Đẳng cấp & Chính khách

Đẳng cấp & Chính khách

CÓ TIỀN KHÁT DANH. CÓ DANH THÈM ĐỊA VỊ. CÓ ĐỊA VỊ PHẢI CÓ ĐẲNG CẤP RẠNG DANH
Ngoài 5 dấu hiệu trên, có thể nhận diện thêm về Đẳng cấp của các Chính Khách ( thật ra ở một chính khách kiệt xuất, trong họ kết tụ nhiều dấu hiệu, dưới đây tôi chỉ nói những người điển hình nhất ) :

– Những cải cách tầm cỡ quốc gia mang tên họ ( Lin Coln )
– Hiểu biết cao về Văn hóa đất nước và Nhân loại ( Sớc Sin )
– Thú thể thao hoạt hóa và mạnh mẽ ( Putin )
– Năng khiếu thẩm mĩ sâu rộng ( Nữ Hoàng Anh )
– Hùng biện tư tưởng trước công chúng, kích hoạt XH ( Lê Nin )
– Hoạt động Công ích lớn lao cho đất nước ( Tony Blair )
– Mẫu mực tề gia, khiến xã hội kính trọng ( Đặng Tiểu Bình )
– Khuôn vàng thước ngọc trong xử thế ( Vua Thái Lan )
– Chết không mang theo tiền bạc, để lại kì tích ( Stalin )
– Viết hồi ký như lược sử về lãnh đạo ( Bill Clinton )

Trong bài này tôi chỉ thêm vài lời bàn về ý nghĩa đích thực của ‘Đẳng cấp’ như thế nào! Có thể xem thêm bài tôi đã viết “Về sở hữu, vị thế và xã hội hóa”.

Đẳng cấp là những bậc thang giá trị được thừa nhận và định vị trên mặt bằng trình độ cao về văn minh của xã hội, có khả năng hướng tới những tầm giá trị cao ( về cống hiến, hành xử, dẫn dắt…phát triển ) . Do vậy một người là Tộc Trưởng của một bộ tộc không thể coi là Đẳng cấp cao được cho dù Ông ta là người có địa vị cao nhất trong bộ tộc ấy. Từ điều này cũng có thể hiểu và thông cảm được với lời bộc bạch của một ông nguyên là Thủ Tướng: “Tôi không muốn làm Thủ Tướng của một nước nghèo”

Đẳng cấp là Giá trị Xã hội được thừa nhận về những gì mà người ở Đẳng cấp đó có thể cống hiến, làm cho mọi người được hưởng lợi, được khai sáng… từ đó tôn vinh và ngợi ca, như tấm gương của nhân cách. Đẳng cấp không thể bỏ tiền mua được theo kiểu ‘đi tắt đón đầu’. Cho nên những kẻ mafia luôn rất sẵn tiền và chúngmua được mọi thứ nhưng không thể nào gọi chúng là những người có ‘Đẳng cấp cao’ trong xã hội được.

Vua Arthur của nước Anh thế kỉ 17 với ý tưởng ‘Hội nghị Bàn tròn’ : ngồi xung quanh Bàn này, xứng đáng và danh dự, bất kể anh xuất thân từ đâu, nhưng với Lưỡi gươm Hiệp sĩ, tinh thần quả cảm, lòng nghĩa hiệp mà anh đã thể hiện được xã hội ngợi ca. Lạn Tương Như khi chưa hề nổi danh đã trừng mắt áp đảo Vua Tề giữa chốn gươm giáo sáng lòa để rửa nhục cho vua Triệu của mình, rồi sau không vì thế mà lên mặt với Liêm Pha, cốt giữ đại nghiệp của quốc gia. Dự Nhượng vốn chỉ là môn khách nhưng 3 lần nuốt than báo thù cho chủ như đã từng hứa. Hạng Vũ thua trận nhưng đúng là một anh hùng được ngợi ca, còn Lưu Bang đại thắng trở thành Hoàng Đế người sau vẫn vì cái chất hạ đẳng của ông mà gọi là tiểu nhân. Quan Công thua trận nhưng vẫn uy nghi, cửa chính, giữa đường mà đi, chết đi mà nhân cách được Hậu thế phong Thánh. Quân Nhật thua trận bị giải giáp vũ khí mà đội ngũ đầy khí phách vẫn làm Quân Đồng minh phải giật mình kính nể. Chị Võ Thị Sáu 17 tuổi đời mà ngẩng cao đầu khi tiết, với nụ cười trong trắng, đi giữa hai hàng lê của kẻ thù khiến họ kính trọng. Lý Quang Diệu chưa một lần nhận mình là nhân kiệt, là Thủ Tướng của một quốc gia nhỏ bé mà khiến cả thế giới nghiêng mình kính trọng. Những đám tàn quân Phát xit Đức trong tình cảnh đại bại mà vẫn trên bảo dưới nghe, quân phục hàng lối chỉnh tề để ai cũng thừa nhận rằng Giá trị cốt lõi của người Đức là kỉ luật tổ chức. Có người là chủ nhân nhưng ở nhà không bằng Oshin, đến nơi công sở mang tính cách Oshin đi làm…

Một chuyện ở nước bên cạnh có kể rằng: hai anh đều mang họ Lưu. Một người là giáo sư nổi tiếng, một người là công nhân lành nghề. Họ ở sát nhà nhau, cuộc sống sam sưa nhưng đầm ấm nhân hậu trong tình hàng xóm thân thiện lắm. Người giáo sư dạy bài học thêm cho con người công nhân. Người công nhân thỉnh thoảng chữa đồ lặt vặt cho nhà người giáo sư… Đến một hôm, Cách mạng Văn hóa tràn về… Giáo sư bị coi là thành phần ‘Tiểu Tư sản’, còn anh công nhân được tôn lên làm ‘Thành phần Cách mạng nòng cốt’. Vì thế buộc anh công nhân phải lôi giáo sư ra sân vận động đấu tố với những lời lẽ cay nghiệt, hành vi dã man… Người giáo sư chết oan uổng, anh công nhân được đề bạt dần lên chức có vị trí xã hội cao lắm… Nhưng anh ta vẫn mãi mang và phải mang trong mình ‘Chất giai cấp Công nhân’ dù trong thâm tâm điều anh ta thực muốn là phải lên dần trong nấc thang đẳng cấp cao cơ… Nên anh ta đã đi học bổ túc và thông qua nhiều lớp nay cũng trở thành giáo sư. Anh ta ngồi giữa những người có chức quyền thì là người có học hàm cao nhất, khi ngồi giữa những trí thức đích thực lại là người có chức vụ cao nhất… nhưng luôn thấy châng lâng và cảm nhận sâu sắc rằng : khi về hưu thì tất cả những thứ cả đời đã được vào con đường phải theo đuổi là phù du, không còn sự thừa nhận thực sự của Cộng đồng nữa… vì ngoài thành tích ‘đấu tố’ ngày xưa làm bệ phóng, thực ra chả có giá trị gì nữa. Anh ta đã từng thấy có những công nhân, cả đời là công nhân thôi nhưng đã được xã hội tôn vinh và kính trọng như thế nào, ngay cả khi họ đã chết đi… Hóa ra không phải là địa vị giai cấp, chức vụ, học hàm anh khoác… Mà là những giá trị sống của anh nó đã có ích cho xã hội văn minh hơn như thế nào… Anh ước giá như mình cứ yên ổn làm công nhân như trước kia, ít nhất không phải hại chết một giáo sư hữu ích và đáng kính…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.