Mơ ước của Bạn

Mơ ước của Bạn

ƯỚC MƠ LÀ SUỐI NGUỒN CỦA NIỀM SỐNG

Ai cũng có quyền mơ ước. Dù cuộc sống thế nào hãy cứ mơ ước đi… Khi không thể như thế thì cuộc sống của Bạn mới thực sự đen tối ! Bởi vì suối nguồn cuộc sống không hẳn là Bạn đã có gì mà là sống động trong sâu thẳm tâm thức, tâm hồn Bạn vẫn có thể trào dâng lên những mơ ước…Sự thật về tương lai của Bạn và ý nghĩa hay ho của Mơ ước chính là ở chỗ Bạn còn mơ ước…

Khi ngày xưa con người còn sống trong thời kì Nguyên Thủy, chưa hơn động vật là mấy. Lúc ấy chưa thể có mơ ước đâu, mà chỉ cựa quậy cái gì đó : mình phải hơn động vật khác và hơn đồng loại về sức mạnh sinh tồn. Nhưng khi đã hình thành nên Xã hội ( với những cách tổ chức cơ bản ra đời : kinh tế, cộng đồng, chính quyền ) thì mặc nhiên mỗi con người không chỉ là con người cá nhân, mà đã hình thành nên con người gia đình và con người xã hội.

Mỗi con người lúc này đã bị cài vào trong Não ( Tư duy, Ý thức , Tâm thức ) 3 ‘Gen Nhân Sinh’ : Vị Kỉ ( mưu cầu ) + Lo Sợ ( ám ảnh ) + Co Giảm ( tư thủ ) – ngoài những Gen thuần túy sinh học . Vì vậy không một ai có thể sống thuần túy theo ý mình nữa, mỗi người quá hữu hạn trong vòng cương tỏa dày đặc của những khuôn khổ bị chi phối, buộc tham gia tranh đấu, phải cố mà vươn lên…cho ‘điều hơn’ có thể và tiệm cận đến như mình muốn. Vì thế con người đã mơ ước như bù vào chỗ trống của điều chưa đạt được và mong đạt được, chí ít như nguồn nhựa sống về tinh lạc quan hoặc niềm hi vọng luôn có nguy cơ bị thực tiễn phũ phàng của cuộc sống làm chai sạn hay đánh bạt đi mất vô dạng, chứ thật ra không ai đánh cắp của Bạn cả ! Vì thế Bạn nên hiểu rằng còn có thể ước mơ thì Bạn còn niềm sống…

Tôi xin kể với các Bạn chuyện nhỏ đã lâu : Mấy người chúng tôi đi điều tra xã hội học, tìm đến một gia đình chỉ có hai mẹ con. Mẹ là công nhân ở khu Công nghiệp Đồng Nai, con trai 18 tuổi thi đậu thủ khoa đại học . Họ sống trong căn nhà tồi tàn ở xa ngoại ô Sài Gòn. Vào nhà thăm, sau đôi hồi chào xã giao, tôi hỏi : chồng chị đâu ? Chị rót nước mời trả lời : anh ta sau khi thấy tôi sinh nó như thế nên bỏ đi biệt âm vô tín, chưa bao giờ gặp lại và tôi cũng không cần đi tìm. Làm việc nuôi con vất vả thế, chị có niềm sống gì chứ, có cảm thấy hạnh phúc không ? Chị cười nhẹ nhàng : có chứ, tất cả là ở thằng bé con đấy. Chị chỉ tay vào con mình và chúng tôi nhìn theo – đó là cậu thanh niên 18 tuổi rồi nhưng nhỏ thó và mắc bệnh dân gọi là ‘cam tẩu mã’ – chúng tôi bước đến cháu ân cần, rồi hỏi như với người mẹ : cháu có niềm sống gì chứ, có hạnh phúc không ?Cậu trả lời bằng giọng nói khó khăn ngọng ngịu vì bệnh tật, nhưng toát lên được từ toàn bộ thân thể : có chứ, đó là mẹ cháu kia kìa ! Thật cảm động, tôi nói : cháu có thể viết cho chú vài chữ làm kỉ niệm được không ? Được ạ, cho cháu mượn cây bút và cuốn sổ. Đưa cho cậu, đỡ nó bằng đôi chân mà viết chậm rãi nắn nót :’Cảm ơn chú đến thăm, chúc chú thấy được những điều kì diệu’. Đón nhận lại cuốn sổ, măt tôi như rớm lệ, khẽ khàng thốt lên : ôi ! cháu viết đẹp đến vậy !? Cậu bé thanh niên nhỏ nhẹ : có gì đâu, vì cháu hành động hợp lý mà…Quay lại người mẹ hỏi : chị ước mơ gì ? Tôi khỏe để luôn lao động được, cháu luôn có niềm vui học tập và làm được những gì phù hợp. Hỏi cậu : cháu mơ ước gì ? Trả lời : Mẹ cháu luôn vui khỏe và cháu lao động được !

Một chuyện khác : tôi có lần đến nhà trao đổi công việc với một vị quan lớn lớn, cũng là có mục đích điều tra xã hội học. Có vẻ như cảm thấy thân tình qua nhiều lần gặp nên vợ chồng họ cũng không cần giữ ý câu nệ gì lắm…. Vợ pha nước nói vu vơ : cho hai đứa con chả thiếu gì để ăn học rồi vào đời mà mình cứ như là người luôn mắc nợ chúng nó í chú ạ. Ông chồng uể oải cũng vu vơ lại: tiếng là thành đạt vinh hiển thế mà nhìn đâu cũng như còn mắc nợ với bao nhiêu người ngoài xã hội kia kìa… Tôi hỏi chị : chị hạnh phúc không ? có mơ ước gì không ? Chị đang tô tô điểm điểm gì, mím miệng nói không mất đến 2 giây : ôi dào, chết cái đó từ lâu rồi! Chồng , oải người trên đi văng : Xì ! hai cái đó chỉ là ý niệm cho có vẻ, nhưng nếu biết đủ sẽ hạnh phúc chăng, nói thật nhé, tôi ước những quan hệ công tác, cho những người có vị trí màu mỡ như tôi cơ hội được biết đủ và dừng lại ở đó được nhỉ ?!


Tôi nghĩ mình không cần bình luận gì thêm với Bạn đọc nữa về những đối thoại trong hai câu chuyện nhỏ đó !
Bạn hãy cố gắng nuôi dưỡng tâm hồn mình có thể luôn còn những Niềm sống và mơ ước được nhé. Và bí quyết ở chỗ hãy tự ‘cài đặt’ lại cho mình thay đổi được ‘3 cái Gen Nhân Sinh’ ở trên như tôi nói , làm ‘mờ’ nó đi bởi hun luyện nên một tâm lý, bản lĩnh vững vàng, cùng với việc phải hàng ngày học cách chỉnh lại lối sống + hành động của mình như thế nào cho tích cực và hiệu quả. Hướng tới Ba Điều tôi đã viết : Chân là sống Thực với Mình + Thiện là sống Lành cho Mình + Mỹ là sống Đẹp bởi Mình

Kết thúc bài này tôi muốn hỏi : nếu coi Thiên Đường là sướng lắm í, thì tại sao có những Tiên Nữ mắc sai phạm bị đày xuống, lại không muốn trở về nữa ?
Nếu Địa Ngục là nởi khổ ải muôn trùng thì tại sao Diêm Vương cứ muốn cai trị mãi thế, rồi thỉnh thoảng ngoi lên Trần như kẻ gian để khiến các Tiên Nữ đã bị giáng Trần phải bị tiếp tục sai lầm với mình ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.