Trao đổi và trả lời trực tuyến trên Vietnamnet

Trao đổi và trả lời trực tuyến trên Vietnamnet

CHẤT LƯỢNG PHẢN ÁNH TRÌNH ĐỘ CỦA TỔ CHỨC VÀ CON NGƯỜI
1. Lại Mỹ Lệ, nữ – 35 Tuổi Tôi thấy hàng Việt vẫn kém cạnh vì hàng ngoại lấn án, hàng Trung Quốc thì tràn lan. Ta cũng không thể ngăn cản được hàng TQ độc hại, thiếu an toàn (từ đồ ăn uống đến đồ chơi và nhiều vật dụng hàng ngày) ngày càng nhiều trên thị trường. Ngay cả hàng Việt bị TQ làm giả cũng nhiều. Vậy làm sao mà hàng Việt lên ngôi được?
Diễn giả Nguyễn Tất Thịnh: Trung Quốc được xem là đại công trường sản xuất của thế giới, hiển nhiên là do các lợi thế sản xuất làm nên tính kinh tế quy mô toàn cầu. Hơn nữa TQ là nơi sản xuất ra mọi mặt hàng dân dụng nên bản thân điều đó đã có sức cạnh tranh trên rất nhiều các quốc gia, theo tôi được biết trên 120 nước đều có hàng hóa cuả TQ, và điều đó cũng làm cho hàng hóa nội địa của nhiều nước bị mất thị phần ngay tại nước mình.
Cho nên tình hình hàng hóa VN bị hàng TQ lán át, và tràn lan là điều tất yếu, nhất là trong hoạt động thị trường tự do theo khuôn khổ WTO. Mặt khác TQ cũng bị xem là nơi sản xuất hàng giả nhiều nhất trên thế giới. Điều đó khiến khó khăn hơn cho việc tiêu thụ hàng hóa của các DN nhiều nước và VN không là ngoại lệ. Nhưng đó cũng là mặt trái và điểm yếu của nền kinh tế TQ, chính họ cũng đang nhận ra và tìm cách khắc phục điều này với tư cách là 1 nước lớn trên bản đồ kinh tế chính trị thế giới.
Điều đó khiến cho năng lực cạnh tranh của hàng hóa TQ cũng sẽ được cải thiện. Các DN VN chỉ có cách gia tăng chất lượng sản phẩm, tận dụng lợi thế nội địa, liên kết các DN trong nước với nhau để có được chuỗi gia tăng hàng hóa và giảm chi phí sản xuất. Điều đó cũng gắn với ý thức và nỗ lực của các DN VN trong việc khẳng định mình tại thị trường nội địa. Hơn nữa phải có lộ trình xây dựng thương hiệu hàng hóa.
2. Lê Hương Lan, Nữ – 43 Tuổi Theo tôi điều làm nên uy tín của những sản phẩm Nhật Bản không chỉ bởi chất lượng mà sâu hơn từ chính cung cách làm việc của họ: nghiêm túc, chính xác, luôn tỉ mỉ. Trong khi đó, nhịp sống ở VN lại ngày 1 hối hả hơn, con người cũng trở nên “xáo xào” hơn. Xin hỏi ông Thịnh, hiện chính phủ Việt Nam có chính sách nào để thay đổi tác phong, lề lối làm việc? Có cần thay đổi lề lối tác phong ngay từ trong sinh hoạt gia đình?
Nguyễn Tất Thịnh: Đây là câu hỏi rất hay của bạn, không chỉ liên quan về sản xuất kinh doanh mà còn là vấn đề văn hóa, tập quán, xã hội. Văn hóa là nền tảng, là bệ phóng hướng tới sự văn minh và các sản phẩm kinh doanh chính là những biểu hiện của nền văn minh đó. Quan điểm chất lượng đối với các DN Nhật Bản là số 1, là không hy sinh, là không thỏa hiệp, là sống còn, chính điều đó đã làm nên thương hiệu và uy tín của các DN Nhật Bản trên toàn cầu. Rõ ràng là chất lượng đơ]cj quyết định bởi phương thức sản xuất kinh doanh, trong đó ý thức lao động, tính chuyên nghiệp, sự nghiêm túc và kỷ luật khắt khe trong lao động của con người chiếm vị trí số 1.
