Đối thoại cuối năm trên cái Bè

Đối thoại cuối năm trên cái Bè

TRONG ĐỐI THOẠI CHƯA CÓ GIẢI PHÁP NHƯNG CŨNG CÓ SỰ THẬT

Bắt đầu là câu ta thán của Dân thường : Cái gì cũng lên giá thế này, chỉ có phận những người nghèo mãi chìm. Mà nhiều quá những mấy chục triệu dân có lận
Triết gia : Những gì chìm xuống chính là nguyên nhân làm cho nước nổi. Nước là các hiện tượng mặt của Xã hội đấy, nhưng cũng đều là từ Dân cả…
Nhà kinh tế : Nhưng nhiều tài sản đã bị chìm , nước đục nổi ầm ào lên thì sẽ thành dòng xiết lớn, những thuyền thủng lại yếu trôi đi như trong lũ…
Doanh nhân : Thuyền như thế là của chúng tôi đấy. Chúng tôi cũng đã bị rớt nhào xuống rồi, cố vớt mà mà ôm được vài thứ trôi nổi loanh quanh, vừa cố cho nó khỏi bị lật. Nước lũ thế mà hy vọng lại cạn
Quan chức : Đừng có bi quan thế, chìm nổi thế nào đã có phao chính sách, nước lũ còn do mưa bão vĩ mô nữa, và đã có những con đập điều tiết đó đây
Dân thường : các bác ngôn từ lộng lên gì thế ? Ý em chỉ nói đời sống chúng em đã quá khổ rồi, không biết trụ qua cái Mùa đông này, lo được cái Tết tùng tiệm cho con không thôi
Quan chức : Nghĩ đi, tăng thì tăng nhưng đã để ai chết vì đói chưa ? Thời bao cấp mọi thứ giá rẻ thì có gì mà mua ? Lũ thì lũ có mất hết đâu, cố lo mà bơi,chớ nên chỉ than phiền thế.
Nhà kinh tế : Lũ đầu cơ càn quét thế, lại thêm quả bóng giá khi tăng đến một lúc sẽ nổ, sự thiệt hại nó gây ra như quả bom , rồi phương hại ngay đến an sinh xã hội nữa đấy
Triết gia : mọi thứ đều ở trình độ bị thấp đi, chỉ có tiêu cực kinh tế xã hội là tăng cao. Giống như dây cháy ngắn lại cùng với sự tăng lên căng thẳng chờ quả bom nổ, không phải nghịch lý mà là nhân quả
Doanh nhân : Xin các vị đừng nói thêm những điều mù mờ khó hiểu và đáng sợ thế nữa được không ? Hãy ra tay làm gì với bọn tôi đi. Trên thuyền vẫn còn có tài sản, tương lai của nhiều người đấy
Quan chức : Chúng tôi làm việc không trên cơ sở ‘tiếng kêu’ của mọi người ! Phải là ‘chỉ số’ nhé ! Cả ‘chỉ tiêu’ nữa ! Hiện nay mọi điều đang trong kiểm soát. Nhiều đứa nhỏ mất cái răng sâu thôi cũng hét lên ghê lắm !
Dân thường : Nhiều người chúng em toàn thích ngày xưa, kể cả khi có chiến tranh, cả nước khổ cả, chúng em lại có nhiều cơ hội trở thành anh hùng, nếu không thì khỏi phải sống khổ nữa
Quan chức : biết thế, nên có thiếu những chương trình hoành tráng cho mọi người nhâm nhi ngày xưa đâu, như rượu càng ngâm lâu quá khứ uống càng tê mê, ha ha…hay Zzô đi, cái đó luôn miễn phí
Triết gia : thật là ‘ăn mày dĩ vãng’ ! Thứ rượu đó uống vào thành ‘tệ nạn tư tưởng’ chỉ thích đi ngược thời gian. Đất nước phát triển không cần nhiều anh hùng như thế mà cần những năng lực tương lai
Nhà kinh tế : Nếu quá khứ có nhiều điều quy ra thành tiền, làm ra tiền trong kinh tế thị trường cũng tốt, thế nhưng phải là tự nó không cần đến tiền đầu tư bao cấp nữa mới thực có giá trị thương mại
Doanh nhân : Thực tiễn kinh doanh chưa từng thấy điều nào có thể khai thác được như quý vị đây nói, mà toàn cần đến tiền kiếm được bằng thứ khác trên thương trường của lũ chúng tôi tài trợ
Quan chức : Việc chúng tôi làm không phải chỉ là vì cái kinh tế thị trường nhà các anh quan tâm, cũng không chỉ có mấy anh Dân đây muốn, và cả ý nghĩ của hai anh còn lại đây nữa. Rất vĩ mô cơ nhé !
Dân thường : khí không phải, câu chuyện của các bác cho dem dự rồi tí nữa nó sẽ đi đến đâu ạ, sẽ như thế nào. Trong khi em có thể nói ngay tí nữa em quay ra ngoài kia cái gì cũng tiền tiền tiền. Sợ lắm í
Triết gia : câu chuyện không phải là tí nữa mà là tương lai ! Vấn đề không phải là tiền mà là giá trị ! cảm xúc không phải là sợ mà là tư tưởng ! Các anh là nguyên cớ, là đối tượng, là thử nghiệm, là mục tiêu…
Quan chức : Điều anh vừa nói khiến bọn ta vẫn còn nể giới các anh được một nửa. Nghề của giới chúng ta là luôn tạo nên những điều anh nói đấy, nhưng ta không thích cách anh nhìn ta kiểu nghi ngờ thế
Nhà kinh tế : Đời sống thì phải nhìn hiện tại và có giải pháp cho những gì gần đến. Những từ ‘giảm’ và ‘tăng’ trong kinh tế là mâu thuẫn bản chất. Nhưng quan chức phải tạo ra sự ‘hài lòng’ của xã hội
Doanh nhân : chúng tôi vẫn xa lạ với từ đó, mà thấy gần gũi đó là phương cách giải cứu càng sớm càng tốt ! Nhiều thứ đang chìm tiếp và nước lũ đang tiếp dâng cuốn chúng tôi gần ra Biển lớn rồi…
Dân thường : ôi ôi…đến thế thì mấy cái bè chuối bọn em vớ được thì nước non gì, chúng em thì bị chìm và cuốn, để ba anh ở lại mà nói chuyện nổ và tan…lúc này chả còn hơi sức ghét nổi các anh nữa
Triết gia : thế từ nãy chúng ta đang ngồi ở đâu, trên cái gì mà vẫn nói năng được với nhau nhỉ ? Ôi hóa ra là cái bè to nhưng cũng đang rạn bục… Ôi, mới thấy sự cai trị ở chỗ nó làm được gì cho an Dân
Nhà kinh tế : Chúng ta còn thời gian để cố kết nhau lại thành bè mảng. Không để chìm thêm gì nữa, bám chắc vào thực địa. Mọi người nên buông cái nhỏ của riêng mình đang giữ để ra tay cùng chèo chống !
Quan chức : Nào hãy như xưa?! Khi nước lũ xiết, nhiều khi hàng ngàn vạn người phải nhảy xuống làm bức tường ngăn nó. Bớ ! Đánh trống lên, giương biểu ngữ lên, mở loa đài..phát động…phong trào…
Doanh nhân : Chúng tôi kinh doanh cũng có chút theo tín ngưỡng : trong hoàn cảnh này phải tìm mấy kẻ ác ôn tham tàn ném xuống nước làm vật tế để thủy thần bớt giận !
Quan chức : im cái mồm ! Tạm làm theo cái nhà ông kinh tế kia vừa nói đi đã. Mọi người đoàn kết lại. Doanh nhân hiệp tác lại, chúng ta lại thành mặt trận để qua đận này. Dô tá dô tà…và hò khoan nữa
Dân thường : họ lại đề cao, lại lấy mình làm lực lượng nòng cốt đây. Mà thôi, xưa nay mình sống bằng những bài hát kiểu thế, nhất là khi đói, khi sợ. Còn dịp thế này mới còn hách được với mấy ông ấy

