Về một Đất nước tươi đẹp

Về một Đất nước tươi đẹp

LÃNG MẠN VỀ CUỘC SỐNG ĐỂ THÊM SỐNG TÍCH CỰC !
Cùng chuỗi bài ‘Định hướng hiến pháp’ / ‘Năm nhận dạng về xã hội tốt đẹp’ …Tôi viết tiếp bài này…vì đã quá hiểu cái ‘xã hội thực tế’ mà chúng ta đang sống…nhưng chúng ta được đi đây đi đó, đang được tiếp cận với những xã hội tốt đẹp hơn…thấy là có thực, đó là ‘thực tế vĩ đại’ hơn mà mỗi người có quyền khao khát và tham gia vào dựng xây nó. Câu nói của Bá Dương ( tác giả ‘Người Trung Hoa xấu xí’ ): nhân dân hạng Ba không thể có lãnh đạo hạng Một! Lãnh đạo hạng Ba không thể tạo ra nhân dân hạng Một ! Lãnh đạo và nhân dân hạng Ba thì đó là sản phẩm của một nền văn hóa hạng Ba, và chỉ tạo ra xã hội dưới hạng Ba mà thôi ! Chí lý !
– Sản sinh ra những chính khách ưu tú, bất chấp nơi đó từng là Đất nước bé tí ( như Singapore với Lý Quang Diệu ), hay vốn dĩ là thuộc địa nhiều năm ( Nam phi với Mandela), hay là một đất nước như Mĩ với bao nhiêu danh nhân là chính khách. Dù chính trị có nhiều bất lường, nhưng dù thế, đất nước đó đủ vĩ đại để sản sinh được ra họ: đi lên bởi bản lĩnh Thiện cách, Minh Trí, Lương Huệ và để lại không chỉ cho nhân dân nước họ mà nhân loại những tư tưởng quản trị xã hội, những thành tựu chính trị để đời. Không những thế, Đất nước đó còn có thể nuôi dưỡng và tạo nên những chính khách chân chính vốn dĩ là những con người bị thua thiệt ( như Đức tạo ra Phó Thủ tướng Philipp Rosler … từng là thuyền nhân người Việt, nước Mĩ tạo ra Obama từ một người da đen bình thường gốc Kenya … ). Những chính trị gia như thế phát biểu chính kiến sáng láng, mạnh mẽ, uy thế, ảnh hưởng về mọi vấn đề xã tắc và quốc tế ! Một Đất nước nào không nhận ra được những con người như thế, không nuôi dưỡng được chí khí tuyệt vời trị quốc bình thiên hạ của họ thì rơi vào định mệnh đen tối, cho dù có muôn chính khách !
– Nơi mà những ai dù được sinh ra ở đâu, có những khiếm khuyết gì, cuộc sống riêng khó khăn như thế nào, từng bị mặc định gì đi chăng nữa, nhưng vẫn được dạy dỗ, và có cơ hội. Ai yêu lao động và có khả năng vẫn có điều kiện thành đạt thực sự thông qua quá trình tôi luyện ‘thử vàng’ thực sự, Những tài năng được phát triển trí tuệ, đạt được sự tinh hoa nghề nghiệp xã hội bằng những công trình đỉnh cao cả về tính lãng mạn, tính nền tảng, lẫn tính ứng dụng rộng rãi, to lớn trong những lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, kinh tế khác nhau. Có thể thấy trường hợp điển hình như thế là Edixon của nước Mĩ, hay Lomonoxop của nước Nga…và rất nhiều nữa ở nhiều nước khác…Muôn đời nhân loại biết ơn những vĩ nhân trí thức với những tác phẩm nghệ thuật khiến cả thế giới đều say mê, những cống hiến khoa học cả thế giới đang sử dụng…. Thực sự là đại diện cho Trí huệ phổ biến tri thức của họ và nhân loại ra khắp năm châu bốn biển, chứ không hem hép tranh luận hủ nho xó nhà. Đất nước nào không tạo ra được những nhân tài trí thức như thế thì rơi vào ‘trưởng tộc sống lâu lên lão làng, thằng chột làm vua xứ mù’ dù có muôn vàn ‘học giả’ được xướng danh