Sự kiện cách đây 3 năm hãng Toyota của Nhật Bản rút về hơn 2 triệu chiếc ô tô trên quy mô kênh phân phối toàn cầu của họ để khắc phục sự cố lỗi chân ga là thể hiện sự nghiêm túc cầu thị và quyết liệt trong việc đảm bảo và cam kết chất lượng.
Nhịp sống ở VN ngày càng hối hả hơn, không phải là lý do để thỏa hiệp hoặc bỏ qua về chất lượng mà càng phải chính xác , kế hoạch hóa, làm tốt từng điều nhỏ , từ mỗi người , từ hàng ngày đối với tất cả những người lao động VN. Bởi vậy để phát triển, người VN phải dứt khoát thay đổi những lề lối, tập quán, phong cách, văn hóa để hướng tới thực hiện được những chuẩn mực văn minh của DN, của xã hội… mới mong có kết quả lao động tốt. Tác phong làm việc của người Nhật là khẩn trương, chính xác, cam kết, hướng tới khách hàng , tất cả những điều đó cả thế giới cần học tập, không riêng gì người Việt., không phân biệt tuổi tác và nghệ nghiệp. Trước hết mỗi người phải có lòng tự trọng, tự tôn, tực cường.
3. Văn Chiến, nam – 19 Tuổi Thưa ông Thịnh, người trẻ Việt khá thích nhảy việc trong khi đó ở Nhật có xu hướng làm việc cả đời. Sự khác nhau này có phải bắt nguồn từ việc nhận, đào tạo và các ưu đãi dành cho nhân viên mới giữa DN Việt và DN Nhật? Sự khác biệt này dẫn đến hiệu quả công việc khác nhau như thế nào?
Nguyễn Tất Thịnh: Trước năm 1995, việc sử dụng nhân sự ở các DN, cơ quan Nhật Bản có khuynh hướng thăng tiến nội bộ và chung thân suốt đời. Cho nên dòng nhân sự ổn định và chuyên môn hóa khá cao. Chính điều đó cũng tạo nên 1 khả năng các DN NHật Bản có điều kiện để thực hiện đào tạo nội bộ và thực hiện các chính sách ưu đãi về nhân sự. Nhưng sau này chu kỳ kinh donah ngắn lại, sự cạnh tranh quốc tế rất mạnh mẽ về nhân lực cho nên khuynh hướng làm việc cả đời của 1 người tại 1 DN ở Nhật Bản đã giảm rất mạnh, không còn là 1 đặc hiệu, đặc thù trong quan trị nhân sự của họ nữa. Do đó, các DN có cơ hội xã hội hóa nguồn nhân lực, tạo nên những dòng lưu chuyển nhân sự giữa các tổ chức và các DN với nhau làm hoạt hóa, năng động, chất lượng cạnh tranh nguồn nhân lực mang tính xã hội.
Người trẻ ở VN không hẳn là thích nhẩy việc, nhưng rõ ràng là trình độ đào tạo nhân lực cuarc các trường học nghề, đại học VN chưa đáp ứng được cho người lao động trẻ ra trường có được những kỹ năng và khả năng làm việc thiết yếu nhất. Đồng thời rất nhiều DN VN cũng chưa thực hiện có các chính sách nhân sự khuyến khích và ưu đãi, và dài hạn nên tình trạng nhẩy việc của các bạn trẻ là rất phổ biến. Gây ra những hệ quả không ổn định về nhân sự của các DN, đồng thời suy giảm giá trị về lòng tin của các tổ chức khác khi tiếp nhận những người nhảy việc quá nhiều. Dù sao đó cũng là 1 thực tế để các bạn trẻ biết tận dùng từng cơ hội ở từng nơi để nhanh chóng trau dồi khả năng lao động của mình. Cánhân tôi không đánh giá cao những người sau 30 tuổi nhảy việc 3 lần ở 3 nơi khác nhau. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” và bạn phải tìm được 1 nơi ổn định và thể hiện sự nghiệp của mình.
