Một số hội chứng tâm lí trong giao tiếp ứng xử

Một số hội chứng tâm lí trong giao tiếp ứng xử

QUÁ TRÌNH LÀM VIỆC CƠ B ẢN & QUAN TRỌNG NHẤT LÀ VỚI CON NGƯỜI

Con người, dù là ai luôn phải hòa nhập, gắn mình và tồn tại trong một môi trường xã hội để giao tiếp với người khác, khẳng định được cái riêng của mình, phát biểu được chủ kiến, từ đó nhận được sự hưởng ứng hay trợ giúp cho điều mình mong muốn. Giao tiếp ứng xử là cách phổ biến nhất trong hoạt động sống, vì trong mọi trường hợp ai cũng phải làm việc và mưu cầu thông qua, với người khác.

Mấu chốt là phải xuất phát điểm từ việc hiểu rõ cái chung để bộc lộ bản thân, đi đến cái riêng – đó là một thử thách lớn về khả năng giao tiếp ứng xử của bạn. Thành công hay thất bại là ở chỗ đó. Các tập quán và quan niệm chung của tổ chức hay rộng hơn là của xã hội, có thể khác nhau, một cách lâu dài sẽ tạo cho bạn một phong cách giao tiếp ứng xử, nhưng trên nền đó bạn muốn chứng tỏ điều riêng gì mà Bạn muốn đây? Bản sắc của bạn phải được bộc lộ tích cực như một giá trị cơ bản trong giao tiếp khiến bạn được thừa nhận.

Dưới đây chúng tôi sẽ đưa ra một số hội chứng điển hình trong giao tiếp ứng xử có tác dụng dương tính hay âm tính đến sự thành công trong giao tiếp với các đối tác của bạn trong cuộc sống tùy thuộc vào việc bạn nhận thức nó đến đâu và ứng dụng như thế nào.

Nguyên nhân của các loại hội chứng tâm lý dưới đây thường là:

  • Thứ nhất là: xuất phát từ sự hạn chế các năng lực của bản thân ( như phẩm chất, khả năng, những lợi thế ), về nơi xuất xứ của bản thân ( gia đình, doanh nghiệp và xã hội, địa vị bản thân );
  • Thứ hai là do không có điều kiện được bảo vệ hay hậu thuẫn bởi tổ chức tốt, hay bởi những người có sức mạnh và uy tín hơn ( như là doanh nghiệp, nghiệp đoàn hay chính phủ, hệ thống luật pháp, thủ trưởng );
  • Thứ ba là phải thường xuyên sống trong môi trường không cân bằng ( các mối quan hệ xã hội, quan hệ với thiên nhiên, quan hệ với thế giới tâm linh có thể sai lạc, cực đoan ).

Bài này là sự tiếp tục với bài tôi đã đăng trên chungta.com ( Các qui luật về hành vi ứng xử ). Hi vọng có thể giúp ích bạn đọc thêm một chút hiểu biết để chủ động, tích cực tích lũy những năng lực giao tiếp ứng xử trong nhưng hoàn cảnh sống và làm việc khác nhau

Tiền đề : Con người trở nên rất đáng sợ khi :
– Bị mất mặt trước người khác
– Bị bóc mẽ tâm địa
– Bị tước khả năng xử sự bình thường

1- Hội chứng rạp hát

Bạn vào rạp hát để xem kịch hay nghe hát, khi kết thúc, bạn có thể vì một lí do chưa rõ ràng mà không thấy nó hay, chưa biết có nên tán thưởng hay không, nhưng xung quanh bạn, mọi người vỗ tay rào rào. Tình hình ấy một cách trực tiếp khiến bạn vỗ tay, nếu không bạn sẽ tự thấy xấu hổ vì thiếu lịch sự, sẽ lạc lõng, bạn thấy ít nhất mình cũng không kém hiểu biết hơn những người khác

