Đối thoại với Doanh nhân

Đối thoại với Doanh nhân

MỌI SỰ ĐỀU TRONG LUẬT NHÂN QUẢ !
Hàng tuần, tôi thường gặp nhiều Doanh nhân đề chia sẻ kiến thức và trao đổi ý kiến. Rất nhiều bạn là những người giỏi giang, học nhiều và có văn bằng cao….Các bạn đi qua muôn khó khăn trong cuộc sống để phát triển bản thân và Doanh nghiệp. Tôi luôn nhận được từ các bạn nhưng câu hỏi có vẻ như ngoài các kiến thức về CEO…nhưng thật hào hứng và thú vị, làm chúng ta quan tâm thực chất, quay trở lại công việc của mình thấy ‘đẹp Đời sáng Đạo’ hơn biết bao !
……………….

Dưới đây là 5 câu hỏi điển hình : 

Hỏi : thưa, Niềm Tin thì em đã hiểu là rất cần cho cuộc sống…nhưng trong em chưa thực có, dù cũng hay đi chùa chiền, lại hỏi cả các Sư thày. Nhưng chưa biết làm thế nào để có được Niềm Tin ?

Trả lời : hãy chiêm nghiệm ‘lẽ NHÂN QUẢ’ ở chính mình, rộng ra là ở đời : những gì đã, đang làm, nghĩ, trải…. nếu Nhân là tốt / xấu thì Quả mình gặt là gì ? Từ đó hiểu ra có Niềm Tin, rồi ngộ thành Đức Tin, nên nung nấu trong hành trình sống của mình những điều gì ắt dẫn mình đến Tương lai mong muốn. Chính là có Niềm Tin vậy. Người nông dân khi làm ruộng, gieo hạt…là Nhân, thì họ nung nấu cần mẫn, chăm chỉ… sẽ nhận được Quả là những bông lúa trĩu hạt – cho họ. Nếu không có Niềm Tin đó thì chẳng muốn làm, làm thì như cực hình. Trên thực tế có thể mất mùa, nhưng Niềm Tin về Nhân Quả như thế mà bị mất trong họ, thì họ có nguy cơ chết đói, và sẽ không có động lực cải tiến sau đó về cách làm ( kế hoạch, dự báo, đề phòng rủi ro… ). Nên trước hết bạn cần tạo Niềm Tin ở chính mình ( quy tắc hành động đúng ) , cùng là Đức Tin vào Trời ( các quy luật tất yếu )….rồi soi xét đến Người….Khi ai đó chưa có Niềm Tin thì chính bạn hãy thắp sáng nó lên từ mình để người khác ‘theo bạn’ !

Hỏi : thưa, trong Kinh Thánh có câu nguyện : ‘…xin Chúa cho con có được Phép Lạ…’ nghĩa là sao ?

Trả lời : ‘Phép Lạ’ ở đây chính là : khai sáng con đường chưa biết / giải tỏa những tai ương / tránh được những điều xấu / đoán định được điều xảy ra / hóa giải được khó khăn … Chúng ta biết rằng mọi sự đều có cách, và còn cách hay, nhưng trước hết được tìm ra, khởi động bởi và từ chính mình. Nhưng kẻ u tối , độc ác, ích kỷ, gian tà, tha hóa…thì có thể tìm ra cách, nhưng không thể thấy được cách hay mà phát lộ nên trong họ những tiềm ẩn, khả năng quý báu, lại được rất nhiều người, thậm chí cả Thánh Thần , Quý Nhân cũng trợ giúp ( thì ắt sẽ hanh thông và đắc chí ) ! Hãy hình dung mình như ‘chiếc Cốc’ nếu xấu sứt bẩn tạp, uế cặn trong đó thì đựng nổi gì gọi là Chân Thiện Mĩ nữa cho được, nên làm thì cứ làm, sống thì cứ sống nhưng càng theo thời gian càng suy nhược và bi kịch….

Hỏi : Thày vẫn nói : cuộc sống con người, của các tổ chức là luôn giành những nỗ lực quan trọng nhất để hành động hướng về Tương lai. Vậy làm sao xác định được tương lai ?

Trả lời : Vâng ! Xác định được Tương Lai mới biến hiện tại nên hành động như thế nào ! Ngay hôm nay ( hiện tại ) bạn và chúng ta đang làm gì thì phần lớn ý nghĩa của việc đó cũng cốt để có Tương lai tốt hơn, nên bớt đi những tâm sức cốt để sửa chữa hay cố ‘quay về’ Quá khứ !
Bài toán ‘về Tương Lai’ luôn là hấp dẫn, khát vọng nhưng đầy thử thách với mỗi người. Để xác định được Tương Lai thì có 3 cách rất cơ bản : 1. Bạn cần làm thống kê ( ngay và luôn và chính xác ) những gì đã và đang làm để từ đó hiện lên khuynh hướng mà dự báo được tương lai gần ( ít nhất 1 chu kỳ hành động sau đó ). 2. Cầu đến cách quan sát đánh giá về SVHT từ bên ngoài ( ngôi nhà, hệ thống…của bạn ), ví như nhờ GPS bạn biết tới đây 50 km, khoảng 30 phút nữa điều gì đang, có thể xảy ra phía trước để mà căn chỉnh, hoạch định sớm. 3. Tưởng định logic : những gì sẽ xảy ra do tính liên thông, tương kết, dây chuyền của các sự vật hiện tượng . Ví như chính trị giữa các nước lớn như thế thì giá dầu mỏ, tỉ giá hối đoái…sẽ như thế nào…Bạn học biết rộng để thêm khả năng đó ! Xuyên suốt là bạn cần hiểu thấu các Quy luật của Thiên Địa Nhân, sẽ hình dung được các diễn tiến của môi trường bên ngoài, từ đó để ra Quy tắc tự thân để đi đến Tương Lai của Bạn một cách khôn ngoan ( ít xung đột / ít phí tổn / ít hậu quả )…rôi tự thế mới ‘thêm’ được những thứ hữu ích khác !

