Con kiến mà leo cành đa

Con kiến mà leo cành đa

Như bao lần, mọi người đang rôm rả trò chuyện, bắt đầu từ bóng đá. Đám đông nho nhỏ đủ thành phần ngồi quanh những bàn nước trà bằng nhựa, vết trà lưu cữu, cáu bẩn. Cái tinh thần “màu cờ sắc áo” hòa lẫn với những tâm trạng cay cú thắng thua. Cũng như bao lần, câu chuyện chung một lúc sau quay sang bình luận về tình hình tiêu cực xã hội, sự xuống cấp của nhân tình thế thái.

Vài bác đã về hưu quay sang nhau lắc đầu như vừa hỏi, vừa cảm thán bâng quơ: Những chuyện như thế này Người ta có biết không nhỉ?

Một người trung niên kể: Cơ quan anh đang đứng trước sức ép phải tiến hành một cải cách to lớn. Mọi người đều nhận thấy. Lãnh đạo họp toàn cơ quan thăm dò ý kiến, ai ai cũng hăng hái giơ tay nhất trí cần phải làm cái gì đó càng nhanh càng tốt. Cơ quan mời một chuyên gia ngoại quốc thuộc hàng đầu trong lĩnh vực này.

Ngày đầu tiên ông ta thuyết minh say sưa, nhiệt tình về dự án sẽ tiến hành. Thỉnh thoảng ông đưa mắt đến từng cán bộ chuyên viên của cơ quan ngồi dự họp và hỏi: – Các quý bà quý ông có hỏi thêm gì, chất vấn gì, bổ sung gì không? Không một ai trả lời, họ đưa mắt nhìn xuống tờ báo mang theo để đọc, lảng tránh… Một vài tiếng ngáp cất lên…

Đến cuối ngày thứ hai tình hình cũng giống như vậy. Ông chuyên gia bức xúc quá liền cầm lấy chiếc máy projector rất đắt tiền của doanh nghiệp, giơ lên cao và nói: Tôi sắp đập vỡ chiếc máy này đây, có ai can tôi không? Những khuôn mặt ngồi dự họp đang lơ đãng, hoặc gà gật, hay đang xem báo, bỗng choàng tỉnh, trở nên sinh động, đều hóng lên tập trung cao độ nhìn vào ông chuyên gia… nhưng không có ai lên tiếng có cả … họ chờ đợi… Cảm nhận tất cả những điều ấy, ông chuyên gia thở dài, từ từ đưa tay xuống, để chiếc máy lại trên bàn, hôm sau cáo từ về nước.

Chuyện này lại tiếp sang chuyện khác.

Đến khi sự bức xúc đã bừng bừng trong khẩu khí của vài người xung quanh, một bác cựu chiến binh thong thả: Các bác có thấy là: số kẻ trộm, số những kẻ vượt đèn đỏ chỉ chiếm tỉ lệ vô cùng nhỏ so với những người lương thiện, những người biết dừng xe ở vạch lằn ranh không? Vậy thì có gì mà phải lo quá, bức xúc quá lên thế? Phải nhìn thấy bao nhiêu sự tốt đẹp còn lại chứ?

Một bác y sĩ có tuổi lên tiếng: Các quan chức ngày nay hệ thần kinh quá nhạy cảm để hơi một tí là tuyên bố với báo chí rằng bị shock nặng vì sự thật mà dư luận phát hiện trong cơ quan mình, vậy dây thần kinh xấu hổ của họ đâu khi đề cập đến trách nhiệm cá nhân mình? Người ta phát điên lên vì việc học hành như hiện nay nhưng vẫn lao vào guồng của nó như con thiêu thân, rồi làm cho sự tồi tệ của nó ngày càng phát triển là vì sao vậy? Người lái xe của cơ quan anh từng bị hại bởi trái ý thủ trưởng, rồi cơ nạn cũng qua khỏi, trở thành tổ trưởng tổ xe, anh ta đã đối xử không ra gì với những nhân viên dưới quyền trái ý mình.

Một anh nhà báo chia sẻ điều tra của riêng mình: Ai cũng đỏ mặt chửi tham nhũng, nhưng rất nhiều người đều công khai thể hiện là: Nếu mình có điều kiện cũng sẽ tham nhũng. Mọi người nói chung là dừng lại trước lằn ranh khi có đèn đỏ, nhưng rất nhiều người ấy cũng sẵn sàng vượt đèn đỏ với bất cứ lý do nào nảy ra bất chợt của riêng mình. Người ta chửi đánh kẻ trộm, nhưng các vị hãy thử xem trong đời chúng ta có ăn trộm cái gì không?

Mọi người xung quanh ngồi nghe anh nói rồi trầm ngâm gật gù đồng thanh mà thở dài rằng: Thôi thì mọi cái đều có cái lý của nó, khôn sống mống chết vậy.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.