Đời & Đạo ! Mỗi người hành động ở vị trí của mình !

Đời & Đạo ! Mỗi người hành động ở vị trí của mình !

Thảm hoạ Fukushima đã qua đi hơn một năm ! Nhớ lại những hình ảnh đổ nát, tang tóc đã xảy ra… và hôm nay chứng kiến những cảnh tượng mới đang hồi sinh …ngay ngắn, tươi đẹp…thêm khâm phục kính trọng tinh thần con người và Đất nước Nhật Bản ! Chỉ một tháng sau khi bắt đầu thảm họa vô tiền khoáng hậu ‘ba tai trong một hoạ’ đó, Nhật Bản đã không chế được hậu quả của nó một cách tự chủ, tự tin, đầy trách nhiệm với nhân sinh và cộng đồng quốc tế. Tôi là người từng chứng kiến tận mắt và tham gia sinh viên cứu trợ tự nguyện trong thảm hoạ động đất Kobe ( 1995 ) nên tôi có cơ hội hiểu sâu sắc hơn khẩu hiệu hành động và phương châm làm việc của xã hội nhật Bản : Mỗi người ở vị trí của mình, tận lực làm những gì có thể tối đa ! Vị trí của mình : trong không gian đó, ở hoàn cảnh ấy, vật dụng bất kỳ, mình đâu việc đó, với người xung quanh, vượt trên bổn phận, luôn vì cộng đồng! Có thể thực chứng được tinh thần đó từ Thủ tướng Naoto Kan, đến người cảnh sát cứu hoả, Kỹ sư trong nhà máy điện hạt nhân, người đàn ông đã về hưu….đến em thiếu niên… dù họ không thể bị ai trách, dù đã được quyền rời bỏ chỗ nguy hiểm, dù chỉ là từ phương xa đến du lịch, dù đang trong diện được cứu trợ…

– Thủ tướng Naoto Kan : Tôi còn ở vị trí của mình đến khi mọi việc được kiểm soát, mà yên tâm rằng không có điều gì có thể tiếp tục gây nguy hiểm cho thêm bất cứ ai, làm xấu thêm với bất cứ điều gì…Sau đó tôi sẽ từ chức !

– Người viên chức : Tôi về ư ? Nhà tôi và mọi người bây giờ dù ra sao thì đã có những người khác bên cạnh họ, còn tôi phải đến nhanh được nhà máy bằng mọi cách, nơi đó tôi cần thiết và có thể làm đúng việc của tôi

– Cụ già trại dưỡng lão : các vị, dù mất điện và lạnh giá, nhưng chúng ta từng người có thể thu dọn đổ vỡ ở chỗ này, tự lo được cho mình ít nhất trong vài ngày, người ta đỡ lo về chúng ta mà làm việc quan trọng ở nơi cần đến họ hơn

– Chị phụ nữ du lịch : chúng ta không đòi hỏi bất cứ một điều gì với công ty lữ hành, hãy sử dụng chiếc xe bus này vận chuyển hàng hoá cứu trợ đến những nơi cấp thiết nhất và mỗi người là nhân viên cứu trợ cho bất cứ ai

– Sinh viên đại học : bọn mình bây giờ không thể đến trường vì đường hỏng, nhưng chúng ta sẽ chiêu mộ các bạn trẻ xung quanh đây, tập trung thành các nhóm nhỏ đi cứu người bị kẹt trong các đống đổ nát

– Cháu thiếu niên : Hiện giờ cháu không biết bố mẹ đang như thế nào, nhưng chỗ của cháu là ở đây, đợi xếp hàng mang thêm bánh và nước về cho các cụ già đang bị đói rét trong khu nhà bị mất điện

– Kẻ Maphia : Trong yên lành chúng ta cũng không tuỳ tiện bất lương để kiếm tiền, hay hưởng thụ trên xã hội đổ nát . Còn bây giờ hãy dùng tiền và sức lực để chúng ta và những nạn nhân vẫn tự hào là người Nhật Bản

Những biểu hiện và hành động tương tự thế tôi được chứng kiến phổ biến lắm, ngay cả trong những tình huống không phải là thảm hoạ. Dường như rất tự nhiên nhờ giáo dục từ nhỏ và ‘tinh thần Samurai’ trong khí huyết, mỗi người từ dân đến quan, từ trẻ đến già… ý thức rất nhanh về điều nên làm và sẵn sàng thể hiện tích cực ở những hoàn cảnh mà họ đang trong đó : sự có mặt nghĩa là cần đóng góp và thể hiện những điều hữu ích!