Hỏi : thưa, chúng em vẫn nghe nói ‘càng cho đi càng giàu lên’ ….cảm thấy hay hay thôi, nhưng nhìn lại bản thân và xung quanh thấy muôn vàn điều để khó thực hiện như thế quá ! Chính Thày nhận xét ‘Nhân chi hằng tính vị kỷ’ đấy thôi !

Trả lời : Bạn hãy quan sát dòng sông : trong lòng chứa nước và thủy sinh….Sông càng lớn, càng chảy đi…tặng mọi thứ nó có cho phía hạ lưu, cho ruộng đồng, cho làng mạc hai bên bờ….thì nước và thủy sinh càng phong phú và nảy nở. Đặc biệt khi dòng sông đó đủ ‘tương giao sinh thái’ với Trời Đất trong luân vũ xuân / hạ / thu / đông ….thì nhận lại được rất nhiều nước bởi mưa kết từ ngoài biển lớn, được điều tiết bởi các mạch ngầm. Nếu sông bé ti, lại bị o bế, lưu cữu…chẳng cho đi thì còn đâu chỗ để nhận thêm vào…cứ thế mà xú uế, khô khóng…Mỗi con người cũng giống từng dòng sông. Nếu sợ mình bé mà không muốn trao đi, cũng chẳng biết nhận vào những thứ tinh hoa, sức sống mới…từ vật khác, từ rộng lớn….thì ắt thành dòng sông chết ! Con người luôn vì mình, đúng rồi ! Nhưng ở đây ‘vị kỷ’ chính là ‘muốn ăn hãy gắp bỏ cho người / cây có to mới đỡ cho dây cuốn / đắt hàng bà sẽ trôi hàng tôi / muốn danh thơm thì phải cống hiến…

Hỏi : Thày có nói :’tuy có sẵn nhiều điều tốt nhưng phương pháp không tốt thì nói chung hậu quả rất xấu’. Chúng em về nghĩ mãi…thấy cái xấu sao nhiều thế ! Nhưng muốn sáng tỏ hơn ạ ?

Trả lời : thử nhìn lại nước Việt ta : bao nhiêu là điều tốt…: thiên nhiên cảnh quan / lịch sử truyền thống / văn hóa văn hiến / khát khao mong muốn / hơn nữa lòng dân rất tốt….nhưng trong xã hội còn rất nhiều điều xấu và chúng ta đang tụt hậu so với nhiều nước : dân trí vốn không cao / tài nguyên khoáng sản chẳng có gì / thoát ra từ thuộc địa nô dịch / quá khứ đau thương…./ dân số ít ỏi / lại chả hề có Đảng ‘sáng soi’… Tất cả là do PHƯƠNG PHÁP : quản trị tốt từ bản thân đến Quốc gia đó thôi : tốt từ việc nhỏ đến đại sự, từ từng giây cho đến tầm nhìn nhiều chục năm….Con Người hơn Con Khỉ ở Phương Pháp như thế : xây dựng tổ chức mục tiêu, mà cách hoạt động của nó : Chính thống / chính quy / chính Đạo : ở mọi cấp độ và quy mô : tham gia và hưởng lợi bằng năng lực tốt, ưu trội ! Xã hội nào cũng luôn tồn tại những điều xấu – giống như trong cơ thể ta luôn còn vi khuẩn có hại. Nhưng chính điều đó thử thách ‘hệ miễn dịch’ của ta, sức đề kháng của năng lực xã hội, đề nguyên của bản sắc…phải hoàn thiện và phát triển. Nếu thua điều xấu, đó là ung thư ! Ở cương vị Doanh nhân bạn luôn tự thấy : muốn thành đạt, giàu có hạnh phúc hội ở chính bạn thì dù cuộc sống thế nào hãy đem mọi điều tốt của mình ra thể hiện bằng phương pháp tốt !
….

Cảm ơn các bạn Doanh nhân !