Trong giao tiếp nhiều khi để chứng tỏ mình cũng như người khác xung quanh hay ho và am tường mà bạn có thể dễ dàng cho qua sự bất cập trong thảo luận hoặc không tham gia sâu vào sự việc. Nếu điều này làm cho đối phương phát hiện ra, họ lợi dụng điều đó để hướng vào lợi ích của riêng họ, bằng cách chủ động tiến hành trao đổi với bạn ở những không gian văn hóa, đưa ra những ý kiến lịch sự, khá sâu về khía cạnh kĩ thuật và nghe có vẻ uyên bác về lĩnh vực mà họ đang nói, hoặc mượn lời của các nhà chuyên môn tên tuổi, của số đông, hoặc gán cho những ý kiến là của những danh nhân, của người có địa vị cao trong xã hội. Do bạn không am tường, hoặc không có sẵn chính kiến, lại ở bầu không khí Văn hóa, nên đã dễ dàng xuôi theo dòng dẫn dắt của họ để cuối cùng đi đến a tòng với một kết cục rất ít có lợi cho bạn. Bởi vì lúc bạn nhận ra điều này thì cũng chính là lúc bạn mắc phải thế bị kẹt tiến thoái lưỡng nan. Đương nhiên câu chuyện có thể hoàn toàn ngược lại, người bị lôi cuốn vào hội chứng này lại là đối tác của bạn, một khi bạn tạo ra được cái gọi là ‘Hiệu ứng văn hóa đám đông’ . Tóm tắt của loại hội chứng này là:

Trong không gian mang màu sắc Văn hóa, trang trọng …người ít hiểu biết và ít sẵn sàng có chính kiến nhất thường hưởng ứng, phản xạ theo số đông, nhằm giảm rủi do về hành vi, thái độ của mình trong cách đánh giá của đại bộ phận còn lại

2- Hội chứng lây lan ( Bầy đàn )

Câu chuyện hài hước của Azit Nexin về dòng người nối đuôi nhau xếp hàng mua mũ ( dù đầu đang đội mũ, giá trị mũ không bao nhiêu, và chẳng cần đến nó lắm ) là một ví dụ hay về loại hội chứng này – biểu hiện tâm lí xã hội của con người trước hành vi mang tính đám đông. Người ta tin rằng hành vi của đám đông thường xuất phát từ những lí do xác đáng và mang ý nghĩa phổ quát. Hành động theo đám đông hoặc dấn mình lẫn vào hành vi chung của đám đông, dưới một lớp vỏ ý thức : ‘trong đám đông luôn có cái lý nào đó’, nếu không thu được lợi thì ít nhất sẽ có tác dụng giảm nhẹ sự rủi do về tâm lí và hành vi cho mỗi người khi họ làm một việc nào đấy trong khuynh hướng hành vi đám đông đó. Ví dụ khi nhiều người bỏ tiền ra mua cổ phiếu, bạn mặc dù chưa hiểu sâu và chưa có phân tích kĩ về việc này nhưng bạn dễ có khuynh hướng bỏ số tiền nhàn rỗi của mình, thậm chí đi vay để mua cổ phiếu.
Những người làm kinh doanh hay lợi dụng hội chứng này để lôi kéo những người ‘ngoài rìa’ tham gia vào những hoạt động thương mại của họ bằng cách tạo ra hay tổ chức những sự kiện, những trào lưu có qui mô lớn, trong đó lồng vào những thông tin, quan điểm khiến người ta cảm nhận đó là ‘xã hội’…Bạn có thể thành công trong giao tiếp ứng xử với đối tác nếu bạn tạo ra được cái gọi là ‘khuynh hướng hay hành vi cộng đồng mang tính xã hội’ khi đó bạn lôi kéo được đối tác vào con đường bạn muốn…

Tóm tắt của hội chứng này là:
– Trong mỗi con người chứa đựng sẵn phản xạ ‘hành vi bầy đàn’. Khi điều đó được cảm nhận theo cách ‘xã hội’ hay ‘khuynh hướng cộng đồng’ thì những người ít thông tin, những người đang có ‘mục đích lang thang’ dễ tập trung vào đó, hoặc ‘a dua’ vào trào lưu.