4. Dương Hoàng Thanh, nam – 37 Tuổi Tôi được biết nhiều hàng thủ công VN đã có 1 thị phần dù không nhiều nhưng cũng cố định ở Nhật Bản. Ông có thể chia sẻ nét tương đồng giữa những sản phẩm Việt và Nhật Bản?
Nguyễn Tất Thịnh: Tôi đã từng được đến các công ty sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thủ công của Nhật Bản. tại đó, còn có cả những sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài. Với toàn bộ sự hiểu biết và quan sát của tôi có thể nói với bạn rằng: mọi mặt hàng thủ công người Nhật đêu có thể sản xuất, hơn nữa nếu nhập khẩu thì họ đã tiếp tục gia công lên 1 trình độ chất lượng và thẩm mỹ rất cao. Hàng thủ công cũng là 1 niềm tự hào của người Nhật về truyền thống văn hóa, về khéo léo trong lao động và tỉ mỉ trong chất lượng, nghệ thuật về phong cách. Nếu có nét tương đồng giữa những sản phẩm thủ công của Việt và Nhật thì đó chính là ý tưởng văn hóa làm nên sản phẩm, được thiết kế bởi những nghệ nhân, có nhiều nguồn gốc từ trong các tích truyện. Nhưng sự khác biệt rất cơ bản mà tôi cảm nhận là sự tinh tế giữa sản phẩm Việt và sản phẩm Nhật rất khác nhau.
Tôi cho rằng hàng thủ công hiện nay vẫn phải kế thừa những truyền thống và cách thức “mang tính thủ công” của chính nó, thổi hồn văn hóa đậm đặc hơn, thêm nữa phải được gia công bởi công nghệ tinh xảo, và được quảng bá trong các chiến dịch văn hóa – thương mại. Hàng thủ công của VN đã có mặt tại thị trường Nhật Bản dù ổn định về lượng và chủng loại nhưng thực ra thị phần rất nhỏ và giá trị thương mại còn rất thấp, do kinh nghiệm xâm nhập vào thị trường Nhật còn yếu, đơn lẻ của từng DN, bằng những hình thức marketing truyền thống và tính sơ chế còn quá nhiều.
5. Đặng Thái Vinh, nam – 46 Tuổi Hiện nay nhiều sinh viên mới ra trường rất muốn vào làm trong công ty Nhật vì lương cao, trong khi một số người làm cho công ty Nhật 1 thời gian lại “out” ra vì áp lực. Phải chăng nhân lực Việt chưa thể thích nghi được với những áp lực của nền kinh tế phát triển?
Nguyễn Tất Thịnh: Theo tôi được biết, những sinh viên tốt nghiệp mức khá trở lên ở các trường có tiếng thích làm việc trong các công ty Nhật Bản, không chỉ là lương cao mà thực tế sẽ học được rất nhiều về phương pháp làm việc, kỷ luật tổ chức, đối nhân xử thế… Tuy nhiên đó chỉ là những ý thích ban đầu, với những cương vị nhỏ nhưng sau này để tiếp tục làm việc lâu dài và đảm nhiệm những vai trò lớn hơn các bạn phải đạt được lòng tin với những người quản lý và lãnh đạo của Dn Nhật Bản. Điều đó không hề là sự khéo léo trong quan hệ cá nhân mà toàn bộ chất lượng, năng lực, phẩm chất, bản lĩnh vượt khó và sảng tạo, nỗ lực không ngừng cho mục tiêu chúng của tổ chức. Điều đó nhiều khi vượt quá những “năng lực trần”, và “nền tảng văn hóa” của chính bạn. Ví như có người làm việc nhỏ thì tốt, làm việc với ít người thì hay, tiêu món tiền nhỏ thì khôn, đi 1 đoạn đường ngắn thì hăng hái nhưng hơn thế thì thua. Một trong những khả năng để phát triển bản thân là vượt qua khó khăn và chiến thắng những áp lực, và khi qua được, bạn đã là người tin cậy.
