Chính trực là căn tính của Đạo !

Chính trực là căn tính của Đạo !

Chính trực là khởi thủy trong 5 căn tính của Đạo ( Chính trực, Cần lao, Lương thiện, Quảng đại, Buông thoát ), đi vào những giao hóa quan trọng nhất, ý nghĩa nhất định hướng đời sống con người – xã hội ! Tôi hiểu là : yêu thích cái thật, sống với điều thật, làm việc thành thật, bảo vệ sự thật, đi đến sự chân thật ! Rất là khó ! Nên tôi trong bài nói chuyện với một số doanh nhân có chia sẻ : đó còn là tính Đạo, có thể tìm thấy ở cội triết các Tôn giáo khác nhau ! Đó là cứu cánh cuối cùng ngay cả khi hỗn mang ! Ví như nhà báo Khương không đến nỗi gặp tai ương nếu giữ được tính Đạo trong nghề nghiệp của anh ấy. Còn tôi thì tự răn mình luôn phải cố gắng…

Địch Nhân Kiệt – một trong những vị Tể tướng đời đầu nhà Đường, gặp bao nhiêu phức tạp, thị phi, hiểm nguy trong triều đại của Võ Tắc Thiên…Những kẻ tàn độc kinh khủng như Hứa Kính Tông, đày đọa đến cả những phẩm chất Thần Thánh, cũng khó hãm hại vì không hẳn là vì ông tài giỏi, hay vì có thể bịt được cái kẽ hở trong đối nhân xử thế, mà chính là ông giữ được cái Đạo của sự Chính trực

Dưới đây, tôi nghe được, thấu thị vài lát cắt về sự phi chính trực trong đời sống từ thấp đến cao, ở nhiều nơi nhiều chốn, biểu hiện vô cùng đa dạng:

1. Nhiều sự mọn được huếnh lên, ví như: giám khảo nhận xét thí sinh trong cuộc chơi bé : bạn múa quá tuyệt, thật là chưa từng được chứng kiến, tôi sẽ giới thiệu bạn đến làm việc ở Nhà hát múa Việt Nam. Một Bộ trưởng khen người hỏi trong giao lưu trực tuyến: câu hỏi bạn rất là hay tôi mời bạn làm chuyên gia cho Bộ. Ở khía cạnh khác, nhiều vụ việc lớn không ra gì, mà tầm lãnh đạo cao vẫn không chịu phê, xã hội không dám chê !.. Đều là những điều không thành thực!

2. Các giảng viên của một trường đại học được triệu tập họp cuối năm, định bàn chuyện khoa học lớn lắm. Hiệu trưởng vì lý do gì đó đến muộn, các giảng viên, cán bộ xì xào, có vẻ bất mãn. Hiệu trưởng muốn trấn và giữ người nên sai trợ lý xuống thông báo : mỗi người được thưởng 200 ngàn. Cả hội trường vỗ tay ầm lên không ai ý kiến gì nữa. Hỏi ra thế cuộc họp hôm đó nội dung gì, kinh ngạc là không ai trả lời được, chỉ nói : ông ây tâm lý thế !

3. Một phó giáo sư tiến sĩ được trao đọc phản biện kín của một nghiên cứu sinh, kì thực là vô cùng tênh hênh, khiên cả hai họ biết rõ nhau lắm. Trò mang phong bì đến nhà, về thày mở ra rồi hôm sau qua điện thoại chê bai luận văn của trò xối xả. Trò lại lún cún đến với phong bì mới, vài ngày sau ra hội đồng, nhận được lời nhận xét của thày hoàn toàn ngược lại, tươi đẹp như rừng hoa Ban cuối tháng Hai

4. Anh chuyên đóng vai một người xã hội nổi tiếng lắm, người ta biết anh thực ra anh chỉ mới có kĩ năng diễn xuất chứ không đủ phông văn hóa để gánh nổi vai đó, nên chỉ toát lên được một phần nhỏ sự kiện, thần thái của nhân vật anh hóa thân, nhưng chả tìm nổi ai hơn anh và cũng không tiện phê bình. Cứ thế, mỗi khi tắt đèn sân khấu, anh ta về cuộc sống thường, pha trộn cái ám ảnh của nhân vật với cách sống lê la quán xá, chín xu một hào vốn có, nên rất bệ rạc, kì quặc…

5. Một anh công chức nhỏ, không có chuyên môn nay về hưu, xin đến làm việc bảo vệ trông xe cho một nhà hàng, gần tết. Một người khách bước ra từ nhà hàng đó, anh ta đến giả lả : rét mướt thế này xin sep vài đồng uống nước. Người khách vui vẻ : bao nhiêu nhỉ ? Anh ta : tùy sếp a. Người khách đưa 30 ngàn ( dù miễn phí, và cao hơn 10 ngàn ), người khách vừa bước lên xe, anh ta buông lời dè bỉu : trông sếp đi xe xịn thế , em cuối năm rét mướt thế mà chỉ cho bèo thế

6. Chị là con nhà nền nã ở Hà Nội, lấy người chồng xuất thân nông thôn kết hôn chiến lược với mình…cũng xác định hy sinh mọi bề cho chồng được ăn học, thăng quan tiến chức…nhưng càng ngày bị chồng gia trưởng ngược đãi…Đến hôm không chịu nổi : Bây lâu anh khiến tôi không còn là đàn bà, hôm nay tôi đánh anh cho là đàn ông luôn thể. Người chồng tiểu nhân, run như tàu rẽ, lu loa chửi như con mẹ ranh. Chị chỉ mặt: bao lâu bị anh đánh xử tàn tệ nhưng chưa bao giờ tôi hèn và bẩn tưởi như anh cả.