3- Hội chứng “con gà mái “

Hội chứng này được suy diễn từ câu hỏi vui như sau: con gà mái nghĩ gì khi bị con gà trống đuổi ? Câu trả lời đúng là: con gà mái nó nghĩ rằng liệu ta chạy thế này có nhanh quá không ?! ý nghĩa của điều này là bạn nên nắm vững thuật kích thích và điểm kích thích tới hạn dành cho người mà bạn xem là đối tác, cần giao tiếp ứng xử, để đạt được mong đợi một cách hiệu quả nhất. Có thể phát biểu về hội chứng này như sau:

Cái dễ có được là cái ít có giá trị. Một trong những điều được coi là giá trị khi người ta phải vượt qua thách đố mà theo đuổi được đối tượng mới thấy đối tượng đáng quí và mãn nguyện với chính mình. Biết kích thích sự hào hứng của đối tác bởi sự đề cao giá trị bản thân trong một giới hạn thách đố khả thi.

Tính thách thức là ‘tâm lí đinh’ trong trò chơi cuộc sống. Đó là niềm vui, là sự thể hiện sự khôn ngoan….để dần dần tìm thấy sự chấp nhận được lợi ích của mỗi bên sau khi vượt qua các khó khăn và trở ngại . Cuộc sống không dễ dàng, Cuộc sống luôn có điều kiện và đòi được trả ‘đúng gia’ cho mỗi một mưu cầu của bạn. Vậy tại sao bạn không tạo cơ hội cho họ có chút niềm vui đó? Nếu bạn xác định chắc chắn rằng đối tác chính là người mà bạn cần, thì bạn hãy nên biết đưa ra điều kiện của mình từng bước nhỏ, trong một cố gắng thăm dò phản ứng của đối tác để điều chỉnh ngay mức độ các điều kiện đó với thiện chí là để họ sẽ chấp nhận, theo đuổi và đáp ứng được. Nhưng đôi khi việc bạn sốt sắng quá mức khiến cho đối tác có cảm giác nghi ngại, hoặc họ sẽ tự cao tự đại mà sẽ khắt khe với bạn hơn. Bạn nên kích thích đối tác, tùy thời điểm, điều tiết tốt với mức độ khiến họ luôn hào hứng. Tức là nên xác định được điểm tới hạn về mong muốn về nhu cầu của đối tác, và hãy dự trữ khả năng ứng xử thực tế của bạn đủ để thu hút và dẫn đắt được sự quan tâm của đối tác, chống được ‘tình trạng bão hòa’ về tâm lý của đối tác.

4- Hội chứng mặc cảm:

Con người ai cũng tồn tại ít nhiều các khiếm khuyết về hiểu biết hoặc thiếu hụt về những khả năng cụ thể khi tiếp xúc với một vấn đề nhất định, khi cân nhắc trước khi ra quyết định, hay thực hiện một việc gì. Họ hoàn toàn tự cảm nhận được điều đó và tìm cách che dấu chúng, không muốn người khác biết được khi giao tiếp với họ. Điều đó đặc biệt rõ ràng khi họ trong hoàn cảnh văn minh hơn môi trường họ từng sống. Những biểu hiện thường thấy của hội chứng này là:

Mỗi người dù có điểm mạnh nào đó, nhưng rơi vào hoàn cảnh hay môi trường văn minh hơn mà điểm mạnh đó không được thừa nhận thường rơi vào trạng thái tâm lý tự ti, nên giấu mình, hoặc cố gồng mình lên ( xù lông, hoa hòe hoa sói ) một cách lộ liễu, mâu thuẫn nội tâm: vừa thích nhưng vừa bài xích những gì mình không đạt được.