6. Trần Hoàng Nhân, nam – 20 Tuổi Kính gửi chuyên mục, tôi có một câu hỏi thắc mắc rất mong các vị diễn giả giải đáp là: giải pháp nào để nâng cao lòng tin của khách hàng đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt?
Nguyễn Tất Thịnh: Lòng tin là 1 điều đầu tiên, cũng là điều cuối cùng, khó khăn nhất, thiết yếu nhất trong mọi quá trình giao dịch. Lòng tin có được phải trên cơ sở từ đầu đến cuối bạn chứng minh với đối tác rằng toàn bộ các khâu và công đoạn là đúng cam kết về chất lượng và về mọi điều khác.
Chẳng hạn khởi đầu là nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, cuối cùng là khả năng của DN bạn đã chuyển đến đối tác những giá trị cam kết như thế nào. Trong sản xuất kinh doanh thì trình độ hoạt động của DN (bao gồm sản xuất, tổ chức và quản lý), tất cả phải chuẩn mực và minh bạch và tiêu chuẩn hóa. Hơn nữa nhìn vào 1 người đại diện, những người của 1 DN phải tạo được lòng tin về nhân cách, văn hóa, sự hiểu biết, các thiện ý trong giao tiếp. Tôi muốn nói rằng, lòng tin là điều bạn phải thể hiện bằng tất cả sự tốt đẹp của mình, bất chấp các lý do và phải đem đến những lợi ích thiết thực, có ý nghĩa lâu dài với các đối tác.
Bản thân việc làm thương hiệu không thôi không thể tạo nên lòng tin đó được. Tôi đã chứng kiến những DN có công nghệ rất hiện đại được nhập khẩu nhưng không thể có được lòng tin của đối tác vì lòng tin là có được từ con người với toàn bộ cách làm việc, ứng xử của họ trong các hoàn canh khác nhau.
7. Huyền My, nữ – 21 Tuổi Có câu “một người Việt bằng 3 người Nhật nhưng 3 người Việt Nam không bằng 3 người Nhật’. Ông có thể giải thích ý nghĩa của câu này?
Nguyễn Tất Thịnh: Tôi không biết là câu này từ đâu, ai nói, dựa trên những điều tra xã hội học nào. Có thể chỉ là sự ngộ nhận hoặc cách nói vui không chính thống. Tuy nhiên tôi cũng đồng cảm về ý nghĩa thực của câu nói đó rằng về mặt thông minh, trí tuệ, học hỏi các kiến thức mới, sức khỏe, mỗi người chúng ta cũng vốn có nhiều giá trị. Nhưng khi làm việc với nhau, hợp tác làm ăn, sống bên nhau… thì lại bị suy yếu đi năng lực của từng người hoặc là vô hiệu những năng lực của tổ chức, chính là do trình độ tổ chức và quản lý vậy. Hơn nữa còn có 1 nguyên nhân sâu xa về văn hóa cộng đồng: Thiếu tôn trọng tập thể, theo đuổi tính vị kỷ, đề cao cá nhân hơn người khác, cam kết yếu làm việc thiếu kế hoạch, kỷ cương và trật tự của mọi người trong nhóm lớn dễ bị rối loạn thiếu yếu tố của lãnh đạo và chỉ huy.
Tôi có 1 ấn tượng về người Nhật khi họ nói về thành tựu chung thì dùng đại từ nhân xưng “chúng ta”, khi họ nhận lỗi thì dùng đại từ nhân xưng “tôi”. Người Nhật luôn đề cao lợi ích Công, mục tiêu chung của tổ chức. Họ tự thấu hiểu trong lịch sử và sự nghèo nàn về tài nguyên, khó khăn về địa lý… nên từ bé đến lớn, từ xưa đên nay, mọi người Nhật đều ý thức cao: sự thành công là do có tổ chức và biết cách làm việc với người khác, đội chữ “tôn trọng” lên đầu trong phương châm ứng xử.