Bình luận (10)

  1. Thưa thầy, em vốn cũng đọc và ngẫm nhiều về các triết lý tôn giáo, cũng đã nghe nhiều về khái niệm Đức tin, nhưng ko thấu rõ được Đức tin là gì. Do vậy là đôi khi thấy mình tự tin, nhưng nhiều lúc gặp khó khăn, nhìn về tương lai vẫn còn nhiều nỗi sợ hãi. Bản chất của cuộc sống thiếu Đức tin là còn nhiều nỗi sợ hãi trong tâm hồn (lo lắng về tương ai ko được như mình mong muốn). Nhưng bản thân em vẫn luôn có một động lực vô hình hướng em đi theo con đường thiện và phát triển. Trải qua rất nhiều đấu tranh nội tại và cố gắng vượt qua chính mình. Vào một ngày em trải nghiệm được Đức tin đã đến với mình, rất tình cờ và bất ngờ. Ko biết diễn tả thế nào, nhưng khi Đức tin đến em thấy em có một niềm tin chắc chắn vào tương lai tốt đẹp, niềm tin này không thể bị lay chuyển cho dù có bất kỳ một sự kiện xấu nào xảy ra, cảm giác hân hoan, vui mừng một cách thầm lặng, ko còn bị các vượng bận, khó khăn hàng ngày dày vò tâm hồn nữa. Sự khác biệt giữa Đức tin và Niềm tin thông thường đó là sự Chắc chắn vào điều mình tin tưởng. Đức tin là tin chắc chắn rằng nó có thật, nó sẽ xảy ra, không thể sai khác được, cho dù có biến cố gì xảy ra ngoài ý muốn thì cũng ko lay chuyển được niềm tin đó. Còn niềm tin thông thường là niềm tin ko chắc chắn, nó dễ bị thay đổi theo thời gian và sự kiện. Và em hiểu ra rằng Nếu có Đức tin thì con người ta sẽ sống và hành động mà không còn “sợ hãi” nữa. Đức tin đến thật tình cờ, chợt lóe trong tư tưởng nhưng sẽ bền vững mãi kể từ khi ta ý thức được về nó. Nó là một sự giác ngộ. Nhưng em cũng hiểu rằng ko phải nó thực sự đến một cách tình cờ và may mắn, nó là kết quả của cả một thời gian dài mà bạn đi tìm kiếm một cái gì đó Đúng quy luật, Thiện, Lành, Cao cả.
    Cám ơn Thầy vì chính Thầy là một phần trong hành trình tạo dựng nên Đức tin đó. Và em cũng muốn thầy chia sẻ câu chuyện nhỏ này cho những ai đang đi tìm Đức tin.

  2. Hi anh Huy Minh, Như em đã chia sẻ: Đức Tin là một trải nghiệm trong nhận thức, nó là 1 sự lóe sáng trong tâm thức mà kể từ đó niềm tin vốn được hiểu theo ngôn ngữ, khái niệm, phân tích bằng trí thông minh trước kia được khẳng định lại 1 cách chắc chắn, ko còn nghi ngờ gì nữa. Còn cái mà anh Huy Minh đang phân tích đó là Niềm tin thông thường (là điều mà trước đây em cũng đã trải qua). Người tin tưởng vào 1 điều gì đó thì nhiều, nhưng người có Đức tin thì em cho là không nhiều. Hàng tỉ người mà anh bảo có Đức tin đó thực ra cái tin đó mê tín lắm, u mê lắm, họ còn lưỡng lự nhiều lắm, họ còn đắn đo nhiều lắm. Thực ra đây là 1 trải nghiệm trong nhận thức, rất khó để diễn tả cho ai đó hiểu được, nó ko phải là 1 sự nhận thức bình thường quan ngôn từ, chữ nghĩa, phân tích. Mà nó là 1 sự bừng tỉnh trong nhận thức mà kể từ đó nhận thức và cảm xúc của con người ta có nhiều sự thay đổi rất lớn diễn ra. Đó là 1 sự kiện quan trọng, tạo ra nhiều sự hanh thông cho mọi sự sau này. Khi đó trong đầu người có Đức tin chỉ còn nhất quán một hướng đi, tin tưởng chắc chắn vào bản thân mình cũng như quy luật mà mình đã nhận thức được. Mọi chuyện bây giờ chỉ còn xoay quanh câu chuyện về giải pháp và nỗ lực để thực hiện điều mà mình tin tưởng đó. Nếu đã là Đức tin thì sẽ ko bao giờ từ bỏ và ko bao giờ thoái chuyển được nữa. Nó là một sự chắc chắn tuyệt đối. “Dù chết cũng ko từ bỏ và dù thất bại cũng ko từ bỏ, dù có chuyện gì xảy ra đi nữa”. Đó là sự khác biệt giữa Đức tin và niềm tin thông thường. Khi đã nhận thức Đức Tin như thế thì ko thể có sự sai lầm được nữa, nó ko phải là 1 niềm tin được hình thành 1 cách đơn giản, nó là cả 1 quá trình đi tìm kiếm những điều tốt đẹp và nhận thức các quy luật khách quan. Để đến với nó, chắc chắn là phải trải qua rất nhiều các sai lầm và thất bại, nhưng đã gặp được nó thì ko còn sự nhẫm lẫn nào nữa cả.

  3. Về đức tin, chắc chắn rằng có hàng triệu, thậm chí cả tỉ người trên thế giới có đức tin, những Phật tử, những con chiên Công giáo, Tin lành, những người Hồi giáo chẳng hạn, họ tin tưởng tuyệt đối vào Phật, vào Chúa, vào Thánh Allah. Nhưng rất tiếc rằng cả tỉ người đó không phải đều thánh thiện, cao quý. Đức tin của họ không sai, nhưng có lẽ chưa “đủ độ” chăng ?.