Hội chứng mặc cảm dẫn đến hiệu ứng giao tiếp: mặc cảm ? bộc lộ dở trong giao tiếp, ứng xử ? truyền sang và gây khó xử cho đối tác. Nó cản trở quá trình giao tiếp chân thành, dễ bị suy diễn và đi xa cốt lõi của vấn đề mà hai bên quan tâm và mong đạt tới. Bạn với tư cách là người giao tiếp với họ, nên tinh tế nhận thấy và khôn khéo tránh cho họ sự lúng túng khó xử, tạo bầu không khí giao tiếp thân thiện và thoải mái. Ví dụ một khách hàng trông có vẻ nghèo đến cửa hàng của bạn với ý định muốn mua một dây chuyền bằng ngọc trai có thể là để tặng bạn gái. Anh ta nghèo thật, vì thế tỏ ra rụt rè, thận trọng đến mức ngại ngùng khi hỏi bạn những thông số liên quan đến một vài chuỗi ngọc trai bầy trong tủ kính. Dù anh ta có mua được hay không thì sự niềm nở lịch sự của bạn không bao giờ là vô ích. Người Nhật có một quan niệm rất hay trong giao tiếp. Họ cho rằng chào hỏi là nghi lễ, động tác đầu tiên trong giao tiếp cần phải tỏ ra cung kính với khách: muốn tôn trọng người, mình phải khiêm nhường. Cảm giác của đối tác là tự tin hơn, kính trọng lại chủ nhân, thoát khỏi trạng thái mặc cảm nếu có.

5- Hội chứng con đường rút lui tâm lí

Trong giao tiếp, đối thoại, khi đối tác rơi vào sai lầm, hay thế yếu rõ ràng, bạn nên có cách khôn khéo mở cho họ một lối thoát dễ chấp nhận nhất về tâm lý, bằng cách tìm một lí do nhẹ nhàng, hay ho để họ đi ra bế tắc một cách tự nhiên nhất, không bị bẽ mặt, mà hoàn toàn có lợi cho mong muốn của bạn. Hơn nữa thông thường khi một bên đã tỏ ra thiện chí thì cũng tạo điều kiện cho bên kia một cách tương tự. Nội dung của hội chứng này là:

Con người không muốn tự công nhận mình hố, mình kém, tự nhiên bị dắt mũi vào sự thua thiệt. Trong nhiều tình huống bất khả hành động tiếp, họ muốn tìm thấy những lí do giải thích cho những quyết định mới, khác của mình, và muốn được người khác thừa nhận đó là những điều chính đáng, tuyệt hơn là có chỗ dựa về danh dự.

Chuyện kể rằng: vào những tháng cuối cùng của cuộc thế chiến lần thứ II, quân Mĩ chiếm được một hòn đảo lớn trên Thái Bình Dương. Lúc đó trên đảo này còn một bộ phận nhỏ lính Nhật đang lẩn trốn và chiến đấu trong tuyệt vọng quyết liệt. Dù phía Mĩ kêu gọi thế nào lính Nhật cũng không ra đầu hàng. Trong lúc căng thẳng như thế Một sĩ quan chỉ huy Mĩ nghĩ ra một cách binh vận độc đáo: kêu gọi lính Nhật nếu chịu ra nộp vũ khí thì sẽ được sang Mĩ thăm Holywood một chuyến. Thật bất ngờ, lời kêu gọi không lấy gì làm chắc chắn lắm này đã có sức thuyết phục. Lính Nhật ra khỏi nơi trú ẩn, giao nộp vũ khí. Sau đó để giữ uy tín Chính phủ Mĩ đã thực hiện lời hứa của viên chỉ huy Mĩ đối với họ. Rất có thể những người lính Nhật không phải vì tin lời của viên sĩ quan chỉ huy Mĩ mà ra đầu hàng, nhưng ít nhất vào thời điểm tuyệt vọng đó, lời kêu gọi của viên sĩ quan Mĩ chính là một cách mở đường tâm lí để họ có thể đầu hàng trong danh dự: tư thế của những người khách được mời sang Mĩ, chứ không chỉ là đầu hàng vô điều kiện.

Khi Giao tiếp, bạn nên đội chiếc mũ văn hóa lên đầu, chủ động đưa ra, gợi ý một số các phương án, những điều kiện để cho đối tác của bạn có thể lựa chọn hơn là bạn cố áp đặt cho họ một phương án nào đó cho dù điều đó theo bạn là hết sức có lí. Đối tác dù thế nào luôn có phẩm chất, lòng tự tôn, những nguyên tắc và mục tiêu riêng, do vậy cần gợi mở những giải pháp tâm lí thiện chí để họ vẫn bảo tồn được những điều ấy. Nói một cách chính xác hơn là bạn vẽ ra, tạo ra một con đường tâm lí để người ta có thể đi đến với bạn chứ không phải là đến với người khác hay ngõ cụt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.