8. Vũ Văn Linh, Nam – 24 Tuổi Thưa ông Tất Thịnh, tôi được biết ông từng có những công trình nghiên cứu về văn hóa kinh doanh của người Nhật. Theo ông, những bài học rút ra từ cung cách quản lý kinh doanh của người Nhật là gì? Việt Nam có thể học hỏi và đưa vào thực tiễn ngay bài học nào từ người Nhật?
Nguyễn Tất Thịnh:Văn hóa kinh doanh của các DN Nhật Bản là “đặc sản” trong các tập giá trị làm nên chất lượng sản phẩm và sự thành công của các DN Nhật Bản. Điều này được cả thế giới công nhận và từng người Nhật cũng tự hào. Bản chất của văn hóa đó là: Xem con người là yếu tố quyết định, cách sử dụng và khuyến khích con người là yếu tố số 1, giải quyết tốt các quan hệ giữa con người là yếu tố xuyên suốt. Cả 3 điều đó đều dựa trên nền tảng tinh hoa văn hóa xã hội Nhật Bản: tự cường, tự chủ, tự hào, tự giác, tự tôn… đã trở thành từng giá trị lao động của mỗi người Nhật Bản. Phương châm văn hóa của các DN Nhật là: vì cộng đồng, không xung đột với thiên địa nhân, theo đuổi những mục tiêu phát triển dài hạn. Từ đó đã chi phối và hướng đạo cung cách kinh doanh của người Nhật: chất lượng là hàng đầu, cam kết là trọng tâm, vì xã hội là xuyên suốt.
Đương nhiên nên học tập, điều đơn giản dễ ứng là: mỗi doanh nghiệp VN không trì hoãn xay dựng những quy chế về chất lượng sản xuất, về kỷ luật tổ chức, về văn hóa kinh doanh hương tới những giá trị xã hội. Môi người lao động VN hàng ngày nên có thói quan nghĩ việc tốt, làm việc tốt cho cộng đồng từ những việc nhỏ.
9. Nguyễn Vũ Hân, nữ – 22 Tuổi Thưa ông Thịnh, được biết, ông là người từng học quản trị kinh doanh tại Nhật Bản có là thành viên HĐQT của một số công ty ? Ông có áp dụng cách thức quản trị của người Nhật vào công ty ông hay không? Điều đó mang lại kết quả như thế nào?
Nguyễn Tất Thịnh: Tôi đã từng góp phần xây dựng hệ thống QTKD cho một số DN, trong đó có nơi tôi từng là chủ tịch hoặc là thành viên HĐQT. Cho đến nay tôi thuần túy là người tư vấn và giảng dạy về các phương pháp xây dựng hệ thống và tái cơ cấu các tổ chức. Tôi luôn luôn học hỏi những tinh hoa quản trị của những DN Nhật Bản và những DN Mỹ nổi tiếng trên thế giới. Cho nên đã từng áp dụng cách thức quản trị của người Nhật với mô hình 7S (strategy: chiến lược kinh doanh – thị trường – xã hội dài hạn/ structure: bộ máy thông minh hiệu quả chất lượng, chi phí thấp/ system: hệ thống hoạt hóa, tiêu chuẩn, tin cậy/ staff: nhân sự chuyên nghiệp và cạnh tranh/ style: các phong cách kết hợp tập trung và dân chủ xuyên suốt là văn hóa/ shooting mark: chuẩn mực về giá trị tinh thần xã hội, tôn ti và kỷ cương nội bộ, sự tôn vinh những cá nhân xuất sắc).
Nhưng để áp dụng hoàn toàn với đại đa số DN VN là rất khó khăn vì chính văn hóa DN chưa thực được hình thành, nhiều người lao động mang thói xấu vào DN mà không có khuôn thước rõ ràng để họ điều chỉnh và thay đổi tích cực. Nên điều đầu tiên để áp dụng là phải tạo ra kỷ cương, trật tự, và sự tuân thủ của người lao động với các quy chế của tổ chức.