– Đất nước mà nơi đó, không tự huênh hoang về truyền thống tập tục văn hóa lâu đời, những di sản thiên nhiên từng được Tạo hóa ban tặng… Có khả năng đào thải dị mọ, không dung túng cho những hủ tục, không chỉ bảo tồn và tái tạo được những giá trị xứng đáng của chính mình, mà thu nhận, giao hòa, tích hợp được những tuyệt đỉnh của các thời đại và xã hội khác vào trong xã hội tiến bộ của nó, tự làm mới thêm nên bao nhiêu giá trị văn minh ngời sáng, trở thành di sản chung của Nhân loại mang ý nghĩa biểu tượng đỉnh cao của khát vọng, của lao động, của khoa học, của thẩm mĩ…như Kim Tự Tháp, Vạn lý Trường thành, kì quan tháp Eiffel, công viên Disneyland, thành phố điện ảnh Hollywood…khiến bất cứ công dân của nước nào cũng phải thoát khỏi đánh giá định kiến mà ngưỡng mộ rằng đó đích thực là Văn hóa phát triển, đi vào bao nhiêu cuốn sách, tạp chí với hàng trăm ngôn ngữ của các dân tộc, tạo ra thêm bao nhiêu các lợi ích kinh tế phái sinh khác cho những người dân của nó, trở thành niềm tự hào không kí sinh vào lịch sử mà phát tán ánh sáng văn minh. Đất nước không có được khả năng tạo nên những giá trị văn minh như thế chỉ rơi vào u mê, chậm phát triển cho dù có hàng mấy ngàn năm văn hóa xưa đi chăng nữa !
– Nơi mà truyền thông hàng ngày, có thể kịp thời, tại chỗ với phương châm ‘Be the First to Know’, không chỉ đưa tin sống động, trung thực, mọi mặt hoạt động và biểu hiện của đời sống, sự kiện xã hội mình và của quốc tế như nó vốn thế, mà thực sự là nguồn đầu vào tin cậy nhất, nhanh nhất phản ánh những yếu tố xác đáng nhất làm nên sự thay đổi của hối đoái, dịch chuyển của những dòng đầu tư, những tham chiếu khách quan quan trọng để điều chỉnh quyết định của các doanh nhân, các chính sách của cả hệ thống Nhà nước. Truyền thông đó không phải là nơi diễn ra toàn sự dối trá, bóng bẩy kich sĩ, mà đóng vai trò thực sự quan trọng của một xã hội dân chủ và cởi mở, qua đó người ta có thể bộc lộ chính kiến và kiểm chứng những chân giá trị, những khuynh hướng và phản ứng hoàn toàn có thật của cuộc sống. Những người nổi tiếng có đích đáng hay không, phải được phơi bày và buộc phải hoàn thiện tính chân thiện mĩ đối với sự nghiệp của mình. Đất nước không có nền truyền thông như thế thì chỉ diễn ra những ‘trò hề nhảy nhót’ những ma mị của anh đèn ‘Night Club’ mà thôi, cho dù có tổ chức muôn sự kiện, chương trình gì đi nữa !
– Nơi mà những con người được thể hiện và phát triển bản thân trước hết về những sở thích, năng khiếu đích thực, kích thích thực học chứ không phải chạy theo những hội chứng mưu cầu lệch lạc bon chen , ăn người, trưởng giả, chụp giật… Nơi đó sự tự do của người này không xâm hại sự tự do của người khác. Mọi người phải được dạy và định hướng suốt đời về nhân cách sống tự trọng với chính mình, bảo vệ thiên nhiên , làm đẹp thêm cho xã hội gắn với những chuẩn mực văn minh tiến bộ, hiện hữu, phổ biến, hợp thuận an hòa với các quy luật sống. Mọi người yên tâm hoạch định, theo đuổi những giá trị sống lao động năng động, chân thiện, hữu ích mà không lo sợ về tương lai do những thế lực bính quyền áp đặt, thao túng. Ở mọi môi trường sống và làm việc đều có thể nhận dạng được tốt xấu, trắng đen, thiện ác… và có những khả năng, nguồn lực, sức mạnh, lương tri của cộng đồng để chế áp, chiến thắng được những tiêu cực. Đất nước không có được khả năng giáo dưỡng mọi con người của mình thành những công dân chân chính thì dân số có đông bao nhiêu chăng nữa thì chỉ có xã hội rối loạn, lạc hậu và suy đồi mà thôi !
 
Tôi ngẫm nghĩ về Khổng tử : Muốn bình được Thiên Hạ thì trước phải giỏi trị Quốc, Muốn giỏi trị Quốc thì hãy tốt việc tề Gia, Muốn tốt việc tề Gia thì phải nỗ lực tu Thân. Muốn tu Thân phải sống và làm : tâm thiện, chân thành, cách vật, chí tri, hữu ích ! Suy ra một xã hội tuyệt vời thì phải có trong nó những con người như Khổng Tử dạy ! Và Xã hội phải có trách nhiệm tạo ra môi trường cho sự hình thành những con người như thế !

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.