    Về nhân quả, với tư duy “lập trình” tôi nghĩ Tạo hoá duy trì một cơ chế và công cụ để ghi lại toàn bộ suy nghĩ, hành động của bất kỳ người nào, giống như là có một “vị thần” cần mẫn và phi phàm, quan sát, theo dõi chúng ta online 24×7, mọi việc làm, lời nói của chúng ta không thể giấu được Ngài (y như việc khi chúng ta sử dụng Internet thì hệ thống sẽ tự động ghi lại những thông tin liên quan trong thời gian online vào trong 1 file log nào đó vậy).
    Bởi nếu không có gì ghi lại đầy đủ mọi hành động của mỗi người sẽ dẫn đến một kết quả là cứ mỗi sáng ngày ra, ai cũng sạch sẽ, trong sáng, thánh thiện như ai. Đó là điều không thể có.
    Việc “phán xét” công, tội của mỗi người do đó đều có đầy đủ hồ sơ, chứng cứ, và Tạo hoá hoàn toàn có thể “xử” một cách tự động một cách công bằng nhất, có cân nhắc đầy đủ các yếu tố thưởng/ phạt khác. Có lẽ đó mới là cách thức mà Ông Trời sử dụng để cai quản vạn vật – dùng những phần mềm, chương trình tin học hết sức vi diệu để quản. Vị thần cần mẫn ghi lại mọi hành động của chúng ta có thể chỉ là những “chương trình phần mềm máy tính” để luật Nhân – Quả được thực thi một cách công bằng và chính xác.
    Tôi có thể chứng minh những “phần mềm” như vậy tồn tại, bởi ngay trong cơ thể mỗi người có chừng 60-80 nghìn tỷ tế bào các loại, liên quan với nhau, hoạt động nhịp nhàng trong 1 cơ thể, vậy cái gì “theo dõi, quản lý, giám sát” hàng chục nghìn tỷ “tế bào/đối tượng” như vậy một cách hoàn toàn tự động trong hàng chục năm trời ?. Thông tin, dữ liệu, tình trạng,… của mỗi tế bào sản sinh ra một khối lượng vô cùng lớn data, không rõ cái cơ sở dữ liệu (database) này lớn đến cỡ nào, bao nhiêu tỷ tetabytes hay một cách thức lưu trữ kỳ diệu nào của Đấng Tạo hoá làm được những việc như vậy?.
    Hãy biết kính sợ cái vi diệu của Tạo hoá, Luật nhân – quả nhìn theo con mắt của dân IT có vẻ hợp lý, phải ko bạn ?.

  4. Có lẽ “đức tin” như mô tả của bạn Phan Tiến Anh mô tả là sự “chứng ngộ” rất hiếm hoi của các vị thánh – “nó là 1 sự lóe sáng trong tâm thức”, có nghĩa là trí tuệ của bậc chứng ngộ khi đó sẽ thông tỏ được chân lý. Đó là thời khắc mà Đức Phật chứng ngộ dưới gốc cây bồ đề; đó là Đức Chúa Jesus xác định được “thân phận” Chúa Con của mình; đó là lúc Ngài Muhammad nghe được lời “mặc khải” của Thượng Đế,… trải nghiệm tâm linh tuyệt vời của những bậc chứng ngộ là hạnh phúc tràn đầy, sự thăng hoa kéo dài có khi tới 7 ngày sau đó!!!.
    Bạn thử chia sẻ cho mọi người xem bạn đã ngộ ra điều gì, bạn có tin vào Thượng Đế hay một điều gì lớn lao, kỳ diệu sắp đến, hoặc bạn nhận thấy rõ “sứ mệnh đặc biệt” của bạn trong cuộc đời này là gì ?. Tương lai của nước Việt sắp tới ra sao ?. Ta với Tàu có choảng nhau không ? …
    Tôi muốn nói rằng, sự chứng ngộ hoặc có được “đức tin” đối với bất kỳ ai cũng là rất quý và hiếm. Từ lâu, thiên hạ đều mong ngóng một phép màu kỳ diệu xảy ra tại thời điểm này, trong giai đoạn này để cứu dân, cứu nước.
    Rất mong được bạn chia sẻ.

  5. Trong một bài trước đây mình có ý kiến về sự khác nhau về cấp độ giữa niềm tin và đức tin, giữa giác ngộ và chứng ngộ.
    Giác ngộ cũng là sự bừng tỉnh về hiểu biết, chẳng hạn trong giai đoạn đầu của cách mạng VN, biết bao người được “giác ngộ cách mạng” để rồi:
    “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ,
    Mặt trời chân lỹ chói qua tim.” (Thơ Tố Hữu)
    Như vậy rất nhiều người có thể “ngộ” ra điều gì đó mới mẻ mà mình chưa biết hoặc mình từng hiểu khác.