10. Hong Van, nữ – 28 Tuổi Từ kinh nghiệm tư vấn cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ về Văn hóa kinh doanh, thị trường, quản trị, marketing, ông thấy văn hóa doanh nghiệp Việt hiện đang ở mức độ như thế nào? Những tồn tại nào trong văn hóa kinh doanh khiến hàng Việt chưa chinh phục được người tiêu dùng?
Nguyễn Tất Thịnh: Có thể nói ngay rằng rất nhiều người có văn hóa và mong muốn tổ chức mình có văn hóa chung nhưng điều đó không có nghĩa là hình thành được văn hóa DN. Nhiều nơi quan niệm rằng: cứ có phương tiện làm việc hiện đại, logo và slogan kêu như khẩu hiệu của bức tranh cổ động, hội sở hoành tráng là có văn hóa tổ chức. Nhưng đó chỉ là 1 phần nhỏ để có thể làm nên văn hóa DN. Đại bộ phận các DN vừa và nhỏ VN cần phải khắc phục triệt để và mạnh mẽ những rào cản đi đến việc xây dựng văn hóa DN là: kỷ luật tổ chức yếu, quản lý nội bộ kém, tinh thần thái độ làm việc sai lệch, quan hệ nhân sự méo mó….
Theo khảo sát của riêng tôi, ở nhiều Dn có tình trạng làm việc: thói quen hơn kế hoạch, thuận tiện hơn hợp lý, cảm tính hơn lý tính, cá nhân hơn tổ chức, quan hệ hơn chuẩn mực, tùy tiện hơn hợp tác… đều là những căn bệnh hiểm nghèo hủy hoại văn hóa DN. 1 số các DN lớn (đặc biệt của nhà nước) tuy có tên tuổi và thương hiệu lớn nhưng hay bị xã hội liên tưởng đến những cung cách và quản lý yếu kém, suy đồi… cho nên cũng khó có thể có được văn hóa DN.
Hàng hóa sản phẩm của VN không ngại là chất lượng còn thấp, không ngại tính năng sử dụng còn ít (bởi thực tế nhiều nước cũng có thể bán được những sản phẩm rất bình thường của họ), mà điều cản trở chính yếu khiến hàng Việt chưa chinh phục được đại số NTD (đặc biệt là ở tầng lớp có khả năng lựa chọn cao) vì những yếu tố phi văn hóa, phản cảm văn hóa trong quá trình đưa sản phẩm ra thị trường và cung ứng nó đến tay NTD (như quảng cáo phản cảm, cách bán hàng chụp giật, vi phạm các cam kết, thái độ của người bán hàng thiếu lễ độ và lịch sự,khả năng sửa sai rất thấp…)
11. Thanh Đat, nam – 42 Tuổi Xin hỏi ông Nguyễn Tất Thịnh, tôi đang quản lý 1 xưởng may nhỏ khoảng 100 công nhân. Do quy mô nhỏ lại mới mở nên công việc còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc quản lý nhân công. Nếu khoán việc thì chưa đủ việc để khoán đủ cho công nhân làm đảm bảo ngày công, nhưng nếu không làm khoán mà khi công việc dồn lại, phải làm thêm giờ thì lại phải trả lương ngoài giờ cho công nhân rất cao, tính tiền sản phẩm công nhân làm với tiền thu về công ty phải bù lỗ. Ông có thể cho chúng tôi lời khuyên trong trường hợp này làm thế nào để vẫn giữ được công nhân, vừa giúp công ty vượt qua khó khăn? Khi công nhân ko hài lòng về mức lương của minh viết chia sẻ trên facebook bôi nhọ công ty. Vậy có nên cho công nhân này nghỉ việc. Ông có thể cho lời khuyên trong trường hợp này nên xử lý thế nào?
