Đo ‘Lòng người’ và Đạo Đức !

Đo ‘Lòng người’ và Đạo Đức !

‘LÒNG NGƯỜI’ = ( TÂM -> KỶ <- TÍNH ) -> ( ĐẠO & ĐỨC ).
Nhân sĩ : Chào Ông Lão ! Tôi đã nhìn thấy ông ở nhiều chỗ, nhiều lúc mà không để ý. Bây giờ có thể gọi ông là gì được nhỉ ? Tôi muốn được trò chuyện với ông để giúp sáng tỏ một việc, nhìn ông tôi cảm thấy là có thể….Tôi bây lâu muốn thực hiện một việc là đo ‘Lòng Người’ ông ạ

Lão sĩ : Thì anh đã gọi ta đấy ! Ta chưa từng gọi tên mình, nhưng biết ai gọi Ta. Ta đi trong đời, đi vào giang hồ, đi xuyên qua các mưu toan, đi trên sự sung sướng và đi ngầm qua gian khó nên anh hay gặp cũng phải ! …Thế cái anh muốn đo nó nông sâu, dài rộng, to nhỏ ra sao ?

Nhân sĩ : Tôi luôn tự hỏi : tại sao trí tuệ con người siêu phàm không lên được mặt trời mà cân đo được nó, hiểu được những gì đang diễn ra từ quá khứ từ trong lòng sâu hàng triệu km, đo được đường kính vũ trụ, đo được cả nguyên tử…Các học sĩ bảo là nhờ cách tiếp cận và thực hiện phương pháp khoa học… Nhưng sao không thể có cách nào tương tự như vậy để đo được ‘Lòng Người’ ?

Lão sĩ : Phương pháp khoa học ư ? Đó là sử dụng các khái niệm và đại lượng ! Trong trường hợp này anh định dùng khái niệm gì và đại lượng nào để đo ‘Lòng Người’ ? Và nếu anh đo được rồi thì để làm gì ? Anh sẽ bơi trong đó hay sẽ lắp một dàn khoan, hay sẽ xây một công trình nào chăng ? Người ta mỗi kẻ là một thực thể, ai mà đồng ý cho anh như vậy ? Hơn nữa cái người cụ thể nào đó mà anh có thể đo, cần đo liệu có phải là một người duy nhất mà anh phải cần đến họ ?Anh có biết khi Đường Tăng đến được Tây Trúc thỉnh xin bồ kinh mang về nước thì cũng phải để chiếc Bát Tộ vàng lại cho các vị La Hán…Ta hỏi anh: các vị đó cần Bát Tộ Vàng để làm gì ? Hay đó chỉ là cách đo tấm lòng và sự quyết tâm, sự quảng giao của Đường Tăng ? Hay là Đường Tăng xem việc đòi hỏi đó để đo lòng các vị La Hán ? Bát Tộ Vàng có phải là đại lượng hay khái niệm khoa học không ? Bây giờ anh vui vì chia chiếc bánh cho ai đó, tí nữa trở giận vì phần bánh còn lại bị ai xông vào cướp thì cũng có gì lạ, mà chiều sâu lòng anh vẫn thế ? Mọi đối xử từ đó mà ra cả thôi đúng không ?

Nhân sĩ : Vâng ! Tôi đã từng gặp bao nhiêu loại người và chứng thực về cách xử sự, cách nghĩ của họ mà không sao hiểu nổi: có kẻ rộng rãi được với người vô tình nhưng khó khăn với những người có lòng với họ. Người kia ban đầu thì xởi lởi với việc chẳng đáng, sau thì ngọ ngằn toan tính tủn mủn với những việc rất hữu ích cho mình. Lại thêm vô vàn kẻ dùng ‘tài trí’ , tuổi tác, chức vụ, tư cách bên ‘A’ của mình để ăn gian lòng tốt và sự tận tuỵ của người khác ! Đó là sự vô ơn ! Từ đó tôi thấy được ông gợi ý đúng ! Có lẽ cần hiểu diễn biến của ‘Lòng Người’ đời hơn là cố đo nó ở một ai ? Ví như khi chưa đo được độ sâu của dòng sông hay biển cả, thì cần dự báo, nhận dạng về những thay đổi của nó, để đi trên nó, qua nó! Coi ‘Lòng Người’ như cái hồ thì muốn đo độ sâu, nhưng coi như dòng chảy thì lại cần đo lưu lượng. Coi như giọt nước thì không cần nhu cầu đo cho lắm, nhưng lại cần quan tâm đến cách nó bốc hơi và bay đi đâu. À, : ‘Lòng Người’ là phạm trù không bao giờ tĩnh nên vấn đề không phải là đo nó mà hiểu được sự chuyển hóa của nó ?!