    Cũng có trường phái phân biệt cấp độ hiểu biết khá cực đoan, chẳng hạn như đoạn trích dẫn dươi đây trong sách “Thế nào là Thông thiên học hay Minh Triết thiêng liêng”:

    “Một Đại sư một hôm được một đệ tử hỏi thế nào là sự hiểu biết. Ngài đáp rằng có hai sự hiểu biết, một thứ thấp và một thứ cao. Tất cả những điều hiểu biết thông thường như khoa học, mỹ thuật, văn chương, kinh sách cho đến thánh thư Vệ đà, tất cả những môn đó đều thuộc thứ hiểu biết thấp. Chỉ có sự hiểu biết Đấng Duy Nhứt sáng tạo vạn vật mới là sự hiểu biết cao. Đó là ý nghĩa của Thông Thiên Học, sự hiểu biết Trời, sự hiểu biết Thượng Đế, nguồn cội của sự sống trường tồn.
    Như vậy, trái với sự quả quyết của các nhà khoa học, tôn giáo không phải là sản phẩm của sự dốt nát mà là kết quả của sự hiểu biết thiêng liêng. Tôn giáo chẳng qua là những con đường hướng dẫn con người đến Thượng Đế. Chúng là nguyện vọng của linh hồn hướng về thiêng liêng, của con người tìm hiểu Thượng Đế.
    Các bạn thử dở một quyển sách sử ký, các bạn thử tìm hiểu một văn minh hay thử thám hiểm Tây phương hay Đông phương cho đến tận góc biển chân trời, đâu đâu quí vị cũng để ý thấy sự khao khát Thượng Đế của nhơn loại. Đó là một tiếng kêu gọi tha thiết được một thi sĩ diễn tả bằng những lời cảm động: “Con nai tơ không sao quên dòng suối trong, con cũng thế, con không sao không nghĩ đến Ngài, hỡi Thượng Đế mến yêu!”. Giordano Bruno cũng nói lên một ý niệm tương tự khi ông sánh sự khao khát Thượng Đế với sức mạnh của dòng nước ngày đêm tuôn chảy để trở về mức độ bình thường.
    Nếu bạn muốn biết, biết một cách rõ ràng chớ không phải ước mong, tưởng niệm mà thôi, biết với một niềm tin không lay chuyển, thì bạn hãy tìm Đấng Thánh Linh không phải ở ngoài bạn mà ở trong bạn. Bạn đừng gặp nhà khoa học, họ không chỉ bảo gì được ngoài những luật thiên nhiên bất biến; bạn đừng hỏi nhà thần học, họ chỉ lý luận suông mà thôi; bạn cũng không thể nào nhờ các nghệ sĩ tuy họ diễn tả rất khéo vẻ đẹp của Thượng Đế; bạn cũng không nên thảo luận với các triết gia, họ chỉ đưa ra những luận cứ trừu tượng. Bạn hãy hướng vào trong chớ đừng quay ra ngoài, bạn hãy tiến sâu vào lòng bạn và tìm ở buồng tim của bạn sự mầu nhiệm rất đáng cho bạn khám phá, và chỉ ở đó và ở đó mà thôi, bạn mới có thể tìm ra Thượng Đế. Và khi bạn tìm được Ngài, bạn sẽ thấy rằng tất cả trong vũ trụ đều ca tụng sự vinh quang của Ngài và bạn sẽ thấy Ngài ở khắp nơi.

    Đó là Chơn lý căn bản, chơn lý của các chơn lý. Đó là Minh Triết Thiêng Liêng mà chúng ta gọi là Thông Thiên Học.

    Tóm lại là những hiểu biết về Thượng Đế, về bản chất cốt lõi của Vũ trụ, vạn vật và Con người mới được xem là “sự hiểu biết cao”, còn các hiểu biết khác mang tính “chuyên môn”, chuyên gia, kỹ thuật,… và những ai may mắn có một chút đức tin để “chứng ngộ” chắc chắn sẽ có được sự “hiểu biết cao”, có thể nói có được “Minh Triết” vậy./.

  6. Sau vài giác ngộ nho nhỏ, em đã hiểu ra có một sự khác biệt rất lớn giữa sự hiểu biết kiến thức thông thường và những trải nghiệm có tính giác ngộ. Trong các sách bàn về câu chuyện tâm linh có nói “Hàng ngàn người học hỏi kiến, không có lấy một người gặp được Thượng Đế-Chân lý”, trước đây em ko hiểu tại sao như vậy, nhưng sau đó thì đã hiểu sự khác biệt. Sự giác ngộ dù lớn hay nhỏ đều là sự thay đổi về trạng thái của Tâm, một sự thay đổi thực sự mà kể từ đó: điều mà người giác ngộ có được sẽ hiện hữu thường hằng nơi người được giác ngộ, nó trở thành một phẩm chất, một đặc tính của người đó.
    Khi chúng ta nhận thức bằng lý trí, bằng khái niệm, bằng ngôn từ…thì sẽ còn rất nhiều khúc mắc, còn phải tranh cãi hoài hoài. Nhưng nếu đó là một sự trải nghiệm có tính giác ngộ thì không còn phải bàn cãi gì nữa. Và vì nó là trạng thái của Tâm nên dẫu có cố gắng mô tả cỡ nào cũng không thể diễn tả cho đúng được và người nghe cũng ko thể hiểu hết được. Nhưng nếu ai đã trải qua thì chỉ cần nói là hiểu.