Nguyễn Tất Thịnh: Trong trường hợp này của DN bạn, với loại hình may mặc gia công như vậy phụ thuộc thất thường vào đơn đặt hàng của đối tác và số lượng sản phẩm là rất quan trọng thì bạn cứ việc khoán (số lượng và chất lượng gắn với từng kỳ kế hoạch và các định mức đầu vào, đầu ra). Bạn nên có kế hoạch sớm và chủ động để huy động và điều phối nhân công cho phù hợp, đừng khiến người lao động rơi vào tình cảnh bị động trong cuộc sống của họ, và cũng đừng “vắt chanh bỏ vỏ”. Tuy nhiên không phải các mức độ cần thiết của mọi người lao động là như nhau và không phải cào bằng về chính sách lương thưởng cũng như cách mà bạn đối xử, đãi ngộ. Phải có những con người ưu tiên, vầ tạo ra những trưởng nhóm không những chỉ giúp bạn điều hành sản xuất tại tổ đội mà còn thay bạn triển khai các chính sách đánh giá lương thưởng cũng như huy động người lao động trong những hoàn cảnh và thời vụ khách nhau (chính họ là những người tuyển dụng xã hội thay bạn) do đó họ phải có những ưu tiên về chính sách.
Bạn cần phân tích đặc điểm và tần suất sản xuất theo mùa vụ để chia các nhóm nhân công ra các hạng A, B, C (hạng A: thường xuyên, hàng B: thời vụ, hạng C: đặc nhiệm). Chúc bạn thành công.
12. Quỳnh Hoa, Nữ – 27 Tuổi Ông Tất Thịnh có thể “bắt bệnh kê đơn” cho các căn bệnh về quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam? Người Nhật giải quyết các căn bệnh này như thế nào?
Nguyễn Tất Thịnh: Kể từ năm 2006 (bắt đầu VN vào WTO), nhiều DN VN có những căn bệnh như sau: Nền tảng yếu, hệ thống chưa chuẩn mực, liên kết kém, tầm nhìn gần, quản trị tùy tiện, khả năng thay đổi thấp… Về kinh doanh thì mù quáng trong đầu tư, mù mờ trong thị trường, mù màu về nhận định môi trường và hậu quả như chúng ta đã thấy: chất lượng hàng hóa sản phẩm thấp, cam kết khách hàng kém, suy giảm về các nguồn lực, thiếu khả năng phát triển xa. Đặc biệt khi bước vào hội nhập kinh tế toàn cầu thì DN nào muốn tồn tại cũng phải có cách làm ăn bài bản chuyên nghiệp, biến Dn mình hoạt động có chi phí thấp, tin cậy và hiệu quả quy mô. Trong đó khả năng áp dụng KHCN cao găn với chất lượng nguồn nhân lực là quyết định.
Hiện nay, mấu chốt với nhiều DN VN là bảo tồn duy trì và củng cố những giá trị hiện có về tổ chức kênh phân phối, thương hiệu, tài chính. Đồng thời quyết liệt trong việc nhận dạng và điều trị những bệnh tật và hư hỏng nằm ngay trong hệ thống của mình.
Người Nhật phương châm của họ là “kaizen” nghĩa là đổi mới, cải tiến và nâng cấp không ngừng từ từng khâu đến cả hệ thống, từ từng cá nhân đến toàn bộ tổ chức, từ công nghệ đến các phương thức quản lý… mà cốt lõi là nhận ra những điều bất cập cản trở, bệnh tật và khắc phục nó ngay lập tức. Giảm lỗi và sửa sai là tinh thần chủ đạo, cũng như triết lý cuộc sống vậy, để hay hơn, tốt hơn.
13. Manh Tuan, nam – 27 Tuổi Thưa ông Thịnh, tôi thấy có một hiện tượng ở quê tôi, khi mới vào các KCN, rất hay có hiện tượng bỏ việc, ăn cắp vặt. Vấn đề này có liên quan tới quản trị doanh nghiệp và quản trị con người? Vậy quản trị cách nào để tránh hiện tượng này?
