đêm khuya sương ướt áo. Chả có thù oán, tức tối, thanh minh thanh nga gì nữa…Chuyện này đã biến đổi ba người Kinh kia sâu sắc : họ đã trải nghiệm thực sự về văn hóa và cách đối nhân xử thế. Sau này họ tử tế lên nhiều lắm !
Em đã đọc câu chuyện của thầy, đúng là đất lề quê thói, nhập gia thì phải tùy tục! Hơn ai hết em là học trò của thầy, nhưng em cũng là người dân tộc ít người (Dân tộc nùng). Văn hóa là một điều cực kỳ quan trọng, đến 1 nơi nào đó mà không hiểu văn hóa của họ thì đúng là….. Cảm ơn thầy về những câu chuyện thú vị! Chúc thầy sức khỏe!