Bình luận (1)

  1. Thomas Stearns Eliot , Nobel văn học 1948 cất lời ca thán: “Minh Triết đi đâu chỉ còn lại tri thức, tri thức đâu rồi chỉ còn lại thông tin, thông tin đâu rồi chỉ còn lại con số”. Với cách nhìn nhận của thời đại công nghệ thông tin thì chúng tôi cho rằng thông tin số liệu lại chính là cái gốc của mọi vấn đề. Việc quản trị thông tin tốt từ cấp cơ sở (tổ chức, doanh nghiệp) đến quy mô quốc gia, quốc tế sẽ đem lại những giá trị, nguồn lợi khổng lồ và giúp cho sự phát triển của xã hội, nền kinh tế, văn hoá,… trở nên lành mạnh, bền vững. Và từ cái gốc là sự minh bạch của số liệu, thông tin, chúng ta sẽ tìm được tri thức và đến được Minh Triết.

    Bởi vậy, nếu như trong cuộc thảo luận này có thêm “Nhà Minh Triết” thì có lẽ việc đối thoại sẽ có lối ra khả dĩ. Nhà Minh Triết (điềm đạm, ôn hoà và có kỷ luật) nói: ý kiến của các vị đều có phần phải, đúng như Thày Thịnh đã nhận xét: trong đối thoại, dù chưa có giải pháp song cũng có chứa sự thật. Bởi sự thật khách quan ít nhiều được các bên phản ảnh lại trong thảo luận, kể cả từ những đối tượng “khó tin” được như quan chức và doanh nhân.

    Song, để ý thấy lập luận của các vị đều là định tính, không phải định lượng, cho dù trong số đó “nhà quản lý” lớn tiếng “chúng tôi căn cứ vào chỉ số, chỉ tiêu cụ thể”. Những chỉ số chỉ tiêu ở nước văn minh khác thì không nói, chỉ tiêu, con số của chúng ta không đáng tin cậy lắm. Bởi lập luận của các vị mang nặng định tính nên mập mờ, dễ trúng, nhưng sai số lớn, thiếu chính xác, thiếu sở cứ. Những quyết sách đúng đắn của quốc gia phải dựa trên những chỉ tiêu, chỉ số chính xác nhất có thể. Phải rõ ràng, chính xác trong việc thống kê, báo cáo, bao nhiêu người, bao nhiêu hộ, giàu như thế nào, nghèo ra sao, mấy đời nghèo,… phải có những cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn lực, con người, tài nguyên, tri thức,… Tóm lại cần quản trị thật tốt thông tin, số liệu ở mọi cấp độ, phải định lượng được mọi thứ, thậm chí cả “cái thiện” và “cái ác”, từ những cơ sở dữ liệu đó, với những “lát cắt”, “câu hỏi” truy vấn của sự nghiên cứu chúng ta mới có câu trả lời chính xác cho mọi vấn đề.
    Thật may mắn, công nghệ thông tin chính là cách giúp cho chúng ta thực hiện được mong muốn này một cách hữu hiệu và khả thi nhất. Do vậy chắc chắn chúng ta sẽ tìm lại được Minh triết./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.