Lão sĩ : Ta đồng ý như thế, và muốn nói thêm với anh : Có phải là ai cũng vốn có một ít điều Tốt và Xấu trong Tâm và Tính ? Hai thứ đó đều có trong ‘Lòng Người’ phải không ? Nhưng sự Dữ thực từ đâu ra ? Từ Tham Sân Si của mỗi người vượt giới hạn năng lực sống bình thường của chính họ, vượt giới hạn bình thường chịu được của người khác ! Nhiều kẻ muốn đẩy người khác vào hoàn cảnh khó, bất bình đẳng để họ được thỏa mãn cái Tham ( hiếu lợi ), thỏa mãn cái Sân ( hiếu thắng ), thỏa mãn cái Si ( hiếu lý ). Tất thảy là vị kỷ muốn hơn người ! Nếu ai đã là vậy lại càng có học thức cao, càng quyền chức, và càng có điều kiện tiếp hơn về những thứ đó thì hậu quả của sự Dữ từ họ, bởi họ càng khôn lường. Chứ đâu phải là do ‘Lòng Người’ nông sâu hay rộng hẹp ? Chẳng hạn như ở Tây Bán Cầu có ông Phidel rất là trí thức, có bằng Luật sư, ‘Lòng Người’ của ông ta vốn tốt đấy chứ ! Chắc chắn là thế rồi, ở cương vị số một quốc gia, những việc ông ấy làm cũng xuất phát từ ý ban đầu cực tốt đấy chứ? Nhưng sao kết cục trăm họ lại nghèo khổ đến vậy? Ai không tin vào con đường ông ấy chọn lại bị ông ấy áp dụng những việc ghê gớm còn hơn cả Batista ngày xưa đến muôn ngàn lần đến vậy ? Cậu Kim Chung Un trẻ ở Bắc Triều, thì cách đây không lâu, cũng có ‘Lòng Người’ như bao bạn sinh viên khác cùng trường thôi, cũng chẳng âm mưu xấu, hay bắt mình phải này phải nọ gì vì điều kiện sống quá đủ đầy, cũng như những hiền dân khác khi ở môi trường dân chủ hay ho như Thụy Sĩ…thế mà bây giờ cậu ta về nước, được đưa lên ở cương vị tuyệt đỉnh quyền lực thì áp dụng những cách còn khốc liệt hơn cha ông nhiều lần với dân chúng vốn rất hiền ngoan của mình ! Vấn đề không phải và không nằm ở phạm trù ‘Lòng Người’ như anh quan tâm đâu ?!

Nhân sĩ : Qua cách diễn giải của ông, tôi như phát hiện ra ba thuộc tính của ‘Lòng Người’ có trong bất kỳ ai, gồm : ( Tâm + Kỷ + Tính ). Trong đó Tâm có ý hướng vị Nhân, Kỷ có bản hướng vị Thân, Tính có thiên hướng vị Thời. Nhưng chung quy và xuyên suốt, hội tụ lại là sự vị Ngã ! Bởi vậy Con Người vốn và luôn luôn khuynh hướng Vị Kỷ !!! Còn Tốt / Xấu chỉ là quan niệm của một quốc gia, vùng miền, thời đại, tình thế, đối tượng. Bấy lâu nay ta cứ dùng Tốt / Xấu để đo ‘Lòng Người’ nên không đo nổi, thấy nó du di, xê dịch đến khôn lường…Và chính ta cũng dùng cái quan niệm Tốt / Xấu cảm tính của chính mình để mà đo ‘Lòng Người’ thôi ! Bây giờ tôi cảm thấy mình như đang dần ngộ ra phạm trù bấy lâu nay là ‘Đạo + Đức” ! ơ rê ka ! ‘Lòng Người’ = ( Tâm -> Kỷ <- Tính ) -> ( Đạo + Đức ). Tôi nhớ ông từng giải nghĩa : Đạo là trí tuệ nhận ra các Quy luật, Đức là năng lực sống đề ra được những Quy tắc thuận với nó ! Sự Dữ có hay không, nhiều hay ít chính là có đi đến được ( Đạo và Đức ) hay không. Còn Huệ Minh là tưởng định và nhìn ra được tương lai của mình trong dòng chuyển hóa !