  7. Cái mà anh Huy Minh đề cập là sự chứng ngộ cao cả của các bậc Thánh Nhân. Điều này em không dám bàn tới. Cái mà em chứng ngộ được đó là Đức tin vào chính bản thân mình, tin vào những nhận thức vào những trải nghiệm của mình, tin vào định hướng mà mình sẽ phải đi trong thời gian tới. Nói 1 cách ngắn gọn đó là Đức tin vào chính bản thân mình có đủ khả năng để vươn tới một cuộc đời mà mình mong muốn. Cái mà em mong muốn tất nhiên là 1 mục tiêu rất tốt đẹp cho bản thân cũng như mọi người. Nó là 1 cái gì đó rất con người, rất thực tế, nếu mà nói nó là 1 sự nhiệm màu thì đó là “sự nhiệm màu” với chính bản thân em. Nó “nhiệm màu” vì sau khi chứng ngộ được điều đó thì mọi nỗi sợ hãi trước đây giờ đã tan biến, tâm hồn cảm thấy rất bình an và tự tin. Em vốn là 1 con người mình thường, trí tuệ bình thường, xuất thân bình thường, nhưng lại có một khao khát sống tốt đẹp, đã nỗ lực nhưng kết quả không được bao nhiêu, nên thường xuyên bị trìm trong cảm giác tự ti, nghi ngờ về chính bản thân mình, bị bủa vây trong tham, sân, si, đứng trước lợi danh luôn băn khoăn không biết nên đi theo hướng nào… Sự vênh nhau giữa Mong muốn, nỗ lực và kết quả đạt đạt được + thêm những nỗi sợ hãi trong tiềm thứ đã tạo nên một khoảng trống trong Đức tin.
    Em xin lưu ý lại: Em ko đi tìm những điều cao siêu hay vĩ đại, ko mong cầu có thể phán đoán được tương lai xã hội hay giúp đỡ được cho hàng vạn người . Em đi tìm sự giác ngộ trong chính bản thân mình, muốn vượt qua chính sự tầm thường của bản thân mình, muốn sống một cuộc đời bình an và hữu ích giữa thế gian này. Và em cũng phát hiện ra Làm một con người bình dị và khiêm tốn là điều khó nhất. Nếu bạn tin vào Phật hay vào Chúa thì rồi bạn cũng có thể cảm thấy sợ Phật, sợ Chúa, sợ tức là không hiểu rồi. Còn nếu bạn tin vào chính bản thân mình thì bạn sẽ ko còn sợ nữa. Bạn sẽ thấy Chúa hay Phật đều gần gũi và thân thương, Ngài là những người thầy Đáng kính và ta phải có bổn phận phải học theo ngài. Và dưới cái nhìn của em Phật và Chúa đều mỉm cười khi em giác ngộ được một điều gì đó nho nhỏ. Lời dạy cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập niết bàn là “Này! Các người phải tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Em tin là mình đã và đang làm được điều này.
    Em nghiệm thấy Con người dưới sự kích thích của Tham, Sân, Si rất thích đi tìm kiếm những điều vĩ đại, kỳ diệu. Em muốn đi ngược lại theo hướng này, đi tìm sự kỳ diệu trong những điều nho nhỏ. Chính những sự thay đổi, giác ngộ nho nhỏ này đang mang lại cho em những cảm xúc tích cực và sự tự tin. Và đúng tối ngày hôm qua, một doanh nhân nông dân sau khoảng 3 tháng trao đổi các tâm tư, suy nghĩ, cách làm với em đã có những sự thay đổi lớn về mặt nhận thức trong cách nghĩ, cách làm. Từ một doanh nhân chuyên đi cửa sau, chạy dự án, đẩy giá, rơi vào vòng xoáy lừa lọc…giờ đây đã phải quay lại suy ngẫm 1 cách thận trọng về Nhân quả của các làm đó, em đã khơi gợi cho anh ấy hiểu sau tất cả những sự kiện đó rồi họ sẽ được cái gì. Và dùng tất cả những dẫn chứng kết quả mà họ đã nhận được trong cuộc đời làm ví dụ để minh chứng cho cách hiểu của em. Anh ấy đã ngộ ra được điều gì đó và anh ấy muốn thay đổi. Với em đó là sự kỳ diệu, là điều mà em đã làm được. Nếu như em mới làm thay đổi được 1 người thì có lẽ thầy Nguyễn Tất Thịnh đã làm được điều đó cho hàng chục ngàn người. Nhưng em tin là em với tư cách thế hệ đi sau sẽ lĩnh hội và kế thừa được các tư tưởng lớn của thế hệ đi trước như thầy Thịnh, bác Nguyễn Trần Bạt, thầy Giản Tư Trung, anh Nguyễn Mạnh Hùng, và còn rất nhiều doanh nhân khác nữa.
    Và lời cuối em mong mọi người ko nên đồng hóa giữa Kết quả và Nguyên Nhân. Sau này có thể em là một người nông dân, nhưng chắc chắn là một người nông dân chăm chỉ, sản xuất giỏi và hạnh phúc nhất, em có thể là một người thợ, nhưng sẽ là một người tợ chăm chỉ, tỉ mỹ và sáng tạo nhất và cũng hạnh phúc nhất, … Tinh thần sống là điều quan trọng nhất khi con người ta có đức tin. Còn nếu ai đó bám chấp vào các hình thức, mục tiêu tạm bợ sẽ không bao giờ có Đức tin, nếu có rồi nó cũng sụp đổ. bản chất đó chỉ là sự cố chấp.
    Em vẫn luôn mong muốn có dịp được gặp Thầy Nguyễn Tất Thịnh và anh Huy Minh trong thực tế. Đọc nhiều, hiểu nhiều, được hưởng thành quả nhiều từ sự nỗ lực, cố gắng của các anh, các thầy mà chưa có dịp được diện kiến. Chúc thầy và anh luôn mạnh khỏe. Trong khi trao đổi câu văn của em vẫn còn thể hiện nhiều ngạo khí nên có gì chưa phải mong Thầy và anh bỏ qua cho. Như em nói làm người bình dị và khiêm tốn là điều khó nhất đối với em. Em đang phải rèn để làm việc khó. Em tin là em sẽ làm được.