Nguyễn Tất Thịnh: Tôi đã có nhiều cuộc khảo sát thực trạng lao động ở các KCN phía bắc và phía Nam, từng có những tiếp xúc trao đổi với các nhà quản trị và người lao động ở các DN nơi đó, nên thấy những nhận xét của bạn là rất thẳng thắn. Thực tế rằng các DN ở KCN thường thực hiện chính sách khai thác, sử dụng lao động tại chỗ như 1 mục tiêu xã hội được khuyến khích. Nhưng các nhà đầu tư và quản trị khá thất vọng , nhiều khi “bó tay” về thực trạng như bạn nói. Đó cũng là 1 trong những nguyên nhân khá nhiều DN không muốn đầu tư tiếp, mở rộng hoặc thoái lui tại địa bàn VN. Một số người lao động xuất phát từ nông thôn có nhiều hạn chế trong giáo dục và đào tạo, có tâm lý ‘đủ ăn’ , đặc biệt bị nhiễm ý nghĩ về tư bản là bóc lột, cộng với cả những thói tật xấu và tệ nạn mắc phải nên đã lười biếng, có những hành vi ăn cắp vặt hoặc rút ruột DN.
Giải pháp là phải tiến hành các biện pháp kỹ càng tròng tuyển dụng, huấn luyện vào môi trường làm việc của DN, đặc biệt là đề cao kỷ luật lao động, giám sát chặt chẽ các định mức vào sản phẩm, và tiến hành kiểm soát ngay từng tổ đôi và quy cách trách nhiệm cá nhân rõ ràng, cụ thể. Tôi muốn nói với việc sai trái thì không được thỏa hiệp, không được pha loãng, không được lây nhiễm.
14. Mai Hồng, nữ – 25 Tuổi Thưa ông Thịnh, cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua đã có hàng ngàn doanh nghiệp Việt phá sản. Theo ông đâu là lí do của sự phá sản hàng loạt này? Việc phá sản này có liên quan đến chính sách, đường lối quản trị doanh nghiệp hay không?
Nguyễn Tất Thịnh: Cuộc khủng hoang KT bắt đầu từ 2008 đến nay không phải là hàng ngàn mà hơn 100 ngàn DN VN đã lâm vào tình trạng đình đốn, đóng cửa hoặc phá sản. Lý do của việc đó các chuyên gia KT đã từng có những dự báo và cảnh báo từ phương diện kinh tế vĩ mô và cách kinh doanh vi mô. Nhưng tựu lại là: sự thiếu minh bạch của các chính sách kinh tế vĩ mô, hiệu lực quản lý kinh tế của nhà nước thấp gây nên những hội chứng đầu cơ, bầy đàn, mù quáng vì những lợi ích trước mắt.
Về bản thân các DN thì thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, đầu tư dàn trải vào những ngành không có lợi thế, sai lầm trong quản lý tài chính, lệch lạc về đầu tư, yếu kém về quản trị, tự phát trong việc tham gia vào thị trường… Hiển nhiên là dù môi trường vĩ mô có phức tạp hay biến động như thế nào thì những người đứng đầu DN chính là những “thuyền trưởng của con tàu DN hội nhập vào biển lớn WTO” phải có tầm nhìn, bản lĩnh, tri thức về tổ chức và quản lý để từ đó hoạch định ra những chính sách mục tiêu cho chính DN mình ứng phó, thích nghi chủ động trong các lộ trình kinh doanh. Còn khá nhiều các doanh nhân là người “bơi thuyền dũng cảm trên sông hồ” chứ chưa phải là những “thuyền trưởng của con tàu DN đi ra những bến cảng lớn trong quy mô quốc tế”. Bởi vậy ngày nay việc quản trị thành công kinh doanh của DN còn phụ thuộc rất nhiều vào tri thức kinh doanh và quản lý trong không gian kinh tế mạng toàn Cầu.
Xin cảm ơn !

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.