Lão Sĩ : anh có thấy là những khái niệm vừa nói cũng vô cùng trừu tượng mà khó đo lường lắm sao ? Nhưng anh đã gọi được nội hàm của điều anh cần lý giải rồi đấy ! Vì thế anh cần hiểu về cách chuyển hóa của những nội hàm đó trong muôn dạng động của cuộc sống mà nó trong đó hơn là cố đo nó ở một trạng thái tĩnh, nên tôi muốn thêm với anh rằng: Tâm dễ tìm thấy ở sự Cho đi, cộng hưởng với điều Lành. Kỷ dễ tìm thấy ở Mưu cầu, cộng hưởng với điều Ích. Tính dễ tìm thấy ở Hành sinh, cộng hưởng với điều Thuận. Nếu ngược lại và không thể cộng hưởng như thế thì mới Nghịch bởi vậy mới bất lường! Nên phạm trù ( Đạo & Đức ) như anh nói mới là giác ngộ của mỗi con người trong biển đời. Khai mở con đường đó có ý nghĩa hơn nhiều việc anh cố tìm cánh đo lường ‘Lòng Người’. Còn Tốt / Xấu như cái ‘dây chun’ mà thôi chưa kể ở những nơi nguội nóng khác nhau, chưa kể cách anh dùng cũng khiến nó bị co giãn khi muốn đo một thứ gì đó. Chưa kể sự xê dịch của thời gian Vũ trụ mà cái cây vẫn là nó thôi nhưng bóng của nó khi sáng và chiều dài hơn khi Mặt trời giữa trưa. Anh nói đúng : Tốt / Xấu vì thế là quan niệm tạm thời mang tính xã hội / chính trị hơn tính thực vĩnh hằng

Nhân sĩ : Nhưng tôi vẫn băn khoăn lắm : một con tàu đi qua vùng biển lớn có nhu cầu biết về độ sâu của lòng nó thật là cần, từ đó mà hình dung ra những vùng xoáy và các dòng chảy từ đó, nữa là đi qua biển đời có muôn vàn người mà ta gặp, có thể trở thành đối tác hay kẻ thù. Bên ngoài biểu hiện lành thế nhưng tí nữa là hiểm ác , bao người lời hay ý đẹp mà bụng chứa đầy ma mưu quỷ kế, đưa ta đồng tiền miếng cơm mà phát tiết thuốc độc hậu họa, nhiều kẻ từ Chùa trở về sống còn kinh khủng hơn trước khi họ đến…Chính trong những quan hệ đối nhân xử thế ấy khiến ai cũng nên biết độ sâu, diễn biến của ‘Lòng Người’ đó thôi ?!

Lão sĩ : Ah! Thì chính anh vừa nói đấy thôi : vùng xoáy và dòng chảy ! Đó chính là điều các Thuyền trưởng quan tâm hơn để điều khiển con tàu của họ trước khi đo đựơc sự nông sâu của vùng sông biển đúng không ? Vùng xoáy kết hợp với dòng chảy thường tạo ra ‘sự cuốn hút nguy hiểm’ bất thường nhưng mạnh mẽ hoặc những biến động khó lường khi có sự thay đổi từ môi trường xảy ra gây áp lực dọc theo không gian chứa nó. Khi tiếp xúc với kẻ khác, người trải nghiệm sâu sắc thường quan trắc quảng giao như vậy. Nhờ quan điểm như thế mà những Nhân kiệt xưa có lời khuyên rằng : Hãy biết dùng người được xem là Tốt thậm chí kẻ bị coi là Xấu, điều quan trọng là quy chiếu mà anh nhìn nhận, cách sử dụng, đặc biệt là khả năng anh có thể dẫn dắt sự thay đổi mà kiểm soát mục tiêu… đối với họ được đến đâu. Trong quá trình đó hãy nhận dạng sớm và khách quan về ‘vùng xoáy & dòng chảy’ về ( Tâm / Kỷ / Tính ) của họ !