  8. Nói về những “nỗi sợ hãi” của phàm nhân và thánh nhân, trong cuốn Đạo Đức kinh có hai chương đề cập tới, đó là:
    + Chương 2: Dưỡng thân (Tuyệt học vô ưu. Duy chi dự a, tương khứ kỷ hà. Thiện chi dữ ác tương khứ nhược hà. Nhân chi sở úy, bất khả bất úy. Hoang hề kỳ vị ương tai. Chúng nhân hi hi như hưởng thái lao, như đăng xuân đài. Ngã độc bạc hề kỳ vị triệu, như anh nhi chi vị hài. Luy luy hề nhược vô sở qui. Chúng nhân giai hữu dư, nhi ngã độc nhược di. Ngã ngu nhân chi tâm dã tai. Độn độn hề chúng nhân chiêu chiêu, ngã độc hôn hôn. Chúng nhân sát sát, ngã độc muộn muộn. Đạm hề kỳ nhược hải. Liêu hề nhược vô chỉ. Chúng nhân giai hữu dĩ nhi ngã ngoan thả bỉ. Ngã độc dị ư nhân, nhi quí thực mẫu).

    Ở đây, Lão tử có ý mô tả sự khác biệt giữa hai lối sống: (a) Lối sống của thánh nhân; (b) Lối sống của phàm nhân.
    Thánh nhân không mấy bận tâm về nền «tục học» (bằng cấp, học vị, kỹ năng chuyên môn,…) vì thấy hiểu rằng trong thế giới tương đối này, dở hay, giỏi dốt cũng chỉ là như tuồng ảo hóa. Có biết nhẽ ấy, sẽ thấy lòng được thung dung, khinh khoát.
    Tục nhân lo cái gì, thánh nhân lo cái ấy; nhưng tục nhân thì lo đến hốt hoảng mất tinh thần, còn thánh nhân thì không bao giờ để ngoại cảnh làm xao xuyến tâm thần.
    Phàm nhân chạy theo phù du, ảo ảnh bên ngoài, lao đầu vào những thú ăn chơi, đài các. Thánh nhân thời sống thanh đạm, bạn bè cùng những thú vui cao khiết tinh thần, nên thường bị người đời coi là quê kệch, lạc hậu, thoái hóa.
    Phàm nhân chạy theo tài lợi, cố súc tích tài lợi; còn thánh nhân thì lại không am tường những cung cách kiếm tiền.
    Phàm nhân tỏ ra sắc sảo, tính toán rạch ròi mọi chuyện thế gian; thánh nhân không mấy lưu tâm đến thế sự, nên khi lâm sự, thường vụng về, ngây thơ, không thể có những thủ đoạn gian ngoan, xảo nguyệt.
    Xét theo tiêu chuẩn thế tục, thì phàm nhân có vẻ văn minh tân tiến, còn thánh nhân thời lại có vẻ quê mùa, chất phác, vì một đằng theo rõi thời trang, thời thế; một đằng sống nội tâm, mà không mấy chú trong đến những hình thức bên ngoài.
    Cái khác biệt của thánh nhân là:
    Thánh nhân sống phối kết với Đạo, với Trời, không lìa xa Thiên chân, Thiên thể, còn phàm nhân thì sống xa Đạo, xa Trời, bị cuốn lôi trong vòng hồng trần tục lụy. Câu «quí thực mẫu» của Lão tử toát lại đời sống huyền đồng của các bậc thánh nhân mọi nơi mọi đời.
    Câu này làm ta liên tưởng đến một đoạn sau đây trong quyển Mysticism của Everlyn Underhill: «Nhà huyền học trực giác được một thế giới siêu nhiên nằm gọn trong biên cương của lòng sốt mến, và một tâm hồn siêu thoát tục lụy, nhưng hằng khao khát muốn vươn lên cho tới Tuyệt đối; chỉ vừa lòng khi được sống phối hợp với Thượng đế. Lúc ấy, theo sự mô tả của Patmore, thánh nhân sẽ như «trẻ thơ còn ngậm vú mẹ Tạo Hóa» hay như «người tình đã tìm lại được người tình».