7. Một quan chức cũng nhớn, sử dụng sim trả trước, luân giờ, đồng ý cho vài doanh nhân cũng hơi có chút tên tuổi ở địa phương đến thăm Tết nhà. Uống chưa xong tuần trà, quan nhìn thẩm thấu vào túi quà, giả lả nửa mắng nhẹ, nửa hứa mây : thôi, sau chú có việc cứ đến cơ quan rồi theo trình tự thủ tục hành chính trình báo cho đúng phép nước, việc gì phải vẽ mà phải đến thăm. Cũng còn nhiều khâu, nhiều người lắm, nhưng xem năng lực của chú ra sao tôi về nhà sẽ cân nhắc

8. Một nhà được gọi là sử gia, rồi cũng được tin cậy và phép cơ cấu nữa ngồi ở ghế quan trọng, khi được lên tiếng trước cơ hội ai đó, hay truyền thông hỏi về an dân trị quốc, theo căn của nghề nghiệp thường mang tiền bối ra để dựa ngôn, rằng : theo thuyết Tiên Rồng á, các vị tiền liệt xưa á…Hỏi lại thế sử liệu thực chứng về những điều đó là gì, ông í không thể nói được, ví như : như chiếu, sắc, dụ nào… niên khóa, môn học nào, hiệu trưởng nào, học trò điển hình nào…liên quan đến Quốc Tử Giám

9. Một ông vốn là hội viên hội nhà văn, phải công nhận là kiến văn, luận triết rất chi là uyên bác…viết nhiều về Công Lý, Đạo Đời hay lắm í, hơn nữa lại có tài hùng biện không mấy học giả khác tranh cãi nổi…Thế mà một lần đi sai lè luật giao thông, ông í mang thẻ hội viên, vài bài báo cũ ra vừa xin vừa dọa công an, hùng biện không nổi với anh Thượng sĩ vì bị ngứa tai và mắt. Vị này cáu nói với bạn hữu : Chả còn công lý gì, khi một nhà văn nổi tiếng như mình, với ngần ấy thứ mà vẫn bị phạt…

10. Ở hội nghị tổng kết quan trọng , lãnh đạo cơ quan chỉ thị chủ sự tổ chức thật hoành tráng… Những khách mời không đến sợ người ta không biết đến mình, đến thì ngao ngán với những nghi lễ giới thiệu lê thê, giáo huấn giáo điều, trao bằng tẻ nhạt…nên đi lại chuyện riêng như cái chợ…Nhưng kết rất được bởi một chương trình phụ, thật ý nghĩa…Thế mà lãnh đạo khó chịu vì cảm thấy nguyên nhân mĩ mãn như không phải bởi mình khiến người có công cũng lo gai người …

Vài câu tự hỏi như là hiểu thêm về tính chính trực :
– Tại sao Trung Quốc có Sử ký Tư Mã Thiên ? Chưa kể sử sách của họ ghi lại được muôn điều từ trong dân dã đến điều xảy ra trong các hoàng cung của các Triều đại ( dù nhiều thời thế gọi là vô cùng suy vong, loạn lạc, vua chúa sa đọa, hay nhân gian đầy nỗi sợ ‘tai mách vạch rừng’ đi nữa ) …để sau này thành các điển tích, phản tỉnh, sửa mình, răn đời thật ý nghĩa và sống động ? Mang những giá trị Đạo / Trị / Thức hiển nhiên, to lớn đên mức không ai còn hỏi liệu những điều đó có thật trong lịch sử hay không…


– Người Mỹ làm những bộ phim giả tưởng như ‘Chiến tranh giữa các vì sao’ / ‘Điệp viên 007’ / Thuyền trưởng Simbat….Rõ ràng mười mươi là không phải sự thật rồi, ví như Jame Bond không thể siêu phàm đến thế, nhưng vô vàn nhiều người thích thú….Vấn đề là toàn bộ Đoàn làm phim họ đã sống hết mình, tất cả tấm lòng, sự tận tụy và trách nhiệm cao nhất của mỗi người ở cương vị của mình, để cùng nhau đưa vào tính chận thật của tinh thân lao động và sáng tạo làm nên sản phẩm chung cống hiến được với xã hội và được thị trường trả giá


– Ngoài chợ, ở siêu thị có những bông, lẵng hoa giả nhưng rất đẹp, giá không hề rẻ, nhiều người mua…vì đó là kết tinh của quá trình lao động thật. Trong khi có nhiều người nghe nói Xuân về là phải có Mai hay Đào, rồi kén chọn Đào phai hay Đào thắm, Mai đơn hay Mai kép, giả lả nói những ý nghĩa nghe lỏm được về chúng…nhưng cách kì kèo gía bèo rất là phản cảm, có nhiều năm thừa mứa vứt đầy sân vận động trước giờ Giao thừa…Mặc dù là Hoa thật, đẹp thật, người trồng thật đích thân đem đi bán…nhưng tính chính trực trong lối sống có vấn đề?

Mới hiểu được rằng : tại sao câu hỏi Ta là Ai ! Ta như thế nào ? trong Thế giới này thật là sâu sắc !

Bình luận (1)

  1. thầy ơi, ông hội viên hội nhà văn không chính trực thì sao mà gieo đạo cho xã hội đây? ai phạt được điều này ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.