Cái Ao Làng

Cái Ao Làng

Ở BIỂN KHƠI SINH RA CÁ KÌNH !

Xưa nó rộng lắm, trong đôi mắt không của chỉ trẻ con mà cả trong tầm nhìn của các lão làng. Ở vị trí phía chính Đông là được xây cất một cái đình với hai cây đa cổ thụ truyền thống, phía hai bên bờ ao là lối hàng gạch nhỏ ngoằn ngoèo đi sâu vào trong làng, còn lại trước mặt mênh mông là ruộng lúa.
Các sinh hoạt cộng đồng diễn ra ở đó, những thi sĩ lớn với những bài ca kìa con cá lặn con cá bơi, dân ca năm canh em tính tình tang…được ra đời ở đó, nghe nói người đầu tiên trên Trái đất là chú Cuội cũng được đưa lên Mặt Trăng từ cảnh đêm Trung thu bên cái ao làng trong mát đó. Những bài giảng đầy đạo lý trong Tam tự Kinh….được truyền bá ở đình Làng bên Ao. Bao chuyện to nhỏ của làng nước ông Chánh tối qua ù được gì, cụ Tổng đêm kia mưu kiến gì…. Cho đến trao đổi chút hàng hóa : thịt chuột sớm người ta đi săn được mang về đổi chác cho nhau với rổ khoai củ sọ, mớ cua, mẻ tép…Rồi đông nhất: vừa lễ vừa hội vừa có màu sắc vụ việc, đậm chất văn hóa chính sự của làng là những cuộc phạt vạ chủ yếu là những đôi thanh niên tắm ao, nhìn trộm, giao tình nhau không phải phép, hoặc nhà nào cố tình chây ì nộp lệ Làng. Còn nhà nào mất gà mất qué, đứa nào cãi chửi đứa nào thì tự giải quyết việc riêng của chúng.
Xung quanh cái ao làng đó nhiều gia đình , thế hệ mới sinh ra lớn lên…gần gũi và thân thương lắm : Trên đời dù có thiếu chi. Ao làng mà thiếu gi gỉ gì gi cũng thừa ! Đầu vào, đầu ra: sự sống, tẩy rửa là nhờ cái ao đó. Bốn mùa luân vũ thuận thiên, thậm chí cái ao làng này còn là nơi đi đầu trong phong trào ‘Ao cá của Bác’ ! Sản vật, phóng hóa, con người từ đây, từ tinh thần đó tỏa đi trong thiên hạ, nhiều người cũng đáng được gọi là Nhân Kiệt …nên đình làng bên ao cũng được nâng cấp đẹp, hiện đại dần mà để tôn vinh Thành Hoàng, khẳng định mảnh đất này rõ là Địa Linh lắm…
Bao năm tháng qua đi, người xứ khác về đây sinh sống an cư tuy chẳng có ai, nhưng người sinh ra ở đây thì đông dần…. và nước ao cứ đen và đặc dần….Bọn trẻ con sau này khó cảm thụ được con cá lặn, con cá bơi trong dân ca ngày xưa… chả hiểu nó ra sao, chứ bây giờ đến săn sắt, cá cờ cũng hiếm, nhưng đỉa đen thì dễ sinh sản nhiều… Nhưng có điều : nước ao như thế thì ánh Trăng lại thêm phần rõ bóng…khiến kẻ xưa đi xa thành đạt nay tạt về thăm làng chốc lát vẫn thống thiết ghê lắm : Trăng xưa tan gợn nước trong. Trăng nay rõ tỏ vô song đâu bằng ! Có những hôm oi nồm, bọn trẻ hiếu kỳ, vỗn sẵn lòng chiêm bái các hiền sĩ xa xức đang tọa trong chính điện sân đình đọc văn thơ, cứ phải đập zĩn muỗi đen đét thay cho vỗ tay, có lúc chúng cũng phải nhăn mũi vì cái mùi từ ao bốc lên : chả là hôm đó có con lợn cũng được mổ ra chiêu đãi cùng các kỳ sĩ tiềm năng của Làng. Dạo này văn minh rồi, gần như không có phạt vạ nữa, nên các cuộc giao luu vui thế cũng rất bổ với mọi người…
Nhưng trước sự xuống cấp sinh thái của Ao làng, các cụ nghị sự…không ai dám nói thẳng cái ý thực trong lòng mình về tình trạng thực của Ao. Vì sự thiêng liêng của nó, các Trưởng Lão, tránh nói húy, đưa ra tư tưởng : Ao Làng cần được đổi mới, nâng cấp, tăng cường, thúc đẩy, phát huy…Các thư kí ghi lại thành nghị quyết, các trí thức Làng đọc những ý tưởng đó phiên thành phải phát triển Ao Làng thành truyền thống hơn nhưng phải hiện đại hơn, bản sắc hơn nhưng phải hội nhập hơn…. Bởi thế các dự án và các phương thức mới ra đời : Ao Thanh niên tự quản, Trung tâm văn hóa Làng, Dịch vụ thương mại Quê….Tiền để làm ư…dễ lắm, với hai giải pháp trọng điểm : 1. Biến Đình làng thành nơi thánh địa của một khu vực. 2. Kêu gọi những người con thành đạt của Làng đóng góp…..Nức tiếng lắm. Và dấy lên cuộc thi đua ở các Làng khác : Làng nào chả có cái Ao truyền thống như thế kia chứ ! Chả Làng nào chịu kém Làng nào !
Gần đây diễn ra một nghị sự lớn hiếm có : liên Làng vì cần chọn ra một cái điển hình, quy mô hơn cả để quảng bá với khách thập phương. Các Trưởng lão thế hệ mới bàn nóng chuyện, chung quy một đường lối: cải tổ thực trạng Ao Làng nào cũng nhất Xã, chấn hưng môi trường văn hóa Ao Làng phải mang tính Huyện, tái cơ cấu ban cải tổ ban quản lý ao cần có tầm nhìn Tỉnh. Còn cái sự nghiệp đề nghị Thế giới công nhận thì giao cho mấy anh chị quê nhà đang là cán bộ làm việc ở Trung Ương lo liệu. Nhưng tranh luận to tóe…Có cụ nóng mắt vì chưa được đả thông , hầm hồ đứng dậy cầm một hòn đá kha khá ( vốn là hòn đá kê chân cột nhỏ của đình xưa, bị thừa ra do nay được thay bằng xi măng ), tức giận mà chả biết ném vào đâu, nên thuận tay lăng tùm xuống Ao Làng ! Mọi người hơi hốt hoảng đưa mắt nhìn theo…từ tâm khảm mỗi người tự nhiên đều nhận ra : ô kìa, hòn đá như thế ném xuống Ao Làng, vậy mà nó chỉ gây ra chút gợn lăn tăn sóng sánh, khẽ lay động một khoảng xung quanh vài cây bèo bên cạnh, rồi lặng như tờ….Có tiếng hô : thôi..thưa các Cụ, sắp trưa rồi, kính mời các Cụ vào đình xơi tiệc ạ…rộn ràng như xưa quần the khăn xếp, cùng com lê nhìm nhịp thủ thỉ từng đôi bên nhau bước vào vừa chiếu vừa mâm , vừa hải sản vừa thổ sản, trong nền bài hát dân ca được đệm bằng ooc gan điện tử….tưng bừng và rộn ràng lắm lắm….tiếng khà khà nâng chén : Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn ! Trăm phần trăm chén đầu nhá….

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.