Suy nghĩ thêm về những điều khác, ở nơi khác…

Đọc lại những tranh sách sử kể về cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên xô. Khi chỉ huy mặt trận phía tây trước cửa ngõ Matxcova thỉnh thị Xtalin : kính thưa đại nguyên soái, quân ta không thể trụ vững trước sức mạnh tấn công vũ bão của Phátxit Đức…Chưa hết lời, Stalin quay lại nhìn lạnh và mạnh như mũi khoan thép xoáy sâu vào mắt viên tướng đó : từng chiến sĩ của ta lấy bản thân làm cột mốc Liên Xô ở mảnh đất mà anh ta đang đặt chân ở đó, sử dụng bất cứ cái gì, làm bất cứ điều gì với tinh thần yêu nước thì tại sao lại không thể ? Các chiến sĩ ở Pháo đài Bretx đã làm như thế dù hy sinh hết và dù bị thất thủ nhưng đã tạo ra khoảng thời gian quan trọng để chúng ta củng cố lực lượng của mình. Và anh nữa, trung tướng ạ, không có cơ hội để nói lần thứ hai câu nói vừa rồi với ta ! Tất cả, từ trong ý nghĩ : hãy và phải hành động đến giọt máu cuối cùng ở vị trí của mình !

– Đại uý ra lệnh : Trung sĩ! Hãy án ngữ vị trí này chặn địch tập hậu tiểu đoàn ! Rõ !….Hơn nửa ngày chiến đấu ác liệt, trời đã bắt đầu xẩm tối, anh đã bị thương, đạn và lương thực cũng đã cạn. Tiếng súng địch ngớt dần. Trung sĩ biết rằng nguy cơ bị tập hậu không còn nữa … Anh chuẩn bị , gắng sức lực như cuối cùng để theo nhập vào tiểu đoàn đang tiếp tục tiến tới toà tháp chiến thắng . Nhưng bỗng nghe tiếng trẻ con khóc ở phía sau, gần đó…. Quay trở lại tìm, hoá ra là một đứa trẻ trong căn hầm bị lấp gần hết lối vào. Cố gắng đào bới, anh lôi được nó ra, đã lả đi vì kiệt sức. Cho nó uống tí nước, bọc kín trước bụng, cố quên đau đớn anh khom người để che chở , băng nhanh về phía nơi có tổ quân y.. A đã trúng đạn địch nhưng kịp trao đứa trẻ nguyên lành cho người của mình !

– Tại sao câu nói của phó đại đội trưởng pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân : ‘hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn’ lại dấy lên làn sóng tinh thần mạnh mẽ của quân đội Việt Nam đến như vậy trong những năm tháng chiến tranh gian khổ của cuối thập niên 60 ? Vì bộc lộ lên được khí chất kiên cường như mệnh lệnh của Stalin, như tinh thần của người Nhật Bản trong khó khăn thảm hoạ….

– Nhiều người bình thường không hiểu nổi cái lối vừa hành binh vừa đánh của ‘đội hình chữ vuông’ trong quân đội Napoleon : từ sĩ quan đến binh nhì cứ thẳng người, đều bước, cấp nào vị trí ấy, hàng lối chỉnh tề ngay ngắn đi giữa làn đạn của đối phương nấp trong rừng nã thẳng từng loạt vào mình!!!??? Chính là thể hiện bất khuất cách tư duy và hành động : mỗi người phải đứng vững, thể hiện sự dũng cảm và tư cách ở vị trí của mình để không thể thua hoàn cảnh tai ương hay những hiểm nguy, cho dù có thể nhiều người đã bị hy sinh chăng nữa !

– Tôi luôn nói với cộng sự của mình rằng : khi bạn đang làm việc, khi người khác đang cần đến bạn, khi bạn là thành viên của một tổ chức, khi bạn là người có ý thức…thì bạn đừng nói về những lý do khiến mình không thể làm một điều gì hữu ích như mong muốn…điều đó khiến bạn đáng thương, vô tích sự…nhất lại là lý do cá nhân thì thật thiếu tự trọng ! Đó không phải là điều người khác muốn nghe ! Dù lý do đó là sự thật và chính đáng đi nữa, nhưng điều mà bạn vượt qua nó mà có thể làm mới là tuyệt vời! Trong đó bạn là giải pháp, bạn là xúc tác, bạn là một giá trị…Làm được một việc tốt thì đừng so đo là to hay nhỏ, đáng hay không…mà ý thức về vị trí của bản thân mà hành động tích cực !

– Đó cũng chính là niềm tin vững chắc của tôi khi chia sẻ với các bạn của mình rằng : Đất nước này sẽ tốt đẹp lên nhanh thôi, bất cứ ai cũng có thể chứng kiến thấy trong độ dài cuộc sống của mình , chẳng cần nhiều tiền gì lắm đâu, miễn là người người đúng chỗ, đúng việc…hành động tốt ở từng vị trí của mình. Nhưng vô cùng đúng rằng :’Sóng trước xô đâu, Sóng sau xô đấy’ và ‘Thượng có Chính thì Hạ mới Thiện’

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.