    • Chương 55: Huyền phù (Hàm đức chi hậu, tỷ ư xích tử. Độc trùng bất thích, mãnh thú bất cứ cược điểu bất bác. Cốt nhược cân nhu nhi ốc cố. Vị tri tẫn mẫu chi hợp nhi toàn tác. Tinh chi chí dã. Chung nhật hào nhi bất sá. Hòa chi chí dã. Tri hòa viết thường. Tri thường viết minh. Ích sinh viết bất tường. Tâm sử khí viết cường. Vật tráng tắc lão, vị chi bất Đạo, bất Đạo tảo dĩ.)

    Đại ý rằng người tu đạo (có đức tin) như thể có mang một đạo linh phù trong người, không có gì làm hại mình được. “Kẻ nào đức dày, giống như con đỏ. Độc trùng không cắn, thú dữ không ăn, chim ưng chẳng bắt.”
    Chân nhân vì có chân thần, nên không có gì hủy hoại được, vì thần thì bất tử bất diệt. Liệt tử cũng nói rằng: «Thánh nhân tàng ẩn trong lòng Trời, cho nên vật không thể làm hại được.»
    (Theo nhantu.net, trang nhà của Bs Nhân tử Nguyễn Văn Thọ).

  9. Việc em có được Đức tin cũng giống như Nhà thám hiểm không còn sợ hãi khi bước vào một khu rừng mới, hay khám phá một vùng đất xa lạ mà trước đây ta luôn sợ hãi “Nếu ko may thì …”. Có hai loại hiểu biết: một thứ qua tư duy, suy luận và một loại khác là do trực tiếp xúc cảm thấy. Đức tin đến với em là loại thứ 2, tức là trực tiếp xúc cảm thấy trong Tâm, nó đến rất tình cờ và em có cảm giác mừng rỡ khi cảm nhận được đều đó, và ko còn điều gì nghi ngờ về nó nữa. Tất nhiên để có cái thứ 2 thì em cũng đang trải qua một thời gian dài chìm đắm trong cái thứ 1. Nhưng vì cái thứ 1 là một dạng hiểu biết không toàn vẹn nên cảm giác vẫn thấy thiếu thốn. Nhưng nếu ai đó có cái bản ngã lớn thì khi có cái 1 họ tưởng họ đã có tất cả. Phải xóa bỏ bản ngã mới thấy được cái thứ 2. Và nếu cảm nhận được cái thứ 2 đến thì ko cần phải bàn cãi thêm gì nữa.

  10. Trong bài viết của Thày Thịnh có đoạn ai đó hỏi về lời cầu: “…xin Chúa cho con có được Phép Lạ”. Trong Thánh kinh chúng ta thấy Chúa Jesus rất hãn hữu dùng tới “phép lạ”, có chăng chỉ trong một vài trường hợp “bất khả kháng” như làm phép biến nước thành rượu trong một đám cưới dân dã nào đó.
    Clive Staples Lewis, một nhà văn, học giả, thần học nổi tiếng người Ai-len nói: “Chúa không ngẫu nhiên và dễ dàng tạo nên những điều kỳ diệu. Chúng đến trong những dịp lớn, đó là những tâm điểm lớn của lịch sử – không phải là lịch sử chính trị hay xã hội mà là lịch sử tâm linh mà con người chưa biết hết. Nếu bạn không sống gần với một trong những thời điểm lớn này, làm thế nào bạn có thể kỳ vọng nhìn thấy điều kỳ diệu?.”
    Có thể Chúa Jesus, Phật Thích ca cũng có những “phép lạ” nhưng chính các ngài không hề tuỳ tiện sử dụng chúng theo cảm tính, hoặc cố tình “khoe mẽ, lấy số” để chứng minh mình “khác người”. Thực ra các bậc chứng ngộ là những người thấu hiểu những định luật của tạo hoá, sống ung dung tự tại như đã được “lập trình”, các Ngài biết rõ sứ mệnh sang cả của mình, không cần phải khoe mẽ, so bì với ai cả.

    Một lời cầu “xin Chúa ban cho phép lạ” của người nào đó chắc khó mà được đáp ứng, bởi “anh ta sẽ sử dụng phép lạ vào việc gì, có chính đáng, thánh thiện hay không, anh ta xin được một lần liệu có xin nữa ko, liệu Chúa có thiên vị quá ko, trên trái đất có lẽ có cả tỉ người hàng ngày hàng giờ cầu xin những điều như vậy,….

    Thày Thinh cũng đã từng lưu ý rằng, mỗi người hãy luôn suy nghĩ thật kỹ về những điều ước của mình kẻo có lúc gặp Chúa, Phật, Thần Thánh,… lại “bối rối”, mất bình tĩnh không thể trình bày một cách rõ ràng và hợp lý những ước ao của mình, để rồi bỏ mất cơ hội vàng!!!.
    Tôi cũng muốn khuyên rằng, điều ước lớn nhất của bất cứ ai là “hãy ước ao, hãy cầu nguyện để không phải được giàu có danh vọng mà để có được một đức tin thường trực và một sự thông tuệ vĩnh cửu” bởi đó là những thứ mà nếu có, ta sẽ không cần ước ao một điều gì nữa./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.