Nhân sĩ : tôi có trong tay cuốn ‘Thuật Trí Nhân’ của Khổng Minh ( 16 điều nhận dạng con người có những biểu hiện gì, ra sao để dùng và dẫn dắt họ ). À, ngẫm ra thì đó cũng là cách biểu hiện động của ( Tâm / Kỷ / Tính ) . Với điều ông nói, tôi mới nghiệm thêm được rằng : những khái niệm là tương đối nên phải có một chuẩn giá trị để có đựơc Đức Tin ông ạ. Bởi những quy ước đó, những điều gọi là Biết / Hiểu với Tốt / Xâu nó vẫn dựa vào khuôn khổ, tri thức nhất thời và hữu hạn và còn nhiều dị biệt của con người, mới là năng lực nhận dạng tĩnh hoặc trong cảnh huống cụ thể, chứ chưa phải là sự thể hiện trong toàn dộ dòng chảy luôn biến động của đời sống mỗi người. Đức Tin, nếu có sẽ phổ quát, thuyết phục được dị biệt đó, là chuẩn chỉ chung trong toàn bộ chuỗi dòng thời gian sống đó. Là chỉ ra và tiếp cận được ‘ tính Thực vĩnh hằng’ như ông vừa thốt ra ! Để ‘Lòng Người’ trở nên dễ đo hơn? Mà ( Đạo & Đức ) chưa hẳn là Đức Tin ?! Có người lòng Lành, có tri thức và thành quả xã hội nhưng không hẳn có Đức Tin và không tạo ra Đức Tin , ngược lại có kẻ tội đồ, mông muội, hắc ám lại có Đức Tin hoặc tạo ra được Đức Tin phổ quát như thế ? Phải nói là tôi càng tìm hiểu càng rối trí lắm

Lão sĩ : Đứa trẻ sinh ra đã gán cho nó Tốt / Xấu được chưa dù đứng từ bất kỳ hệ quy chiếu nào ? Đã có cái gọi là ‘Lòng Người’ chưa dù dùng bất cứ đại lượng đo nào ? Đã có Đức Tin chưa dù xem xét ở bất kỳ tín ngưỡng nào ? ( Tâm / Kỷ / Tính ) thì đã tiềm ẩn tự nhiên như một thực thể chứa đựng sự sống sinh học và đời sống xã hội…rồi cùng thời gian nó định hình theo cái quan niệm Tốt / Xấu, rồi biến thiên ‘Lòng Người’ của nó trong những cảnh huống khác nhau… Nhưng nếu đứa trẻ đó ngay sau khi sinh được đặt sống trong môi trường ( Đạo & Đức ) thì Đức Tin của nó là tự nhiên, khi nó luôn thấy rằng : ‘nếu thế này thì tất sẽ như thế kia’ đúng với Đạo & Đức, một cách phổ quát….thì Đức Tin sẽ sinh ra, làm ‘Chuẩn chỉ’ như anh vừa mong muốn, chứ nó không tự nhiên sinh ra được. Ví như (A) giết người bị xử, (B) cũng thế mà chả sao thì không bao giờ có ‘Đức Tin’ cả anh ạ. Từ đó mỗi người sẽ tìm cách tự điều chỉnh theo tình thế, cách riêng, biến hóa nhân quả…. Đó có lẽ là nguyên nhân sâu sa nhất tại sao lại khó đo được ‘Lòng Người’ như anh vẫn than lên thế ! Từ đó, và nghĩ thêm về những ví dụ tôi vừa nêu…anh sẽ hiểu rằng có một ‘lực lượng xã hội’ phải chịu trách nhiệm về ‘Lòng người’ khó đo được đấy anh ạ !

Nhân sĩ : Vâng thưa ông, Tôi đi tìm khái niệm và cách đo ‘Lòng Người’ mà lại tìm ngộ được điều cao hơn thế là ‘Đạo & Đức’ để hiểu muôn dạng thức và biến thiên của ‘Lòng Người’. Vâng, khi con người chưa đặt chân lên được vì sao xa xôi thì vẫn khao khát hiểu về nó, đo lường cự ly đến nó. Nhưng Đạo là nắm hiểu các quy luật, Đức là đề ra được quy tắc thuận với nó, thì rồi bằng những cách khác nhau sẽ thực hiện được khát vọng đó trên thực tế, và nếu chưa được vẫn kiểm soát đúng mọi sự mà sống an hòa. Cảm ơn Ông !

Lão sĩ : Ta nói thêm với anh một câu nữa thực quan trọng : tuy khó đo được, nhưng những kẻ mà ‘Lòng Người’ của họ thay đổi bất lường thì chính đường đời của họ sẽ bất trắc, vì ( Tâm / Kỷ / Tính ) không được Đạo & Đức dẫn lối nên sống nghịch. Môi trường xã hội nào mà lại khiến ‘Lòng Người’ biến động bất lường tức là xã hội đó không đi đúng cách của Đạo và Đức ! Thế là rơi vào loạn ! Hãy thấu điều đó !

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.